Nguyễn Đình Toán và những cuộc đối thoại bằng hình ảnh

Thứ Tư, 04/10/2017, 08:35
Người xem xúc động khi Nguyễn Đình Toán đặc tả từng nét trên gương mặt, cử chỉ, thần thái của mỗi vị nhạc trưởng. Xúc động khi nhận thấy, ở họ tràn ngập một tình yêu với âm nhạc, và cũng xúc động bởi dưới mỗi cú bấm máy của nghệ sĩ nhiếp ảnh là ngập tràn sự thấu hiểu, sẻ chia của tình nghệ sĩ. Nguyễn Đình Toán đến với những đêm nhạc thính phòng không phải chỉ để nghe nhạc...


Nguyễn Đình Toán là cái tên quen thuộc trong giới văn nghệ sĩ. Phần lớn cuộc đời mình, ông dành để chụp ảnh các văn nghệ sĩ, những người mà ông yêu quý, kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách. Không ít người chọn một cái nghề để gắn đời mình vào nhằm mục đích kiếm cơm, còn Nguyễn Đình Toán thì chẳng vì mục đích ấy, dù ông rất nghèo. Dường như đối với ông, cuộc đối thoại với những người nghệ sĩ mình yêu mến qua những bức ảnh là cuộc đối thoại nội tâm đặc biệt nhất. Những bức ảnh cho người xem một cảm nhận chân thực về cuộc đời những người nghệ sĩ, phía sau tác phẩm của họ.

Lần thứ  2 trong đời, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán triển lãm ảnh cá nhân. Khoảng chục năm về trước, triển lãm ảnh đầu tiên của ông là về nhạc sĩ Văn Cao, gây một sự xúc động mạnh trong giới nghệ thuật. Mới đây là triển lãm ảnh về nhạc trưởng, cũng tạo ra một cơn chấn động trong tình cảm người hâm mộ.

20 năm lặng lẽ cầm ống kính, có mặt ở khắp các đêm diễn, đứng khuất dưới ánh đèn sân khấu để chờ đợi, tìm kiếm, chớp bắt những khoảnh khắc đặc biệt nhất của những "ông chủ" dàn nhạc- những người cầm cây đũa trỏ vào không gian thánh đường để dẫn dắt dàn nhạc mang tới những âm thanh tuyệt vời cho công chúng. Những người nhạc trưởng trong mắt Nguyễn Đình Toán mang một vẻ đẹp vừa quyền năng vừa mềm mại, lãng mạn.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

Ông chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm, rằng ông không hiểu nhiều về âm nhạc cổ điển, nhưng với ông, nhạc công đã là giỏi rồi, nhưng người nhạc trưởng thì vô cùng giỏi. Họ là linh hồn của một tiết mục, một đêm diễn. Ở họ luôn tỏa ra một sự hấp dẫn đặc biệt, nhất là khi họ trong bộ cánh trang trọng, đứng vung đũa trên sân khấu.

Trên 50 bức ảnh chụp 30 nhạc trưởng, gồm cả trong và ngoài nước, gồm nhiều tên tuổi hàng đầu, trong đó có cả những nhạc trưởng đã mất, những người đã già yếu không thể lên sân khấu biểu diễn được nữa đã cung cấp những tư liệu quý giá về lao động của những người nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Chưa đầy đủ hết toàn bộ hình ảnh về các nhạc trưởng, nhưng những tên tuổi như Đàm Linh, Vũ Ngọc Quang, Cao Việt Bách, Đỗ Hồng Quân, Lê Phi Phi, Doãn Nguyên... cho thấy một phần bức tranh đời sống biểu diễn của âm nhạc thính phòng - một loại hình âm nhạc còn kén khán giả ở nước ta.

Người xem xúc động khi Nguyễn Đình Toán đặc tả từng nét trên gương mặt, cử chỉ, thần thái của mỗi vị nhạc trưởng. Xúc động khi nhận thấy, ở họ tràn ngập một tình yêu với âm nhạc, và cũng xúc động bởi dưới mỗi cú bấm máy của nghệ sĩ nhiếp ảnh là ngập tràn sự thấu hiểu, sẻ chia của tình nghệ sĩ. Nguyễn Đình Toán đến với những đêm nhạc thính phòng không phải chỉ để nghe nhạc.

Đôi khi, sự nghe của ông nằm trong ánh mắt ông ngắm nhìn dàn nhạc, ngắm nhìn các nhạc trưởng. Sự chăm chú của ông trên từng đường viền ánh sáng, từng biểu cảm khuôn mặt, những giọt mồ hôi lấm tấm trên lông mày, trên má người nghệ sĩ chính là một cách biểu đạt khác đến người nghe về âm nhạc. Không có tình yêu thiết tha với nghệ thuật, với lao động nghệ sĩ sẽ rất khó đủ kiên nhẫn để chụp những bức hình người nhạc trưởng. Vì họ chuyển động trên sân khấu.

Chớp được phút giây đẹp nhất, xuất thần nhất của họ, người chụp phải biết chờ đợi nhẫn nại, phải bấm máy đúng khoảnh khắc. Nguyễn Đình Toán tiếc nhất là ông không ghi lại được những giọt mồ hôi rơi của các nhạc trưởng. Vì ghi được những khoảnh khắc đó phụ thuộc vào ống kính máy ảnh, càng hiện đại càng dễ bắt khoảnh khắc khó. Cả đời chụp ảnh, máy móc phương tiện của Nguyễn Đình Toán lúc nào cũng lạc hậu hơn người. Thôi thì có sao dùng vậy, trong khả năng của mình. Ông vốn nghèo, mà cuộc chơi nhiếp ảnh lại vốn là cuộc chơi dành cho người giàu. Người thức thời cầm máy ảnh kiếm tiền bằng cách đi chụp ảnh đám cưới, sự kiện, chụp thuê cho nghệ sĩ...

Nguyễn Đình Toán thì chỉ chụp vì yêu, vì đam mê, vì quý trọng, ngưỡng mộ người nghệ sĩ. Chụp rồi để đấy là chính thì làm sao có nhiều tiền. Thời chưa có công nghệ kỹ thuật số, phải chụp bằng phim, ông nhiều lúc không có tiền mua phim để chụp. Mà cũng có lúc chụp xong rồi, tráng phim để đấy, không có tiền rửa ảnh. Phim ảnh chồng chất, nhiều lúc muốn tìm các thước phim chụp ảnh người nghệ sĩ A, nghệ sĩ B, ông mất cả ngày, thậm chí nhiều ngày để tìm kiếm.

Nguyễn Đình Toán có lẽ là khán giả nhiệt tình nhất của mọi chương trình nghệ thuật lớn, chất lượng. Nhưng ông có lẽ cũng là khán giả không mấy khi có ghế ngồi. Phần vì công việc chụp ảnh phải chạy qua chạy lại, phần vì ông không có tiền mua vé. Công việc chụp ảnh nghệ sĩ nhiều năm khiến cho bảo vệ nhiều nhà hát quen mặt ông, cứ thấy nghệ sĩ chụp ảnh đến là mở cửa cho ông vào.

Khoảng chục năm về trước, khi công nghệ ảnh kỹ thuật số chưa có, báo chí mỗi khi dùng ảnh văn nghệ sĩ là gọi Nguyễn Đình Toán. Ảnh nhà văn, nghệ sĩ nào ông cũng có. Và cứ gọi là ông nhiệt tình tìm ảnh, gửi mail đến nơi đến chốn. Tiền nhuận bút ảnh ít ỏi nhưng dù sao cũng túc tắc đỡ đần ông chuyện mua phim, rửa ảnh.

Cho đến khi công nghệ ảnh kỹ thuật số ra đời, nhà báo và cả các văn nghệ sĩ đi đâu cũng có điện thoại smartphone cầm theo, tác nghiệp vèo một cái là có ảnh, tiện lợi cho viết tin bài. Dĩ nhiên, những bức ảnh từ điện thoại thông minh, ngoài sự tiện lợi, khó có thể so với những bức ảnh từ sự nắn nót của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, cũng vẫn là một lý do để ảnh Nguyễn Đình Toán ít dần trên các trang báo văn nghệ.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

Rồi đến đoạn, vì sự dễ dàng của internet, nhiều nơi lấy ảnh Nguyễn Đình Toán chụp các văn nghệ sĩ và "quên luôn" việc đề tên ông, chứ nói gì chuyện trả nhuận bút. Nguyễn Đình Toán hiểu nhưng không bao giờ kêu ca, phàn nàn chuyện này. Có lần, trong một cuộc nhậu gồm toàn nhà văn nhà thơ, ai đó nhắc về Nguyễn Đình Toán, mọi người đều ngậm ngùi chuyện ông Toán tuy nghèo mà giàu tự trọng. Có lúc bị "ăn quỵt" tiền tác quyền mà cũng chẳng mảy may lên tiếng đòi quyền lợi.

Rồi chuyện ông Toán thích ai, quý ai thì cứ sà vào chụp ảnh, rồi có khi rửa ảnh mang đến cho chủ nhân. Có người cầm vô tư như không, có người muốn gửi ông Toán chút tiền gọi là tiền tráng phim, rửa ảnh. Ít nhiều thế nào cũng được, và phải lịch sự khéo léo ông Toán mới cầm. Đối với ông, chuyện kèo nhèo tiền nong tuyệt nhiên không bao giờ có. Thích thì chụp, mà không thích thì bao nhiêu tiền cũng không chụp.

Chụp ảnh nghệ sĩ khó nhất là gì? Thiết nghĩ, khó nhất là hiểu được đời sống nội tâm của người nghệ sĩ, để mỗi khoảnh khắc được "chộp bắt" đều chứa một thông điệp nào đó về buồn vui, nỗi niềm của họ. Đôi khi, đằng sau những bức ảnh là một mối thâm tình nghệ sĩ rất khó diễn đạt bằng lời.

Thời Văn Cao và Hoàng Cầm còn sống, hai ông thường để Nguyễn Đình Toán lui tới nhà. Những khoảnh khắc thường ngày của các nghệ sĩ được ghi lại rất nhiều trong ống kính Nguyễn Đình Toán. Trong triển lãm ảnh Văn Cao, triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên của đời mình, Nguyễn Đình Toán đã giới thiệu cho người hâm mộ những bức chân dung tác giả "Quốc ca" độc nhất vô nhị.

Những bức ảnh Văn Cao ngồi uống rượu một mình, có lúc cùng bạn bè, đôi mắt nặng ưu tư, mái tóc bạc trắng cho ta hiểu thêm về nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn nhạc sĩ. Hay những phút giây cô độc Văn Cao ngồi bên cây đàn piano, nhấn những thanh âm chói gắt, như dấu hỏi buồn về thân phận người làm nghệ thuật. Nguyễn Đình Toán không chỉ chụp ảnh, ông còn là nhân chứng, là người có mặt và kể lại câu chuyện đời người nghệ sĩ để cung cấp cho người xem. Ở một góc độ nào đó, ông chính là người bạn tri kỷ của không ít nhà văn, nhạc sĩ.

Nguyễn Đình Toán có nụ cười hiền hậu, dễ gần. Ở đâu ông cũng lặng lẽ làm công việc của mình. Biết ông sắp làm triển lãm ảnh, muốn xin ông một cái hẹn để trò chuyện, ông từ chối, bảo thôi nhà báo cứ xem ảnh và cảm nhận, rồi muốn viết gì thì viết. Người đam mê, say nghề, vô tư như ông thật hiếm thấy trong thời buổi này.

Nhà văn Ngô Thảo nhận xét: "Nguyễn Đình Toán có cái nhìn chân thực trong từng bức ảnh nghệ sĩ. Ảnh của anh Toán đẹp ở chỗ, nó không có nét hoa mỹ thường thấy ở không ít người gọi là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tính sắp đặt cũng không hề thấy. Ảnh của anh Toán tự nhiên như cuộc đời vậy. Trong thế giới quá nhiều giá trị ảo như hôm nay, ảnh nghệ sĩ của anh Toán vì thế mà trở nên quý giá vô cùng".

Vũ Quỳnh
.
.