Nhà văn Hoài Thanh: Gia tài để lại…

Thứ Năm, 28/06/2007, 12:00

Một nhà báo từng nhận xét về Hoài Thanh rằng: “Ông là một người trọng tài phán xử cái đẹp đầy uy lực, đầy tinh tế”. Dành cả đời mình để tìm kiếm cái hay, cái đẹp của văn chương và nuôi dưỡng khát vọng về một nền văn học đích thực, Hoài Thanh đã trở thành một mẫu mực cho chính các con của ông học tập.

Và ngày hôm nay, ông có thể mỉm cười nơi chín suối về những người con đã trở thành những trí thức tên tuổi có đóng góp đáng kể cho cuộc đời như nhà văn Từ Sơn, dịch giả Phan Hồng Giang, nhà phê bình mỹ thuật Khương Huân và nhà khoa học chế tạo máy bay, đại tá, Phó Viện trưởng Viện tên lửa, PGS.TS Nguyễn Đức Cương...

Nhà văn Hoài Thanh có 5 người con trai nhưng một người trong số ấy đã mất khi còn trẻ. Trong số 4 anh em còn lại thì có lẽ nhà văn Từ Sơn là người được gần gũi cha nhiều hơn cả. Đối với Từ Sơn, dường như mọi hành động, ứng xử trong cuộc đời đều mang dấu ấn mạnh mẽ từ người cha truyền lại.

Lần giở những trang hồi ức về cha mình, Từ Sơn xúc động. “Những trang viết của cha tôi và những hoạt động văn học của ông nhiều độc giả đã biết, nhưng đằng sau những trang viết ấy là biết bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu trăn trở, vui buồn không dễ dàng nói ra được. Nhưng ông không bao giờ than phiền về điều gì.

Ngay cả trước khi nhắm mắt xuôi tay ông vẫn nói với chúng tôi rằng: “Điều mà cha có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là cha đã sống và viết hoàn toàn trung thực. Đó là cái quý nhất mà cha muốn để lại cho các con”. Anh em chúng tôi đã lĩnh hội và xem đó như một “kim chỉ nam” cho mọi suy nghĩ, hành động của mình.”

Ngoài người cha, Từ Sơn còn có một người mẹ tuyệt vời. Bà là Phan Thị Nga, một người phụ nữ đã sớm giác ngộ cách mạng. Cùng với chồng, bà đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng, lối sống cho các con. Khi người con trai cả Từ Sơn quyết định rời bỏ công việc của một nhà giáo để xung phong vào chiến trường miền Nam, bà rất ủng hộ con. Bà dặn dò: “Con hãy dũng cảm mà đi. Phấn khởi mà đi. Vì miền Nam thân yêu, con hãy đóng góp thêm phần của mẹ...”, và: “Trên đường đi những kẻ đứng lại là những kẻ không giúp ích được gì cho đất nước”.

Vợ chồng nhà văn Hoài Thanh cùng các con. Hàng thứ 2 từ trái qua: PGS -TS Nguyễn Đức Cương, nhà phê bình Mỹ thuật Khương Huân, nhà văn Từ Sơn và TS, dịch giả Phan Hồng Giang.
Riêng nhà văn Hoài Thanh, ông vốn là người ít nói (điều này thì tất cả các con của ông đều được “thừa hưởng”), nên thường để các con tự lựa chọn đường đi nước bước và lặng lẽ quan sát phía sau. Ông muốn giáo dục con bằng chính đạo đức và lao động nghề nghiệp không ngừng nghỉ của mình.

Từng trải qua nhiều vị trí quan trọng, song đối với Hoài Thanh, điều quan trọng nhất đối với một nhà văn vẫn là tác phẩm. Ông từng viết: “Nghệ thuật có sức làm cho đời ta dồi dào hơn, có ý nghĩa sâu xa, rộng rãi hơn. Nhà nghệ sĩ có thể ảnh hưởng lớn lắm vậy”, từ đó ông khuyên các con rằng, giá trị của mỗi người được đo bằng chính những giá trị họ tạo ra để cống hiến cho đời chứ không phải ở những vị trí họ đã ngồi.

Là tác giả “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh tìm kiếm và phát hiện ra cái hay, cái đẹp của “một thời đại mới trong thi ca Việt Nam”. Những người cùng thời với ông và mãi về sau này vẫn đọc “Thi nhân Việt Nam” như  men theo con đường tất yếu để hiểu về thơ ca Việt trong nửa đầu thế kỷ XX đầy biến động, đổi thay. Nhưng, chính Hoài Thanh đã nhiều lần tự kiểm điểm về quan điểm nghệ thuật của mình một cách nghiêm khắc và có phần cực đoan, vốn là bản chất của một người con xứ Nghệ. Ông đã đặt tinh thần cách mạng và lòng yêu nước lên trên tất thảy.

Nhà văn Từ Sơn nhớ lại: “Cha tôi là người “ghét buồn”. Ông lúc nào cũng muốn con người sống vui và tràn đầy tinh thần lạc quan. Nhưng, có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi. Đó là, trước khi vào chiến trường tôi có nghe một bản nhạc buồn “Pôlônex” của nhạc sĩ Ba Lan  M.Ôghinxki. Cha tôi hỏi: “Tại sao trước giờ lên đường đi chiến trường con lại nghe một điệu nhạc buồn như vậy?”. Tôi trình bày rằng, bản nhạc đó tuy buồn nhưng lại truyền cho tôi một tâm hồn đẹp qua làn suối trong vắt của âm thanh, nó khơi gợi một tình yêu cuộc sống rất thiết tha và trong sáng. Rồi tôi đeo ba lô lên vai từ biệt cha. Nhưng bất ngờ, ông cầm tay tôi, kéo tôi ngồi xuống ghế và bảo: “Con nghe thêm một lần nữa đi”.

Là người trọng cái đẹp, yêu cái đẹp, rất mực tài hoa, tinh tế và nhạy cảm, Hoài Thanh luôn trân trọng những “khoảnh khắc” tuyệt vời như vậy, không chỉ với những người thân yêu trong gia đình. Sự tinh tế ấy ông truyền lại cho các con. Phan Hồng Giang là một ví dụ. Ông không chỉ là nhà lý luận phê bình văn học. độc giả nhiều thế hệ đã không ngừng say mê các tác phẩm văn học Nga mà dịch giả Phan Hồng Giang chuyển ngữ như “Đaghétxtan của tôi” (Gamdatốp), “Một mình với mùa thu” (Pauxtốpxki), “Truyện ngắn Tsêkhốp” hay tiểu thuyết “Ngày phán xử cuối cùng”của  nữ sĩ Ba Lan Đimitrôva. Còn với Từ Sơn và Khương Huân, hai người con theo đuổi ngành lý luận phê bình, thì bài học quan trọng nhất về nghề nghiệp học được từ cha là cách làm việc khoa học, chăm chỉ và cách phát hiện, tôn vinh những gì đẹp đẽ, thơm thảo nhất của nghệ thuật, từ đó giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống.

Trong công việc viết văn, Hoài Thanh thường khuyên các con: “Người viết văn xuôi phải chú ý đến chi tiết, không được viết theo kiểu biện luận. Chi tiết là nguyên liệu quý giá để vẽ nên một nhân vật, xây dựng một câu chuyện. Những chi tiết đắt và độc đáo sẽ tạo ra sự bất ngờ cho độc giả”. Còn về việc bình  thơ, nguyên tắc bất di bất dịch của Hoài Thanh là không được vội vàng. Ông thường đọc đi đọc lại nhiều lần một bài thơ mình yêu thích cho tới khi thuộc làu. Ông thuộc “Truyện Kiều” đến mức có thể đọc ngược từng câu thơ.

Ông cho rằng, phải đọc cho tới khi bài thơ thấm vào mình một cách tự nhiên, thì mới có thể nhận thấy hết cái hay, cái đẹp, cái tinh tế mà tác giả gửi gắm. Ngày hôm nay, sách văn học tràn lan trong các hiệu sách. Người viết văn cũng nhiều. Cái hay cái dở lẫn lộn làm hoang mang độc giả. Nhưng, dường như ít có thể có được những người “đãi cát tìm vàng” một cách say mê, tận tụy và vô tư như Hoài Thanh.

Nhà văn Từ Sơn ngậm ngùi: “Tôi rất thương cha mỗi khi nghĩ về ông. Cả đời ông không mấy khi được ăn một miếng ngon, mặc một chiếc áo đẹp, chỗ ở thì luôn chật chội. Ngay từ khi còn nhỏ, mới học bậc tiểu học ông đã phải đi làm gia sư để kiếm tiền giúp cha mẹ nghèo. Khi đã thành danh, ông vẫn phải chật vật nuôi cả gia đình, không chỉ vợ con mà cả ông bà nội. Hồi ở Sài Gòn, ông được nhà nước cấp cho một căn hộ nhỏ. Nhưng đến năm 1981, vì sức khỏe ông rất yếu, anh em chúng tôi tìm cách đưa cha ra Hà Nội. Có người đánh tiếng muốn mua lại căn hộ nhưng ông nhất định không bán. Ông trả lại cho nhà nước, vì “đây là nhà của nhà nước dành cho mình, mình không ở thì phải trả lại cho nhà nước”.

Cả một đời làm nghệ thuật, ông chỉ có tài sản lớn nhất để lại cho các con là lòng trung thực của người nghệ sĩ. Trung thực cả lúc mình đúng, và thậm chí là ngay cả lúc mình sai. Cuộc sống vốn không ngừng trôi chảy như một dòng sông, và cảm nhận của người nghệ sĩ về mọi giá trị của đời sống không phải lúc nào cũng là chính xác tuyệt đối. Nhưng, điều quan trọng nhất là thái độ dám trải lòng mình trên trang giấy một cách chân thật, không giả dối, không lụy bất cứ điều gì.

Là một người có con mắt rất tinh đời, với khát vọng vươn tới một nền văn học đích thực, Hoài Thanh mong muốn có được một kiểu “nhà văn hoàn toàn” với “một tâm hồn kỳ dị, một mối tình cảm nồng nàn, tha thiết, thêm sức tưởng tượng dồi dào, còn tâm trí thì luôn đi về những chốn người đời không ngờ tới”. Đó chính là những người cầm bút có đủ tài năng, niềm đam mê và lòng an nhiên với nghệ thuật mà thời đại nào cũng cần có họ, để có được những tác phẩm làm nên gương mặt thời đại mình đã sống.

Với những đóng góp của mình, nhà phê bình Hoài Thanh đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Mặc dù vậy, lúc sinh thời, ông thường rất khiêm tốn nói với các con rằng: “Công việc cha thích nhất là dạy học và bình thơ, bình thơ hay bất luận là của ai. Cha biết văn chương của cha cũng vậy thôi. Nếu không có cuốn “Thi nhân Việt Nam” thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn”. Câu nói ấy có một sức lay động vô cùng lớn đối với những người con như Từ Sơn, Phan Hồng Giang, Khương Huân, Nguyễn Đức Cương, là bài học sâu sắc về sự khiêm nhường của những đóa hoa, mặc dù đã tỏa những hương thơm quyến rũ cho đời nhưng luôn biết ẩn mình trong đám lá biếc xanh của đời sống.

Nhà văn Từ Sơn nói: “Anh em chúng tôi luôn mong muốn  các con của mình học được điều giản dị ấy mà cha chúng tôi, nhà phê bình Hoài Thanh đã truyền lại”

.
.