Nhà thơ Phạm Tiến Duật với riêng tôi

Chủ Nhật, 30/09/2007, 17:30
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê đồng bằng nên với các nhà văn, nhà thơ thì chỉ được nghe danh tính thôi. Sau này được ra Hà Nội học hay khi về Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh công tác, có dịp được gần các văn nhân thi sĩ thì vẫn kính cẩn và lặng lẽ lùi ra ngoài ngắm nhìn để dành cho các bậc đàn anh tiếp kiến, trò chuyện.

Không được như các bạn sáng tác trẻ ở thành phố bây giờ, bắt đầu viết đã được các nhà thơ nhà văn đàn anh vây bọc, động viên khích lệ, viết bài giới thiệu, một bước là lên tới đỉnh Thi sơn, đang còn là sinh viên mới viết được dăm bảy truyện ngắn, vài chục bài thơ mà đã được ca ngợi như những thiên tài xuất chúng.

Vì vậy, mặc dù yêu thích thơ Phạm Tiến Duật và cũng có nhiều cơ hội nghe anh đăng đàn, tiếp xúc tập thể nhưng tôi đã không tìm cách đến gần để trò chuyện với anh. Mãi đến năm 1997, khi tôi chuyển công tác về Hà Nội, đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, xuất bản tập phê bình tiểu luận thứ hai “Tản mạn và chính kiến văn chương” tôi mới dám gửi tặng sách anh.

Khi có dịp gặp lại anh, nghe anh bảo là anh đã đọc sách của tôi rồi, sách “có văn” là tôi đã mừng quýnh. Được nhà thơ nổi tiếng khen là  sách “có văn” thì mình yên tâm rồi, có thể đi tiếp trên con đường văn chương rồi.

Nhớ lại hơn ba mươi năm trước, vào năm 1974, tôi từ bộ đội về học tiếp năm cuối cùng khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc này, tôi cũng đã được đăng những bài thơ đầu tiên.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật thì đã nổi tiếng từ 5 năm trước khi anh giành giải Nhất cuộc thi thơ 1969 - 1970 của tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), giải nhất đích đáng nhất trong các cuộc thi thơ của báo Văn nghệ.

Tôi có người bạn gái cùng lớp khi học khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội là Ngô Liên Hương (sau này thành vợ nhà thơ Bùi Công Minh và trước khi nghỉ hưu là Vụ trưởng đặc trách khu vực miền Trung Tây Nguyên Ban Khoa giáo Trung ương thường trực tại Đà Nẵng).

Ngô Liên Hương lúc đó là cô giáo dạy văn, nhà ở phố Thợ Nhuộm, Hà Nội, có quen nhà thơ Phạm Tiến Duật. Biết tôi đang âm thầm làm thơ, chị bảo tôi chép một số bài thơ để chị nhờ nhà thơ Phạm Tiến Duật xem cho.

Thú thực, khi đó tôi đã có thơ đăng báo nhưng không có sự tự tin thái quá như các bạn làm thơ trẻ bây giờ. Tôi liền chọn chép khoảng hai chục bài và viết mấy lời kính cẩn nhờ nhà thơ Phạm Tiến Duật xem hộ xem “có phải là thơ không?”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đọc rất kỹ, có nhận xét ở từng bài, và có thư nhận xét chung gửi cho tôi. Tiếc rằng, trong thời kỳ bao cấp, do điều kiện nơi ăn chốn ở chật chội và dột nát, tôi đã không còn giữ được lá thư ấy, nhưng nội dung của bức thư thì tôi vẫn còn nhớ để răn mình.

Thư nhận xét của anh không dài, chỉ khoảng vài ba trăm chữ trên một trang giấy khổ nhỏ bằng nửa trang giấy khổ A4 bây giờ. Tôi đã nhớ những ý kiến về thơ của anh viết cho tôi hơn là sau này đọc những tập sách dày về lý luận, phê bình thơ khác.

Tất nhiên, đến nay tôi hiểu những ý kiến của anh khi ấy chỉ là những ý kiến cảm hứng, không đầy đủ, nhưng là những ý kiến tâm huyết mà anh muốn nói với người viết trẻ đang chập chững bước vào con đường văn chương.

Anh đã viết cho tôi rằng, bài thơ hay có hai dạng: một là bằng số câu, số chữ ít nhất phải dựng đứng được trước mắt người đọc một bức tranh, một sự việc, làm cho người đọc như thấy đang được tận mắt chứng kiến phong cảnh ấy, sự việc ấy; hai là, cũng bằng số câu chữ ít nhất phải dựng lên được một tâm trạng vui buồn trong một điều kiện hoàn cảnh nhất định để làm cho người đọc phải xúc động vui buồn như chính mình đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng ấy.

Tôi hiểu là anh nói về sự hàm súc của thơ theo cách của riêng anh. Cùng với nhận xét ấy, anh chỉ khen có 3 bài thơ bốn câu của tôi. Còn tất cả những bài khác mà khi ấy, với sự bồng bột của tuổi trẻ, tôi cứ tưởng đó là những bài thơ hay thì anh lại không khích lệ gì, hoặc chỉ có nhận xét với một ý khen thì đi kèm với vài ba ý chê.

Ba bài thơ anh khen “hay”, tất nhiên tôi hiểu là hay so với cả chùm thơ của tôi thôi chứ đâu phải là thơ hay thật sự, sau này có được nhà thơ Trần Đăng Khoa chọn 2 bài khi anh tuyển chọn giúp tôi in tập thơ đầu tay sau hơn 30 năm làm thơ, tập thơ “Trăng suông”. Đó là bài “Đồng mưa” và bài “Gặp nhau”.

Còn một bài lúc đó nhà thơ Phạm Tiến Duật khen “hay” mà sau này không được nhà thơ Trần Đăng Khoa chọn là bài “Sông trăng” tôi viết năm 1972. Hai nhà thơ lớn có ý kiến trùng nhau hai phần ba là quý lắm rồi. Bài thơ “Sông trăng” chưa từng in ở đâu, nhân đây tôi xin chép lại như một kỷ niệm:

Chiến dịch thắng rồi, bơi thuyền chơi sông nước
Bốn bề lắng im bát ngát ánh trăng
Sóng lượn nhấp nhô ôm bóng trăng vào lòng nước
Một dòng sông vàng chảy giữa một dòng sông...

Bây giờ nhìn lại, tôi thấy lời nhận xét về thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã giúp tôi kiệm lời viết nên những bài thơ ngắn, không lùa thùa, dài dòng tốn giấy in và thời gian của bạn đọc suốt cho đến tận bây giờ.

Điều này bây giờ tôi mới kể và chắc là anh Phạm Tiến Duật thì không còn nhớ nữa. Bởi những lần gặp lại sau này không bao giờ thấy anh nhớ đến rằng tôi trước khi viết phê bình thì đã làm thơ.--PageBreak--

Cả thế hệ chúng tôi, những người yêu văn chương những năm chống Mỹ đã sùng bái nhà thơ Phạm Tiến Duật. Anh là thần tượng để chúng tôi noi theo, vừa ngang tàng oai hùng, vừa nghệ sĩ.

Chả thế mà có một bài thơ của ai đó, đến nay tôi không còn nhớ tên tác giả, có kể lại việc tác giả về thăm Phú Thọ, quê hương nhà thơ Phạm Tiến Duật “nhìn đứa trẻ nào cũng hao hao giống Duật”.

Còn tôi, trong buổi chia tay các bạn lớp văn 4M để nhập ngũ đầu tháng 1/1972, tôi đã phát biểu và đọc bốn câu thơ của anh trong bài thơ “Chào những đội quân tuyên truyền - Chào những đội quân nghệ thuật”:

Ta đi hôm nay đã không là sớm
Đất nước hành quân mấy chục năm rồi
Ta đến hôm nay cũng không là muộn
Đất nước còn đánh giặc chưa thôi

Trong hành trang của chúng tôi ra trận có thơ Phạm Tiến Duật, và những bài thơ mới của anh luôn được chúng tôi đón đợi.

Ánh hào quang của Phạm Tiến Duật không chỉ có ở thời kỳ chống Mỹ với hàng chục bài thơ hay mà đỉnh cao nhất là “Lửa đèn”. Thời kỳ đầu sau chiến tranh, mạch thơ xây dựng của anh  cũng được bạn đọc yêu mến.

Tôi điểm theo trí nhớ không cần giở sách, Phạm Tiến Duật cũng có gần chục bài thơ đi được vào trái tim mọi người: “Hà Nội ơi, mùa đông tôi trở lại”, “Dứa trái mùa”, “áo của hôm nào, người của hôm nay”, “Tình yêu nói ở sông Đà”, “Chiều mưa ở Tiền Hải, nghe chèo”, “Thay áo”, “Nhớ đồng ca, hát đồng ca”...

Thơ anh ở thời kỳ thứ hai này vẫn hóm hỉnh và tinh tế:

Người đang yêu như cây cối đang hoa
Bác thợ ấy bồn chồn tôi biết lắm
Mắt luôn cười và lời luôn đằm thắm
Tôi đánh vỡ cái ly trà, bác có trách đâu
(Tình yêu nói ở sông Đà)

Cũng trong giai đoạn này, tôi được nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật nói chuyện với sinh viên khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những ý kiến của anh là những bài học có tác dụng với những cây bút trẻ.

Anh kể: Anh học cùng lớp Văn với các anh Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, Ma Văn Kháng vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Anh không thấy Nguyễn Khoa Điềm làm thơ, chỉ thấy mùa đông Nguyễn Khoa Điềm mặc áo lót quần đùi trùm chăn học cổ văn.

Nguyễn Khoa Điềm đã làm luận văn xuất sắc bằng tiếng Pháp tác phẩm “Lão Gôriô” của Banzắc. Thế mà vào cuộc chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm lại làm thơ với trường ca “Mặt đường khát vọng” nổi tiếng, phải chăng thời đại đã mang thơ đến cho anh Điềm?

Còn anh (Phạm Tiến Duật) lúc đó đã được đăng hai bài thơ đầu tiên trong tập “Sức mới”. Như thế đã là ghê lắm! Đi đâu anh cũng mang theo những bài thơ được đăng báo để khoe.

Anh Tô Nhuận Vĩ khuyên anh là muốn làm thơ thì phải học kỹ thuật nông nghiệp và anh đã đi thư viện đọc sách về kỹ thuật chăn nuôi, rồi làm những bài thơ về chọn giống trâu bò... Cả hội trường cười ồ khi anh đọc hai câu thơ lúc lên đường nhập ngũ: “Nhà thơ đang độ sức trai/ Ra đi ve áo có hai lá cờ” (là anh tả quân hàm binh nhì ở hai ve áo).

Thế mới biết lớp đàn anh đã phải mầy mò gian nan vất vả trên con đường bước đầu đến với văn chương nghệ thuật như thế nào và cũng thấy nghị lực lớn lao của các anh tự mình khám phá, tự mình vượt cạn, tự mình khẳng định không hề dễ dàng như một số cây bút trẻ hôm nay ảo tưởng. Sự bền vững của văn chương nghệ thuật chắc không thể dễ dàng đem đến cho riêng ai!

*

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã hoàn thành sự nghiệp của mình. Thực ra anh đã hoàn thành sự nghiệp của mình cách đây một phần tư thế kỷ rồi. Nhưng với trái tim nghệ sĩ thì dẫu tài năng dừng lại mà tâm hồn thì đã đâu hết những mộng mơ.

Một phần tư thế kỷ qua anh vẫn viết thơ và tiểu luận thơ. Đó là những bổ sung cho sự nghiệp của anh dầy dặn hơn dẫu không cao thêm thì cũng thêm vững chắc.

Theo tôi, trong thế hệ các nhà thơ xuất hiện trong chống Mỹ cứu nước có thành tựu thì Phạm Tiến Duật là một người đứng đầu. Phải chăng việc trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho anh là còn khiêm tốn.

Hãy nhìn vào tác phẩm của nhà thơ trực tiếp đóng góp to lớn trong cuộc chống Mỹ cứu nước mà đừng nhìn vào những điều này khác. Thế mới là duy vật biện chứng.

11/8/2007

.
.