Nhà thơ Nguyễn Trung Thu và những "tiếng thầm"

Thứ Ba, 05/06/2012, 08:00
Căn phòng hơn 150 mét vuông ở khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính dường như rộng hơn bình thường bởi vẻ yên tĩnh, trống vắng đến lạ lùng.  Bà Hòa ngồi bên bàn làm việc của chồng, nhà thơ Nguyễn Trung Thu, lật giở từng trang tập thơ "Nhật ký Trường Sơn" còn thơm mùi giấy. Đây là tập thơ di cảo gồm những bài ông viết trong thời gian ở chiến trường, bà đã dày công biên soạn để in cho kịp dâng lên ông nhân ngày giỗ lần thứ ba.

Bà Hòa ngậm ngùi tâm sự: "Tập sách như một báu vật đối với hai cô con gái của chúng tôi hiện đang sống xa Tổ quốc, còn đối với tôi, nó như một lời thì thầm tâm sự của anh ấy trong những ngày tôi phải sống một mình kể từ khi anh ấy ra đi vào cõi vĩnh hằng".

Đúng như tên sách, đó là tập nhật ký bằng thơ chất chứa nỗi lòng trắc ẩn, đong đầy nỗi nhớ thương của một người cha yêu con, một người chồng yêu vợ, cứ day dứt trở thành nỗi ám ảnh xuyên suốt hơn 200 trang sách. Bà Hòa cho biết, ngày nhà thơ Nguyễn Trung Thu ra trận, cô con gái nhỏ Thu Thủy chỉ mới tròn 5 tuổi. Bình thường khi ở nhà, ông yêu chiều và quấn quýt với con lắm. Bởi thế khi xa con, niềm nhớ thương của ông trút hết cả vào thơ, có hàng trăm bài thơ ông đã viết, đã ghi chép dày chi chít trên mặt giấy, có những câu chữ bây giờ đã bắt đầu phai nét mực, có những trang viết nhòe đi cùng giọt nước mắt mặn mòi của người cha trong đêm khi nghĩ về hậu phương, tưởng tượng hình ảnh vợ con: "Anh thương em lắm chốn hậu phương/ Gắng chèo chống những ngày anh ra trận/ Việc cơ quan, việc mình em gánh nặng/ Mấy lo buồn cũng chỉ một mình em/ Con đau ốm chẳng có anh bên/ Chia sẻ cùng em những giờ thao thức/ Em gặp chuyện đời phiền phức/ Biền biệt người tri âm/ Nơi sơ tán xa xăm/ Hai mẹ con "xảy nhà ra thất nghiệp"/ Tháng nối tháng với mấy đồng lương hẹp/ Trăm thứ tiêu dùng em tính sao đây/ Mường tượng em mảnh mai xanh gầy/ Đôi mắt quầng thâm tư lự/ Sau những đêm mất ngủ/ Anh nghĩ mà thương em, thương em (Anh thương em).

Trong "Nhật ký Trường Sơn", ngoài mảng thơ viết về gia đình thì mảng thơ viết về Trường Sơn, về Bác Hồ cũng chiếm một tỉ lệ tương đối lớn. Đặc biệt, không thể thiếu một trong những bài thơ thành công nhất của đời thơ Nguyễn Trung Thu là bài "Đêm Trường Sơn nhớ Bác". Nhắc đến bài thơ này, bà Hòa chia sẻ: "Anh Thu kể lại với tôi rằng, bài thơ này anh viết vào đêm 6/6/1972 tại Quảng Trị. Lúc đó trời đã rất khuya, anh cảm thấy khó ngủ trong lán hầm ngột ngạt, bèn ôm võng ra mắc nằm bên suối. Đêm ấy, trăng vằng vặc sáng trên cả đại ngàn. Chợt nghĩ cảnh Trường Sơn lúc này y hệt cảnh rừng Việt Bắc năm nào hồi kháng chiến chống Pháp mà Bác Hồ đã miêu tả trong bài thơ "Cảnh khuya"... Và dưới ánh trăng, anh đã cầm bút viết lên lòng bàn tay mấy câu thơ đầu tiên. Khi trở về lán trại, anh chép lại và sáng hôm sau, bài thơ được hoàn thành: "Đêm Trường Sơn/ Chúng cháu nhìn trăng nhìn sao/ "Cảnh khuya như vẽ"/ Bâng khuâng chúng cháu nghĩ/ Bác như đã đến nơi này/ Đêm Trường Sơn/ Chúng cháu nghe tiếng suối/ "Trong như tiếng hát xa"/ Chúng cháu ngỡ như từ Pác Pó/ Suối về đây ngân nga/ Bỗng chúng cháu bồn chồn thương nhớ Bác/ Rừng khua đã dậy tiếng gà/ Súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước/ Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước/ Con đường Bác mới đi qua". Sau đó ít lâu, bài thơ được in trên Báo Nhân Dân và ngay lập tức được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc. Năm 1999, nhân 40 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Đài Tiếng nói Việt Nam và binh đoàn Trường Sơn đã tổ chức cuộc bình chọn ca khúc hay về đề tài Trường Sơn và bài hát "Đêm Trường Sơn nhớ bác" đã được bị chọn là bài hát hay nhất trong 10 bài hát hay về Trường Sơn.

Bà Hòa tâm sự, con người trong thơ của nhà thơ Nguyễn Trung Thu và con người ở cuộc đời thường không khác nhau. Ông điềm đạm, hiền lành, ít khi nổi nóng. Mỗi lần gặp chuyện gì không hay không phải ông đều cười trừ và tặc lưỡi cho là chuyện tầm phào cả. Bất kể khi nào nói đến chuyện vất vả khó khăn của bạn bè ông cũng đều nhíu mắt rồi bật lên những lời chia sẻ: "Ôi! Thương lắm". Đọc bài thơ nào của bạn bè trên báo ông cũng gọi điện báo tin rồi nhắn lại: "Mình còn giữ tờ báo đây, nếu cần mình chuyển đến cho". Thế rồi ông giữ gìn tờ báo phẳng phiu cẩn thận đưa đến tay bạn bè. Ông sống sao, nghĩ sao viết vậy, không thích đưa vào thơ những lý thuyết cao siêu này hay tuyên ngôn to lớn nọ, dù ông, với tư cách là một nhà giáo, sau này là Phó Vụ trưởng, chuyên viên cao cấp Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đi nhiều, đọc nhiều và gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ, học giả lớn. Có lần, khi tâm sự với vợ, ông đã tự nhủ rằng: Có lẽ chính vì chỉ viết về những câu chuyện quen thuộc, những tình cảm gia đình nên thơ ông không hay, không có sức bật như những bạn thơ đương thời? Nhưng, nói như nhà thơ Vũ Quần Phương: "Thơ Nguyễn Trung Thu tác động đến xã hội là tác động theo một giọng thầm… Đọc anh thấy cuộc đời thật đẹp, đáng chia chút, nâng niu và chỉ khi biết nâng niu chia chút thì cuộc đời mới đẹp. Người đọc yêu giọng thơ khiếm tốn, yêu cách thể hiện trực tiếp, không mượn tài thơ bù đắp cho chỗ thiếu hụt của tình, của ý".

Giờ đây, ở vào tuổi gần 70, một mình trong căn nhà rộng với nỗi nhớ các con cháu ở xa và nỗi buồn lẻ bóng khi thiếu vắng người chồng hết mực yêu thương bên cạnh, bà Hòa chỉ còn biết cách tìm lại kỷ niệm xưa bằng những bài thơ và hàng trăm bức thư tình hai ông bà đã viết cho nhau từ ngày họ mới quen nhau ở giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà đưa tôi xem một bức thư Nguyễn Trung Thu viết gửi bà hồi hai người mới bắt đầu yêu nhau. Nét mực vẫn còn nguyên vẹn những dòng chữ nắn nót trên tấm giấc pơ-luya xám: "Càng ngày anh càng thấy yêu em gấp bội, nhiều lúc như điên dại nữa. Em luôn luôn sống giữa lòng anh đấy. Trái tim anh đã khắc sâu, đã vĩnh viễn khắc sâu hình bóng của em rồi. Có em đường dài anh đi anh thấy như ngắn lại, đêm đêm ngọn đèn anh làm việc sáng hơn, phòng nhỏ anh ở ấm hơn nhiều. Nhiều lúc anh đã nghĩ, có em, dường như ở trong cuộc đời anh sẽ không có khái niệm "khó khăn"… Và quả thật, cho đến những giây phút phải chống chống chọi lại với căn bệnh ung thư quái ác, nhà thơ Nguyễn Trung Thu vẫn viết những dòng thơ "Dặn vợ" cuối cùng

Thiên Kim
.
.