Nhà “phẫu thuật” đại tài các vụ trọng án

Thứ Tư, 26/10/2005, 07:58

Từng được xếp vào danh sách mười nhà tiểu thuyết trinh thám lớn nhất thế kỷ thứ XX, sự nghiệp của James M.Cain gắn kết một cách hữu cơ ba lĩnh vực chủ yếu của hoạt động sáng tạo là báo chí, điện ảnh và văn học.

James M.Cain sinh ngày 3/7/1892 ở Annapolis, là con trai một nhà giáo và một nữ ca sĩ nhạc kịch. Là người có năng lực trí tuệ thiên bẩm, năm 12 tuổi cậu bé James M. Cain đã được nhận vào khoa dự bị đại học, 18 tuổi đậu cử nhân và 25 tuổi đoạt học vị Thạc sĩ Văn chương.

Cain đã đi dạy học, làm thanh tra giao thông, làm ca sĩ, đi bán bảo hiểm trước khi trở thành phóng viên (phụ trách mục “Cảnh sát”) cho tờ “Người Mỹ” ở Baltimore. Năm 1917, Cain chuyển sang tờ “Mặt trời Baltimore”, một trong những tờ báo nổi tiếng nhất Hoa Kỳ thời bấy giờ, nơi H.L. Mencken, một nhà phê bình siêu hạng, rất có ảnh hưởng đến ông sau này, đang “giữ gôn” ở đó.

Năm 1918, năm cuối của Thế chiến I, ông phục vụ tại Phương diện quân 79, thuộc Lực lượng Viễn chinh Hoa Kỳ đóng tại Pháp. Và ở tuổi 27, ông là Tổng biên tập tờ “Lorraine Cross”, cơ quan ngôn luận của Phương diện quân này. Các năm 1923-1924, ông là Giáo sư Khoa Báo chí Đại học St. John.

Lăn lộn với cuộc đời từ sớm, tính cách phức tạp, lại có quan hệ giao tiếp rất rộng, tất cả những nhân tố đó ảnh hưởng đến quá trình hình thành tư duy sáng tạo của nhà tiểu thuyết tương lai, cũng như xung đột nội tâm của bản thân ông, thậm chí cả những xung đột không tránh khỏi với các đồng nghiệp khác.

Những năm sau chiến tranh, khi đã trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, James M. Cain vẫn tiếp tục cống hiến cho báo chí. Năm 1931, ông là Tổng biên tập tờ “Người New York” khi đã chuyển đến Hollywood để viết kịch bản cho các xưởng phim hành động. Trong giai đoạn 1931-1948, ông vẫn làm báo, giữ mục chuyên khảo nhiều kỳ đăng ở nhiều tờ khác nhau.

Tuyển tập các tiểu luận châm biếm, dày 241 trang, nhan đề “Chính phủ của chúng ta”, xuất bản đầu những năm ba mươi, là tiếng sấm báo hiệu sự nghiệp văn chương của ông, khởi đầu khá muộn, nhưng lừng lẫy hai năm sau đó. Trong tác phẩm đầy sức chiến đấu này, ông đã chỉ trích những kẻ tự coi mình là “Tha nhân, sáng danh Chúa” này một cách cay độc, rằng: “Một người Mỹ của nước Chúa kiểu mẫu ngày nay bất quá cũng chỉ giống một tên hề thấp bé, hạ tiện, ghê tởm, thậm chí chẳng đáng chế giễu, chỉ đáng khinh miệt mà thôi”.

Cái mẫu người ấy, cái hạng bị báng bổ ấy, đã xuất hiện ngay từ tiểu thuyết đầu tay, đã được dựng thành một bộ phận thuộc thể Phim đen (Film Noit) bậc nhất. Đó là tác phẩm “Bưu tá vẫn nhấn chuông cửa hai lần”. Tác phẩm này dựa vào một sự kiện có thật, một vụ án giết người làm kinh hoàng dư luận các năm 1927-1928 mà đồng phạm là “hổ cái” Ruth Snyder và người tình của mụ là Judd Gray (người bị hại chính là chồng mụ, Albert).

Vụ này đã được các chuyên gia khoa học hình sự của Sở Cảnh sát New York để mắt tới vì thủ đoạn giết người dã man của nó. Kẻ giết người đã dùng quả tạ rượt đánh nạn nhân, rồi thắt cổ nạn nhân bằng dây thép. Kinh tởm hơn, sau khi giết người, đôi gian phu dâm phụ này đã làm tình ngay bên xác của người bị hại.

Một “cuộc chiến phát hành” đã diễn ra trong các tờ báo vùng Bờ Đông Hoa Kỳ và vụ án này đã được đăng trên trang nhất các báo trong vòng 8 tháng. Bức ảnh Ruth Snyder ngồi trên ghế điện trên tờ “Tin tức hàng ngày New York” đã gây chấn động toàn quốc. Tờ “Thời báo New York” đã so sánh tên gian phu ngu xuẩn với nhân vật “người lang thang bé nhỏ” của vua hề Charlie Chaplin.

Toàn bộ vụ án đã được Cain nghiên cứu kỹ, tái hiện một cách sinh động, bất ngờ. Tác phẩm đã gây ra những phản ứng trái ngược. Nó đã thách thức dư luận đến mức bị cấm ở Canada, ở Boston và bị đưa ra tòa vì tội… tục tĩu (?). Nhưng ngay trong ca mổ đầu tiên của sự nghiệp văn chương, Cain đã chứng tỏ bàn tay phẫu thuật thiên tài. Tác phẩm “Bưu tá vẫn nhấn chuông cửa hai lần” đã truyền cảm hứng cho văn hào Pháp Albert Camus khi ông viết cuốn tiểu thuyết hiện sinh mẫu mực “Kẻ xa lạ”.

Cuốn tiểu thuyết thứ hai - “Món tiền bồi thường gấp đôi” - là câu chuyện về một đôi trẻ mới lớn phạm tội giết người để đoạt tiền bảo hiểm, đã được đăng tóm tắt trên tờ Tạp chí  “Tự do” năm 1936 dưới hình thức một tiểu thuyết chương hồi 8 phần. Cain có sử dụng một số tình tiết mà ông đã nghiên cứu trong vụ “con hổ cái”.--PageBreak--

Vụ án này khá phức tạp, tuy nhiên, nhân vật chính, Huft, trong vụ này tương tự như nhân vật chính của vụ trước, cũng sa vào cái bẫy tình dục và bạo lực. Năm 1946, tác phẩm này chính thức được xuất bản, và ngay năm sau, nó đã trở thành một tác phẩm điện ảnh bậc thầy của thể phim đen do chính nhà tiểu thuyết trinh thám huyền thoại R.Chandler viết kịch bản. Việc phát hành nhiều kỳ, tái bản nhiều lần và tác quyền của ông khi dựng phim đã cải thiện đáng kể cuộc sống của nhà văn.

Tình yêu và năng khiếu âm nhạc thiên bẩm đã dẫn ông viết tiểu thuyết “Serenale” (1937) và cuốn “Sự nghiệp cung Đô trưởng” (1943). Trước đó, cuốn tiểu thuyết danh tiếng “Mũi khoan nhẹ” (1941) cũng được dựng thành phim và đã đoạt giải Oscar của Hàn lâm viện Điện ảnh với vai chính của nữ tài tử Joan Crawford. Đây là câu chuyện về một người đàn bà đầy tham vọng, được kể ở ngôi thứ 3. Nhân vật chính là một người có tính cách cứng rắn nhưng lại được ngòi bút của nhà văn phác họa một cách khá tình cảm.

Sau đó, trong giai đoạn 1943-1976 ông tiếp tục cho xuất bản các cuốn “Kẻ thụt két” (1943, trong một bộ tiểu thuyết có tên chung là “Ba trong một”), “Những nỗi nhục đã qua” (1946), “Con bướm” (1947), “Bướm đêm” (1948), “Galatea” (1953), “Mignon” (1962), “Vợ thầy phù thủy” (1965), và tác phẩm cuối cùng “Thể chế” (1976).

James M. Cain là người gắn bó với cuộc sống, thẳng thắn vạch trần những mặt trái, những tệ nạn của xã hội hiện đại. Vì thế, ông có không ít các địch thủ. Ngay R.Chardler cũng không ưa ông, mặc dù đã trực tiếp viết kịch bản chuyển thể thành phim một trong các tác phẩm lớn nhất của ông.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông đã mở đầu giai đoạn sách thực sự trở thành hàng hóa trên thị trường xuất bản với quy mô lớn. Trong giai đoạn cuối của cuộc đời, khi đã chung thân với Florence McBefh năm 1947 và định cư ở Hyaatsville, Maryland trong những tháng ngày còn lại, đề tài lịch sử đã thống trị tác phẩm của ông, ít nhất trong 9 cuốn tiểu thuyết nữa. Những ngày cuối đời, ông bị sỏi mật, loét dạ dày. Ông từ trần vào ngày 27-10-1977, thọ 85 tuổi.

James M. Cain để lại một di sản khổng lồ hiện đang lưu giữ đầy đủ ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có rất nhiều thư từ, các bản thảo chưa xuất bản, những ghi chép, những nghiên cứu nhiều mặt. Sinh thời, ông thích viết ở ngôi thứ nhất, rất không ưa những ai xếp ông vào trường phái này nọ, dù ông được tôn vinh là bậc thầy về thể loại truyện trinh thám và đã đoạt giải E.A. Poe

Tấn Phong
.
.