Nhà văn Nguyễn Khải: Người của một thời

Chủ Nhật, 05/08/2007, 17:09
Cuộc đời nhà văn Nguyễn Khải bằng phẳng, có thể nói là khá may mắn. Nhưng nhân vật trong truyện của ông thì thường khắc khổ, thường đau đáu cái nhìn về nhiều hướng. Ông nói ông cảm nhận được những khó khăn của người xung quanh mình, lấy đó để viết, để học tập…

Cái hẹn giữa tôi và ông cứ lần lữa mãi. Hôm thì ông bận, lúc thì tôi bệnh. Cuối cùng rồi cũng có dịp hầu chuyện ông trong căn phòng tận lầu 8, tại tòa cao ốc trên đường Tôn Đản (Quận 4, TP Hồ Chí Minh).

Muốn gặp nhà văn cũng “phức tạp” lắm, phải qua một lần bảo vệ. Lại thêm người hộ tống lên thang máy để đến phòng ông. Tôi đùa: “Gặp bác khó cứ như gặp chính khách”. “Con cái nó làm ăn đấy mà, nên phải chịu thế thôi” - Ông đáp.

Nhà văn Nguyễn Khải hay tự nhận mình là người ít tài, nhưng được cái cần cù trong nghiệp cầm bút, nên mới đạt được ít nhiều thành tựu như hôm nay. Ông nói thì nói vậy, nhưng tôi vẫn nghĩ nghiệp văn chương chọn ông chứ không phải ông chọn nghề. Vì suýt chút nữa ông đã trở thành bác sĩ quân y, nếu như đầu năm 1949, Ban chính trị tỉnh đội không điều ông về làm phóng viên tờ báo tỉnh đội.

Rồi nhờ làm báo mà ông bắt đầu tiếp xúc được với những  văn sĩ lẫy lừng thời đó như: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng… Điều thú vị hơn, Nguyễn Khải gọi các vị ấy là “nửa thần nửa người”. Đơn giản vì cái “Làng”, cái “Vợ nhặt” của Kim Lân; hay cái “Chùa đàn”, “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân; hoặc “Chí Phèo” của Nam Cao đọc cứ thấy rờn rợn người. Ông cho đó là thần mượn tay người mà viết nên những câu chữ ấy.

So với các cây bút thành danh thời điểm ấy thì với Nguyễn Tuân, ông có nhiều kỷ niệm hơn cả. Nhiều kỷ niệm đến mức ông sòng phẳng bảo, ông rất yêu ông Nguyễn, rất mê văn ông và vẫn thường “ăn cắp” nhiều từ mà Nguyễn Tuân đã dùng.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Nguyễn Khải chịu ảnh hưởng của Nguyễn Tuân trong cách nghĩ lẫn cách viết. Có lần, Nguyễn Khải mang khoe với Nguyễn Tuân cái bút ký viết về một trận đánh địa lôi.

Cụ Nguyễn lướt nhanh rồi bảo: “Cái chuyện này anh viết pittoresque quá”, nghĩa là viết dùng chữ bóng lộn, đẹp quá nhưng không thực. Tức nghĩa là chê khéo rồi đấy. Thời điểm ấy cụ Nguyễn đã 40, còn nhà văn Nguyễn Khải mới 20, còn ít hơn con của cụ Nguyễn là tướng Xuân Trường vài tuổi. Nhưng mặc, cả hai vẫn cứ “anh anh em em” chứ không “chú-cháu” hay “bác-cháu” gì cả.

Với nhà văn Nguyễn Khải thì bất cứ nghề nào cũng cần có thầy. Nhất là nghề viết thì càng cần hơn nữa. Lạ lẫm thay, người “khai tâm” cho ngòi bút của ông không phải là Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… hay bất kỳ ai khác mà chính là nhà thơ nghiệp dư Việt Quyên.

Nhà văn Nguyễn Khải kể, nhà thơ Việt Quyên làm thơ cũng bình thường thôi. Nhưng ông đọc và bình thơ thì nghe mê tơi. Ông cũng là bạn thân của Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…

Biết Nguyễn Khải mê viết lách, nhà thơ Việt Quyên “mớm” cho ông từng cái bút ký, tài liệu để ông tham khảo thêm. Quan trọng hơn, Việt Quyên truyền được cho Nguyễn Khải cái khao khát thầm kín của người cầm bút “Tuy không thành một nhà văn như mình ao ước thì cũng được quyền chiêm ngưỡng những tài năng đã sống gần gũi với mình, từng là bạn mình. Và mình, duy nhất chỉ có mình là biết thưởng thức cái ý vị thầm kín của từng ý tưởng, từng câu văn của họ”.

Ông bảo với tôi ông bước vào nghề văn với hai bàn tay trắng đúng nghĩa. Là con của một bà vợ lẽ của tri huyện thì được gì. Vợ lẽ đâu phải bà cả, nên thỉnh thoảng bố ông mới ghé thăm. Xung quanh ông toàn đàn bà, mà xung quanh phụ nữ nhiều cũng nguy hiểm cho một thằng đàn ông lắm, như cách nói của ông.

Nên khi vào bộ đội, ông rụt rè nhút nhát như con gái, thích dựa dẫm, ỷ lại. Nhưng được cái, cách mạng bình đẳng trước mọi người. Cách mạng chỉ có tiêu chí là có hoàn thành sứ mệnh được giao hay không, chứ không có chuyện xét đoán giàu sang, giai tầng…

Thêm nữa, những dân quân ngày ấy toàn là những người mạnh mẽ “vứt vào đâu cũng sống được, việc gì cũng hoàn thành”, ông học tập từ họ mà mạnh mẽ lên.

Ngày nhập ngũ, Nguyễn Khải chưa học hết thành chung, nghĩa là chỉ khoảng lớp 6, lớp 7 ngày nay, chỉ biết chút ít tiếng Pháp. Vốn liếng ông chỉ có thế. Vậy là ông học thêm.

Học bằng cách giúp các trí thức trong quân đoàn mang gạo, đào hầm để đổi lại, những trí thức này sẽ dạy cho ông về triết học, ngoại ngữ, về xã hội học, lịch sử… Ông cần cù học, cứ bổ sung từng chút kiến thức một vào kho trí tuệ của mình. Rồi ông viết truyện vừa đầu tiên mang tên “Xây dựng”, được giải Lê Thanh Nghị của Chi hội Văn nghệ Liên khu Ba, giải ba, không có giải nhất và giải nhì.

Lại được Hội Văn nghệ Trung ương trao giải khuyến khích năm 1952, giải thưởng văn học đầu tiên của nền văn học kháng chiến. Nhưng giải thưởng này không làm ông hạnh phúc, vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, đó phần nào cũng là bước chạy lấy đà để ông viết tiếp “Xung đột”, “Mùa lạc”, “Chủ tịch huyện”, “Cha và con và...”, “Tầm nhìn xa”, “Cái thời lãng mạn”…

Có chuyện vui vui, khi ông đã chính thức có danh trong văn đàn. Một lần, ông mang số tiền rất lớn từ nhuận bút của quyển “Người con gái quang vinh”về đưa mẹ, bà cụ cầm bọc tiền đầy vẻ lo âu bảo: “Con ăn cắp tiền của Nhà nước đấy à?”. Rồi bà không đi buôn bán nữa, suốt ngày ngồi nhà giữ số tiền ấy. Sáng đếm, chiều đếm, rồi liên tục mở cái rương đựng số tiền ấy ra kiểm tra. Cứ như là sợ tiền bốc hơi ngay lập tức.

Quanh quẩn chuyện viết lách xa xưa, ông lại nói về tình đồng nghiệp trong giới cầm bút với nhau. Ông bảo ngày xưa được đồng nghiệp khen một câu là sướng lắm. Vì có thể lừa bạn đọc chứ người trong nghề với nhau thì hay dở thế nào chỉ cần đọc là biết ngày.

Như cái hồi ông viết “Chủ tịch huyện”, gặp Nguyên Hồng trên phố Trần Hưng Đạo, Nguyên Hồng đưa tay lên chào ông rồi gọi to: “Ê, Ông chủ tịch huyện”. Thế đấy, coi như là một lời khen.

Hay khi ông viết “Cha và con và...”, cụ Nguyễn có bảo ông: “Khải này, việc gì cậu phải viết đầu sách là một câu chuyện tưởng tượng…”. Chứng tỏ là cụ Nguyễn có đọc ông. Hay khi nhà văn Trần Dần ngồi uống bia với ông nói: “Cố lên, Khải ạ! Lớp chúng tớ rất hy vọng cậu là một tác giả”. Rồi Phùng Quán cũng khen ông viết hay…

Còn giờ thì khen chê lăng xê nhau. Khen tay A để tay B hụt hơi. Khen loạn xạ lên rồi lại mất hun hút. Buồn chứ phải không, thưa bác Nguyễn Khải?

Nhà văn Nguyễn Khải có câu rất nói nổi tiếng: “Nếu tôi là người lãnh đạo thì có thể mất chính quyền, nhưng làm người viết văn thì được”. Đơn giản thôi, tính Nguyễn Khải hay sợ làm mất lòng, làm nhục người khác.

Cuộc đời ông bằng phẳng, có thể nói là khá may mắn. Nhưng nhân vật trong truyện của ông thì thường khắc khổ, thường đau đáu cái nhìn về nhiều hướng. Ông nói ông cảm nhận được những khó khăn của người xung quanh mình, lấy đó để viết, để học tập…

Như là một tuyên ngôn văn chương của chình mình, ông tâm sự: “Tôi tuyệt đối không viết theo thời và cũng không viết theo những nhu cầu không thể chấp nhận được của thị trường sách báo”.

Bởi với ông, đã viết là phải lạ. Phải có một cách nhìn mới, tư duy mới, chứ không chỉ chăm chăm làm cho câu chuyện của mình hay lên. Kiểu như, người ta nhìn thấy hình tròn, anh phải thấy hình vuông hoặc hình chữ nhật gì đấy. Chứ nếu người ta thấy hình tròn, anh cũng thấy hình tròn và cố gắng viết cho nó tròn hơn thì có gì hay.

Tôi hỏi ông rằng so với những gì ông vừa viết, như quyển “Nghề văn cũng lắm công phu” chẳng hạn, thì vẫn mới đấy chứ. Sao ông vội vàng tự nhận mình là “nhà văn của một thời”. Ông trần tình, mình chỉ có một thời thôi. Còn bây giờ nhiều cái mới, cái lạ lắm. Viết mà cứ quẩn quanh thì viết làm gì.

Điều may mắn của ông là ông không bao giờ nhân nhượng với chính mình, không ngại mổ xẻ mình khi viết. Có thể vì lẽ đó, mà thỉnh thoảng ông vẫn có hứng ngồi vào bàn viết. Ông thích chơi với những người trẻ, vì họ lạ, họ tươi mới.

Ông thích những “Cơ chế nghệ sĩ” (chữ của nhà văn Nguyễn Khải) như: Đỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Phạm Tiến Duật… vì họ “thở cũng sẽ ra tác phẩm”. Tài đến thế là cùng. Nhà văn Nguyễn Khải khoe là ông mới chọn gửi 40 trang bản thảo cuốn sách mới ra Hà Nội, có nhan đề “Trôi theo tự nhiên”.

Quan trọng nhất trong quyển này là chương “Hồi ức về sự hình thành một bút pháp”, ông viết về chính ông. Ông nói chắc sẽ cố gắng viết vài mươi trang nữa cho đủ trăm trang. Mà không biết người ta có chịu in không?

Trước khi chào ông ra về, tôi hỏi ông đang mong muốn điều gì Ông trả lời, chỉ mong có sức khỏe để đi thôi. Đi để khai thác những hồi ức đã ngủ quên trong mình, đi để viết. Đi để đào những cái “vỉa” mới trong tư duy…

Mà nhà văn mình bây giờ đâu còn khỏe nhiều nữa. Mỗi tuần, ông phải đến Bệnh viện Thống Nhất hai lần để bác sĩ theo dõi bệnh tật. Dẫu vậy, cũng chính ông sớm hoàn thành được ước mong của mình. Mà thú thật, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không tin ông là “Nhà văn của một thời”, như ông tự nhận

Ngô Phan
.
.