Nhà thơ Dư Thị Hoàn: Người trốn chạy đám đông

Thứ Hai, 13/08/2018, 13:14
Cái nắng cuối chiều bữa ấy vàng ruộm và da diết làm sao. Biết tin chúng tôi có mặt ở nhà sáng tác Đà Lạt, Dư Thị Hoàn đột ngột xuất hiện. Hình như chị đoán được ý nghĩ mấy anh em đang muốn gặp chị, hay chị chợt nhớ đến chúng tôi?


Cuộc gặp gỡ bất ngờ, lại vào cuối giờ chiều, câu chuyện đan chéo, không đầu không cuối. Mấy anh em chúng tôi, gồm các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Đoàn Tử Huyến, Trần Chiến, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Việt Hằng, Tuyết Nga... ai nấy như cùng rất quý chị, nôn nóng hỏi han chị đời sống ra sao, can cớ gì bỏ Hải Phòng vào sống một mình trong rừng Đà Lạt như thế này?

Khi ấy, bếp ăn đã thúc đến giờ ăn cơm. Mọi người nồng nhiệt mời chị xuống bếp ăn cơm cùng cho vui. Dư Thị Hoàn từ chối. “Lâu nay, Hoàn tập và quen không ăn bữa chiều rồi”. Chèo kéo mãi không được, đành để Hoàn trên phòng nghỉ, mấy anh em xuống bếp ăn quáng quàng để lên hàn huyên tiếp. Điều bất ngờ, lên phòng, Hoàn đã bỏ đi từ lúc nào. Chị để lại mảnh giấy ghi vội vài chữ. Rằng xin lỗi mọi người, Hoàn phải đi, mọi người cứ coi như Hoàn đã chết tự xưa rồi.

Mấy anh em bần thần, ngẩn người nghĩ về chị. Thôi thì tôn trọng tính cách của nhau, không ai nỡ trách móc gì. Tôi nhìn vạt nắng cuối chiều còn sót lại trên mấy ngọn thông bên đồi. Cái nắng chiều vàng xuộm và da diết biết chừng nào. Chị đi đâu. Đi về cái căn nhà gỗ nhỏ xa hơn mười cây số đường rừng à? Từ  đấy, hễ nhớ về chị, tôi lại nhớ cái đốm nắng vàng rớt lại trên đỉnh ngọn thông bữa ấy. Cho dù, dễ đã hơn năm năm.

Dư Thị Hoàn, tên thật là Vương Oanh Nhi, người Hoa. Những cuộc ra đi ào ạt của người Hoa trên các chuyến thuyền vượt biển ngày ấy đã đẩy số phận cô gái người Hoa nhỏ bé  vào vòng bi đát. Gia đình điền viên bỗng tan nát. Người còn người mất.

Những cuộc chia ly và cách biệt nghìn trùng. Sự đau đớn và nhớ thương. Những câu thơ bỗng vọt ra từ cảnh ngộ ấy. Chị xuất hiện trên văn đàn như sự bất ngờ. Năm 1987, lần đầu tiên chị in thơ trên Báo Văn Nghệ. Không phải một bài, mà một chùm thơ ba bài. Lập tức, giới văn chương như phát hiện ra một hiện tượng thơ.

Thơ Dư Thị Hoàn sớm được đông đảo bạn đọc chú ý. Rồi một loạt các báo in thơ chị. Một giọng thơ chứa chất nhiều nỗi niềm. Quằn quại và day dứt. Rồi năm 1988, chị cho ra mắt tập thơ “Lối nhỏ”. Tập thơ mỏng mảnh mấy chục trang, Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng in nhanh chóng trở thành hiện tượng trên văn đàn toàn quốc.

Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ
Em thả bước chán chường
Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá
Gót chân em nện xuống dữ dằn
Có lối nhỏ vương cây xấu hổ
Em sợ nó khép mình
Biết làm sao bây giờ
Chính lối này đưa em tới anh…

(Lối nhỏ).

Cô học trò người Hoa Trường Trung học Kiều Trung (Hải Phòng) lấy chồng là thầy giáo, nhà thơ Trịnh Hoài Giang, ngỡ tưởng an bình, nào ngờ phải đối mặt với đời sống nhiều biến động. Từ cô công nhân lọc dầu Nhà máy cá hộp, rồi thành thợ tiện Nhà máy đóng tàu. Rồi có lúc đời sống ném cô học trò vốn ngơ ngác vào giữa đám đông quay cuồng buôn thúng bán mẹt nháo nhào ở chợ Sắt.

Rồi một dạo, Dư Thị Hoàn chán ngán đời sống mưu sinh, nộp đơn xin vào học Trường Viết văn Nguyễn Du trên Hà Nội. Những tiết học về văn học dân gian, văn học Phương Tây, rồi các buổi ngoại khóa tiếp xúc với các bậc thầy về văn chương, về triết học, về  hội họa... đã gợi mở nhiều tư duy mới lạ. Rồi chị lại đùng đùng bỏ dở khóa học khi nào không hay, quay về với thành phố Cảng quen thuộc. Thành phố Cảng tưởng bình yên và mơ mộng, ấy rồi Dư Thị Hoàn cũng như chán chường, lại đùng đùng bỏ lên Hà Nội mua nhà sinh sống.

Một dạo, báo chí đưa tin nhà thơ Dư Thị Hoàn quay ra làm thương gia, có trụ sở giao dịch tại một văn phòng khang trang ở phố cổ gần Hồ Gươm. Bạn bè văn chương không ít người chưa khỏi ngỡ ngàng, toan đến thăm cái trụ sở giao dịch của tập đoàn thương mại lớn mà Dư Thị Hoàn là trưởng đại diện. Nhưng chưa kịp đến, thì chị đã giải tán văn phòng, lại cuốn gói đồ đạc về Hải Phòng. Trong con người Dư Thị Hoàn, bạn bè như đọc ra có gì không yên ổn. Mọi thứ, như đổ vỡ, biến dạng. Và những câu thơ như không dấu được cái tâm trạng bất an đó.      

Tất cả đều biến dạng
Méo mó
Mọi người đều hóa hình quái gở
Người ta tung tiền vào đây
Cốt để phá lên cười
Cười khoái trá
Cười rũ rượi
Cười quên hết sự đời
Còn tôi
Tình nguyện vào đây
Để khóc
Không chỉ cho một mình tôi

(Nhà cười)

Tôi hình dung, như Dư Thị Hoàn thấy cả cái thế giới quanh mình là một cái nhà cười, mà chị không chấp nhận. Mà thực ra, nếu cái thế giới hỗn độn này vốn nó là cái nhà cười, thì cần thiết là con người phải thích nghi với nó. Nhưng chị không chịu thế.

Thế giới gia đình dẫu có yên ổn, cuộc sống tẻ nhạt, những câu thơ như chới với, con người chị càng không yên ổn. Tôi không hỏi cơn cớ gì, chị bỏ nhà bỏ cửa, bỏ chồng con, bỏ cái thành phố Cảng lầm lũi nhưng buổi sáng vẫn thổn thức tiếng còi tàu rền rĩ ngoài bến chao chát cánh hải âu, bỏ mọi ham muốn phía sau lưng, để vào xứ sở thông bạt ngàn Đà Lạt sinh sống?

Không phải bên hồ nước xanh ngăn ngắt thở than, không phải giữa thung lũng đầy hoa mộng mơ, không phải nếp nhà yểu điệu bên con dốc phố thị vồng vềnh lên xuống, mà chị chọn vạt đồi cô liêu bên kia con suối, cách xa phố phường Đà Lạt, làm căn nhà gỗ nho nhỏ để trú ngụ.

Tôi chưa có dịp được đến nơi chị ở. Nhưng người thân của tôi đã đến thăm, về kể lại, đấy là vạt đồi dốc ngổn ngang gốc cây xa đường. Thấp thoáng một vài nếp nhà bên quả đồi phía xa. Chị chọn nơi u tịch, cô liêu để sống. Khước từ mọi tiện nghi vật chất, khước từ thế giới văn minh, khước từ đám đông ồn ào vốn hay tranh giành và khoe mẽ.

Bạn bè nói, chị chọn chốn hoang vắng để lập am nhỏ tu thân. Tôi không hình dung nổi những đêm mưa giông, nếp nhà gỗ nhỏ bé và cánh cửa hờ hững gió đập tơi bời, một thân một mình, chị trú ngụ ra sao? Con đường dẫn lên nếp nhà cheo leo lưng chừng đồi, lại phải băng qua con suối. Mùa mưa, nước nguồn đổ về, con suối gào thét từng cuốn đi chiếc cầu gỗ bắc tạm.

Mùa khô, nước suối cạn, có khi cả tuần không có nước sinh hoạt. Chị bình thản ngồi thiền trong không gian tâm linh nhỏ bé. Tôi hình dung chị hạnh phúc khi ngắm giọt sương còn đọng trên cành cây ban sớm. Hoặc màn đêm buông, tiếng côn trùng tấu lên bản nhạc hoang dại, mê man. Những ngôi sao trên bầu trời lấp lánh, như gần tay hái được.

Hạnh phúc là những gì mình mong muốn và có được. Chị sống bình tâm ở mảnh đất heo hút này đã gần chín năm, có phải vì những cơn cớ đó chăng? Chị lựa chọn hay số phận đưa đẩy? Người phụ nữ đoan trang và quen chăm chút hình thức từng chi tiết, nay ưa vận quần áo gụ như quần áo nhà chùa, tự xưng Lão Bà Bà. Ấy là tự xưng, như thể tự an ủi mình.

Trong trang Facebook, một lần chị tâm sự: “Có người khuyên Lão Bà Bà rời bỏ túp lều trên cao để xuống nhà dưới cho đỡ phải leo và tiện nghi hơn. Nếu tiện nghi, thì đã không bỏ phố. Thích đông vui, thì đã không lên rừng”. Cũng trên Facebook, có lần chị đã thốt lên một cách cực đoan “Nền văn minh loài người không có chỗ cho ta!”.

Có tiếng nói của cộng đồng Facebook  cổ xúy  “Cô có được cuộc sống độc cư trong rừng thẳm núi cao này, đầu tiên phải tri ân trời Phật,  đã chiếu kiến và gia trì phổ độ! Điều nữa là cô chọn lựa được con đường tu hành chánh pháp và thực hành kiến cố. Với cô, cuối đời được vậy thì không gì phước lạc hơn. Còn về cuộc sống hàng ngày, cô đơn giản và mộc mạc lắm. Và sống cũng rất bình thường với mọi người và vạn vật xung quanh...”.

Tôi không rõ nhận định đó có đúng  không. Nhưng tôi thấy sự trốn chạy đám đông, để lên núi ở một mình, như đã nhập vào tâm thức Dư Thị Hoàn tự lâu rồi. Nhớ bài thơ trong tập thơ “Lối nhỏ”, từ năm trước, chị đã viết:

Đừng bắt tôi lên diễn đàn
Đừng buộc tôi ra sân khấu
Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối
Như cái triện đen
Giáng xuống
Tờ khai sinh của tôi
Thời cuộc sắp đặt tôi
Gần hết một đời rồi
Tôi đã quen chỗ ngồi
Góc tối

(Số phận)

Cô đơn vốn song hành cùng người sáng tạo. Trong một bài viết khác, chị đã thú nhận “Cứ đến tết là tôi muốn bỏ nhà đi... lang thang. Đến một nơi nào đó thật xa, không ai hỏi han mình, thuê một quán trọ hoặc nhà của một thổ dân nào đó... mua mỳ ăn liền, bánh quy mặn và pho-mai, dự phòng cho mấy ngày tết không có tiệm ăn nào mở cửa, đêm giao thừa chỉ cần một tách cà-phê, thật nóng...”.

Trốn chạy đám đông, để sống cuộc đời thoát tục chăng? Không phải. Có lẽ ở nơi cô quạnh nhất, như là nơi để chị được sống  theo bản năng sống của chính mình. Khi cuốc đất trồng cây. Khi chẻ củi phơi khô dự phòng mùa mưa. Khi leo lợp lại mái nhà. Khi vác đá hộc xếp lại con đường. Khi xách nước từ con suối ngược hàng trăm bậc dốc, đổ đầy thùng nước dự trữ.

Người con gái một thời “yểu điệu thục nữ”, nay xòe bàn tay có nốt chai sần, hẳn không khỏi xót xa. Kiêu hãnh 99% và cũng có cảm giác tủi thân, dù chỉ 1%. Đã mấy lần toan điện thoại hỏi chị, thi ca còn trú ngụ trong con người chị? Chị có còn lặng lẽ viết thơ nữa không? Nhưng rồi tôi lại không nỡ hỏi.

Nếu chỉ là con người bình thường, dám chọn lối sống như chị, đã là không bình thường. Nhưng vốn chị là người làm thơ, thì tôi thấy đó là sự lựa chọn của chị. Tôi nhớ bài thơ của Dư Thị Hoàn mà bạn bè một thời vẫn nhắc đến. Bài thơ nói về tình yêu mà thiếu trách nhiệm. Ẩn giấu sau đó, là sự đổ vỡ niềm tin. Thời buổi thiếu trách nhiệm và dễ đổ vỡ niềm tin!

Có thể lớp trẻ bây giờ yêu nhau đã khác thế. Họ sẵn sàng cởi tung mọi thứ, chả cần sự trách nhiệm, chả có lòng tin nào. Đời sống hiện đại mà. Ấy nhưng, tôi vẫn đồng cảm cùng ý nghĩ với Dư Thị Hoàn. Cho dù bài thơ “Tan vỡ” chị viết đã mấy chục năm: “Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ/ Bút viết xong không đậy nắp bao giờ/ Ôi anh yêu, lơ đãng đến là/ Con nai rừng của em.../ Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/ Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng/ Nếu không có một lần/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em”.
Vũ Từ Trang
.
.