Nhà văn Dương Thụy: Viết trong yêu và thương, hồn nhiên...

Thứ Ba, 09/05/2017, 08:31
Dương Thụy thuộc thế hệ đầu tiên của Hội bút Hương đầu mùa, bút nhóm từng "làm mưa làm gió" trong giới học sinh - sinh viên những năm 90 của thế kỉ trước...


1.Trước câu hỏi người viết ở Sài Gòn có nhiều không? Tôi dám cá rằng, chỉ cần một người có quan tâm phảng phất đến nhịp đập con chữ cũng sẽ không ngần ngại trả lời, và tin chắc đáp án đúng, là nhiều. Nhiều lắm. Khó lòng tính hết.

Cũng như Hà Nội, Sài Gòn là nơi vừa dư sức dung chứa vừa hội đủ yếu tố để các cá tính sáng tạo quăng quật trở mình, thành là đột khởi bật sáng, bại là… "đi chỗ khác chơi". Mảnh đất này không chấp nhận những gì nhờ nhợ, lấp lửng, đi ngang. Người tứ chiếng, viết hay bất kể làm gì, luôn xem Hà Nội và Sài Gòn là sàn đấu thực sự để đổ về thử sức. Bởi vậy, tìm một người viết văn theo đúng nghĩa Sài Gòn nhất chẳng phải là việc dễ dàng.

Cuối cùng, sau những lục lọi, sau những nâng lên đặt xuống, sau những soi điều này chiếu điều nọ, tôi "bỏ phiếu" cho nhà văn Dương Thụy.

Nhà văn Dương Thụy.

Sinh năm 1975 tại Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp, Dương Thụy tự tìm học bổng du học ở Liège, Vương quốc Bỉ. Sau đó chị về nước, làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia. Còn nhớ, từ năm 1978 nhà thơ Định Hải viết "trái đất này là của chúng mình". Đấy là câu thơ đầy màu sắc… văn chương, đầy ước vọng. Phải đến hơn 20 năm sau, Dương Thụy và thế hệ của chị mới hiện thực hóa câu thơ ấy theo nghĩa đen, xem thế giới như nhà mình, bước ra với thế giới như trẻ con nông thôn bước qua cổng làng đi học trường huyện. Năng động. Nhanh nhạy. Đúng chất và tinh thần của Sài Gòn.

Thêm nữa, soi qua lăng kính văn chương, tôi lại càng được củng cố và tự tin hơn khi "bỏ phiếu" lựa chọn Dương Thụy là gương mặt văn chương của Sài Gòn.

2. Dương Thụy thuộc thế hệ đầu tiên của Hội bút Hương đầu mùa, bút nhóm từng "làm mưa làm gió" trong giới học sinh - sinh viên những năm 90 của thế kỉ trước. Thuở ấy, cô bé miền Nam "nguyên chất", trắng trẻo nhỏ nhắn xinh xinh, với giọng văn miền Nam, lọt thỏm giữa dàn đồng ca những trai tài năng gái sắc sảo đất Bắc trên báo Hoa học trò, là Trang Hạ, Nguyễn Vĩnh Tiến, Bình Nguyên Trang,  Đàm Huy Đông, Đặng Thiều Quang, Đinh Thu Hiền, Phong Điệp,…

Ngay từ thời chân ướt chân ráo mới xuất hiện ấy, Dương Thụy đã "lộ giọng", điều vô cùng cần thiết với một người viết. Lật lại những truyện ngắn thuở "Dấu lặng trong điệp khúc", "Người thổi kèn", "Hai người đến từ phương xa", "Cắt đuôi" sẽ dễ dàng nhận ra thứ văn phong nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng mà không hời hợt. Pha một chút hài hước, một chút tinh quái. Và tỉnh. Dương Thụy không lên gân đao to búa lớn, kiểu mà nhiều người trẻ dễ dính phải, cứ như thể nhiễm truyện cổ tích Thánh Gióng, muốn nhanh nhanh thành… người lớn. Ở chị hội tụ lối văn của người thích thì chơi, chẳng ủ mưu hay bất kể toan tính to tát gì.

Thích thì chơi! Nhưng chơi là tới bến. Ít nhất là bến của chính mình. Đấy là kiểu của anh Hai Sài Gòn. Bằng chứng là trong khi nhiều bạn viết cùng thế hệ "bỏ chữ chạy lấy người", vui với những mục tiêu khác, Dương Thụy vẫn thong thả bước, vừa khẳng định vị trí trong xã hội, vừa khẳng định vị trí trong văn chương. 

3. Vài năm gần đây sách thuộc thể loại du kí được xuất bản ồ ạt và tạo làn sóng đọc trong lớp trẻ. Chính Dương Thụy là người mở đầu cho trào lưu này, với những sáng tác khơi dậy cảm hứng lên đường, khát khao khám phá và học hỏi thế giới rộng lớn. Lần lượt các nhân vật được Dương Thụy dắt qua biên giới. Cùng với đó là những người bạn ngoại quốc bước vào trang sách của chị. Các truyện trong tập "Bồ câu chung mái vòm" và "Hành trình của những người trẻ" trở nên tươi mới, mở ra cả khung trời lạ, kích hoạt người trẻ lên đường.

Nhưng phải đến truyện dài "Oxford thương yêu" Dương Thụy mới thật sự tạo ra cơn "rung - chấn - chữ".

Của đáng tội, và đáng lên án, "Oxford thương yêu" tôi đọc là sách in lậu. Dù hiểu câu chuyện tác quyền đối với tác giả, nhưng sách in lậu vỉa hè vẫn đứng về phía những cô cậu sinh viên chúng tôi hồi ấy, vì giá sách chiều lòng người hơn. Sách in giấy xấu, nhiều chỗ mờ nhòe, nhưng câu chuyện của cô học viên cao học tên Kim và thầy giáo trợ giảng Fernando cùng trăm thứ lên ghềnh xuống thác xung quanh nàng ta - chàng tây lại in đậm vào tâm trí tôi. 

Gấp sách lại, giật mình, vẫn là văn phong rất duyên ấy, nhưng Dương Thụy khác rồi, không còn nhẹ nhàng như không nữa, mà đã cài cắm chi tiết, đã "bỏ nhỏ" chi tiết, đã đánh võng chi tiết, cho đường dây câu chuyện leo theo vòng trôn ốc. Đâu đó le lói một Dương Thụy có thể đi đường dài.

Bộ 3 tác phẩm thiếu nhi mới ra mắt của Dương Thụy.

Và rồi người đọc chẳng phải chờ đợi lâu, liên tiếp các truyện dài của Dương Thụy, vẫn là đề tài du học, vẫn là thông điệp thế giới trong tầm mắt với lối đi ngay dưới chân mình, được chào đón, là "Nhắm mắt thấy Paris" và "Cung đường vàng nắng". 

Cùng với truyện dài là các tập truyện ngắn, du kí, tạp văn, như "Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình", "Venise và những cuộc tình gondola", "Trả lại nụ hôn", "Chờ em đến San Fransisco", "Tôi nghĩ tôi thích nước Mĩ", "Tắm heo và tắm tiên…". Bình quân mỗi đầu sách của Dương Thụy đạt 20.000 bản in. Đặc biệt "Oxford thương yêu" chạm mốc 85.000 bản và "Nhắm mắt thấy Paris" đến 45.000 bản. Chính hai tác phẩm này đã được đơn vị xuất bản trong nước chuyển ngữ qua tiếng Anh, cùng với "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của Nguyễn Ngọc Thuần, là điều khá hi hữu ở thị trường sách trong nước.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu phải gọi tên nhà văn best - seller, thì sau Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, sẽ là Dương Thụy. Một người thâm canh kí ức trẻ thơ, một người gác gôn đồng bằng đương đại, một người trấn thủ ở cửa hội nhập với thế giới. Dương Thụy là một trong số ít người giữ được thăng bằng khi chọn lối đi chênh vênh nơi rìa vực, một bên là văn chương cho mình và một bên là thị hiếu người đọc. 

4. Đã có người từng hỏi, viết nhiều về đề tài "năm châu bốn biển đều là anh em" thế, liệu Dương Thụy sắp cạn vốn chưa? Thì thật bất ngờ, mới đây chị không dắt người trẻ nữa mà dắt con trẻ bước ra với thế giới, qua bộ 3 tác phẩm viết cho thiếu nhi: "SuSu và GoGo đi Paris", "SuSu và GoGo đi Tokyo", "SuSu và GoGo đi Singapore".

Bằng giọng văn sống động đặc trưng, cách kể chuyện hóm hỉnh duyên dáng, lối xây dựng tình huống bất ngờ, khó đoán trước, chi tiết dồi dào và chân thực, Dương Thụy dẫn dắt bạn đọc nhỏ tuổi vào những hành trình vô cùng hấp dẫn, đầy ắp tiếng cười. Với các ông bố bà mẹ hiện đại, chia sẻ chân thành của nhà văn mang đến nhiều bài học về kĩ năng sống dành cho con trẻ cũng như việc người lớn nuôi dạy con trẻ. Đọc bộ 3 "SuSu và GoGo", bỗng giật mình nhận ra: Khi ta thương yêu con trẻ thì cũng là khi ta cần thương yêu hơn cha mẹ của mình.

Trước giờ, nhắc đến văn học thiếu nhi, thì thấy có văn học thiếu nhi dành cho thiếu nhi và văn học thiếu nhi dành cho… người lớn để nhớ về thuở thiếu nhi. Còn sách cho thiếu nhi thì nhiều thể loại, từ văn học đến lịch sử - truyền thống rồi sách khoa học, sách kĩ năng sống cho trẻ… Bộ 3 tác phẩm của Dương Thụy làm được cái việc khá khó là cho tất cả các "món" ấy vào chung đĩa, mà không bị chỏi, không gây loạn vị. 

Khi hỏi: "Chị có sợ việc ôm đồm, lồng ghép kĩ năng sống lẫn hàm lượng kiến thức về văn hóa, lịch sử sẽ khiến dấu ấn văn học, điều vô cùng quan trọng với một tác phẩm văn chương, bị lu mờ không?", Dương Thụy trả lời: Một cuốn sách hay phải là một cuốn sách khiến độc giả có thể cầm đọc đến trang cuối cùng. Và sau đó là giới thiệu sách đến cho nhiều độc giả tiềm năng khác. Bộ sách này tôi viết với mong muốn cha mẹ và con cái cùng đọc bên nhau, để cùng gắn kết hơn, con vui mà cha mẹ cũng thấy bổ ích. Tôi vốn không quan tâm đến cái gọi là “áng văn chương” mà chú trọng đến cảm hứng tích cực người đọc có thể được do sách truyền đến". 

5. Vâng. Cảm hứng tích cực! Tôi đã nhận được từ các sáng tác của Dương Thụy. Và từ chính cuộc trò chuyện với chị trong một sáng tháng Tư Sài Gòn còn ủ mình đợi nắng.

Phía trước quán cà phê là cây dầu nhiều tuổi. Trong tầng tầng xanh lá chắc chắn là những trái dầu non. Chỉ ít ngày nữa thôi, sẽ chuyển từ màu xanh sang hồng đỏ, qua vàng đất, và sau cùng là nâu xám, rồi chờ gió để rời cây, xoay xoay thả mình theo từng con phố. Chẳng hiểu sao tôi cứ hình dung những trang văn của Dương Thụy cũng vừa bay vừa xoay tròn rồi ngả vào lòng độc giả như vậy. Miệt mài, hằng năm. Quen rồi, không có là Sài Gòn thành khuyết thiếu.

Hỏi chị về những dự cảm văn chương, chị nói chị viết hồn nhiên như là sống, và chị biết cách tự làm mới cuộc sống nên các sáng tác cũng theo đó mà mới hơn ngày hôm qua. Tôi tin, và tôi nghĩ độc giả của Dương Thụy cũng tin, tin và chờ đón những trang văn tiếp theo của chị.

Và cứ thế, những trái dầu lại sẽ bay, và xoay, hồn nhiên. Dương Thụy lại sẽ viết tiếp, trong yêu và thương, hồn nhiên…

Sài Gòn, 8/4/2016

Văn Thành Lê
.
.