Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Một thời và mãi mãi

Thứ Hai, 10/09/2007, 08:45
Trong quá trình đi tìm tư liệu để thực hiện chuyên mục này, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn, bởi với những văn nghệ sĩ đã quá cố hoặc cao tuổi, do nhiều nguyên nhân, gia đình họ giữ được rất ít những bức ảnh kỷ niệm.

Nhưng khi tiếp xúc với gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi được anh Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn cho xem một khối lượng ảnh khá lớn của ông. Những tấm ảnh quý giá bên cạnh hơn 40 tập nhật ký lớn nhỏ đã được bà quả phụ Trịnh Thị Uyên bảo quản trọn vẹn.

Điều đặc biệt là hầu hết những tấm ảnh ấy đều rất nhỏ, có tấm bằng bao diêm, thậm chí, có tấm trông chỉ thu gọn như chiếc tem thư. Kỷ lục nhất có lẽ là chiếc ảnh chụp 8 người, kích thước 3,3 x 2,2 cm… Nửa thế kỷ nay, những tấm ảnh ấy đã được gìn giữ như những báu vật.

Và giờ đây, với tình yêu, sự tôn kính bậc sinh thành, anh Nguyễn Huy Thắng đã phục chế những bức ảnh ấy và thực sự chúng không chỉ có ý nghĩa với riêng gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà còn đối với bảo tàng văn học Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến với nghề viết không sớm, nếu tính từ sự ra đời của tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì” xuất bản năm 1942, khi ông 30 tuổi.

Thế nhưng, một loạt các tác phẩm có giá trị liên tục ra đời sau đó cho thấy bút lực dồi dào của ông như: “Vũ Như Tô”, “An Tư”, “Bắc Sơn”, “Những người ở lại”, “Anh Sơ đầu quân”, “Ký sự Cao Lạng”, “Lũy Hoa”, “Sống mãi với thủ đô”… và nhiều truyện viết cho thiếu nhi như: “Chiến sĩ canô”, “An Dương Vương xây thành ốc”, “Tìm mẹ”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”… chưa kể đến bộ hồi ký có giá trị lớn về nhiều lĩnh vực...

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đất nước có nhiều sự kiện trọng đại làm thay đổi vận mệnh của dân tộc, lại sớm nhận thức được sứ mệnh của nhà văn nên Nguyễn Huy Tưởng đã gắn liền ngòi bút của mình với dân tộc và thời đại.

Vượt lên trên những khó khăn của đời sống, các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng luôn thể hiện những trăn trở của một nghệ sĩ yêu nước. Bằng một thái độ gắn bó với kháng chiến, với nhân dân, Nguyễn Huy Tưởng đã góp phần tái hiện trong tác phẩm của mình hình ảnh những con người mới, những cán bộ, trí thức, nông dân, du kích, bộ đội… lần đầu tiên đi vào văn chương, làm thay đổi diện mạo một nền văn học.

Cần mẫn trong sáng tạo và hiền lành trong cuộc sống đời thường, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng luôn nhận được tình yêu mến từ phía người thân và các đồng nghiệp. Dù ông đã ra đi gần nửa thế kỷ nhưng dường như trong trái tim của những người thân, ông vẫn còn đó, ngồi trong góc phòng bé nhỏ và lặng lẽ sáng tác.

Bà Trịnh Thị Uyên - vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng các con.

Ông viết bằng thứ ánh sáng leo lét của ngọn đèn 40W, viết trong cái nóng ngột ngạt của mùa hè mà mồ hôi chảy ròng ròng trên má và trong cái lạnh thấu xương của mùa đông Hà Nội những năm khó khăn, thiếu thốn.

Những hình ảnh ấy, cho đến nay vẫn là những ký ức thiêng liêng trong trái tim người con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Và anh cũng không hiểu, ký ức ấy được đan dệt từ trí nhớ của một cậu bé lên năm hay từ những câu chuyện mà anh được mẹ hay bạn bè của cha kể lại.

Chỉ biết, đó là một vùng ký ức đẹp như huyền thoại, không gì có thể đánh đổi và so sánh được. Cho đến bây giờ, anh vẫn nhớ cái cảm giác được cha ôm trong lòng, còn ông thì ngồi ngẫm ngợi, thả suy nghĩ vào những vòng tròn của khói thuốc

Đến khi đọc nhật ký của ông để lại, anh mới “giải mã” được những suy nghĩ ngày ấy, đó là khoảng thời gian ông luôn trăn trở: “Nếu mình có thẩm quyền về Hà Nội, mình sẽ làm gì?”. Hay, những khi rời bàn viết, ông dành thời gian chơi với các con.

Ngày ấy, chỉ cần cha mỉm cười, ngoáy ngoáy ngón tay vào không gian là chú bé Thắng đã thấy cả người nhộn nhạo. Những lần hai chị em tranh nhau nhòm trộm cha viết qua lỗ thủng của tấm ngăn để đến khi cha đứng dậy thì cùng ù té chạy...

Song, cùng với những kỷ niệm ấy, điều mà anh học được từ cha, đó là thái độ nghiêm túc trong lao động và tôn trọng chính mình. Những trang nhật ký của ông được ông viết rất chỉn chu, ngay ngắn ngay cả khi đang nằm trên giường bệnh…

Gần như suốt cuộc đời, Nguyễn Huy Tưởng không mấy khi được thảnh thơi, lúc nào cũng nghiền ngẫm, chiêm nghiệm. Ngay cả khi  lâm bệnh nặng, ông vẫn tiếc nuối chưa hoàn thành trọn bộ tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô”, hay sửa lại kịch “Vũ Như Tô” theo ý muốn...

Từ giã cuộc đời ở tuổi 48 nhưng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã kịp để lại một gia tài văn chương khá đồ sộ. Ghi nhận những đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, năm 1996, Nhà nước đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Và như một sự tiếp nối, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lại có cơ hội được công tác, cống hiến tại NXB Kim Đồng (hiện anh là Phó giám đốc), nơi Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người sáng lập và là giám đốc đầu tiên

Thảo Duyên
.
.