Chuyện làng văn nghệ

Nhà thơ của tình yêu và...gió lạnh

Thứ Hai, 17/05/2010, 10:12
Ngày 30 tháng 5 này là vừa chẵn 50 năm ngày nhà văn, nhà thơ Nga Boris Pa sternak - Giải thưởng Nobel Văn học 1958 - tạ thế.

Cách đây hơn chục năm, trên báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 30/8/1997 có tin: Tờ Stampa Tuttolibri xuất bản ở Turino (Italia) đã tiến hành một cuộc trưng cầu dư luận độc giả về nữ nhân vật đẹp nhất trong văn học thế giới thế kỷ XX. Có trên 2.000 người gửi thư tham gia. Họ nêu lên 659 cái tên, nhưng chỉ 40 nữ nhân vật trong số đó thu được hơn 10 ý kiến. Tin này cũng cho biết: Nữ nhân vật được độc giả Italia "sùng mộ" nhất (nàng thu được 216 phiếu, vượt rất xa số phiếu của các "đối thủ" còn lại) có tên gọi Lara. Nhiều người trong chúng ta đã biết: Lara là nhân vật nữ trong tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago" của Pasternak. Phần "Thơ tình cho Lara" in kèm trong cuốn tiểu thuyết đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc, nhớ.

Đọc thơ tình Pasternak, chúng ta dễ nhận thấy nhà thơ rất hay mở rộng cánh cửa tâm hồn mình ra với thiên nhiên. Phải vì ông quá cô đơn? Rồi thì mùa thu, rồi thì gió... Sao mà mùa thu cứ trong suốt, lạnh lùng, dài rộng thế, và gió - sao gió cứ vật vã, ào ạt thế - trong trang viết của nhà thơ này? Thơ tình Pasternak luôn gợi cho ta một nét buồn, đó là nét buồn thanh tĩnh đúc rút từ một vòm trời ảm đạm, từ những gương mặt người u trầm, khắc khổ, đăm chiêu, từ những nỗi niềm đầy dự cảm, lo âu từ những dáng vóc khô gầy và mảnh dẻ. Để rồi, tất cả cùng toát lên vẻ đẹp của sự cương nghị, can đảm, vẻ đẹp của: "Gió cuồn cuộn lay cả cánh rừng", của "Em cởi áo - như cánh rừng trút lá", một vẻ đẹp tiềm tàng sức sống, ẩn chứa bao nét kiêu sa và bi tráng. Đấy cũng là nét cao cả của hồn thơ Pasternak, là lý tưởng thẩm mỹ của ông. Trong bài thơ "Mùa thu", chính Pasternak cũng từng thổ lộ: "Khi đời sống còn ghê sợ hơn cơn đau/ Thì can đảm - cội nguồn cái đẹp / Chính là điều cuốn ta lại gần nhau".

Đọc thơ tình Pasternak, chúng ta thấy yêu nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ trong các bài thơ đó bởi sức hút của sự can đảm. Đó là con người mảnh mai mà rắn rỏi, từng trải mà đam mê, dám sống hết mình cho một tình yêu và sẵn sàng chấp nhận mọi chông gai, kể cả cái chết: "Chúng ta thề chấp nhận mọi chông gai - Chúng ta sẽ gục chết công khai".

Boris Pasternak là nhà thơ lớn của nước Nga, người cùng thời với Mayakovsky, Esenin. Ông từng được hoan nghênh từ những năm cuối của thập niên, đầu thập niên 30 (của thế kỷ trước). Bản thân Mayakovsky - người vốn rất "tiết kiệm" với những lời khen- ngay từ năm 1926 đã tôn Pasternak là thiên tài... Nhưng rồi, tình hình có nhiều biến chuyển phức tạp, nhất là từ sau Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ nhất (1934), Pasternak đã nhận được nhiều mũi  công kích của những người tìm cách "thanh loại" ông. Pasternak bỗng chốc trở thành đứa con bị ruồng bỏ ngay trong chính đất nước của mình. Tình thế ngày càng trở nên nặng nề, đặc biệt là từ khi ông được giải thưởng Nobel Văn học năm 1958 (Pasternak sau đó đã khước từ giải thưởng này).

Khi Pasternak tạ thế, Akhomatova - nữ nhà thơ kỳ diệu của nước Nga (người cũng nếm trải không ít bất hạnh, đắng cay như ông) đã viết bài "Thơ tặng Pasternak". Với Akhmatova, Pasternak là "nhà thơ kỳ diệu và con người chân chính  của Liên bang Xôviết".

Pasternak chỉ thực sự được phục hồi, được khẳng định lại ở Tổ quốc ông kể từ Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ VIII. Và năm 1990, UNESCO đã quyết định tổ chức trọng thể trên toàn thế giới lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông

Nguyễn Ngọc Hoan
.
.