Nhà thơ Nguyễn Đỗ Lưu: Lênh đênh vớt nửa tứ thơ cuối trời

Thứ Tư, 07/12/2011, 08:00
 Tuổi ngoài 70, mà yêu thơ đến độ muốn bán nhà để in thơ - thể loại thơ hai câu mà ông gọi là "Chiêm Linh học" do ông tự khởi xướng đến nay đã có số lượng lên đến hơn 1 vạn bài - thì có lẽ ở Việt Nam chỉ có một...

Đời Nguyễn Đỗ Lưu lênh đênh đúng như hai câu thơ ông tự họa: "Dạt dều bể khổ, sông mơ/ Lênh đênh vớt nửa tứ thơ cuối trời". Lênh đênh vì thơ, vì thơ mà lênh đênh. Lênh đênh lận đận từ thuở nhỏ cho đến hôm nay, khi mái đầu sợi bạc nhiều hơn sợi đen. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhà thơ nhưng những gì cảm nhận ở Nguyễn Đỗ Lưu là ở ông: buồn nhiều hơn vui, sự day dứt nhiều hơn thanh thản và những giọt nước mắt đọng lại trong thơ nhiều hơn tiếng cười...

Không nói Nguyễn Đỗ Lưu lên đênh sao được khi vừa lọt lòng mẹ, ông đã bị đưa đi làm con nuôi bởi gia cảnh cha mẹ ông khi đó quá đỗi khó khăn. Nuôi một đứa con còn không biết lấy gì ăn huống hồ cha mẹ ông lại sinh đôi. Bởi vậy mà thương đứa con mang nặng đẻ đau dứt ruột đẻ ra nhưng ông bà đành ngậm ngùi cho đi "cậu anh", lúc ấy tên là Nguyễn Ngọc Lưu, sau thêm họ Đỗ của cha nuôi thành Nguyễn Đỗ Lưu. Ở với cha mẹ nuôi, nhưng Nguyễn Đỗ Lưu rất mực chăm ngoan, từ khi mẹ bị thiên đầu thống dẫn tới mù lòa, cậu bé Lưu đã đảm nhiệm việc chăm sóc, giặt giũ cho mẹ, dắt mẹ đi các nơi lúc cần. Bởi vậy, cậu bé Lưu không được đến trường mà biết chữ là do "học ké" từ một cậu em, rồi tự nhận mặt từng từ một chứ không biết ghép vần từ các chữ cái. Bởi thế, bài thơ đầu tiên Nguyễn Đỗ Lưu viết là bài "U ơi" nói về cái chuyện học này:

Con ngồi xem em học
Cậu đuổi như đánh gà?
U ơi con không nghịch
Chỉ học theo B, A
Ông trời to ác thật
Bắt mắt u mù lòa
Không thì con đến lớp
Cũng biết đọc B, A.

Thương con, nhìn thấy chất văn phảng phất trong đứa con mặt mũi còn lấm lem đất bụi, tro bếp, cha của Nguyễn Đỗ Lưu đã bán đi một vườn ổi và mua được một thúng sách về cho con học. Nguyễn Đỗ Lưu đọc, học chủ yếu trên lưng trâu và những áng văn thơ ngấm vào cậu bé từ ngày đó. Và thật đúng khi nói rằng, thơ đã tìm đến với Nguyễn Đỗ Lưu, bởi khi cất lên những vần thơ đầu tiên, cậu bé còn chưa biết chữ. Thơ cậu bé viết về những thứ rất đỗi gần gũi với cuộc sống quanh cậu, về cha mẹ, anh em, về con chó, con mèo, con chuồn chuồn, con gọng vó... bằng những cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ. Và khi tập thơ của cậu bé Nguyễn Đỗ Lưu gửi dự cuộc thi thơ học sinh Bắc Việt đoạt giải đã gây bất ngờ cho cả làng. Vẫn cậu bé chăn trâu áo nâu, chân trần "không khác gì một con cua đồng" ấy đã lếch thếch một mình lên tỉnh nhận giải thưởng. Để rồi, suốt phần đời còn lại trăn trở, day dứt, đau khổ và vui sướng cùng thơ.

Không nói Nguyễn Đỗ Lưu lênh đênh sao được khi vừa chạm tuổi nghỉ hưu sau mấy chục năm công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa, Thể Thao & Du lịch Hà Nội), tưởng là đến ngày về sum vầy với con, với cháu thì người vợ suốt mấy chục năm chung sống, đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi lúc khó khăn hoạn nạn, từ sau chuyến "đi Tây" về bỗng "nhạt" dần với chồng và chìa ra lá đơn ly hôn. Nguyễn Đỗ Lưu chấp nhận ra đi "người không", gia tài chỉ độc có sách là sách. Ông phải thuê xe đến chở rồi "gửi" ở nhà một người bạn gái yêu thơ tên là Ngô Minh Lý. Đầu tiên là gửi sách, sau đó là gửi luôn cả... người, bởi lúc ấy không còn chỗ để về. Trong tâm khảm của mình, nhà thơ Nguyễn Đỗ Lưu vẫn thầm cảm ơn người phụ nữ này, bởi lẽ nếu không có bà, hẳn nhà thơ già không biết gửi sách và...người nơi đâu để có thể tiếp tục làm thơ nốt phần đời còn lại. Từ đó đến giờ, họ làm bạn với nhau, cùng chăm sóc đứa cháu của bà, vì thế hễ bà Lý có việc đi đâu, ông phải ở nhà trông cháu, bạn thơ mà gọi dù vui đến mấy ông cũng cấm có đi được. Nhưng đó cũng chính là niềm vui với Nguyễn Đỗ Lưu bây giờ, ngoài niềm vui thức với thơ hàng đêm.

Không nói Nguyễn Đỗ Lưu lênh đênh sao được, khi từ bé đến giờ hình như lúc nào ông cũng liêu xiêu vì nghèo. Lắm lúc ông "chết sững" người khi con cái cần xin tiền đóng học hành. Đến nay, Nguyễn Đỗ Lưu đã in hàng chục tập thơ, trong đó có những tập thơ được bạn đọc chú ý như "Hoa tự đặt tên" (NXB Hà Nội, 1988), "Cửa mắt tình yêu" (NXB Văn hóa, 1992), "Sóng khuynh thành" (NXB Thanh niên, 1998)...Ngoài ra, ông còn có 3 vở kịch được công diễn nhiều lần, đó là kịch thơ "Chị Dậu" (1962), kịch thơ "Mảnh đất thành đồng" (1963), đặc biệt là kịch bản văn học "Đôi dòng sữa mẹ" (1988)... Đó có lẽ là tài sản lớn nhất của đời ông.

Là người có danh sớm, lại là "người nhà nước" hẳn hoi, nhưng những năm tháng khó khăn, cơ quan thấy ông quá nghèo nên thường dành cho việc giặt phướn để kiếm thêm tiền nuôi con. Vậy là những băng-zôn, khẩu hiệu, tờ phướn... đã qua sử dụng khi không cần thiết nữa được ông đem ra hồ giặt rồi phơi để cơ quan tái sử dụng lần sau. Công việc khó nhọc, nhưng cũng kiếm thêm được đôi chút để cùng vợ nuôi con ngoài những đồng lương công chức (từng có thời gian trong suốt 14 năm ông không được tăng lương một lần nào!) và nhuận bút thơ. Thỉnh thoảng, Nguyễn Đỗ Lưu còn được ưu ái dành cho việc trông xe đạp buổi tối ở rạp Công nhân để thêm thu nhập. Có đêm bị mất một chiếc xe đạp - là vật vô cùng giá trị thời bấy giờ - mặt ông bạc đi. Ông phải đi vay tiền đền cho người mất xe, có khi hàng năm sau vẫn không trả được. Bạn bè ở các báo lại thương, in bài viết, in thơ cho. Có điều đặc biệt là, các con gái của nhà thơ đều chăm ngoan, học giỏi và đến nay đều thành đạt, lại rất thương bố nên vẫn đến thăm luôn. Bây giờ, người vợ cũ - mẹ của các con ông buôn bán phát đạt, trở nên rất giàu có, nhưng ông nói rằng ông không bao giờ đến làm phiền, bởi ngày ra đi ông đã hứa như vậy. Bởi nhà thơ dần hiểu ra, hình như cái khó, cái nghèo, cái lận đận của một nhà thơ cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hôn nhân của hai người giữa đường đứt gánh...

Không nói Nguyễn Đỗ Lưu lênh đênh sao được khi đến giờ - đã ở tuổi thất thập, vẫn còn có ý định bán nhà, chỉ vì muốn có tiền... in thơ. Làm thơ từ thuở còn chưa biết chữ, nhưng hơn chục năm nay kể từ khi đến tuổi nghỉ hưu, Nguyễn Đỗ Lưu tập trung bút lực làm thể loại thơ mà ông gọi là "Chiêm linh học". Từ những trải nghiệm cuộc đời, những đắng cay mất mát, từ tình yêu và niềm say mê với cuộc sống, những câu thơ Nguyễn Đỗ Lưu viết ra giống như sự tổng kết muôn mặt của đời sống xã hội, đọc có thêm nhiều kiến thức bổ ích cũng như cách xử thế nhưng lại được diễn đạt bằng cách dễ đi vào lòng người. Mỗi bài chỉ gồm 2 câu thơ lục bát, có tựa đề, có mở, có kết. Đêm nào Nguyễn Đỗ Lưu cũng làm thơ, khi thì vài bài, có khi vài chục bài. Nói là vài chục bài có thể nhiều người sẽ... bất ngờ, nhưng nhà thơ Nguyễn Đỗ Lưu chia sẻ rằng có những đêm "anh hoa phát tiết", ông làm tới 40 bài.

Đêm đến, ông không thiết ngủ bởi ông luyến tiếc khoảng thời gian tĩnh lặng và đầy cảm xúc đó. Trong không gian yên ả cùng sự tĩnh lặng tuyệt đối, Nguyễn Đỗ Lưu mới có được những suy tưởng, chiêm nghiệm đặc biệt để cất thành lời thơ như: "Sống nghiêm đạo lý, đạo đời/ Lũ tham cũng ngại, xu thời tránh xa" hay "Kẻ nào lấy oán báo ân/ Suốt đời chẳng thể ngoi thân với đời"...

Bởi thế, gia tài thơ "Chiêm Linh học" của ông đến nay đã có tới hơn 10.200 bài - một con số không hề nhỏ và nếu in thành mỗi tập 300-400 trang thì cũng phải tới 7 tập mới hết. Và đương nhiên, số kinh phí cần bỏ ra để in cũng không hề nhỏ. Theo tính toán của nhà thơ già, cần tới 50 triệu đồng cho một tập và khoảng 350 triệu đồng để "kho thơ Chiêm Linh học" của ông đến được với độc giả. Con số khổng lồ này khiến khó có một NXB, nhà sách nào dám "cả gan" nhận in, trong điều kiện ngành xuất bản, phát hành sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Ông cũng tận dụng những mối quan hệ quen biết để tìm kiếm Mạnh Thường Quân, nhà tài trợ. Nhưng chính Nguyễn Đỗ Lưu chia sẻ rằng: "Khó lắm!". Bởi thế, cực chẳng đã ông mới bàn với vợ ý định... bán nhà để in thơ. Hiểu và thông cảm với nỗi niềm đau đáu của chồng, mối lo sợ một ngày kia khi thành "người thiên cổ", những câu thơ nặng thế sự của mình không đến được với độc giả. Nhưng nếu bán nhà, sau còn biết ở đâu? Bởi vậy, một ngày dự định ấy vẫn chưa thành là một ngày ông còn "ăn không ngon, ngủ không yên".

Không chỉ mất ăn mất ngủ vì thơ, điêu đứng vì thơ mà Nguyễn Đỗ Lưu còn "Cho đời cả tỉnh cả mơ/ Tự thiêu bằng ngọn lửa thơ bật bùng" như lời ông tự họa. Có lẽ, đến với thơ, Nguyễn Đỗ Lưu hệt như một con thiêu thân tự ném mình cho lửa...

Hà Anh
.
.