Nhà văn Kim Lân với sáng kiến “xóa đói giảm nghèo”

Thứ Hai, 11/08/2008, 14:30
Từ gợi ý của nhà văn Kim Lân trong việc "xóa đói giảm nghèo" cho Xí nghiệp Sơn mài xuất khẩu Tân Hồng, xí nghiệp lập tức họp bàn triển khai kế hoạch... Và, "có công mài sắt, có ngày nên kim", những nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, công nhân của xí nghiệp đã đơm hoa kết trái.

Ngày đó, tôi đang làm Giám đốc điều hành Xí nghiệp Sơn mài xuất khẩu Tân Hồng. Cơ sở của chúng tôi đóng tại làng Phù Lưu - quê hương nhà văn Kim Lân. Thỉnh thoảng ngày nghỉ, ông lại từ Hà Nội về nhà và lần nào cũng ghé vào thăm tôi. Dần dà, tôi mới biết từ thuở bé ông đã từng làm thợ sơn guốc và đã khắc tranh sơn mài có tiếng.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại biếu ông dăm ba tấm vóc to để ông khắc những bức tranh dân gian Đông Hồ để treo chơi như "Hứng dừa", "Đánh ghen", "Đám cưới chuột"…

Vào thời điểm đó, xí nghiệp chúng tôi đang ít việc. Lương bổng của hơn 300 cán bộ, công nhân rất thấp, đời sống không đảm bảo. Công nhân thì có mặt nhan nhản ở chợ Từ Sơn để buôn bán thêm…

Một buổi tối, tôi ở lại thường trực, nhà văn Kim Lân ra chơi có gợi ý với tôi:

- Toản ạ! Bác thấy có thể mở ra một nghề mới cho xí nghiệp, để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con…

- Mở nghề gì hở bác? - Tôi nôn nóng hỏi lại.

- Bác thấy thế này… - Nhà văn nhấp một ngụm trà nóng rồi nhẹ nhàng chậm rãi tiếp - Ở xí nghiệp ta có  2 phân xưởng: Sơn mài và mành trúc. Mành trúc thì bỏ rồi, còn sơn mài thì hiện nay đang ít việc. Cháu nên tổ chức dạy thêm nghề sơn khắc…

- Sơn khắc - Tôi trố mắt reo lên.

- Đúng! Sơn khắc. Vẫn chất liệu sơn và gỗ ấy. Trước kia là vẽ, bây giờ là khắc theo những đề tài mới.

- Thế mà cháu không nghĩ ra - Tôi mừng rỡ nói tiếp - Việc này bác giúp cháu nhé!

- Tất nhiên rồi. Nhưng chủ yếu là Ban lãnh đạo xí nghiệp phải quyết tâm.

- Vâng! Chúng cháu sẽ cố gắng.

Thế là từ gợi ý của nhà văn Kim Lân, xí nghiệp chúng tôi lập tức họp bàn triển khai kế hoạch: Bước đầu cử 3 người (1 phó giám đốc, 1 tổ trưởng kỹ thuật và 1 thợ giỏi) đi cùng đoàn của Tổng Công ty xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ (Artexport) bay vào miền Nam học kỹ thuật khắc tranh sơn mài trong thời gian 1 tháng, chủ yếu là ở Xí nghiệp Sơn mài Thành Lễ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương).

Tiếp theo, một lớp học nghề gồm 50 cháu, đa số là con em công nhân được thử tay nghề và tuyển vào đào tạo cấp tốc trong 3 tháng. Hướng dẫn dạy nghề là một số họa sĩ là cán bộ của Tổng công ty, còn nhà văn Kim Lân làm "Cố vấn đặc biệt".

Mặt khác, xí nghiệp chúng tôi mời các giáo viên, sinh viên các trường Mỹ thuật ở Hà Nội về thăm thực tế cơ sở và sáng tác mẫu mã mới cho xí nghiệp dự hội chợ triển lãm, chào hàng trong và ngoài nước.

Và, "có công mài sắt, có ngày nên kim", những nỗ lực, cố gắng của xí nghiệp chúng tôi đã đơm hoa kết trái. Trong số 12 mẫu tranh sơn mài khắc mà chúng tôi đem sang các nước Đông Âu chào mẫu, thì đã được các nước bạn chấp nhận 10 mẫu và ký hợp đồng sản xuất với số lượng lớn.

Thời gian đó, chúng tôi coi là "thời kỳ hoàng kim" của Xí nghiệp Sơn mài. Lương tăng cao, hàng đối lưu nhiều, phong trào văn hóa văn nghệ phát triển mạnh, đài báo phát thanh đưa tin liên tục.

Sau những thành quả trên, Xí nghiệp Sơn mài của chúng tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Liên tục được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm… Trong niềm vui của mọi người, niềm tự hào của xí nghiệp, có một phần đóng góp của nhà văn Kim Lân

Phúc Toản
.
.