Nhà thơ của thời “Một bức tường vỡ đôi”

Thứ Ba, 12/05/2009, 13:30
Trần Nhật Thu sinh năm 1945, hơn tôi 1 tuổi và là bạn học cùng trường cấp 2, cấp 3 phổ thông. Mái trường bên bờ sông Nhật Lệ, giữa lòng thị xã Đồng Hới ấy gắn kết với chúng tôi biết bao kỷ niệm.

Trần Nhật Thu thuở đó có tên là Trần Viết Hỷ. Hỷ ít nói và thấp bé hơn chúng tôi nên bạn bè thường gọi là Hỷ "lùn". Hỷ giỏi Văn. Giáo viên bộ môn dạy cùng khối thường lấy bài làm của Hỷ đọc mẫu để học sinh tham khảo. Ngay từ khi học cấp 2 phổ thông, Hỷ đã hơn chúng tôi một cái đầu. Anh có cuốn sổ tay văn học dày cộp.

Trong đó, Hỷ đã tỉ mẩn ghi chép bao nhiêu "lời vàng ý ngọc" của những nhà thơ, nhà văn đông, tây, kim, cổ và những bài thơ mà Hỷ yêu thích. Còn nhớ, một lần Hỷ cho tôi xem tập "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh, Hoài Chân tự chép tay của mình. Nhìn bạn, chúng tôi biết bao thán phục.

Ba năm học cấp 2, trong lớp của Hỷ có nữ sinh tên là Nguyễn Thị Lệ Thu. Lệ Thu xinh vì có nước da trắng hồng và mỗi lần cười thì đồng tiền lúm sâu trong má. Hỷ và Lệ Thu "tình trong như đã, mặt ngoài còn e" từ  khi nào chúng tôi không biết được. Nhưng vào cuối cấp học năm đó, Lệ Thu theo nghiệp gia đình, rẽ ngang đi học lớp Sơ cấp dược tá.

Hỷ tiếp tục học lên cấp III. Một tối, vượt sông Nhật Lệ bằng chiếc thuyền thúng để sang Đồng Hới xem phim, tôi bắt gặp Hỷ và Lệ Thu cùng dạo gót dưới hàng dừa, sát bờ sông, gần cầu Dài, phía nam thị xã. Từ đó, mới biết, Hỷ đã hơn bọn tôi là đã có bạn gái đi chơi cùng.

Nhưng mấy ai trên đời có mối tình đầu sau đó sẽ thành nghĩa sắt cầm! Có lẽ, để khắc ghi hình ảnh dòng sông chảy qua thị xã, chảy qua tuổi trẻ của cuộc đời và người con gái đầu tiên làm trái tim mình xao xuyến, Hỷ đã lấy họ của mình, ghép với chữ đầu của tên sông Nhật Lệ và Thu - tên của người con gái anh yêu để thành bút danh Trần Nhật Thu.

Nguyễn Thị Lệ Thu đoản mệnh. Chị lập gia đình với một giáo viên, có hai con và ra đi khi tuổi đời chưa đến 30. Còn Trần Nhật Thu sau lấy chị Bích Thuận, người cùng quê. Họ có 2 gái, 1 trai...

Quãng giữa những năm 60 (của thế kỷ trước), cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt trên quê hương Đồng Hới - Quảng Bình và khu 4. Trần Nhật Thu tình nguyện tham gia TNXP, thuộc Thị đoàn Đồng Hới. Công việc đầu tiên của anh là làm ruộng muối.

Giữa cái nắng chang chang đổ lửa, dưới sự bắn phá của máy bay Mỹ, những TNXP Đồng Hới vẫn trang cát, trang muối giữa đồng. Đêm phải dùng thuyền chở muối về kho. Vì thế, trong bài "Đồng nắng", anh đã viết: "Đêm qua sông trắng lóa con thuyền/ Muối ngời ngời như thể nắng lên". Niềm vui của anh sau những giờ làm việc vất vả là làm thơ, viết truyện.

Anh đều đặn gửi về cho Hội Văn nghệ và báo Quảng Bình những sáng tác của mình. Biết rõ năng lực của Thu, năm 1967, nhà thơ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Văn nghệ đã báo cáo lên Tổ chức Chính quyền tỉnh, rút Trần Nhật Thu về làm cán bộ biên tập và tuyên truyền của Hội.

Bấy giờ, bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tác là khẩu hiệu chung của tất cả các nhà làm văn nghệ. Trần Nhật Thu cùng một số anh em trong Hội đã có những chuyến đi dài.

Trần Nhật Thu đã kể với tôi: Một lần, anh và nhà thơ Xuân Hoàng đi thực tế ở một đơn vị TNXP làm đường Trường Sơn. Tối, cả tiểu đội vào hang đá ngủ. Hai nhà thơ xin ngủ phía ngoài cửa hang để ngắm mây trắng giữa cánh rừng Trường Sơn. Nhưng, khuya, có hai cô gái nắm tay hai người mà lôi vào trong hang và bảo: "Các anh nằm trong này cho an toàn".

Gần sáng, một "thằng" F105 bay ở đâu về, ngang qua bắn một loạt rốc két vu vơ. Có một viên nổ ngay chỗ hai cô gái lúc đêm thế chỗ của hai người. Sự hy sinh của hai cô gái đã cứu sống hai nhà thơ. Chuyện đó đã vào thơ của hai thi sĩ.

Nhà thơ Văn Lợi, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Bình, bên bạn trà, "ôn cố tri tân" với bạn bè, kể một câu chuyện làm tôi nhớ mãi. Trong chiến tranh, trụ sở Hội Văn nghệ Quảng Bình sơ tán lên làng Mỹ Cương, xã Nghĩa  Ninh, phía tây thị xã Đồng Hới. Đó là một ngôi nhà hầm cấp 4, nửa chìm, nửa nổi trong đất. Chái nhà có hai phòng ngủ, cách nhau bằng cái rèm đất. Bên ngoài là chỗ của Lâm Thị Mỹ Dạ và Lê Thị Mây. Bên trong là chỗ ở của vợ chồng mới cưới Nhật Thu - Bích Thuận.

Tối thứ bảy, Văn Lợi đến chơi. Chuyện trò đến khuya, Trần Nhật Thu không nỡ để bạn ra về, vì sợ giữa đường gặp máy bay Mỹ. Thế là Trần Nhật Thu nắm tay Văn Lợi kiên quyết bắt bạn ở lại. "Cậu nằm ngoài, mình nằm giữa, Thuận nằm trong". Khuya, Trần Nhật Thu đau bụng, lén đi vệ sinh. Văn Lợi không hề biết, lăn qua, ôm ghì bạn, ai ngờ... ! Chị Thuận cũng tưởng đó là chồng mình. Văn Lợi lúc đó chưa lấy vợ. Cảm giác lạ lùng làm anh tỉnh giấc và nhận ra. Anh vụt đứng dậy, chạy đi tìm Nhật Thu và trách bạn. Tình bạn cao quý ấy của Trần Nhật Thu đằm sâu trong ký ức không phai của Văn Lợi.

Trong cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ (1968 - 1969), Trần Nhật Thu đoạt giải ba với bài thơ "Một bức tường vỡ đôi" và "Em sẽ gọi tên ai đầu tiên", những bài thơ lấy đề tài từ những câu chuyện có thực xảy ra ở làng Đồng Phú quê anh trong những ngày Đồng Hới bị bom đạn Mỹ hủy diệt. Rồi anh được lãnh đạo Hội Văn nghệ Quảng Bình giới thiệu đi học Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Quảng Bá, Hà Nội. Năm 1975, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam khi tuổi đời mới vừa 30.

Sau năm 1975, Trần Nhật Thu chuyển vào TP. HCM công tác. Anh làm việc tại Báo Văn nghệ Giải phóng, sau là Văn nghệ TP. HCM. Ngoài công việc biên tập, làm thơ, anh còn viết truyện ngắn, chân dung các nhà văn và khảo luận. Anh cũng giỏi làm bìa sách. Rất nhiều bạn văn chương đã nhờ anh thiết kế, trình bày trang bìa các trước tác của mình, nhưng anh không hề nhận tiền thù lao. Cho đến bây giờ, anh là tác giả của 11 tập thơ, 5 tập văn xuôi: truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn, khảo cứu và hàng ngàn bài báo in khắp cả nước.

Có lẽ do xông pha ngàn vạn dặm đường khói lửa chiến tranh mà từ 10 năm trước, anh đã mắc bệnh thấp khớp, rồi chuyển sang gút. Bệnh tình cứ thế gặm nhấm sinh lực anh. Đau đớn thể xác, đã có lần quẫn trí, anh đã muốn tự kết liễu đời mình. May mà nhà thơ đồng hương Lê Xuân Đố kịp thời chạy sang tháo nút dây, giằng anh ra, kéo xuống ghế. Mấy năm sau bệnh tình của Trần Nhật Thu càng trầm trọng khi chuyển sang giai đoạn suy gan và thận. Anh từ giã bạn bè, gia đình lúc 18h 15' ngày 31/10/2008 tại nhà riêng ở TP. HCM.

Sắp đến là ngày gặp gỡ thường niên học sinh và giáo viên khóa học 1963-1965 Trường THPT Đồng Hới của chúng tôi. Nhất định, sẽ có phút mặc niệm của những người bạn để nhớ một người bạn của chúng tôi: Hỷ "lùn", Trần Viết Hỷ, nhà thơ Trần Nhật Thu

Hồ Ngọc Diệp
.
.