Nhà văn Nguyễn Xuân Hải: Tôi muốn tri ân một sự tích anh hùng

Thứ Ba, 05/04/2011, 16:07
Kịch bản là đứa con tinh thần của mình. Khi viết, tôi đã hình dung trong đầu nhân vật ấy như thế nào, tính cách ra sao. Khi đạo diễn đọc kịch bản, họ cũng sẽ có những hình dung về các nhân vật trong phim. Tôi muốn góp một tiếng nói để nhân vật lên phim đúng với ý đồ trong kịch bản. Tôi nghĩ, đó là một cách làm khoa học và đỡ tốn kém cho nhà sản xuất...

Ngày 15/3 vừa qua, Đoàn làm phim "Chiến hạm nổ tung" đã bắt đầu bấm máy những cảnh đầu tiên tại Hà Nội. Được chuyển thể từ tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, phim "Chiến hạm nổ tung" dự kiến dài 27 tập do Đại tá, nhà văn Nguyễn Xuân Hải biên kịch; đạo diễn: Nguyễn Chí Thành, quay phim: Vi Linh... Phim  kể về chiến công lừng lẫy của tổ điệp báo A13 và nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi đã đánh nổ tung chiến hạm Amyot d'Inville của Pháp đậu ngoài khơi ở Sầm Sơn - Thanh Hóa tháng 9 năm 1950. Với sự tham gia của các gương mặt nghệ sĩ như Ngọc Thảo, Xuân Trường, NSƯT Khương Đức Thuận, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy... "Chiến hạm nổ tung" hứa hẹn là một bộ phim truyền hình hấp dẫn về đề tài người chiến sĩ Công an. Nhân dịp này, VNCA đã có dịp trò chuyện cùng Đại tá, nhà văn Nguyễn Xuân Hải xung quanh bộ phim này.

- Thưa nhà văn Nguyễn Xuân Hải, "Câu lạc bộ chính khách" là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lê Tri Kỷ, từng hấp dẫn nhiều thế hệ độc giả. Tuy nhiên, không dễ để chuyển thể thành phim. Nguyên cớ nào khiến ông quyết định chắp bút chuyển thể thành kịch bản "Chiến hạm nổ tung"?

 + Cách đây không lâu, tôi đã hoàn thành 36 tập phim "Những người con của "Biệt động Sài Gòn" phần 1 với tựa đề “Không chùn bước” cho một Đài truyền hình phía Nam. Sau đó, thông qua một số đạo diễn 2 miền chắp nối, nhà sản xuất đã đặt hàng tôi chuyển thể kịch bản này.

Về phần mình, từ cuối thập niên 80, khi tiểu thuyết "Câu lạc bộ chính khách" ra mắt, khi đó, tôi cũng vừa từ Bộ đội Biên phòng chuyển sang báo Công an nhân dân, tôi đã được đọc tiểu thuyết này. Sự hấp dẫn của tiểu thuyết về đề tài tình báo khiến tôi từng mơ ước giá mình được xem chiến công này trên màn ảnh.

- Nhà văn Lê Tri Kỷ trong phần mở đầu tiểu thuyết "Câu lạc bộ chính khách" đã tâm sự rằng ông rất vất vả khi thu thập tư liệu về "Vụ đánh đắm chiến hạm Amyot d'Inville", ví dụ như tài liệu thì: "Giấy bản mỏng dính, giấy giang xù xì, giấy xa - tanh đã chuyển nền nham nháp. Tập bết vào nhau, dùng lưỡi bút tách không nổi. Tập tơi tả từng tờ. Tập bị gián nhấm, chuột gặm". Còn nhân chứng thì: "Ngay cả những cán bộ Công an lâu năm cũng ít ai biết trọn vẹn, thậm chí, ngay đến những người trong cuộc cũng mỗi người kể một cách"… Nhưng vượt lên những khó khăn đó, "Câu lạc bộ chính khách" là một tiểu thuyết làm say lòng nhiều độc giả. Ông có gặp khó khăn nào khi chuyển thể tiểu thuyết này không?

+ Trước hết, tôi phải nói rằng "Câu lạc bộ chính khách" là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Lê Tri Kỷ nên sự hưng phấn của tôi chính là thuận lợi đầu tiên. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải cũng không ít. Đây là dạng tiểu thuyết tư liệu, trong khi phim lại là phim truyện. Ai cũng biết, đặc thù của phim truyện là phải có cốt truyện, nhân vật có tính cách, số phận. Việc lệ thuộc quá nhiều vào tư liệu sẽ làm hỏng phim. Vì vậy, tư liệu chỉ là cái cớ cho phim. Phía nhà sản xuất cũng yêu cầu phải có hư cấu để hấp dẫn khán giả. Ngay như khi viết tiểu thuyết, nhà văn Lê Tri Kỷ cũng từng nói: "Tổ điệp báo ấy là có thật nhưng nhân vật trong tổ điệp báo ấy phải thay tên đổi họ. Từ chị Nguyễn Thị Lợi, anh Văn Hoàng, anh Trúc Lâm tới ông Trần Châu Phong, và xa hơn nữa, cao hơn nữa, những người chiến sĩ điệp báo đã chết hay còn sống, có ai mang cái tên thật bao giờ đâu". Vì vậy, trên cơ sở tư liệu, tôi phải hình dung ra nhân vật ấy hình dáng, tính cách như thế nào. Nhưng hư cấu gì thì hư cấu, phim phải làm nổi bật lên ba nhân vật chính trong tổ điệp báo là anh Văn Hoàng, chị Nguyễn Thị Lợi và anh Trúc Lâm. Được cái, tôi vốn là dân học sử nên kiến thức sử học và kho tư liệu về giai đoạn 1946 - 1950 đã hỗ trợ tôi rất nhiều khi viết kịch bản.

- Vâng, hư cấu là việc bắt buộc với phim truyện, nhất lại là phim truyền hình dài tập. Nhưng cụ thể, những hư cấu ấy như thế nào, thưa ông?

+ Ngoài tên 3 nhân vật chính được giữ nguyên như trong tiểu thuyết thì từ một tiểu thuyết hơn 500 trang chuyển thành bộ phim dài 27 tập, tôi phải thêm vào khá nhiều tình huống truyện và nhiều nhân vật phụ. Các nhân vật phụ ấy xoay xung quanh nhân vật chính, phục vụ cho nội dung chính của câu chuyện. Ví dụ như trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn Lê Tri Kỷ chỉ có vài dòng viết về “chiến khu Phục Việt” ở Thanh Hóa, nơi mà cơ quan điệp báo của ta mời một số chính khách nội thành tay chân của tình báo quân sự Pháp đến tham quan nhưng khi chuyển thể thành phim, tôi phải dành 3 tập để nói về chiến khu ấy.

- Chiến công đánh đắm chiến hạm Amyot d'Inville của Tổ điệp báo A13 là một chiến công lừng lẫy của điệp báo Công an ngay ở giai đoạn trứng nước. Tuy nhiên, khoảng cách 60 năm là điều khiến ít nhiều khán giả trẻ chưa hiểu hết chiến công. Vậy ông có thể tóm tắt đôi điều về chiến công này?

+ Vào thời điểm từ 1948 tới 1950, sau thất bại ở chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông, thực dân Pháp buộc phải thay đổi chiến lược. Cùng với việc kéo Bảo Đại về lập chính phủ bù nhìn, Pháp muốn dựa vào lực lượng quốc gia kháng chiến không cộng sản để tăng cường lực lượng chống lại cộng sản. Lực lượng tình báo quân sự Pháp đã lôi kéo được một số người như Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn), Năm Lửa (tức Trần Văn Soái), Nguyễn Văn Thành... từ hàng ngũ Quốc gia những người kháng chiến về với chúng. Tương kế, tựu kế, tình báo Việt Minh dựng lên Phục Việt Cách mạng Đảng, với danh nghĩa là lực lượng quốc gia kháng chiến chống Pháp không cộng sản, song hành cùng Việt Minh ở khu 4. Người đảm nhiệm vai trò Ủy viên Trung ương Đảng này là Văn Hoàng, vốn là Trưởng ty Công an Thanh Hóa nhưng vì lý do “không phải Đảng viên Cộng sản đã phải về với Phục Việt”. Người thứ 2 là Trúc Lâm, vốn là Đội trưởng Đội hành động của Ty Điệp báo Trung ương đóng giả là một quân nhân vi phạm kỷ luật, bị truy nã. Chỉ mấy tháng hoạt động ở nội thành, trong nanh vuốt của kẻ thù, Văn Hoàng và Trúc Lâm đã trở thành những chính khách chiếm được sự cảm tình của Bảo Đại và khá nhiều nhân vật tai to mặt lớn trong chính quyền bù nhìn. Văn Hoàng được giữ chức Quốc vụ khanh của Bảo Đại (tương đương hàm Bộ trưởng). Trúc Lâm được phong Đại úy Liên hiệp Pháp, tháp tùng cho Văn Hoàng. Từ việc "leo cao, chui sâu" ấy, hai chiến sĩ điệp báo đã lần lượt phá được âm mưu tấn công vào vùng tự do của quân đội Pháp cũng như gây chia rẽ nội bộ trong hàng ngũ địch.

Đến năm 1950, trước tình thế cách mạng mới, Ty Điệp báo đã phải thay đổi phương thức "leo cao chui sâu" bằng phương án đánh đắm chiến hạm. Nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi đã đóng giả làm phu nhân ngài Quốc vụ khanh Văn Hoàng mang tài liệu đặc biệt của Phục Việt về nội thành và đảm nhiệm vai trò mang thuốc nổ lên chiến hạm.

- Nhắc tới chiến công đánh đắm chiến hạm Amyot d'Inville, không thể không nhắc tới người nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Hẳn ông dành nhiều tâm huyết cho nhân vật nữ trong Tổ điệp báo này?

+ Tôi cho rằng, nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi là nhân vật rất điển hình trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Từ một người phụ nữ nông dân Nam Bộ bình thường, bế con từ Châu Đốc ra Bắc tìm chồng, chị liên tục phải gánh chịu những nỗi đau: đứa con bị đạn pháo của thực dân Pháp bắn chết ngay trên tay ở miền Trung, gia đình chồng hắt hủi, chồng phụ bạc... Hai lần chị đã phải tìm đến cái chết. Nhưng cả hai lần chị được đồng bào và các chiến sĩ Công an cứu vớt, trong đó có Văn Hoàng khi đó là Trưởng ty Công an Thanh Hóa. Từ một người phụ nữ bất hạnh nhất, được giác ngộ, tôi luyện trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chị đã trở thành anh hùng. Trong tiểu thuyết "Câu lạc bộ chính khách" chỉ có vài chục dòng viết về chị Lợi, nhưng khi chuyển thành phim, tôi đã để chị Lợi xuất hiện trong hơn 20 tập. Và cố gắng để hình ảnh chị ngày càng đẹp, càng xúc động.

- Phim về đề tài chiến công cách mạng, ông đã làm thế nào để phim không bị cảm giác xơ cứng?

+ Điệp vụ cuối cùng là gói thuốc nổ 30 kg làm nổ tung một chiến hạm lớn với hàng trăm tên lính Pháp và hàng trăm tấn vũ khí, khí tài. Cảnh phim này chỉ xuất hiện vào giây phút căng thẳng nhất, vào những giây cuối cùng trong cuộc đấu trí giữa những người tình báo Công an Việt Nam thời kỳ non trẻ với hệ thống tình báo của Pháp ở Đông Dương cáo già và đầy kinh nghiệm. Việc đánh đắm chiến hạm không chỉ đập tan âm mưu của quân đội Pháp đánh vào vùng tự do khu 4, làm thiệt hại về vũ khí, binh lính mà còn làm sụp đổ một mưu đồ chính trị dẫn đến mâu thuẫn nội bộ của kẻ xâm lược. Tôi muốn thông qua bộ phim để tôn vinh sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng Công an, tri ân một sự tích anh hùng và những người thầm lặng hy sinh.

- Với nhiều nhà biên kịch, sau khi giao kịch bản cho đạo diễn là họ đã... hết trách nhiệm. Nhưng, ở nhiều bộ phim, người ta vẫn thấy ông quan tâm tham gia góp ý từ việc chọn diễn viên đến chọn bối cảnh... Tại sao ông lại phải... mất công như vậy?

+ Kịch bản là đứa con tinh thần của mình. Khi viết, tôi đã hình dung trong đầu nhân vật ấy như thế nào, tính cách ra sao. Khi đạo diễn đọc kịch bản, họ cũng sẽ có những hình dung về các nhân vật trong phim. Tôi muốn góp một tiếng nói để nhân vật lên phim đúng với ý đồ trong kịch bản. Tôi nghĩ, đó là một cách làm khoa học và đỡ tốn kém cho nhà sản xuất...

- Là tác giả có tới gần chục bộ phim về đề tài CAND, ông có suy nghĩ gì về đề tài này trên lĩnh vực điện ảnh - truyền hình?

+ Tôi vẫn luôn cho rằng, đề tài người chiến sĩ Công an rất hấp dẫn. Các nhà biên kịch trong và ngoài ngành đều đang cố gắng tập trung để có nhiều tác phẩm hay. Tuy nhiên, làm thế nào để các tác phẩm phản ánh chân thực và sinh động chân dung người chiến sĩ Công an, xứng tầm với những chiến công của lực lượng Công an vẫn phụ thuộc vào trình độ, tài năng của mỗi tác giả.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thảo Duyên (thực hiện)
.
.