Nhà văn Nguyễn Đình Thi, như tôi biết

Thứ Tư, 21/01/2009, 14:30
Lần đầu tiên tôi được gặp Nguyễn Đình Thi là năm 1970, khi tiểu thuyết "Vỡ bờ" tập 2 của ông vừa ra đời. Tôi đang là sinh viên khoa Văn năm thứ 2. Khoa Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội I khi đó là một địa chỉ văn chương danh tiếng. Nguyễn Đình Thi vào nói chuyện với các thầy cô giáo và sinh viên sau khi có bài viết trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn giới thiệu tác phẩm của ông do nhà phê bình văn học Trương Chính, người đang giảng dạy khoa Văn của trường viết.

Trong các nhà thơ nhà văn hàng đầu của văn chương nước nhà thế kỷ XX, nhiều người tôi không được gặp mặt lần nào. Đó là sự thiệt thòi của người yêu văn chương tỉnh lẻ.

Tôi ngưỡng vọng Chế Lan Viên mà không bao giờ được trực tiếp nhìn thấy ông. Tôi chỉ nhìn thấy Xuân Diệu một lần từ xa, khi ông vào dự hội thảo của Trường đại học Sư phạm Hà Nội I, vào năm 1970, lúc ấy tôi đang còn là sinh viên khoa Văn của trường không được tham dự hội thảo, ai đó đã chỉ cho tôi qua cửa sổ căn phòng ông đang ngồi cùng các thầy cô giáo. Thế nhưng, riêng nhà văn Nguyễn Đình Thi thì tôi có diễm phúc được gặp trực tiếp hoặc nghe ông nói chuyện một số lần.

Lần đầu tiên tôi được gặp Nguyễn Đình Thi là năm 1970, khi tiểu thuyết "Vỡ bờ" tập 2 của ông vừa ra đời. Tôi đang là sinh viên khoa Văn năm thứ 2. Khoa Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội I khi đó là một địa chỉ văn chương danh tiếng. Nguyễn Đình Thi vào nói chuyện với các thầy cô giáo và sinh viên sau khi có bài viết trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn giới thiệu tác phẩm của ông do nhà phê bình văn học Trương Chính, người đang giảng dạy khoa Văn của trường viết.

Tôi không nhớ nhiều nội dung của bài viết, đại khái có khen và có chê. Nhưng quan trọng nhất là bài viết chỉ ra rằng tiểu thuyết "Vỡ bờ" viết theo phương pháp gần với lãng mạn, chứ chưa phải là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Lúc đó, Nguyễn Đình Thi là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Người đứng đầu Hội Nhà văn lại viết theo phương pháp chưa phải hiện thực xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lớn về ý thức chính trị. Không khí văn học lúc đó buồn cười thế! Nguyễn Đình Thi vào nói chuyện trong một tâm thế như vậy, và nhà văn Trương Chính cũng ngồi dưới hội trường.

Tôi nhớ tâm trạng của Nguyễn Đình Thi có vẻ phấn khích. Sau khi nói về quá trình sáng tác tiểu thuyết "Vỡ bờ", ông nói: "Các nhà văn lớn của thế giới tên có vần "i": Mácxim Gorơki, Maiacốpxki… tôi chỉ có giống được mỗi âm "i" mà thôi, "i…", "i…" Nguyễn Đình Thi". Không biết là ông tự hào hay ông giễu nhại cho không khí đỡ căng thẳng?

Sau đó, thấy ông trấn tĩnh để nói quan điểm của ông về phê bình văn chương. Có lẽ ông cũng như nhiều nhà văn giai đoạn ấy không mấy thiện cảm với các nhà phê bình, bởi nhiều vị giáo điều cứng nhắc. Ông nói: "Tôi dắt đến cho mọi người một con ngựa, thì hãy đánh giá xem con ngựa ấy có khỏe không, có đẹp không, chứ đừng đòi hỏi tại sao con ngựa ấy lại không có sừng!".

Rồi ông "nhảy thách" lên mà rằng: "Mọi người thường đề cao văn học nước ngoài hơn văn học trong nước, đề cao người chết hơn người sống, vậy thằng nào muốn được ca ngợi nhiều thì phải chết đi!". Có thể, trong giọng điệu ông không trấn tĩnh kiềm chế được, nhưng nội dung lời phát biểu thì vẫn sâu sắc.

Sau đó, ông ngậm ngùi nói về sự gian khổ vất vả của nghiệp văn: "Từ tiểu thuyết "Vỡ bờ" tập 1, đến "Vỡ bờ" tập 2 mất đúng chục năm. Bây giờ, tôi phải trốn để viết, nếu không cứ tốc độ này thì chỉ được mấy tập nữa là "đi Văn Điển"… Dù ông đang ở trong tâm trạng không được vui khi đứa con tinh thần của mình ra đời không được nồng nhiệt đón chào, nhưng tôi vẫn thấy cách nói chuyện của ông rất có duyên, phong độ dáng vẻ của ông rất cao sang. Trong con mắt của đám sinh viên chúng tôi, ông vẫn là một nhà văn lớn, cao vời vợi…

Tám năm sau, mùa xuân 1978, tôi lại được gặp và nghe ông nói chuyện ở Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Hưng. Ông ngồi trên Đoàn Chủ tịch Đại hội cùng với Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông. Những năm này, Tổng thư ký Hội Nhà văn là oách lắm! Về dự Đại hội còn có nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà văn Đào Vũ... Trong mắt mọi người, đó là những người ở Trung ương, đó là những nhà văn hóa.

Khi phát biểu, khác với đồng chí Bí thư tỉnh ủy, đọc sẵn văn bản đã được những người giúp việc chuẩn bị trước từng phần rõ ràng "một lớn", "một nhỏ", nhà văn Nguyễn Đình Thi nói vo không có văn bản. Ông ca ngợi vùng đất văn hiến Hải Hưng đã sản sinh ra các nhà văn nổi tiếng Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Phạm Đình Hổ…

Ông nói về tác phẩm "Vũ trung tùy bút", nói về một thời đói khổ của vùng đất này, khi ấy đất Hải Hưng còn nhiều vùng rừng và đồng hoang hóa, ban ngày lợn lòi từng đàn. Năm đói, có bà quan mang đổi cả túi vàng mà không được một chiếc bánh con, cuối cùng đành chết đói… Ông liên hệ với đồng ruộng Hải Hưng hôm nay với những "cánh đồng 5 tấn" mà tự hào. Cách dẫn dắt của ông với một địa phương như thế là sâu sắc.

Rồi ông nói với những người làm văn nghệ của tỉnh là phải tập trung đi sâu tìm hiểu và khám phá con người. Ông kể chuyện về một cô Việt kiều tên Bùng người Nam Sách (Hải Hưng) quá trình tìm quê hương vô cùng vất vả, dẫu cô đang sống giàu có ở Pari. Trước đây cô bị lạc cha mẹ trong một trận càn, được một người lính Pháp đem về Pari nuôi.

Ông nói: "Người ta không thể sống yên ổn nếu chưa biết mình là ai, dẫu cuộc sống đã có đầy đủ mọi thứ. Nhân vật trung tâm của văn học nghệ thuật là con người. Những người làm công tác văn nghệ phải nhớ điều này mà đi sâu tìm hiểu nghiên cứu khám phá những vẻ đẹp của con người". --PageBreak--

Cứ tưởng lời nói gió bay, nào ngờ những lời sâu sắc thì vẫn đọng lại. Tôi không nhớ có văn bản nào ghi chép lại lời ông, mà tôi chỉ nhớ ở trong tâm trí. Mấy trăm người dự đại hội hôm ấy, chắc cũng không phải ít người còn nhớ được những lời phát biểu sâu sắc của ông.

Mùa xuân 1997, vừa tái lập tỉnh Hưng Yên được ít ngày, nhà văn Nguyễn Đình Thi với trách nhiệm là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã về thăm Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hưng Yên. Tôi đang là Phó chủ tịch Hội và nhà văn Nguyễn Phúc Lai - Chủ tịch Hội - đã trực tiếp đón ông.

Thú thực, với những nghi thức xã giao, tôi đã không còn nhớ được những điều ông nói, hoặc vì ông cũng nói theo nghi thức nên cũng không có điều gì sâu sắc mới mẻ đáng nhớ! Rồi chúng tôi đưa ông đi thăm các di tích văn hóa ở thị xã Hưng Yên. Với ông, tôi vẫn một lòng kính trọng và ngưỡng vọng nên cũng chú ý quan sát ông, nhưng cũng không thấy có điều gì đặc biệt.

Vào thăm Văn Miếu Hưng Yên, hay lễ Đền Mẫu, ông cũng lặng lẽ làm tất cả các nhà thủ tục như mọi người. Buổi tối, ông có cuộc giao lưu với giáo viên và sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm của tỉnh. Ông đã trò chuyện thật sâu sắc và hấp dẫn. Tôi đã rút ra nhận xét: Nguyễn Đình Thi chỉ thực sự nổi bật, thực sự xuất sắc khi đứng trên diễn đàn.

Ông đã nói những điều rất thâm sâu, những suy nghĩ riêng của ông về thời cuộc, văn hóa, về văn học nghệ thuật. Có thể nói, đó là những ý nghĩ xuất thần. Có phải đấy cũng là một lý do để có người đã gọi ông là nhà tư tưởng chăng? Giá kể mà ghi lại được nguyên văn tất cả những bài nói chuyện của Nguyễn Đình Thi để xuất bản thì cũng trở thành một cuốn sách hấp dẫn và có giá trị cao về văn hóa và văn học nghệ thuật!

Trong buổi nói chuyện này, ông nói sâu về văn hóa. Có hai ý mà tôi nhớ nhất đó là chúng ta có thể tự hào về bốn nghìn năm văn hóa của dân tộc mình. Ông nói văn hóa là tầm vóc của một dân tộc, có nước phát triển nhưng văn hóa của họ mới có hai trăm năm thì cũng không được coi thường, nhưng cũng không có gì phải xem trọng, phải đề cao.

Ý thứ hai, ông nói văn hóa của dân tộc mình không phải ở thành phố mà ở các làng quê. Bốn nghìn năm, văn hóa của dân tộc thấm vào các làng quê sâu sắc lắm, văn hóa phương Tây có thể xâm nhập vào các đô thị dễ dàng, nhưng khi vào đến làng quê rất khó khăn. Ông rút ra, làng quê của đất nước ta vừa là cái nôi, vừa là cái gốc của văn hóa. Đến bây giờ, sau hơn chục năm kể từ khi nghe Nguyễn Đình Thi nói, tôi thấy những tư tưởng ấy vẫn mới và vẫn đúng.

Cuối năm 1997, tôi chuyển lên Hà Nội công tác. Khi xuất bản tập phê bình và tiểu luận "Tản mạn và chính kiến văn chương" tôi đã tặng ông. Một thời gian sau tôi đến thăm ông ở trụ sở Hội Liên hiệp, 51 Trần Hưng Đạo. Tất nhiên là tôi không mong được ông đọc hết tập sách của mình, nhưng chắc ông đã đọc bài tôi viết về ông và một số bài ông lưu ý. Khi tôi hỏi ông về bài tôi viết về ông thì ông có vẻ lảng tránh. Chắc là ông không thích khi tôi đánh giá cao thơ ông có phần hơn cả văn xuôi của ông. Ông chỉ nói: "Thường thì mọi người vẫn gọi tôi là nhà văn!". Tôi cũng không tranh luận lại.

Gần chục năm trực tiếp làm công tác văn học nghệ thuật ở địa phương, tôi còn có một số dịp nữa gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi khi ông là Tổng thư ký Hội Nhà văn và Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, như khi ông điều hành đại hội hay khi tôi được nhận giải thưởng của Hội Liên hiệp.

Tất nhiên, ngoài ra tôi cũng còn được nghe chuyện này chuyện nọ về ông và tôi cũng không thần thánh hóa ông. Nhưng vượt qua tất cả, chỉ còn lại trong tôi hình ảnh một nhà văn Nguyễn Đình Thi tươi cười hồn hậu, lịch lãm và sang trọng.

Những sáng tác ở tất cả các thể loại mà ông để lại, tuy chưa phải là một lâu đài nguy nga đồ sộ, nhưng đó đã là một ngôi biệt thự cũng khá là cao sang, một địa chỉ văn hóa mà độc giả yêu văn chương nghệ thuật thường chú ý. Vì vậy, khi gần đây có những bài viết bằng cách này hay cách khác hòng hạ thấp uy tín của ông, tôi không khỏi buồn lòng.

Thì "nhân vô thập toàn", "ngọc còn có vết". Nhưng ngọc có vết thì vẫn là ngọc, biệt thự có bị bôi bẩn vẫn là biệt thự. Cũng chẳng ai khen những người cố tình làm điều ngược lại là đi chê ngọc xấu và vấy bẩn các ngôi biệt thự đã được thử thách qua thời gian.

23/10/2008

Đinh Quang Tốn
.
.