Nhà văn Nam Cao qua ký ức của người em trai

Thứ Hai, 03/10/2005, 08:27

Ông Đạt nhớ lại, có mấy đêm thấy anh mình vừa viết vừa khóc. Khi xong, nhà văn Nam Cao cho vào phong bì dán khá kỹ, bên ngoài có ghi chữ "Đôi lứa xứng đôi" và nhờ ông Đạt ra bưu điện gửi cho Nhà xuất bản Cộng Lực ở Hà Nội.

"Năm 1943, tôi mới 17 tuổi. Lúc bấy giờ anh Tri (tên thật của nhà văn Nam Cao) đang công tác tại Hà Nội, còn tôi nằm trong tổ Việt Minh của tổng Cao Đà. Tổ chúng tôi gồm có 13 người, hoạt động bí mật. Trước đó, khi còn học ở Nam Định, tôi đã hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh yêu nước. Từ năm 1943 - 1945, tôi và anh tôi có điều kiện được sống và hoạt động cùng nhau", ông Trần Hữu Đạt (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nói.

Lúc ấy, tình hình cách mạng ở Đại Hoàng phát triển rất mạnh. Ông Đạt được tổ chức giao nhiệm vụ bí mật rải truyền đơn và tham gia vào những đợt biểu tình. Nhà văn Nam Cao theo dõi khá kỹ những hoạt động của em trai mình, sợ em mình cũng nằm trong số những phần tử quá khích của ngày ấy. Một lần, ông gọi ông Đạt đến rồi hỏi:

- Mấy ngày vừa rồi chú đi đâu?

- Em đi kéo kén thuê cho người ta ở làng bên ấy mà. Sao vậy anh?

- Không sao, đi làm thì tốt, nhưng đừng có làm điều gì mà không suy nghĩ. Bây giờ nhiều bọn quá khích, chúng hay tung hỏa mù vào các cơ sở. Chú phải hết sức cẩn thận không sẽ lệch lạc đấy.

"Tôi biết là anh ấy vẫn chưa tin tôi, và tôi cũng chưa tin anh cho lắm. Có lần, một người bạn của anh ấy ở Hà Nội về có mang theo một khẩu súng. Thấy vậy, tôi báo cáo tổ chức, tổ chức bảo: "Đồng chí cứ yên tâm, anh Tri được trên giới thiệu về đây hoạt động đấy. Đồng chí giữ gìn thế là tốt". Cũng từ đấy, mọi nghi ngờ giữa hai anh em tôi được giải tỏa, anh tôi gắn bó với cơ sở và nhân dân ở đây khá chặt chẽ, chúng tôi sinh hoạt cùng nhau và cùng tham gia cướp chính quyền ở Lý Nhân".

Từ năm 1943 - 1945, một ngày với nhà văn bao giờ cũng có 2 lịch trình khá cụ thể nhưng cả hai đều "bí mật" như nhau, đó là hoạt động cùng cơ sở và viết văn. "Anh tôi thường viết vào buổi tối, khi viết anh ấy nghiêm túc lắm, kể cả con cái cũng không được đến gần. Đêm nào anh ấy cũng viết rất khuya, tôi cũng không hiểu sao người thư sinh như anh ấy lại thức khuya và lao động lại cật lực đến như thế".

Ông Đạt cũng nhớ lại, có mấy đêm thấy anh mình vừa viết vừa khóc, nhưng rồi cắn môi không để cảm xúc làm chủ, một tay tì ngực, một tay vẫn viết. Khi xong, nhà văn cho vào phong bì dán khá kỹ, bên ngoài có ghi chữ "Đôi lứa xứng đôi" và nhờ ông Đạt ra bưu điện gửi cho Nhà xuất bản Cộng Lực ở Hà Nội. Khi ra đầu ngõ, nhà văn Nam Cao gọi giật lại, cho tiếp vào một phong bì nữa, chỉ ghi nơi nhận.

Sau này ông Đạt mới biết đó là truyện "Chí Phèo", được viết từ cái làng yêu dấu gắn với tuổi thơ của anh em ông với những câu chữ đau vào tận gan ruột, về số phận người nông dân bị xã hội thực dân phong kiến đàn áp, biến dạng từ bần cùng hóa đến lưu manh hóa. Về sau, ông Đạt còn đi bộ 10 cây số như thế để gửi tiếp 2 tập nữa, nhưng vì không xảy ra "sự cố" phong bì như trước nên ông không nhớ đấy là tập gì của anh mình trong khoảng thời gian sống và viết tại quê nhà.

Sau khi cùng toàn dân cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, ông Đạt thấy anh mình đã khóc khi chứng kiến khí thế hừng hực và những gương mặt hạnh phúc của người dân, những con người từng bị thực dân phong kiến đẩy vào bước đường cùng nay trong niềm hân hoan của một cuộc đời mới. Một tháng sau, trong bầu cử, nhà văn Nam Cao được bầu làm Chủ tịch HĐND xã Đại Hoàng, làm được mấy tháng, đến cuối năm, ông chuyển lên tỉnh phụ trách tờ báo "Cờ chiến thắng" của tỉnh Hà Nam.

"Những năm sau anh ấy ít về nhà lắm, anh ấy đi làm báo, còn tôi đi học một lớp y tá ở Kim Bảng, cũng gần nơi anh tôi làm việc. Lúc này, giặc đã quay trở lại cướp nước ta một lần nữa, quê tôi bị giặc chiếm, năm 1947 tôi theo các đồng chí đi bộ đội, nằm vùng là chủ yếu. Năm 1948, tôi và anh tôi có gặp nhau một lần ở Thanh Liêm rất tình cờ. Anh tôi mừng lắm, mừng nhất là nhà có 3 anh em đều hoạt động cách mạng (anh thứ 2 trước tôi thì Nam tiến).--PageBreak--

Anh nói nhiều về việc sau khi kháng chiến thành công, anh em chúng tôi sẽ làm gì để xây dựng cuộc sống, và anh rất tin tưởng vào ngày chiến thắng để được chứng kiến những người dân quê tôi đi sơ tán về, bắt đầu lại ngồi vào cái khung cửi, trồng cây hồng, cây chuối ngự. Bao nhiêu gia đình sẽ hạnh phúc bên nhau. Anh tôi nhắc đến những người bạn, những đồng chí của anh em chúng tôi suốt một chặng đường hoạt động và rất mong chờ ngày chiến thắng, ai cũng được trở về với đồng bào yêu dấu. Nhưng không ngờ, đó lại là lần gặp cuối cùng giữa tôi và anh trai  tôi...". Nói đến đây, mắt ông Đạt rưng rưng. Nhà văn Nam Cao hy sinh năm 1951.

Mộ phần của nhà văn Nam Cao.

“Tôi đã cố gắng nhiều nhưng hình như tôi chỉ hợp với vai trò một anh làm công tác văn hóa ở cơ sở hơn và muốn đi xa hơn cũng không thể được, vì cái đầu chỉ có thế. 8 năm làm công tác văn hóa thông tin ở Đài Phát thanh huyện Lý Nhân, tôi đã vận dụng những kiến thức được học cho việc tuyên truyền sản xuất, hoạt động văn nghệ và xây dựng phong trào văn nghệ một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa địa phương từ một đơn vị kém những năm trước thành đơn vị nhất nhì của toàn tỉnh. Nhưng tiếc là sau đó tôi phải nghỉ vì sai lầm trong quan hệ nam nữ".

Ông bảo: Chuyện đó nói ra cũng không để làm gì nhưng mà tôi quá khâm phục một người phụ nữ - vợ tôi. Những ngày ông thôi công tác, bà không những không trách móc gì mà còn động viên ông yên tâm với công việc đồng áng.

Các con ông bà người gần người xa, không ai sống cùng với ông bà mà trưởng thành, lập nghiệp một nơi khác. Mỗi lần về thăm bố mẹ, họ đều có nhã ý muốn đón ông bà đi để phụng dưỡng nhưng ông bà không đồng ý. "Không làm thì buồn tay buồn chân lắm. Đặc biệt là với vườn hồng này!". Đó là một khu vườn sum suê hồng, giống hồng Nhân Hậu hiện đang được IAP bảo tồn với tư cách là một nguồn gen quý hiếm. Ngạc nhiên là, ông bà lão tuổi 85 đang giữ vị trí "vua hồng Nhân Hậu" với 60 gốc, sản lượng năm nào cũng dẫn đầu toàn xã. Phía bên ngoài, là một dãy chuối ngự Đại Hoàng, một giống chuối đang nằm trong danh sách nguồn gen bảo vệ của IAP.

Căn nhà ông bà rất nhỏ, ba gian, mấy cái cột đơn sơ gợi lại hình ảnh những ngôi nhà trước Cách mạng Tháng Tám ở vùng châu thổ sông Hồng đã quá quen trên các bức ảnh tư liệu. Trên bàn thờ là tấm ảnh của vợ chồng nhà văn Nam Cao, bên cạnh bao giờ cũng có quả chuối ngự để dâng người quá cố

Hoàng Nguyên Vũ
.
.