Nhà dịch giả cần mẫn

Thứ Ba, 03/06/2014, 08:00

Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn kể lại rằng, tiếng là ở quê, nhưng tuổi thơ của ông ít được gắn bó với cảnh chăn trâu cắt cỏ. Tám tuổi theo gia đình tản cư lên Quan Đình, Ngọc Liễn, chợ Bầu. Học hết năm đệ nhất, theo phong trào tòng quân, ông được vào trường thiếu sinh quân. Năm 1951, được đưa sang học bên Trung Quốc. Năm 1954, đi học Liên Xô. Năm 1956 được giữ lại học đại học, ngành ngôn ngữ của một trường đại học danh tiếng tại Mátxcơva. Đời ông gắn bó với văn học Nga từ đấy...

Sinh trưởng ở làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh), nhưng ông được sống ở quê rất ít. Gọi là làng quê, nhưng thực ra ngày ấy Phù Lưu đã như một khu phố, một thị trấn sầm uất. Làng có ngôi đình, ngôi chùa cổ kính, lại có rất nhiều ngôi nhà kiến trúc hiện đại theo lối Pháp, nhiều khuôn viên dáng dấp như những biệt thự sang trọng. Đường làng có quy hoạch khang trang. Đã vậy, lại được lát bằng những viên đá tảng khổ lớn, vuông vức như những viên đá đập lúa mà một thời ở các làng quê, nhà nào khá giả mới sắm được.

Thời Pháp thuộc, dầu chưa có điện, nhưng đường làng đã có những cột đèn chiếu sáng bằng đèn dầu hỏa. Làng lại có chợ Giầu năm ngày một phiên. Chợ to nức tiếng, hễ tới phiên, lại có dăm thương lái Ấn Độ về mở sạp hàng bán vải lụa, tơ tằm. Ấy vậy, làng lại có những bậc túc nho uyên thâm, nhiều người du học Pháp về với bằng cấp đỗ đạt cao.

Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn kể lại rằng, tiếng là ở quê, nhưng tuổi thơ của ông ít được gắn bó với cảnh chăn trâu cắt cỏ. Tám tuổi theo gia đình tản cư lên Quan Đình, Ngọc Liễn, chợ Bầu. Học hết năm đệ nhất, theo phong trào tòng quân, ông được vào trường thiếu sinh quân. Năm 1951, được đưa sang học bên Trung Quốc. Năm 1954, đi học Liên Xô. Năm 1956 được giữ lại học đại học, ngành ngôn ngữ của một trường đại học danh tiếng tại Mátxcơva. Đời ông  gắn bó với văn học Nga từ đấy.

Thực ra, ngay những ngày nhỏ tuổi còn ở quê, ông đã ngưỡng vọng, phục tài các ông Hoàng Tích Chu - nhà báo, Hoàng Tích Chù - họa sĩ, Hoàng Tích Linh - sân khấu, Kim Lân - nhà văn, Hồ Bắc - nhạc sĩ... lắm rồi. Các ông ấy, là người làng, người trong họ tộc, nhưng ra sống ngoài Hà Nội rất sớm. Có người được gặp, có người chỉ biết tên, vì họ quá cố khi ông chửa chào đời. Nhưng nghĩ về họ, ông luôn chứa chất lòng tự hào là em, là cháu của họ. Và khi ấy tâm trí ông vô cùng chộn rộn.

Khao khát sự nghiệp chữ nghĩa đã khơi gợi và âm thầm nuôi dưỡng từ đấy. Ngôi nhà ngói năm gian với căn gác nhỏ giữa khu vườn cây cối sum suê không giữ nổi bước chân thèm xê dịch của cậu bé Hoàng Thúy Toàn. Ý chí chung, như tạo ra cốt cách của người Phù Lưu, là thích vươn tới những gì tân tiến, mới lạ. Vì thế, hầu hết những người có chí lực của làng, lớn lên đều đi khỏi làng. Với dịch giả Thúy Toàn, phải xa quê từ tuổi thơ, ông thấy đấy là thiệt thòi lớn. Để rồi, khi đã bôn ba đây đó, hình ảnh quê hương vẫn canh cánh trong tâm trí ông.

Sau gần sáu chục năm say sưa với việc dịch thuật, ông đã có gần sáu chục đầu sách, trong đó có mười tập thơ. Hỏi nguyên do nào đã dẫn ông đắm say dịch thơ vậy? Ông bảo rằng, vì ngay thời học sinh ông rất mê thơ, đã làm thơ và từng in thơ trên báo. Ông khiêm nhường tự nhận tài sáng tác thơ của mình không xuất sắc, nên dồn hết tâm huyết với việc dịch thơ. Ngay dịch thơ, là người sớm có thương hiệu, nhưng ông luôn nhã nhặn nhận mình có làm được một số việc là do đức tính cần cù mà thôi.

Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn và một số tác phẩm văn học Nga mà ông chuyển ngữ.

Ông tâm niệm: Cứ đi thì khắc đến. Vì thế, ông luôn bền bỉ với việc làm của mình. Ông quan niệm dịch là đem cái đẹp cho người khác đọc. Nói đến Thúy Toàn, nhiều bạn đọc liên tưởng tới ngay những tập thơ Nga mà ông dịch, tổ chức dịch, như: "Thơ Puskin" (1966, tái bản 1986), "Thơ Lécmôntôp" (1978), "Thơ Blok - Exenhin" (1982)... 

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

                                                    (Tôi yêu em)

Khi dịch câu thơ đầu tiên của bài thơ này, ông rất tâm đắc, mặc dù có người chê là Tây quá. Nhưng ông nghĩ, chỉ có dịch như thế, mới sát ý với tình yêu đắm say và cao thượng của Puskin. Đến nay, đã có nhiều bản dịch bài thơ này, nhưng bản dịch của Thúy Toàn vẫn được phổ biến hơn cả. Quá trình làm thơ tuyển Puskin, bài thơ "Hết rồi..." là sự phối hợp kỳ diệu giữa ông và nhà thơ Xuân Diệu (nói chính xác: Thúy Toàn dịch nghĩa, Xuân Diệu dịch thơ): "Hết rồi - tình đã vỡ tan/ Anh hôn lần chót đôi bàn chân em/ Những lời chua xót thốt lên/ Anh nghe lời đáp của em: Hết rồi...". Đây là bài thơ tình hay.

Có một số bạn đọc góp ý, nếu sửa là "Anh hôn lần chót dấu bàn chân em" thì còn hay hơn. Nhưng ông vẫn để nguyên câu thơ dịch trên, vì theo ông, nó sát nghĩa hơn. Quá trình dịch tuyển thơ Ivan Bunin, ông đã phải dốc sức, dồn tâm lực một thời gian dài. Vì ông tâm niệm, cố gắng dịch sao cho xứng với tài thơ của một nhà văn Nga đầu tiên được giải Noben về văn học.

Khi dịch tuyển thơ "Những ngôi sao băng" ông càng xúc động hơn, vì đây là tuyển thơ của năm nhà thơ Nga chết trẻ. Ông thấu hiểu số phận các nhà thơ Nga từng phải gánh rất nhiều bi kịch. Với niềm cảm kích một lớp nhà thơ tài hoa và đoản mệnh đó, nhiều trang thơ ông dịch như thấm đẫm cảm xúc. Tập thơ in ra được bạn đọc đánh giá cao, được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng năm 2005.

Gần cả đời dốc sức cho việc dịch văn học Nga, nhìn lại chặng đường đã đi qua, đôi khi ông không tránh khỏi nỗi chạnh lòng. Những thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước là thời "hoàng kim" của văn học Nga và tiếng Nga ở Việt Nam. Những tác giả lớn của văn học Nga, văn học Xôviết đã được dịch khá đầy đủ và in với số lượng lớn. Những Puskin, Lécmôntốp, Lép Tônxtôi, Gôgôn, Sêkhốp, Goócki, Pauxtốpxki, Aimatốp... được dịch, giới thiệu khá hệ thống, đã làm phong phú tâm hồn bao lớp người. Nhưng đến đầu thập niên chín mươi, văn học Nga cũng như tiếng Nga ở Việt Nam như bị quên lãng.

Văn học Mỹ Latinh, Trung Quốc ào ạt chiếm lĩnh thị trường sách. Đến cuối thập niên chín mươi, văn học Nga mới được khởi động lại. Dịch giả Thúy Toàn càng dốc sức làm tiếp những gì ông ấp ủ. Ngoài việc dịch sách, ông còn là người say sưa quảng bá văn học Nga, văn học Xôviết với nhiều hình thức. Năm 2008, dù đã bảy mươi tuổi, ông hoàn tất công trình nghiên cứu "Hơn nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam", phối hợp các cơ quan nghiên cứu, mở các hội nghị trao đổi "Văn học Nga trong tiến trình văn học thế giới ", "Những thế hệ dịch thơ Nga ở Việt Nam", "Bước đầu tìm hiểu thơ Nga ở Việt Nam"... Ông cùng dịch giả Đoàn Tử Huyến lập ra Trung tâm Văn hóa Đông Tây, với ý nguyện quảng bá, giới thiệu văn học Nga, văn học Xôviết tới bạn đọc Việt Nam nhiều hơn nữa.

Điều day dứt với ông, sách văn học kinh điển chưa có chỗ đứng trong thị trường sách hiện tại. Dù cơ chế thị trường xô đẩy, ông vẫn giữ thái độ nhất quán, chỉ dịch sách khi thấy giá trị văn hóa, quyết không dịch sách theo đơn đặt hàng của thị trường rẻ tiền. Ông tâm niệm, cái gì là vàng thì mãi mãi là vàng. Vì thế, ông luôn vững lòng tin với niềm tôn kính văn học Nga mà cả đời ông theo đuổi.

Hiện tại, ông có bộ sưu tập khá đầy đủ về văn hóa Nga với Việt Nam. Đó là hàng trăm đầu sách văn học Nga đã dịch ra tiếng Việt qua các thời kỳ. Các bộ sưu tập văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng Nga. Hàng nghìn bài báo, tem, huy hiệu, tiền, kỷ niệm chương về văn học Nga. Ông đã tổ chức 5 cuộc trưng bày các hiện vật sưu tầm về văn học Nga ở các trung tâm văn hóa tại Hà Nội. Năm 2010, một vinh dự lớn đã đến với nhà văn, dịch giả Thúy Toàn: Ông là một trong mười hai người được Tổng thống Đmitri Métvêđép trao tặng Huân chương Hữu nghị, huân chương cao quý của nước Nga tại Điện Kremli.

Một con người phải xa quê từ nhỏ, vậy mà mỗi khi nhắc tới làng quê của mình, ông lại bần thần xúc động. Ông thường nhắc lại truyện "Làng" của nhà văn Kim Lân để nói hộ nỗi nhớ quê và niềm tự hào về quê của mình. Ông rất yêu cái làng Phù Lưu của ông. Cái làng có phong vị riêng mà không nơi nào có được. Cổng làng uy nghiêm vẫn còn, nhưng đôi câu đối cổ "Dĩ nhân tâm vi bản/ Đạt tri thức do văn" (Lấy lòng dân làm gốc/ Muốn có văn hóa phải học) hai bên cánh gà cổng làng, đã từ lâu bị hàng quán che lấp. Khu phần lăng mộ cụ Tuần phủ vẫn còn, nhưng đã bị thời gian và con người tàn phá đi quá nhiều. Con đường làng lát bằng những phiến đá xanh vuông to như tảng đá đập lúa vẫn còn nguyên. Vẫn còn những ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp đóng cửa im ỉm quay mặt ra đường.

Người nơi khác đến ngụ cư ở làng càng đông. Làng Phù Lưu của ông bây giờ đổi thay đã nhiều. Tuy rằng phong trào đô thị hóa nông thôn ở làng quê ông không rầm rộ và ồ ạt như các làng khác quanh vùng (vì Phù Lưu đã nửa làng nửa phố từ lâu rồi), nhưng cuộc sống làng đã diễn ra muôn vẻ. Ngôi nhà ngói năm gian và căn gác thanh bình giữa vườn cây sum suê không còn nữa. Giữa thập niên 50 (của thế kỷ trước), gia đình ông bị quy nhầm thành phần, khi sửa sai, đòi lại được nhà, thì nhà đã tan hoang. Những cây ăn quả mà ông về trồng lại sau này, nay cành lá đã rậm rạp. Ông khoe đã đòi lại được ngôi nhà thờ chi họ Hoàng của ông. Thì ra, ông Thúy Toàn và nhà thơ Hoàng Hưng là anh em. Ông nội của ông và ông nội nhà thơ Hoàng Hưng là anh em ruột. Trong nhà thờ chi vừa được tôn tạo, có tủ lưu niệm, trưng bày một số bằng sắc và sách vở của lớp con cháu. Ông kể rằng, từ xưa, các bậc hiền triết trong họ vẫn luôn lấy chữ nhân, chữ nghĩa làm gốc.

Ý nguyện của ông sẽ xây Nhà lưu niệm văn học Nga tại mảnh vườn tuổi thơ mà cha ông để lại. Trong gian nhà tạm, ông đã sắp xếp rất nhiều hiện vật, sách báo để dành cho ngày nhà lưu niệm khánh thành. Tuổi thơ phải xa làng rất sớm, khi về già, ông lại hướng về mảnh đất ông cha, muốn xây dựng một địa chỉ văn hóa, muốn đóng góp công trình nho nhỏ cho làng quê cổ kính và trù phú của mình. Dịch giả Thúy Toàn tâm sự: Đất có thiêng, thì mình mới giữ được!

Nhà sáng tác Đà Lạt, 5/2014

Vũ Từ Trang
.
.