Nhà thơ kin tiếng và "sức mạnh mềm"

Thứ Năm, 28/01/2016, 08:17
Những năm học phổ thông ở quê, thầy giáo dạy văn chúng tôi là nhà thơ Hà Quảng có đọc cho tôi nghe hai câu thơ mà đến nay tôi vẫn thuộc lòng: "Anh đến với em đêm thần tiên ấy / trăng với đèn chếnh choáng hơi men". 


Mãi sau này tôi mới biết đó là hai câu thơ trong bài thơ nổi tiếng một thời của nhà thơ - Giáo sư Lê Trí Viễn, người thầy giáo chuyên soạn sách giáo khoa cho chúng tôi học, một nhà thơ mà theo nhiều người là rất "kín tiếng".

Còn nhớ, cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước, vào những tối chủ nhật, tôi thường đạp xe từ trụ sở báo Tiền Phong, nơi tôi vẫn thường ngủ trên bàn làm việc… vào khu ký túc xá của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với những người bạn yêu văn chương như cố nhà thơ Trần Hòa Bình, ca sỹ Quỳnh Liên và Lê Lưu Oanh, con gái GS Lê Trí Viễn - nhà thơ "kín tiếng" như tôi vừa nói ở trên.

Gia đình Giáo sư - nhà thơ Lê Trí Viến.

Đi loanh quanh dọc con đường tràn ngập ánh trăng trong khu nhà ở, chúng tôi đọc thơ hay nghe Quỳnh Liên hát. Những bài hát dân ca ngọt ngào như tình bạn trong sáng của một thời mà con người thực sự trong sáng, hồn nhiên…

Khi GS Lê Trí Viễn chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, có vài lần tôi đến thăm gia đình ông. Và, hình ảnh ông, một nhà giáo điềm đạm, một nhà thơ "kín tiếng" với nụ cười rất hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, đôi mắt thông minh ẩn chứa những cố gắng phi thường của người con xứ Quảng đã tự học mà thành một nhà văn hóa uyên bác, và  để lại những câu thơ hay, cũng là "người thầy của những người thầy" như báo chí vẫn thường viết về ông.

 Cố GS Lê Trí Viễn không những là một nhà văn hóa uyên thâm, một người thầy mẫu mực, mà ông cũng là người chồng, người cha rất mẫu mực trong gia đình.

Lê Lưu Oanh nói rằng điều mà GS dạy các con là dạy "nếp nhà", dạy cách thức làm người có nề nếp trong một gia đình gia giáo. Từ dáng đi, dáng đứng, cách ngồi, lúc ăn, lúc ngủ … "Ba dạy chúng em sáng nào ngủ dậy cũng vào chào ba mẹ và hỏi: Ba mẹ đêm qua có ngủ ngon không? Năm em 16 tuổi rồi mà ba còn dạy cách đi. Nhiều lần ba đi sau em và bảo: "Con đi xấu lắm, phải đi như thế này này… đi khoan thai, đầu ngẩng cao, dáng người ngay ngắn"… Ba chỉ hàng gạch ở vỉa hè và bảo em nhìn từng viên gạch mà đi. Có lúc ba còn để lên đầu em một xấp giấy như người Chăm để cái bình trên đầu khi đi lấy nước, em phải tập đi sao cho xấp giấy trên đầu không rơi xuống… Ba dạy chúng em sắp xếp sách vở, ghế bàn, mọi thứ trong phòng học, trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ… Cẩn thận, chi tiết như vậy nhưng chưa bao giờ ba quát mắng hay to tiếng, luôn nhỏ nhẹ chỉ bảo từng li từng tý…" -  Lê Lưu Oanh kể.

Tôi đọc bài viết "Cổ văn Việt Nam" của GS Lê Trí Viễn trong cuốn "Người và nghề - Nhà xuất bản Hội nhà văn" và cảm thấy rất rõ quan niệm nhất quán của ông về sức mạnh MỀM của người phương Đông, của con người Việt Nam. Ông cho rằng "Bên cạnh cái dũng khí cầm gươm đứng lên, cũng có cái dũng khí "hiền lành" hơn của kẻ: giầu sang không khiến ham, nghèo hèn không khiến cho đổi chí, uy vũ không sao khuất phục, trọn đời sắt son với đạo đức, với chính nghĩa, với nước, với dân…". Cái nghĩa khí tưởng như "hiền lành" đó thực ra là sức mạnh to lớn của "kẻ sỹ" vốn được văn học cổ Việt Nam chuyển tải sâu sắc. Tôi cảm thấy hình như suốt cuộc đời GS đã sống, đã làm việc, đã dạy các con, dạy các thế hệ học trò cái đạo lý giản dị đó.

Lê Lưu Oanh kể rằng chính GS Lê Trí Viễn đã dịch ra tiếng Việt và chép lại cuốn "Tam tự kinh" để dạy các con. Ông giảng cho các con thế nào là "Thỏa chí tang bồng", ông phân câu, chiết tự, lấy ví dụ rất cụ thể để các con ông có thể hình dung … Cả những bài thơ nổi tiếng như "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu ông cũng dạy các con về ý nghĩa cũng như các điển tích trong đó. Ông không những dạy chữ, dạy cách sống, dạy các con làm người mà còn nêu tấm gương sáng về lối sống giản dị, liêm khiết, cần cù, chịu khó trong mọi công việc hàng ngày.

"Dạo nhà trường sơ tán về Yên Mỹ (Hưng Yên) ba cùng các con và những học trò của ba giúp dân đập lúa, hò hát rất vui. Ba còn đưa chúng em đi kiếm củi về nhóm bếp, nấu cơm, dạy chúng em làm mứt bằng cà rốt… Khi các thầy ra đề tài về tập làm văn, em đã nghe lời ba, tả nhà B3 của khu tập thể Đại học Sư phạm… bài văn được các thầy rất thích… Em cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được sống trong một gia đình hòa thuận, kính trên nhường dưới, biết  yêu thương, đùm bọc bọc lẫn nhau…" - Lê Lưu Oanh tâm sự.

Cố GS Lê Trí Viễn sinh năm 1918 tại Điện Bàn (Quảng Nam) trong gia đình một nhà nho nghèo. Ba ông, cụ Lê Du, biết chữ Hán và là một người yêu văn chương. Chính GS Lê Trí Viễn đã dịch một số bài thơ của cụ ra tiếng Việt để lại cho con cháu sau này. Năm 1939, Lê Trí Viễn tốt nghiệp sư phạm cấp 1, dạy tiểu học trong 5 năm.

Vợ chồng Giáo sư nhà thơ Lê Trí Viễn hồi trẻ.

Thời gian này ông tự học và thi đỗ tú tài phần 1, năm 1945 ông đỗ tú tài toàn phần, chuyển sang dạy học phổ thông và chuyên khoa ở Trường Khải Định (Huế). Từ năm 1946, ông tham gia kháng chiến, sau đó dạy ở Trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Hà Tĩnh), rồi làm hiệu trưởng Trường cấp 3 Lê Khiết (Quảng Ngãi). Năm 1955 về làm việc ở Ban tu thư (viết sách giáo khoa phổ thông) Bộ Giáo dục, và cùng nhóm Lê Quý Đôn viết lịch sử văn học và dịch thuật. Năm 1958 ông về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội và là Chủ nhiệm Khoa Văn năm 1963. Từ năm 1978 chuyển vào dạy ở Khoa Văn Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Tụi đọc cuốn "Một lối tài hoa qua muôn nẻo lối đời" của Nhà xuất bản Đà Nẵng do Lê Lưu Oanh tặng gồm nhiều bài viết về ông đều khẳng định về nhân cách, về sự uyên bác của một người trọn vẹn 75 năm làm nghề dạy học. Đó là người thầy "tinh tế và tài hoa" như PGS. TS Trần Hữu Tá đã nói. Ông là người thiên về sống nội tâm, thường tìm đến với thơ ca với những câu thơ ông làm đôi khi cũng rất tài hoa: "Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng / Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn nhỏ ngọn đèn / Anh đến với em đêm thần tiên ấy / Trăng với đèn chếnh choáng hơi men".

 Cố GS Lê Trí Viễn là nhà giáo nhân dân, được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012. Ông thọ 95 tuổi và để lại nhiều công trình khoa học do chính ông biên tập, sưu tầm và dịch thuật. Ông là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam tham gia soạn sách giáo khoa phổ thông dưới chế độ mới. Vợ ông, bà Dương Ngọc Diệp sinh năm 1929, nhiều năm là bác sỹ, làm việc ở Bệnh viện Hữu Nghị.

Ông có bốn người con: Lê Hoài Tiên sinh năm 1942, tốt nghiệp  Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, từng làm việc ở Bộ Ngoại giao; Lê Phi Thúy sinh năm 1954, học đại học ở Hungary, là tiến sỹ hóa học, hiện làm Hiệu phó Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến, TP Hồ Chí Minh; Lê Lưu Oanh sinh năm 1956, Phó GS.TS, Nhà giáo ưu tú, hiện là cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội và Lê Hoa Quy sinh năm 1961, kỹ sư điện tử, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt (Vitek). GS Lê Trí Viễn có 5 cháu, trong đó có 3 cháu là thạc sỹ.

Lý thuyết "Sức mạnh mềm" hiện đang được nhiều chính khách nổi tiếng trên thế giới thực hiện và tôi thiển nghĩ ở nước ta hiện nay, do nhiều yếu tố của cuộc sống hiện đại đang có nguy cơ phá vỡ "nếp nhà"… bởi vậy, bài học dạy con sống có nề nếp, sống theo "nếp nhà", nếp sống văn hóa, biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, biết kính trên nhường dưới của nhà văn hóa, nhà thơ, cố GS NGND Lê Trí Viễn thật có ý nghĩa.

        Nhà vườn Sóc Sơn 2016.

Dương Kỳ Anh
.
.