Nhà thơ Bế Thành Long: Ngôi nhà xanh núi suối trong veo

Thứ Hai, 21/08/2017, 08:09
Tính thời điểm vào Hội Nhà văn Việt Nam, Bế Thành Long được coi là nhà thơ Tày "trẻ" nhất so với ba "ngự lâm" Phủ Trùng: Y Phương tuổi 40 (1988) đến với Hội; 10 năm sau (1998) đến 2 nhà văn Cao Duy Sơn (42 tuổi), Từ Ngàn Phố (45 tuổi). 


Hơn 10 năm sau, nhà thơ Bế Thành Long ở tuổi "thất thập" có dư mới vào Hội. Bước vào "ngôi đền" văn tuy chậm chạp, nhưng Bế Thành Long là một nhà thơ độc đáo. Thơ ông như lúa thì con gái ngậm đòng, như vầng trăng xanh non nỏn, như dòng suối thanh tân, như cái hôn đầu tiên ngập ngừng, đắm say ma mị…

Bế Thành Long sinh năm 1938 trong một gia đình viên chức tại thị trấn Co Xàu (Cao Bằng). Trong con mắt của Y Phương, Bế Thành Long xưa đẹp trai, một thư sinh nho nhã, một học trò giỏi có năng khiếu thi ca… và bây giờ chạm ngưỡng tuổi 80 vẫn đẹp như một tiên ông với chòm râu xùm xòa trước ngực. Ông bộc lộ năng khiếu văn chương và hội họa từ nhỏ. Đề xuất lập nhóm bút "Mặt trời mọc" của ông được hai người bạn dân tộc Kinh ủng hộ. Những người bạn cùng sở thích văn nghệ đã tự lập một văn đàn để ngoài giờ học dành thời gian giao lưu, đàm đạo văn chương.

Cả cuộc đời Bế Thành Long gắn với ngành thương mại, nhưng thi ca như một người bạn đồng hành thủy chung; một nơi vịn bám, nâng đỡ tâm hồn; một nơi giúp trút bỏ mọi ưu phiền trong cuộc đời không ít nỗi cô đơn phiền muộn.

Nhà thơ Bế Thành Long và niềm vui bên bạn bè.

20 tuổi đã làm thơ, nhưng qua tuổi 70, Bế Thành Long mới trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Sự kiện này khiến nhiều bạn văn ngạc nhiên. Khi đó, tân hội viên chỉ rung chòm râu bạc cười hiền. Còn Y Phương thì nhẩn nha nói hộ đồng hương: "Con số 70, hay tám, 90 chả nói lên điều gì. Nhà thơ vốn là một thực thể của thiên nhiên, tạo hóa không câu nệ gì đến tuổi tác. Thời gian nằm ngoài vòng sinh tử". Với Bế Thành Long "Quá khứ vinh hay nhục đều bị anh cho vào túi pác mạ treo lên sàn nhà. Một con người tuyệt vời... là hậu duệ của dòng họ Đào Duy chả bao giờ quan tâm tới chức vị cao thấp, nhà cửa giàu sang, thụ hưởng bổng lộc…".

Chạm vào "Suy nghĩ nghề văn" của Bế Thành Long, tôi nhận thấy nhà thơ "trẻ" cũng nhiều tâm tư: "Quỹ thời gian tôi còn ít"; "Về già, tôi trách mình chưa có đạo đức để thấu được nỗi đời của biết bao thân phận"; Tôi răn mình (mà cũng biết mình đã già không vươn tới được). Phải biết khai thác lại tuổi trẻ của mình để minh mẫn và hăng hái.

Tôi luôn tự nhắc nhở rằng: Không nên ngừng nghỉ việc đọc, quan sát, lắng nghe và học (đôi khi cả khoa học tự nhiên). Đừng vội đi phê phán phủ nhận tất cả, nó sẽ làm cho ta cô độc và nghèo nàn. Đau đáu nỗi niềm thì phải mới, phải đúng để cho ta luôn chung dòng với cuộc sống hiện đại mà viết. Ngừng nghỉ sẽ khô cứng, khởi động trở lại rất khó khăn".

Cho đến nay, Bế Thành Long mới xuất bản hai tập thơ "Cỏ may" và "Ở nguồn". Có lẽ ông đã chọn phương châm "quý hồ tinh" hơn "quý hồ đa". Thơ ông được diễn đạt độc đáo, câu từ mới lạ, quậy cựa, sinh nở, nhưng lại kén người thưởng thức như nghe nhạc giao hưởng. Sự hấp dẫn là bởi chính sự tươi tắn không chút gợn mờ. Có lẽ chính hồn thơ trong trẻo, xanh tươi đó đã định hình một phong cách thơ Bế Thành Long.

Những bài thơ quê hương giàu hình tượng, mang cảm xúc thanh xanh đến nao lòng như "Đêm Trùng Khánh", "Bóng quê hương"... Vẻ đẹp đêm Trùng Khánh tĩnh lặng nhưng xao động tình người thấm đậm run rẩy chất men say trong từng câu chữ "Trăng nồng quê cũ uống không vơi" (Đêm Trùng Khánh). Quê hương hiện ra tinh khôi: "Chắc sáng nay quê tôi mù sương bạc/ Chắc buổi trưa nay gió núi ngừng/ Chắc chiều xuống hút rừng xào xạc" (Bóng quê hương). Tâm trạng thi nhân khắc khoải trước bức tranh quê: "Cỏ non cứ bời bời không ngủ/ Bước trâu chờ bước nghé lang thang". Những câu thơ đan cài khéo léo giữa mộng và thực khiến người đọc xôn xao.

Như bất cứ thi nhân nào, Bế Thành Long yêu say cả bốn mùa trong năm. Vốn có năng khiếu hội họa, ông đã vẽ bằng thơ bức tranh "Tứ quý".

Trước hết, là mùa xuân - mùa đẹp nhất, mùa của thiên nhiên và tình yêu. Bức tranh xuân tươi tắn màu sắc được nhà thơ thể hiện với đầy đủ cung bậc xúc cảm của giác quan thơ bén nhạy. Nhà thơ gửi vào đó tình xuân không mùa: "Em giặt áo bến dòng sông nọ/ Mấy lần thơm lại nắng quê hương" (Cảm xuân). Tâm trạng dùng dằng từ Xuân sang Hạ được diễn đạt bằng ngôn ngữ tươi  mới. Những từ láy, như: "cụng cựa, xang xác, cùng kiệt" đã diễn tả chính xác tâm trạng bồn chồn, lưu luyến khi Hạ đã ngập ngừng trước cửa nhưng chưa muốn rời Xuân: "Cụng cựa tre giằng răng rắc/ Vặn mình phơi hết lá đỏ au…/ Theo tiếng ve ran xang xác/ Cùng kiệt cho ta hết nợ nần (Tre cuối xuân). Một mùa thu hào phóng, đầy quyến rũ: "Một lần Thu đến, quên hờn giận…/ Một lần Thu đến quên sông bến" (Một lần thu). Mùa Đông miền núi như "những tháp tuyết chìm sâu/ Bìa băng gãy những tinh thể khổng lồ/ Chồng chất lên thành phố thủy tinh" (Ngân Sơn).

Thơ Bế Thành Long dâng đầy cảm xúc trước thiên nhiên: Một đêm xuân huyền diệu: "Hổ gầm vỡ vầng trăng/ Đồi xưa rung rung cỏ tranh vàng…/ Và đêm xuân vũ trụ mỏng tang" (Đêm xuân); một ban mai xanh trong sáng "Tiếng mõ trâu gieo hương gạo nếp thơm" (Một ban mai). Cảnh sắc nào dưới bàn tay xử lý của một tâm hồn yêu cái đẹp lúc nào cũng lung linh, hấp dẫn. Ông như một vị "Đại sứ văn hóa" đã mượn thơ để thỏa sức sáng tạo. Vẻ đẹp quê hương và các miền quê khác được thể hiện trong cái nhìn trong trẻo.

Bế Thành Long và một tác phẩm thơ của ông .

Qua "Lời thuyết minh hang Ngườm Ngao", ông đã giới thiệu vẻ đẹp của hang động đá vôi độc đáo: "Nhũ đá giấu giếm sự long lanh/ Bóng tối đựng trời thu đã ngủ/ Không mặt trời bắt nhịp ngày đêm/ Chỉ những con dơi chao cánh/… Từng chùm đá buông chuông". Động Ngườm Ngao (động Hổ) mang một vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ khiến du khách "Quên mất lối về cuộc sống", "Bâng khuâng mãi chưa bay", "Cái bồng bềnh thổn thức"…

Thơ chàng trai Tày đã vượt khỏi Quây Sơn, Bản Giốc… mở lòng đến mọi miền đất nước. Vẫn góc nhìn ấy, vẫn tâm hồn xanh trong ấy, vẫn tài tình trong chọn thơ nhạc như một bản giao hưởng… cảnh sắc con người hiện lên tươi tắn trong thơ Bế Thành Long. Hình ảnh thảo nguyên xanh của thiên nhiên và tình người đan quện: "Con bò không biết mình đường bệ/ Đeo bầu vú nặng/ Theo bầy chúc mũi nó đi nghiêng…/ Thảo nguyên cứ thể dửng dưng xanh" (Thảo nguyên xanh); "Đến thảo nguyên là đến giữa bơ vơ" (Nhớ thảo nguyên).

Hạ Long trong phiên chợ biển "Sung túc một nửa biển cá tanh/ Chợ no khói" (Chợ biển). Một Đà Lạt mộng mơ trong tâm trạng "Kẻ ngỏ tình đến muộn": "Có nỗi buồn cào nát cỏ tranh" (Đà Lạt - Không đề). Đứng trước Núi Bài Thơ, cảm xúc trào dâng khắc khoải "Chợt kêu ré sau buồm tan giá" (Núi Truyền Đăng)…

Thơ Bế Thành Long đan dày những tâm trạng, nỗi niềm. Có bài thơ giàu tính tự sự. Có bài thơ lại độc thoại nội tâm. Nhiều bài thơ ẩn trong những vần thơ tươi xanh là những thông điệp về nhân tình thế thái… Nhưng điều quan trọng, những cảm xúc, tâm trạng ấy được diễn tả hết sức trong trẻo, tươi sáng. Có bao nỗi tiếc nuối "Cuộc đời vẫn có em mà chẳng biết/ Nên bạc đầu, anh cũng chẳng có em" (Ánh trăng).

Nghe tiếng ngỗng trời mà tâm trạng rối bời bời "Quá khứ đêm thu về lớp lớp/ Tiếng ngỗng trời co kéo không gian/ Sải cánh rộng qua đêm mỏng/ Kìn kìn bay vẳng trong mây"… Sống khiêm nhường và khép mình, Bế Thành Long tự họa chân dung mình bằng thơ: "Tôi đã tạch ra và chú bé giơ tay reo… Không dám bước ra trước cõi đời/ Nói rồi lặn, vách đá cũng mất hút" (Kẻ tạc tượng)...

Bế Thành Long có cách xử lý ngôn từ rất khéo, sức gợi lớn giữa mộng và thực: "Vòm động thức con Dơi treo giấc ngủ/ Nhũ đá gầy buông thõng tháng năm đi" (Xuân rừng); "Đất nhẹ nở đầy hoa cúc dại…/ Bãi bờ khô xác gió hoa lau" (Hư không); "Hạt cỏ đựng niềm vui cánh cánh" (Hạt cỏ)…

Chạm nấc tuổi 80, nhưng thơ Bế Thành Long luôn trẻ, một giọng thơ khỏe khoắn, hồn nhiên. Tuổi tác dường như bất lực trước một hồn thơ trong trẻo và trẻ trung. Cuộc đời thơ của ông đi từng bước có vẻ chậm chạp, nhưng chắc chắn. Tôi xin mượn một câu văn "nhan sắc" nhất trong tản văn của nhà thơ Y Phương để kết lại bài viết rằng với Bế Thành Long thì "khi nào nước lắng hết bùn, người sẽ nhìn thấy cát".

Lê Thị Bích Hồng
.
.