Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản (3-7-1917 -3-7-2017)

Nguyễn Bá Khoản với những khảnh khắc lịch sử

Thứ Hai, 26/06/2017, 08:02
Ảnh Nguyễn Bá Khoản sẽ sống mãi với thời gian, bởi người chụp ảnh luôn đứng ở góc nhìn lịch sử. Ông thực sự là một nhà viết sử bằng hình ảnh ở giai đoạn sục sôi của Các mạng Tháng Tám và thời kỳ đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Nguyễn Bá Khoản sinh ngày 3- 7-1917 tại Liễu Viên, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), mất ngày 30-3-1993. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên - 1997. Năm mươi năm cầm máy xông pha nơi trận mạc, ông đã chụp tại trận những sự kiện lịch sử sống động về: "Cao trào Cách mạng Việt Nam 1936 - 1939"; "Cách mạng tháng Tám 1945" và "Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 - 1946"; "Phong trào Nam Tiến - 1945" và Toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội "Quyết tử để Tổ Quốc quyết sinh"!

Tỉnh Khánh Hòa, nơi ông ghi được nhiều hình ảnh có giá trị lịch sử quý hiếm về phong trào "Nam Tiến" ở Nha Trang - 1945.

Vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã có đường phố mang tên ông - phố Nguyễn Bá Khoản.

Ảnh Nguyễn Bá Khoản sẽ sống mãi với thời gian, bởi người chụp ảnh luôn đứng ở góc nhìn lịch sử. Ông thực sự là một nhà viết sử bằng hình ảnh ở giai đoạn sục sôi của Các mạng Tháng Tám và thời kỳ đầu xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Tháng 12 - 1991, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức triển lãm "Ảnh Nguyễn Bá Khoản" tại 19 phố Hàng Buồm - Hà Nội. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đến xem và ghi cảm tưởng, đánh giá cao sự cống hiến của người Nghệ sĩ - Chiến sĩ Nguyễn Bá Khoản và chỉ thị cho Bộ Văn hóa - Thông tin tiếp tục tổ chức triển lãm "Ảnh Nguyễn Bá Khoản" tại nhà triển lãm số 29 phố Hàng Bài - Hà Nội để đồng bào cả nước có điều kiện đến xem.     

Thời kỳ năm 1936 - 1939, Mặt trận bình dân ở Pháp hoạt động khá mạnh đã tác động và có ảnh hưởng lớn đến tình hình Đông Dương và cao trào Cách mạng ở Việt Nam. Nhân thời cơ đó, Đảng ta đã đưa một số tổ chức nghiệp đoàn ra hoạt động công khai, khá rầm rộ, trong đó có "Hội Ái hữu các thợ ảnh ở Thủ đô Hà Nội". Hàng loạt các bức ảnh được ghi lại và đăng tải trên báo chí như: "Hội nghị báo giới Bắc Kỳ - 1937" , "Mít tinh lớn ở khu Đấu Xảo, Hà Nội ngày 1.5.1938" (nay là Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô); "Đoàn văn giới và báo giới tham gia cuộc mít tinh ngày 1-5-1938 tại khu Đấu Xảo, Hà Nội", "Đoàn phụ nữ tham gia cuộc mít tinh ngày 1-5-1938 tại khu Đấu Xảo Hà Nội" , "Quang cảnh Hội nghị về chương trình giảng dạy và truyền bá quốc ngữ tại Hà Nội"; hình ảnh ban lãnh đạo "Tòa soạn Báo Tin tức, cơ quan Mặt trận Dân chủ tại đường Phùng Hưng, Hà Nội (1938)".

Người đứng thứ hai (từ phải sang) là đồng chí Trường Chinh, sau này là Tổng Bí thư của Đảng. Có thể nói, không khí các nghiệp đoàn hoạt động công khai khá rầm rộ. Tác giả của những bức ảnh lịch sử ấy chính là Nguyễn Bá Khoản. Nguyễn Bá Khoản là phóng viên báo chí đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Bảy năm sau, năm 1945, cùng với các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng như Vũ Năng An, Võ An Ninh, Nguyễn Tiến Lợi,… Nguyễn Bá Khoản - người lính tiên phong của nhiếp ảnh báo chí Cách mạng đã xông pha nơi diễn ra các sự kiện lịch sử lớn, đã ghi chép được khá nhiều hình ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc Tổng khởi nghĩa "long trời lở đất", "ào ào như thác đổ" của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Thủ đô Hà Nội với những cảnh, những đoàn quân "chủ lực" mặc áo sơ mi cộc tay, quần soóc lửng, vai vác súng trường, chân đi dép, giầy đủ kiểu, đang diễu hành trên đường phố Hà Nội và những chiến sĩ tự vệ tay đeo băng đỏ, mã tấu bên sườn, nam có, nữ có, họ từ các xã, huyện ngoại thành Hà Nội nườm nượp đổ về phía Quảng trường Ba Đình lịch sử dự mít tinh. Và những chiến sĩ "Quyết tử" với Thủ đô yêu dấu, với vận mệnh mất còn của Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946 - 1947!

Nguyễn Bá Khoản được mệnh danh là "người viết sử bằng hình", đó là các hình ảnh: Nhân dân Hà Nội mít tinh trước quảng trường Nhà hát lớn ngày 17-8-1945 chuẩn bị cho việc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cảnh quần chúng Cách mạng tràn vào Phủ Khâm Sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ Phủ) ngày 19-8, cảnh mít tinh trên quảng trường Nhà hát lớn ngày 31-8, cảnh Nhân dân Hà Nội đón chào giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị Giải phóng quân tại Hà Nội (8-1946), quảng trường Ba Đình và lễ đài Tuyên ngôn độc lập, cảnh quân Giải phóng - Tự vệ Hà Nội dự lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, cảnh đường phố Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám 1945 với biểu ngữ "Nước Việt Nam của người Việt Nam"! Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Trung Hoa Hà Ứng Khâm trước Phủ Toàn quyền tháng 9-1945 (nay là Phủ Chủ tịch), cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc "Tuần lễ vàng" ở trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội, cảnh Thiếu nhi Thủ đô Hà Nội tham gia diễu hành "Ngày cứu đói tại quảng trường Nhà hát Lớn" (tháng 9-1945), hình ảnh ra mắt chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945).

Đoàn thể Phụ nữ cứu quốc Hà Nội ngày 2-9-1945 tại Ba Đình. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Nguyễn Bá Khoản còn ghi lại các bức ảnh báo chí lịch sử về Bác Hồ khi Người nói chuyện với Đại hội đại biểu thanh niên cứu quốc (27-9-1945) và Người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I ra mắt trước nhân dân Thủ đô tại khu Việt Nam Học Xá - tháng 1-1946. Ngày 6-3-1946, Người thay mặt đất nước ký Hiệp định Sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội. Người ra sân bay Gia Lâm duyệt đơn vị lính Pháp, trước khi sang thăm Cộng hòa Pháp…

Chàng thanh niên Nguyễn Bá Khoản xuống Hải Phòng, chụp cảnh nhân dân Hải Phòng nhiệt liệt đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự hội nghị, đã trở về tại Hải Phòng, lại theo đoàn tàu ghi hình ảnh nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về tại ga Hàng Cỏ. Quốc hội Khóa I kì họp thứ nhất, thứ hai Nguyễn Bá Khoản cũng có mặt để ghi hình.

Đất nước đang trong cảnh hiểm nguy, "nước sôi lửa bỏng" nhưng tinh thần yêu nước cực kỳ dâng cao. Thanh niên Thủ đô chăng biểu ngữ với những hàng chữ lớn: "Yêu cầu Chính phủ cho vào Nam Bộ diệt xâm lăng!". Sau ba tháng theo đoàn quân Nam Tiến ở mặt trận Nam Bộ, trở về Hà Nội được Báo Cứu quốc giúp đỡ, một triển lãm với hơn 500 bức ảnh được trưng bày (đợt I) và đợt II bổ sung thêm hình ảnh chiến đấu ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, rồi lại tổ chức triển lãm (đợt II) với gần 200 hình ảnh nữa…

Những khoảnh khắc lịch sử hiện rõ trong ảnh Nguyễn Bá Khoản ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào cũng tươi rói chất liệu cuộc sống, hừng hực khí thế chiến đấu, bởi ông anh dũng xông pha trận mạc, áp sát bộ đội ta chiến đấu, tải thương, tổ chức lễ truy điệu đồng đội ngay tại mặt trận, ghi lại hình ảnh bộ đội ta dùng chiến thuật nghi binh ghìm chân địch và ông cũng đồng cam cộng khổ, sẵn sàng hi sinh cùng đồng đội.

Ông thoắt ẩn thoắt hiện ở trường bay Bạch Mai, lúc ở phố Hàng Cót, khi ở phố Hàng Đậu, rồi lại xuống đường Mai Hắc Đế, lúc lại xuống ngã tư Cầu Giấy rồi lại có mặt ở mặt trận Vĩnh Tuy. Đó là những hình ảnh trong lễ Tuyên thệ "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Hình ảnh Pháo Đài Láng là một trong ba pháo đài đầu tiên nổ súng ngay sau khi Hồ Chủ tịch đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, hình ảnh các chiến sĩ chiến đấu trong chợ Đồng Xuân, ở Cửa Nam, Hàng Thiếc, hình ảnh các chiến sĩ tự vệ trèo lên nóc nhà quan sát và chiến đấu, hình ảnh nhân dân thủ đô dùng bàn ghế dựng chiến lũy chặn sự tiến quân của giặc Pháp ở Bạch Mai, ở Phố Mai Hắc Đế, đánh xe tăng địch ở phố Hàng Bồ, một tổ chiến đấu ở phố Hàng Chiếu, cảnh bộ đội ta truy kích ở phố Hàng Bài, cảnh chiến đấu ở Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, ở Việt Nam Học Xá, ở Ngã Tư Sở đi Hà Đông, ở Lương Yên, cảnh quyết tử quân đánh địch ở Viện Pastơ (tháng 1-1947), ở làng Tám, ở mặt trận Cầu Tiên, ở Quảng Bá, trên đê Chèm... hình ảnh chuyển thương về tuyến sau, cảnh các chiến sĩ quyết tử đang đọc tin chiến sự ngay tại mặt trận, cảnh nhân dân phá cầu Mới, chặn đường tiến quân của địch vào đánh chiếm thị xã Hà Đông (tháng 2-1947) rồi hình ảnh các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rất xúc động nhìn vào nội thành lần cuối trước khi vượt sông Hồng lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến lâu dài…

Hoàng Kim Đáng
.
.