Nhà thơ Vũ Đình Liên: Ông đồ vẫn ngồi đấy...

Thứ Bảy, 10/09/2011, 08:00

Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ có một nhận xét khá thú vị: Nếu chọn 10 nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới có thể chưa có tên Vũ Đình Liên, nhưng nếu chọn 10 bài thơ tiêu biểu của thời kỳ ấy thì ắt phải có "Ông đồ".

Quả tình, trong phong trào Thơ Mới, Vũ Đình Liên không thuộc hàng "chủ tướng". Ông không chỉ nằm ngoài danh sách 10 nhà thơ hàng đầu, mà theo tôi, trong danh sách 20 nhà thơ cũng chưa chắc có tên ông. Trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Đình Liên chỉ được chọn vẻn vẹn có hai bài, thua cả những tác giả hiện tên tuổi đã khuất chìm trong màn sương quên lãng (như Thu Hồng, Phan Văn Dật, Lan Sơn…). Tuy nhiên, về độ phổ cập rộng rãi, tôi tin là trong các chủ tướng của phong trào Thơ Mới, không phải ai cũng có được bài thơ nổi tiếng như "Ông đồ" của Vũ Đình Liên. Cùng với "Nhớ rừng" của Thế Lữ, "Đây thôn Vỹ Dạ" của Hàn Mặc Tử, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư, "Tống biệt hành" của Thâm Tâm, "Ông đồ" của Vũ Đình Liên nổi bật trong rừng thơ tiền chiến như thể những bức phù điêu ấn tượng đặt trên lối đi vào một gian trưng bày mà đa phần là các bức tranh lụa với cảnh trí mơ màng, êm dịu. Nó thuộc trong số những thi phẩm mà nhắc tới, dường như người yêu thơ nào cũng biết, cho dù họ có thể quên tên tác giả. 

Vũ Đình Liên từng "bất mãn" với khả năng văn chương của mình: "Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nữa" (thư gửi Hoài Thanh - Hoài Chân ngày 9/1/1941). Cả đời, Vũ Đình Liên chưa từng có tập thơ in riêng. Ngoài "Ông đồ", "Lòng ta là những hàng thành quách cũ" được tuyển trong "Thi nhân Việt Nam", bạn đọc ít được tiếp xúc với những bài thơ khác của ông, cho nên cũng ít thấy cái "ấp úng", "khó nói thành lời" của thi nhân. Trong khi, đọc "Ông đồ", ai cũng có cảm tưởng mạch thơ tuôn chảy dễ dàng qua cách kể chuyện nhuần nhị, tài hoa.

Bài thơ rất gọn và rất gợi, nội dung ôm chứa một đề tài lớn, mang tính thời đại: Sự thay đổi nhịp sống và những phận người bị gạt ra bên lề cuộc đời.

Hãy xem thi nhân vào đề "ngọt" như thế nào:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Ông đồ già xuất hiện mỗi năm một lần, vào dịp Tết, khi nhiều gia đình ở phố có nhu cầu mua chữ về treo mừng năm mới. Việc xuất hiện của ông diễn ra êm đềm, tuần tự như hoa nở theo mùa vậy. Chỉ với 20 chữ, tác giả đã giới thiệu một cách sinh động công việc cùng các vật dụng của "ông đồ già" trong cuộc mưu sinh ngắn ngủi mà ấn tượng ấy.

Tranh "Ông đồ" của danh họa Bùi Xuân Phái.

Một ngón nghề dám trưng ra trước bàn dân thiên hạ, giữa chỗ đông người (trên phố đông người qua), ắt chủ nhân của nó phải là người vững tin vào sở trường của mình. Ông đồ già trong bài thơ của Vũ Đình Liên quả đã không phụ lòng người:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài


Tài gì? Không, không phải tài "văn hay" mà là tài "chữ đẹp":

"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"

Cả người mua chữ lẫn người bán chữ đều dễ dàng thỏa mãn các nhu cầu của nhau. Họ không đòi hỏi gì hơn bởi phần đông đâu có đọc được cái lối chữ tượng hình ấy? Vậy nên họ chỉ quan tâm tới khía cạnh hình thức của nó, tới những đường nét "như phượng múa rồng bay". Thật là một ý thích mong manh giữa thời đại mà sự in ấn ngày càng phát triển, và nhu cầu thưởng thức văn hóa đang có những thay đổi làm lung lay tận gốc những sở thích rườm rà, xưa cũ.

Và rồi, điều gì ắt phải đến đã đến. Ông đồ là người cảm nhận được điều này rất rõ:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Lẽ thường, muốn đảm bảo cuộc sống thì hàng bán ra phải luôn có khách mới. Khách mới không có, ông đồ đành trông về khách cũ, những vị khách của năm trước. Nhưng những người ấy giờ cũng không còn mặn mà gì với việc mua tranh chữ của ông nữa, nên mới có cảnh các vật dụng cũng phải buồn thay cho thân phận của mình: "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu". Giấy đỏ vì phơi ênh hềnh giữa bụi đường, mưa nắng nên cũng nhạt màu, muốn được thắm lại cùng mực đen, trong khi mực không được trưng dụng, không được mài, chỉ biết vón lại thành cục trong "nghiên sầu". Thật khó có chi tiết nào thấm thía và phơi lộ tâm trạng ê chề, buồn tủi của con người trước cảnh ế hàng như những chi tiết đặc tả này.

Nếu như ở hai khổ thơ đầu, người đọc ít nhiều còn thấy các cử động của "ông đồ già", thì đến khổ thơ thứ ba, đến ngay cả gương mặt, dáng vẻ của ông cũng… biến mất. Để rồi sau đó xuất hiện trở lại với cảnh trí đìu hiu, buồn nản ở khổ thơ thứ tư:

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay.

Giờ thì ông đồ như một pho tượng. Người qua đường không ai nhận thấy hoặc đoái hoài tới sự tồn tại của ông. Hình ảnh lá vàng rơi trên giấy không ngón tay nhặt lên cho thấy ông đồ gần như đã hoàn toàn đầu hàng số phận. Ông trở nên thụ động như một hình ảnh mà dân gian thường nhắc, đến con ruồi đậu bên mép cũng không buồn xua đi. Thật chua xót cho một lớp người đã bị qui luật cuộc sống đào thải.

Khổ kết đã nâng tầm cho cả bài thơ. Nó vừa thể hiện thái độ cảm thông, tiếc nuối, vừa thể hiện sự ân hận của lớp trẻ đối với các đấng bậc hiện đã thuộc về "những người muôn năm cũ" mà mình từng có lúc hờ hững, ghẻ lạnh.

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Cũng vẫn nhắc tới hoa đào nở, nhắc tới ông đồ xưa, nhưng với hai câu kết rất xuất thần, bài thơ đã nhanh chóng được đúc lại thành một tứ thơ vững chắc và mở ra cả một trời bâng khuâng hoài niệm. Mấy chữ "Những người muôn năm cũ" cũng đã trở thành một khẩu ngữ xuất hiện đây đó trong cuộc sống. Hẳn với đời một thi nhân, chỉ ngần ấy thôi cũng đáng để bao người ước vọng?

Trong bài "Thân tàn ma dại", Vũ Đình Liên từng khao khát trở thành "thi sĩ của những người thân tàn ma dại", khao khát tiếng thơ của mình sẽ "an ủi những người nghèo khổ/ Thiểu não bơ vơ, không họ hàng nhà cửa". Thực tế, trong cuộc sống đời thường, từ khi còn trẻ đến lúc về già, Vũ Đình Liên đã cư xử rất nhân ái, đầy sự sẻ chia với những phận người nghèo khổ. Theo nhiều bạn văn kể lại, có những năm, ông không ăn Tết cùng gia đình mà mang bánh chưng ra bến tàu, bến xe ăn Tết cùng những cụ già hành khất. Tiền thưởng của danh hiệu Nhà giáo nhân dân, ông dành tặng Quỹ hỗ trợ học sinh nghèo. Ông còn làm thơ về người đàn bà điên mà ông gặp ở ga Lưu Xá, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc:

Tôi với người điên ngồi không nói
Dưới sàn trên ghế vẫn nhìn nhau.

Ấy là những cư xử trong đời thực. Còn trong thơ, Vũ Đình Liên chưa làm được bao nhiêu so với những gì ông ao ước. Ông viết quá ít. Một số bài thơ của Vũ Đình Liên cho ta cảm giác, chữ nghĩa cứ trào ra đầu ngòi bút ông được hai, ba câu là lại vón cục, mạch thơ không đẩy tiếp lên được nữa. Không hiếm chỗ, người ta thấy đằng sau câu chữ, tác giả như còn muốn nói cái gì sâu xa hơn thế, cao hơn thế. Chưa kể, về chữ nghĩa, hình ảnh, mặc dù viết ít những Vũ Đình Liên đã có những chỗ lặp lại. Bài "Lòng ta là những hàng thành quách cũ" và bài "Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ" có giọng điệu khá giống nhau. Hai câu "Lòng ta là những hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa" rất gợi, có tính biểu tượng cao, song lại khá gần với hai câu "Dãy thành rêu kéo dài trên bờ cỏ/ Nỗi oan hờn quá khứ tới ngàn sau" (bài "Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ"). Đặc biệt, mấy chữ "người muôn năm cũ" vốn là tài sản rất có giá trong bài "Ông đồ" lại thêm lần được sử dụng ở bài "Hỡi những chiếc binh từ muôn năm cũ" và xem ra việc tái sử dụng ấy chưa được đắc địa.

Với đời thơ Vũ Đình Liên, "Ông đồ" không chỉ là bài thơ hay nhất, tầm vóc nhất mà còn là một thành công mang tính "đột biến", mặc dù những nỗi niềm hoài cổ chất chứa trong "Ông đồ" vốn dĩ là một đặc điểm cố hữu trong hồn thơ của ông.

30/8/2011

P.K.
.
.