Nhà văn Nguyễn Kiên: Vụ mùa đã gặt

Thứ Bảy, 21/04/2007, 09:30

Với những tác phẩm đầy ắp hơi thở của cuộc sống, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, Nguyễn Kiên đã xác lập được chỗ đứng của mình tại Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp.

Sinh năm Ất Hợi (1935), mười hai tuổi xa nhà đi kháng chiến, là đội viên thiếu niên tuyên truyền xung phong, là học viên Trường Văn nghệ nhân dân Việt Bắc, làm các nghề: giáo viên, cán bộ phụ trách thiếu nhi, cán bộ Đoàn rồi trở thành nhà văn chuyên nghiệp...

Đó là đôi dòng phác thảo về nhà văn Nguyễn Kiên, giải thưởng Nhà nước về VHNT (đợt I), tác giả của hơn mười tập truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, trong đó tác phẩm "Chim khách kêu" đã được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2001. Năm 2002, cũng với "Chim khách kêu", nhà văn Nguyễn Kiên đã được nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á.

Nhà văn Nguyễn Kiên (ngoài cùng bên phải) cùng nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Thanh Hương và nhà thơ Phạm Hổ.

Sinh ra và lớn lên ở làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Nguyễn Kiên chỉ là bút danh, còn tên cha mẹ đặt cho ông là Nguyễn Quang Hưởng. Năm 1947, tình cờ có Đội Tuyên truyền xung phong của Tổng bộ Việt Minh qua làng, cậu bé Hưởng nằng nặc xin mẹ đi theo.

Trong hành trang kiến thức của Quang Hưởng ngày ấy chỉ có một ít chữ Nho do người bố, vốn là ông đồ dạy cho và một ít chữ Quốc ngữ mấy năm học tiểu học. Lên đến chiến khu Việt Bắc, Quang Hưởng được biên chế vào Đội Thiếu nhi Tuyên truyền xung phong.

Đội còn có mười bạn cùng lứa do hai anh Vũ Hướng và Trần Hoạt phụ trách. Anh Vũ Hướng (sau này là giảng viên Trường Âm nhạc Hà Nội) dạy múa hát, còn anh Trần Hoạt (sau này là đạo diễn sân khấu nổi tiếng) dạy diễn kịch. Hầu hết các tiết mục ca múa và kịch nói đều do hai anh phụ trách đội tự biên, mười em Đội Thiếu nhi Tuyên truyền xung phong tự diễn để động viên chiến sĩ đồng bào hăng hái kháng chiến kiến quốc.

Quang Hưởng thường được chọn vào các vai kịch. Những lớp diễn khá, vào đến cánh gà, đạo diễn Trần Hoạt ôm chầm lấy khen rối rít, những lớp diễn dở, thường bị anh cốc lủng đầu. Nhưng cho dù diễn khá hay diễn dở thì đêm kịch nào của Đội Tuyên truyền xung phong cũng chật ních đồng bào và chiến sĩ đến xem.

Nhờ những vai kịch mà Quang Hưởng được cấp trên đánh giá là có năng khiếu nghệ thuật và được gửi đến học tại Trường Văn nghệ nhân dân Việt Bắc. Trường do nhà văn Nguyên Hồng làm Giám đốc, nhà thơ Bàn Tài Đoàn làm Trưởng tràng. Khóa học ba tháng dẫu ngắn ngủi  nhưng được khá nhiều nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ, Phan Khôi... đến giảng hoặc nói chuyện.

Những bài học văn chương đầu tiên nơi chiến khu gian khổ chẳng những giúp Quang Hưởng vỡ vạc được nhiều điều mà còn nhen lên trong anh ngọn lửa đam mê sáng tác văn học. Quang Hưởng học viết và cặm cụi viết.

Năm 1956 cuốn sách mang nhan đề "Những ngày đi lưu động" dày 100 trang của tác giả Nguyễn Kiên, một cái tên mới toanh trong làng văn được ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi cả nước. Nội dung cuốn sách và tác giả trẻ Nguyễn Kiên (bút danh của Nguyễn Quang Hưởng) đã được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất chú ý.

Là một người luôn quan tâm tới các cây bút trẻ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho mời Nguyễn Kiên tới trò chuyện và khuyên: Muốn thành người viết văn phải đi nhiều, biết nhiều, đọc nhiều và học nhiều. Ông gợi ý cho Nguyễn Kiên phải đi thực tế. Nguyễn Kiên đã  làm theo lời khuyên ấy và tiếp tục khoác ba lô xuống các hợp tác xã nông nghiệp thuộc tỉnh Hà Đông (cũ).

Với chức danh là Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Đoàn Hà Đông, cây bút trẻ Nguyễn Kiên xin được xuống các hợp tác xã nông nghiệp "ba cùng" với bà con nông dân. Sau những ngày thâm nhập thực tế, ông đã có thêm một số tập truyện ngắn mới như: "Đồng tháng năm", "Trong làng", "Đáy nước".

Với những tác phẩm đầy ắp hơi thở của cuộc sống, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, Nguyễn Kiên đã xác lập được chỗ đứng của mình tại Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp.

Nhà văn Vũ Tú Nam đã nhận xét về Nguyễn Kiên: "Anh như người thợ thủ công, làm việc cặn kẽ, cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo. Chúng ta thấy trong sáng tác của Nguyễn Kiên ngôn ngữ Bắc Bộ tinh tế, sinh động".

"Cày sâu cuốc bẫm" trong mảng đề tài nông thôn, đến nay Nguyễn Kiên đã gặt hái được một số tác phẩm gây ấn tượng với bạn đọc: "Vùng quê yên tĩnh", "Nhìn dưới mặt trời", "Một cảnh đời"; "Đáy nước", "Miếu hoang", "Những mảnh vỡ", "Vụ mùa chưa gặt", "Chim khách kêu"...

Ngày 4/10/2002 tại Thư viện Quốc gia Bangkok - Thái Lan đã diễn ra cuộc gặp mặt của các nhà văn được nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á với độc giả.Tại cuộc gặp mặt này, nhà văn Việt Nam Nguyễn Kiên đã có vinh dự đứng lên bục diễn giả giới thiệu với bạn bè văn chương quốc tế và những người yêu mến văn học tập truyện ngắn "Chim khách kêu" của ông. "Chim khách kêu" đã trở thành sứ giả của văn chương Việt Nam ở diễn đàn khu vực

.
.