Nhà thơ Khương Hữu Dụng: Người ham chuyện

Thứ Tư, 28/01/2009, 15:30
Chỉ cần một lần tiếp xúc với nhà thơ Khương Hữu Dụng, ai nấy đều dễ dàng nhận thấy cụ là một người cực kỳ... ham chuyện. Thì cũng vẫn chỉ là chuyện thơ thôi, nhưng hễ có người đối thoại là cụ có thể dốc bầu tâm sự thâu đêm suốt sáng, nói đến quên ăn quên ngủ.

Nhà thơ Khương Hữu Dụng lại là người có sức khỏe (cụ mất khi chỉ còn 2 tuổi nữa là đầy trăm), thành thử những người có thể thường xuyên tham gia bàn thảo với cụ cứ... rơi rụng dần. Họ không đủ thời gian và sự kiên nhẫn đã đành, mà còn vì không đủ cả... sức nghe nữa. Bởi vậy, hễ có cơ hội gặp và trò chuyện với một bạn thơ, cụ Dụng đều có ý muốn giữ riệt lấy họ... Lâu dần, lâu dần, có người đâm e ngại khi lỡ được lão nhà thơ "thăm hỏi".

Đã có nhiều câu chuyện như thể giai thoại xoay quanh cái sự... ham nói của nhà thơ già.

Cứ theo nhận định của nhà thơ Vương Trọng thì để cụ Dụng dứt ra được câu chuyện cũng đã mất nhiều thời gian lắm rồi, mà thời gian cụ "nói thêm" khi chia tay ngoài cửa có khi lại... dài hơn thời gian ngồi nói chuyện trong nhà nữa. Nhà thơ Võ Văn Trực thì kể: Hồi nhà thơ Hoài Anh còn ở phố Hàng Bồ, Hà Nội, ông và cụ Dụng thường hay ghé qua đàm đạo chuyện thơ. Hoài Anh vốn dĩ giỏi chữ Hán, cụ Dụng lại thích dịch thơ Đường nên hai ông con nói chuyện rất ý hợp tâm đầu. Ngặt một nỗi, nhà mà nhà thơ Hoài Anh ở rất chật, chỉ chừng 6 -7 m2. Hai đứa con nhỏ của ông lại nghịch vô cùng. Khách đến chơi phải chứng kiến cảnh chúng ném chăn, ném gối, nô đùa ầm ĩ, ai "thần kinh thép" cũng chỉ ngồi được mươi, mười lăm phút là xin... cáo lui. Với Võ Văn Trực cũng vậy. Riêng cụ Dụng thì - mặc dù năm ấy cụ cũng đã ở tuổi gần bảy mươi, song thật lạ là cụ có thể say sưa trong bầu không khí "hỗn loạn" ấy tới... vài tiếng đồng hồ mà xem ra không thấy căng thẳng chút nào.

Cũng vẫn câu chuyện do nhà thơ Võ Văn Trực kể: Hồi ông phụ trách chuyên mục "Sổ tay người yêu thơ" của Báo Văn nghệ, để tìm hiểu xuất xứ bài thơ "Từ đêm 19" (viết trong kháng chiến chống Pháp) của Khương Hữu  Dụng, ông tìm đến nhà cụ. Hai ông con trò chuyện mãi đến buổi thứ ba mà vẫn chưa làm sao đi được vào chủ đề chính. Suốt ba buổi đó, lão nhà thơ vẫn chìm đắm trong câu chuyện về việc làm thơ của cụ thời kỳ trước Cách mạng. Rằng thì cụ được gặp và đối ẩm với cụ Phan Bội Châu ra sao, đã được cụ Phan chọn cho bút danh Thế Nhu như thế nào! Cho đến hết ba buổi mà vẫn quẩn quanh chủ đề thơ Khương Hữu Dụng thời kỳ ký bút danh Thế Nhu. Không thể kiên trì hơn được nữa, nhà thơ họ Võ đành chịu bỏ cuộc

Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi từng đưa in trên sách báo câu chuyện nhà thơ Khương Hữu Dụng đến chúc tết gia đình ông: Đúng 9 giờ sáng mùng 2 tết năm ấy, cụ Dụng tới. Cụ say sưa nói chuyện thơ với gia chủ cho tới 10 giờ, 11 giờ rồi 12 giờ. Vợ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thấy vậy, cố nài nỉ cụ Dụng nghỉ... đọc thơ để xơi cơm cùng gia đình, song cụ nhất mực từ chối. Thêm nửa tiếng nữa, bất thần đứa cháu ngoại của Nguyễn Bùi Vợi lừ lừ đi vào, ấn vào tay cụ Dụng và ông nó mỗi người một chiếc kẹo, nói: "Cho mỗi ông một cái kẹo rồi đi chơi. Cứ ngồi đọc mãi".

Cụ Dụng hồn nhiên xoa đầu đứa bé: "Cháu ngoan lắm, cháu đi cho hai ông đọc thơ". Một tiếng sau, hẳn vì quá đói bụng, thằng bé đột ngột vác chiếc đòn gánh đến trước hai ông, nói mạnh:  "Đi chơi, không ông phang mỗi ông một gậy bây giờ". Nghe thằng bé nói vậy, mẹ nó hốt hoảng lôi nó ra đét cho mấy cái vào đít. Thằng bé vừa khóc vừa cãi: "Ai bảo ngồi mãi".

Đến lúc đó cụ Dụng mới giật mình. Cụ hỏi giờ rồi vội vã bắt tay chúc tết gia chủ để ra về. Vợ con Nguyễn Bùi Vợi thở phào. Họ chỉ lo ông từ sáng chưa miếng nào vào bụng, ngộ nhỡ đột ngột hạ đường huyết thì nguy. Khi họ cuống quýt dọn mâm ra thì vừa hay cụ Dụng... quay lại. Cụ giải thích: "Mình về đến Bệnh viện Bạch Mai, chợt nhớ ra một bài tứ tuyệt rất hóm chưa đọc cho cậu. Mình quay lại đọc cho cậu nghe rồi mình về thôi".

Nhân nói tới chuyện cụ Dụng ham đọc thơ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng cho biết: "Vì cụ Dụng hay đọc đi đọc lại cho mọi người nghe, vừa đọc vừa phân tích, giảng giải nên có lần, trên đường tiễn cụ từ nhà ra cổng, tôi đã kịp thuộc cả bài thơ của cụ".

Nhà thơ Phạm Đình Ân, trên báo Văn nghệ Công an số ra cách đây ít lâu cũng đã kể câu chuyện: Một lần, cụ Dụng đến chơi nhà Trần Lê Văn. Nghe tiếng bậc đàn anh gọi, Trần Lê Văn toan mặc thêm áo ấm để ra nghênh tiếp. Cụ Dụng thấy vậy bảo khỏi cần, ra đây một lát thôi. Vậy là Trần Lê Văn cứ phong phanh đứng trên bậc cửa nghe nhà thơ đàn anh đứng dưới sân sa sả nói chuyện tới... cả tiếng đồng hồ.

Nhà thơ Vân Long sau khi đọc được mẩu chuyện này đã "bổ sung" với tôi một câu chuyện cũng liên quan tới cụ Dụng và nhà thơ Trần Lê Văn: Lần ấy, nhà thơ Quang Dũng trên đường tới chơi nhà Trần Lê Văn thì phát hiện thấy hai ông đang đứng nói chuyện với nhau. Biết Trần Lê Văn đang lâm vào "thế bí", Quang Dũng lỉnh ngay vào nhà ông rồi bất chợt quay ra, nói to: "Ông Văn ơi, bà Văn bảo ông giả bà ấy cái chìa khóa để mở tủ lấy đồ".

Không ngờ, cụ Dụng phản xạ rất nhanh. Cụ trừng mắt nhìn Quang Dũng, nói lớn: "Này, định đánh tháo cho nhau đấy hả!". Qua đây ta có thể thấy, cụ Dụng cũng hiểu rằng người ta rất "sợ" nói chuyện lâu với mình, nhưng vì yêu bạn, vì cái tính ham nói mà cụ vẫn cứ duy trì cách sống như thế. Về chuyện này, nhà thơ Vân Long đã rút ra một kết luận khá chính xác: "Mình đến với cụ thì có thể chủ động dứt ra được, chứ cụ chủ động đến với mình thì... rất khó!".

Như ở phần đầu bài đã nói, Khương Hữu Dụng là người một lòng đắm đuối với thơ ca. Dường như ngoài thơ, cụ không còn thú vui gì khác. Cụ hay nói, nhưng cũng chỉ là ham nói với những người cùng nghề cùng nghiệp. Còn với những người không cùng sở thích, hoặc bất đồng ngôn ngữ, cụ cũng biết... im lặng. Bởi thế mới có chuyện: Đợt cùng nhà văn Nguyễn Công Hoan sang thăm Liên Xô, khi được Đài phát thanh Mátxcơva mời phát biểu, trong khi cụ Hoan phát biểu khá dài thì cụ Dụng lại nói... ngắn, rốt cục nhuận bút cụ được trả ít hơn cụ Hoan. Vốn sẵn tài trào phúng, cụ Hoan đã làm mấy câu thơ "trêu" cụ Dụng như sau:

Mang tiếng xưa nay vẫn nói dài
Cớ sao lại nói ngắn trên đài?
Mới hay dài ngắn là may rủi!
Được mấy đồng thôi phí cả tài

Tường Duy
.
.