Nhà văn Nguyệt Tú: “Những bài học từ cuộc đời nghệ thuật của cha tôi…”

Thứ Sáu, 02/11/2007, 16:40
Nhà văn Nguyệt Tú đã ở tuổi ngoài 80 nhưng mẫn tiệp lạ thường. Ngồi nghe bà kể chuyện cả buổi, tôi không thấy một chi tiết đặc biệt nào của quá khứ cuộc đời có thể mờ phai trong tâm trí bà. Nhiều người trong chúng ta đã biết, bà là con gái của danh họa Nguyễn Phan Chánh, người khởi xướng cho nghệ thuật tranh lụa Việt Nam, và là phu nhân của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.

Nhà văn Nguyệt Tú từng làm việc tại báo Phụ nữ Việt Nam, rồi Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ. Gần đây nhất, bạn đọc được thưởng thức tập bút ký "Chuyện tình của các chính khách Việt Nam" qua lối kể chuyện nhẹ nhàng và hóm hỉnh của bà.

Nhà văn Nguyệt Tú là con gái đầu của danh họa Nguyễn Phan Chánh, nhờ vậy bà có may mắn được chứng kiến nhiều kỷ niệm về cuộc đời làm hội họa của cha mình. Bà cũng là người đã nhiều lần có vinh dự được làm mẫu cho các bức họa nổi tiếng của người cha thân yêu.

Nói về cha, tưởng đâu như toàn bộ những năm tháng cũ đang trở về, xôn xao trong trí nhớ của bà. "Cha tôi, danh họa Nguyễn Phan Chánh vốn ham vẽ tranh từ thuở nhỏ, nhưng ông chỉ thực sự lựa chọn hội họa là con đường của mình khi đã ở tuổi 30. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đông Ba, Huế và theo nghề dạy học được ít lâu, Nguyễn Phan Chánh bỏ nghề dạy học, dự thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là người duy nhất thuộc dải đất miền Trung thi đậu vào khóa I, Trường Mỹ thuật".

Được đào tạo dưới ngôi trường của những người thầy Pháp, với phương pháp và kỹ thuật hoàn toàn phương Tây, Nguyễn Phan Chánh, với tài năng thiên bẩm đã trở thành một người học trò đặc biệt nhất. Những bức tranh lụa đầu tiên của ông đã làm sửng sốt công chúng.

Nhiều nhà phê bình mỹ thuật và báo chí không ngại ngần đánh giá, rằng sự xuất hiện của Nguyễn Phan Chánh từ những năm 1931-1933 với những bức tranh lụa như "Rửa bát", "Thiếu nữ ngồi khâu", "Chơi ô ăn quan", "Lên đồng", "Vo gạo cầu ao", "Em bé cho chim ăn"... là "tiếng chuông báo hiệu có một nền mỹ thuật Việt Nam với thế giới và với công chúng cả nước".

Trước Nguyễn Phan Chánh, người ta biết tới tranh lụa trong hội họa của người Tàu, người Nhật. Những nét vẽ bị kiềm tỏa, bó hẹp trong ý thức hệ phong kiến. Phô bày trên tranh lụa thường là vẻ đẹp vua chúa đài các, kiêu sa, những gì đã được ước lệ với vẻ tĩnh lặng, kín đáo. Họa sĩ của ta nếu có vẽ tranh lụa cũng vẫn là ở trong sự ảnh hưởng ấy.

Chỉ tới Nguyễn Phan Chánh, lụa đã thực sự được giải phóng. Ông đã đề xuất một nền nghệ thuật hoàn toàn mới cho lụa, không giống nghệ thuật quốc gia nào và cũng không giống bất cứ ai. Một nền hội họa trên lụa của Việt Nam và rất Nguyễn Phan Chánh. Ông trang trọng dành chỗ trên lụa cho các nhân vật mà trước đó từng bị rẻ rúng, lãng quên trong nghệ thuật, đó là những người nông dân và vẻ đẹp khỏe khoắn của họ trong cuộc sống đời thường.

Các bạn cùng học Mỹ thuật với Nguyễn Phan Chánh thời bấy giờ mê mải đi tìm cái mới. Mà cái mới ở đây, theo như nhà nghiên cứu Sỹ Ngọc, là "mới ở không khí, mới cả ở thân hình những con điếm, me Tây, thím khách tràn ngập vào trong nội dung sáng tác của họ".

Còn Nguyễn Phan Chánh, tưởng chừng như lạc điệu, khi ông lang thang khắp nẻo tìm cảm hứng sáng tạo từ những em bé gái nông thôn, những chị nông dân chít khăn mỏ quạ, những hình ảnh dân dã như cái cầu ao, người đàn bà cũ kỹ lên đồng trong khói hương tâm linh...

Nỗi ám ảnh nghệ thuật của ông đã dành trọn cho một "mảnh hồn làng" trong quá khứ của vùng đất quê nghèo Hà Tĩnh nơi ông sinh ra. Những phận người chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, vất vả mà lành hiền trong suy nghĩ, mà thánh thiện trong tình cảm đã bám chặt vào ông như một thứ nợ nần không thể dứt bỏ. Nguyễn Phan Chánh, bằng tác phẩm của mình, đã biến những vẻ đẹp thông thường thành cái đẹp nghệ thuật, được người yêu hội họa không chỉ trong nước mà cả trên thế giới thừa nhận.

Nhà văn Nguyệt Tú nhớ lại: "Cha tôi là người khí khái, cương trực. Bức tranh "Hai chị em" của ông bày ở triển lãm đã có người mua. Nhưng ông Tổng giám thị người Pháp đến xem cũng rất thích bức tranh này, bèn đòi cha tôi vẽ lại bức đó để bán cho ông ta. Cha tôi không chịu, bảo: "Tôi là họa sĩ, chứ không phải thợ chụp ảnh". Và cha tôi phải nghỉ việc dạy học ở Trường Bưởi.

Ông về báo tin với mấy mẹ con tôi, gương mặt đượm buồn: "Bể niêu" rồi, cả nhà về Hà Tĩnh thôi. Thế là về lại quê nhà. Gia đình tôi sống những năm tháng chật vật. Cha tôi lăn lộn khắp vùng đất xứ Nghệ vẽ tranh truyền thần để kiếm sống nuôi gia đình. Nhưng tranh lụa vẫn là niềm đam mê lớn trong ông. Ông tập hợp được 40 bức lụa vẽ hồi ở quê, mang ra Hà Nội triển lãm. Bán được tranh ông lại đưa cả gia đình ra thủ đô".--PageBreak--

Có lần, vào năm 1933, một công ty có trụ sở ở Mỹ gửi thư cho danh họa Nguyễn Phan Chánh (lúc này tên tuổi ông đã được nhiều nước nhắc tới) ngỏ ý mời công cùng gia đình sang Mỹ. Công ty sẽ đài thọ mọi phí tổn để họa sĩ vẽ tranh lụa. Nhưng Nguyễn Phan Chánh từ chối, ông nói với vợ và các con: "Làm sao có thể bỏ quê hương mà đi được. Đến đó thì vẽ cái chi?".

Người họa sĩ An Nam buổi ấy đã ý thức sâu sắc rằng, với người làm nghệ thuật chân chính, quê hương chính là nguồn cội của cảm xúc không thể nào rời bỏ.

Ông như một cái cây, có nhu cầu được bám chặt vào mảnh đất của mình, để chắt lọc những gì tinh túy nhất của đời sống mà phả vào trong mỗi bức tranh, như khúc hoan ca về lòng thủy chung với con người, xứ sở.

Dấu ấn Việt Nam mà Nguyễn Phan Chánh để lại trong lòng hội họa thế giới là một minh chứng cho thấy rằng, ở tận cùng những gì gọi là dân tộc, ta sẽ gặp nhân loại. Những khăn mỏ quạ, những áo nâu sồng, những khuôn mặt thuần hậu, những dáng hình khỏe khoắn, mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh không phải ngẫu nhiên gây được sức lay động lớn lao trong cảm nhận của người yêu hội họa nhiều thế hệ trong nước và thế giới.

Cho dù trong đời sống hiện đại hôm nay, những hình ảnh sinh động trong tranh Nguyễn Phan Chánh đã ít nhiều mất đi, nhưng trong tâm thức người Việt thì những giá trị ấy mãi còn. Nó vĩnh cửu như sự vĩnh cửu của con sông nguồn cội.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh thường nói với các con: "Đời người thật ngắn ngủi. Vinh hoa phú quý qua nhanh như một giấc mộng kê vàng". Đó cũng chính là kim chỉ nam cho người nghệ sĩ đã trót bước vào giấc mộng phù du của nghệ thuật, mà ở đó, với những chân tài, chắc chắn sẽ không ít gập ghềnh số phận.

Lăn lộn với nghề cầm bút, bà Nguyệt Tú cảm nhận hơn ai hết điều này. Từ thời thanh niên, Nguyệt Tú đã rất hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, rồi từ hoàn cảnh thực tế của đời sống đã trải qua bà cầm bút viết văn. Đề tài nhà văn Nguyệt Tú quan tâm nhất vẫn là cuộc đời của những người phụ nữ Việt Nam bình dị, kiên cường trong chiến đấu, hiền hậu trong đời thường.

Công tác tại các đơn vị báo chí, xuất bản dành cho phụ nữ nhiều năm, bà Nguyệt Tú đã có nhiều đóng góp vào sự tiến bộ của phụ nữ, nêu những tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo. Một số cuốn sách viết về cuộc đời của những nữ anh hùng như "Chị Minh Khai", "Chị Lê Thị Riêng", hay "Những người phụ nữ nổi tiếng", "Những mẩu chuyện vui về Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ" (viết chung với nhà văn Mỹ Lady Boston) của bà được độc giả tìm đọc.

Với những thành tích xuất sắc của mình, bà Nguyệt Tú đã vinh dự được nhận Huân chương Vì sự nghiệp báo chí và Huân chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Trong lĩnh vực sáng tác, nhà văn cũng từng được nhận giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho cuốn hồi ký viết về cuộc đời mình, "Đường sáng trăng sao", trong đó, mối tình thơ mộng của người thủ lĩnh phong trào phụ nữ trong kháng chiến chống Pháp với nhà cách mạng Lê Quang Đạo là câu chuyện được nhiều bạn đọc trẻ ngưỡng mộ. Ở bà Nguyệt Tú, có thể nói, lý tưởng cách mạng, tình yêu cuộc đời và tình yêu đôi lứa luôn hòa quyện.

Giờ đây, hai người đàn ông mà bà yêu thương nhất trong cuộc đời đã đi xa, nhưng những kỷ niệm về họ thì vẫn còn sống mãi. Bà dành thời gian sưu tầm những bài viết, những bức tranh đã bị thất lạc của cha mình để tập hợp làm sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Bức tranh về hai cô gái nhỏ chơi trốn tìm (do Nguyệt Tú làm mẫu), bức duy nhất mà danh họa Nguyễn Phan Chánh dành tặng cho con gái yêu của mình, vẫn được treo trang trọng nơi căn phòng lẻ bóng của bà, cho dù đã ố màu thời gian.

Bà Nguyệt Tú tâm sự, hàng ngày nhìn lên bức tranh bà như thấy bóng dáng người cha thân yêu cùng những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt của ông khi cặm cụi làm màu cho bức tranh. Danh họa Nguyễn Phan Chánh chưa bao giờ khuất bóng trong tâm tưởng những người thân và người yêu hội họa nhiều thế hệ.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với hội họa, Nguyễn Phan Chánh đã để lại cho đời hơn 170 tác phẩm, với nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Tên tuổi ông đã bay ra ngoài biên giới đất nước mình, đến với thế giới, tự tin giới thiệu một nền nghệ thuật hội họa Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới từ những năm 30 của thế kỷ XX. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và tác phẩm của ông.

Trong nhật ký của mình, danh họa Nguyễn Phan Chánh từng viết: "Ai có thể nói chắc rằng một bức lụa dù đẹp đến đâu có thể tồn tại mãi mãi. Màu sắc tươi tắn đến mấy rồi cũng phai. Nét vẽ dù đẹp đến mấy cũng không thể giữ. Bản thân người nghệ sĩ rồi cũng mất. Cái còn lại mãi với thời gian là tình người...". Đó cũng là thông điệp mà họa sĩ muốn gửi lại cho các con của mình, cũng là cho những nghệ sĩ trẻ hôm nay

.
.