Nhà văn Beaumarchais – thám tử và mưu sĩ của vua Louis XVI

Thứ Năm, 26/01/2006, 09:06

Từ chuyện phát hiện nguồn tin có kẻ muốn huỷ hoại thanh danh của vua Louis XVI, nhà văn Beaumarchais (tác giả của những vở kịch nổi tiếng như “Anh thợ cạo thành Séville” và “Đám cưới của Figaro”) đã trở thành thám tử rồi trở thành mưu sỹ trung thành, thân cận của nhà vua, hiến những kế sách quan trọng để bảo vệ quyền lợi của nước Pháp.

Vua Louis nước Pháp lên ngôi lúc mới 20 tuổi, chưa được mấy năm thì gặp chuyện rắc rối. Số là nhà vua cưới vợ đã 4 năm mà chưa có con trai nối ngôi. Hoàng hậu Marie - Antoinette trẻ đẹp tỏ vẻ thất vọng, có mối quan hệ thân thiết với công tước Lauzun. Một tên bồi bút vô danh liền viết ra một tập sách với đầu đề: “Cáo thị gửi dòng họ Bourbon” định xuất bản ở London. Nhờ có nhiều mối quan hệ bạn bè, nhà văn Beaumarchais nắm được nguồn tin ấy từ bên Anh và gửi báo cáo về cho Cơ quan cảnh sát Pháp.

Ngày 8/ 4/1775, vua Louis XVI, hốt hoảng ủy nhiệm cho Beaumarchais sang Anh để tìm cách ngăn chặn việc xuất bản cuốn sách ấy. Cần nói thêm rằng trước đó Louis XVI đã thưởng cho nhà văn một tấm huân chương vì đã ngăn cản được việc xuất bản một cuốn sách bôi nhọ triều đình Pháp ở London.

Lần này, nhà văn sang Anh, điều tra ra tên thật của tác giả cuốn sách nhục mạ nhà vua và điều đình êm thấm việc tiêu hủy những bản sách đã được in ở LondonAmsterdam. Ông còn biết được có một bản thảo đã được gửi sang Đức và thương lượng song việc hủy bản thảo ấy với một số tiền khá lớn. Chẳng may trong chuyến đi ấy ông rơi vào tay một bọn cướp đường. Nhờ có tấm huân chương của nhà vua Pháp đeo bên mình mà ông không bị giết.

Trong thời gian ở London, Beaumarchais được tin nghị viện Anh có ý định trút gánh nặng tài chính của nước Anh trong cuộc chiến tranh Bảy Năm cho 13 xứ thuộc địa ở Bắc Mỹ. Các xứ thuộc địa không chịu, thế là vua Georges III của nước Anh ra lệnh phong tỏa hải cảng Boston, sau đó dân chúng Boston tẩy chay hàng hóa Anh.

Beaumarchais nghĩ ngay tới quyền lợi của nước Pháp. Ở vùng biển Caribê, liền kề Bắc Mỹ, nước Pháp có các thuộc địa là đảo Saint-Domingue, Martinique và Guadeloupe; nước Anh có hải quân mạnh rất có thể sẽ nhân cơ hội đó chiếm các thuộc địa của Pháp.

Ông viết tờ trình lên vua Louis XVI đề nghị nên ủng hộ quân khởi nghĩa. Lúc này, quân khởi nghĩa tuy đã thành lập quân đội và có một vị tướng chỉ huy là Washington, nhưng trang bị vũ khí rất thô sơ.

Sau khi bắt liên lạc được với người đại diện cho quân khởi nghĩa là Authur Lee, nhà văn gửi một bản báo cáo cho nhà vua, trong đó có đoạn:

“Kính gửi bệ hạ, Ngài chỉ bảo vệ được nền hòa bình khi Ngài ngăn cản được bằng mọi giá hòa bình giữa nước Anh và Bắc Mỹ khi Ngài ngăn cản được cuộc chiến thắng hoàn toàn của bên này hay bên kia. Người Mỹ hứa sẽ ký với nước Pháp một hiệp định thương mại bí mật đảm bảo lợi ích dồi dào cho nước Pháp”.

Vậy là nhà văn Beaumarchais từ chỗ là thám tử đã trở thành mưu sĩ của nhà vua. Kèm theo những bản báo cáo về việc điều động quân đội của nước Anh cũng như mọi hoạt động của Hải quân Anh, Beaumarchais đề nghị thành lập một công ty thương mại trá hình vận chuyển hàng sang các đảo thuộc địa, thực chất là chở vũ khí viện trợ cho quân khởi nghĩa. Từ các đảo, quân khởi nghĩa sẽ chuyển vũ khí về Mỹ. Mọi công việc coi như là hoạt động của một công ty tư nhân, không liên lụy gì đến nhà vua.

Vua Louis XVI nghe lời tâu trình của nhà văn. Tháng 6/1776, nhà vua chuẩn y kế hoạch và cấp cho Beaumarchais một triệu bảng. Beaumarchais đứng ra thành lập một công ty thương mại. Nhớ đến tác phẩm Le Cid của nhà soạn kịch Corneille, ông đặt tên là Công ty Rodrigue Hortalez. Sau đó một tháng, nhà vua lại cấp thêm một triệu bảng. Viên đại diện thường trực của người Mỹ ở Paris là Silas Dêan liền nộp cho ông đơn đặt hàng gồm có đại bác, súng trường, tăng bạt và quân trang.

Beaumarchais đi Bordeaus đến xưởng vũ khí lấy hàng. Nhờ một chủ hàng tàu buôn quen biết, ông thuê được một đội gồm 6 chiếc. Sau khi cho giũa sạch các vương huy trên thân súng, ông cho chất hàng lên tàu.

Tháng chạp năm 1776, chiếc Amphitrie rời cảng Le Havre mang theo 60 khẩu đại bác, 2.000 viên trái phá, 9.000 quả lựu đạn, 10 tấn đạn chì và 6.000 khẩu súng. Đây, đúng là chuyến tàu cứu mệnh: tướng Washington hầu như không còn vũ khí. Đi theo chuyến tàu còn có bốn mươi chín quân nhân tình nguyện là những người Pháp đầu tiên đến trợ giúp quân khởi nghĩa. Trong số họ có 20 sĩ quan và 12 kỹ sư.

Gián điệp Anh bắt đầu đánh hơi được động tĩnh của đội tàu Pháp ở cảng Le Havre. Đại sứ Anh tại Pháp phản kháng. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vergennes do dự, ra lệnh cho các tàu còn lại dỡ vũ khí lên bờ. Không hề chùn bước, Beaumarchais cho đổi tên tàu và chuyển đến ba cảng khác để ăn hàng ban đêm.

Mùa xuân năm 1777, số lượng vũ khí do triều đình Pháp viện trợ cho quân khởi nghĩa là: 8.164 khẩu đại bác, 153 xe chuyển hàng, 41.000 viên đạn đại bác, 37.000 súng trường, 514.000 viên đạn súng trường, 80 tấn thuốc súng, 11.000 lựu đạn, 7.600 chăn, bạt…

Trong vòng hai năm, ba phần tư trang thiết bị của quân khởi nghĩa đến từ nguồn cung cấp bí mật này. Silas Deane gửi báo cáo về Quốc hội Mỹ, trong đó có đoạn:

“Tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không có những nỗ lực nhiệt tình, không mệt mỏi và hào hiệp của ông Beaumarchais, người mà Hợp chủng quốc phải chịu ơn hơn bất cứ ai khác ở bên này Đại Tây Dương”.

Ngày 26 tháng 10 năm 1777, Beaumarchais đề nghị với vua Louis XVI ra tuyên bố công nhận nền độc lập của nước Mỹ.

Chỉ mấy ngày sau, quân khởi nghĩa thắng quân Anh một trận lớn ở Saratoga. Vua Louis XVI liền ra lệnh cho Bộ trưởng Ngoại giao Vergennes ký hiệp định thương mại với nước Mỹ và thông báo việc này cho nước Anh biết.

Ở ngoài khơi quân cảng Brest, một cuộc đụng độ xảy ra giữa chiến hạm Anh Arethuse và chiến hạm Pháp Belle Poule, mở đầu chiến sự giữa hai nước. Vua Louis XVI ra lệnh cho phép đô đốc hải quân D’Estaing được toàn quân hành động để biểu dương uy lực của nhà vua, đồng thời để bảo vệ Đồng minh.

Năm năm sau, Hiệp định Versailles được ký kết giải phóng nước Hoa Kỳ non trẻ khỏi sự chiếm đóng của quân đội Anh.

Cũng trong năm 1783 ấy, nhà văn Beaumarchais bị thất sủng vì sáng tác và dựng vở kịch “Đám cưới Figaro” công kích giới quý tộc Pháp. Ông bị tống vào nhà tu Saint - Lazare, mãi đến khi cách mạng Pháp nổ ra năm 1789 ông mới được thả ra
Lương Sỹ Cầm
.
.