Nhà giáo Thúc Hà tức cảnh sinh… thơ

Thứ Tư, 06/12/2006, 14:00

Sinh thời nhà giáo, nhà thơ Thúc Hà không hay dùng nhiều lời để đối đáp, đối thoại hoặc tranh luận dài dòng với ai. Trong cuộc sống, mỗi khi bức xúc điều gì anh thường dùng thơ, những câu thơ nhẹ nhàng có khi thâm thúy làm vậy để đối đáp lại.

1. Hai không - Một một

Năm 1983 là một trong những năm khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp, đặc biệt là đời sống của đội ngũ giáo viên. Sắp đến ngày Nhà giáo 20-11, anh em trong tổ chuyên môn muốn nhà thơ Thúc Hà có một bài thơ để nộp lên công đoàn nhà trường đăng báo tường. Ngồi ở quán nước bên đường với tổ trưởng công đoàn, Thúc Hà băn khoăn:

- Lâu nay mình có làm bài thơ nào đâu.

- Thì anh cứ làm ngay bây giờ đi, kể cả hai câu - Tổ trưởng công đoàn vui miệng nói.

Ngay sau khi hút điếu thuốc lào nhà thơ vui vẻ nói:

- Tớ xin đọc bài thơ “Hai không - một một” (20-11):

Không tiền mà cũng không tình

Một mình mình chịu, một mình mình hay

Anh tổ trưởng công đoàn vỗ đùi đét một cái. Tất nhiên hai câu thơ không đăng lên báo tường nhưng cho đến ngày 20-11 thì cả hội đồng giáo viên đều thuộc lòng. Cho đến nay cứ đến ngày 20-11, mỗi khi ngồi vui vẻ mà nhắc đến cái ngày gian khổ của thời bao cấp đã qua, các thầy giáo thành phố Cảng lại ngâm nga điệu bộ bài thơ “Hai không - Một một” rồi cười ha hả mà nhắc đến Thúc Hà.

2. Người xe chữ làm thơ

Một người bạn thân của gia đình Thúc Hà hôm đến nhà chơi (51 Lê Chân - chỗ ở cũ của gia đình anh Hà) thấy nhà bên cạnh (cùng ở gác 2) đang chở cát để sửa nhà. Chị Toán (vợ nhà thơ Thúc Hà) đứng ở bậc cửa, niềm nở đón khách và nói: “Đấy, anh xem người ta xây cửa xây nhà, còn ông nhà tôi suốt ngày chỉ quanh quẩn với đống sách vở và mấy câu thơ”. Vẫn vô tư vô tâm như cuộc sống thường nhật, nhà thơ Thúc Hà mơ mơ màng màng một chút rồi chợt quay sang nhìn anh bạn đọc luôn mấy câu thơ:

Người ta xe cát làm nhà

Tôi đây xe chữ để mà làm thơ

Làm nhà che nắng, che mưa

Làm thơ che nỗi cay chua cuộc đời

Cái tứ của hai câu đầu đã được phóng viên Thanh Hà chọn để đặt tên cho bộ phim phóng sự tài liệu của mình về chân dung nhà giáo, nhà thơ Thúc Hà. Đó là bộ phim “Người xe chữ làm thơ” (Đài Truyền hình Hải Phòng sản xuất năm 2004).

3. Là thầy phải nói… Không nói thì cho cuộc đời cái gì?

Sinh thời nhà giáo, nhà thơ Thúc Hà không hay dùng nhiều lời để đối đáp, đối thoại hoặc tranh luận dài dòng với ai. Trong cuộc sống, mỗi khi bức xúc điều gì anh thường dùng thơ, những câu thơ nhẹ nhàng có khi thâm thúy làm vậy để đối đáp lại. Tuy nhiên, mỗi lần bạn bè đến nhà chơi, nhà thơ lại say sưa nói chuyện. Câu chuyện của anh thể hiện bản tính vô tư và lạc quan, chân tình và cởi mở, nhiều lượng thông tin về văn học, về thơ ca hấp dẫn và cuốn hút người nghe tưởng chừng như câu chuyện không có điểm dừng.

Buổi trò chuyện nào chủ nhà cũng nói nhiều hơn khách nhưng mọi người đều cảm thông với “bệnh nghề nghiệp” của thầy giáo dạy văn Hà Thúc Chỉ (tên thật của Thúc Hà). Một hôm ngồi ở văn phòng, mấy cô nhân viên hành chính nêu nhận xét: “Thầy Chỉ nói nhiều quá đấy”. Thế là nhà thơ lại sinh… thơ để đối đáp:

Là chim phải hót

Là lá phải xanh

Là thầy phải nói

Sống là cho đâu phải nhận riêng mình

Tôi không nói thì cho cuộc đời được cái gì?!

Hà Thúc Quả
.
.