“Người vợ miền Nam” của thi sĩ Nguyễn Bính

Thứ Ba, 06/12/2005, 09:00

Sau Cách mạng Tháng Tám, khi công tác ở Nam Bộ, thi sĩ Nguyễn Bính đã gặp và cưới một người mà ông thân thương, trìu mến gọi là “người vợ miền Nam” của ông.

Bà Hồng Châu (Nguyễn Lục Hà) - vợ cố thi sĩ Nguyễn Bính năm nay đã 87 tuổi, sống trong một căn nhà nhỏ êm đềm ở làng hoa Gò Vấp - Tp.HCM. Dù ở tuổi “cổ lai hy”, song bà vẫn còn giữ được một trí nhớ mẫn tiệp với một tâm hồn nhạy cảm hiếm thấy. Theo hồi ức của bà Nguyễn Lục Hà thì bà sinh tại Trà Vinh, là con gái út trong một gia đình có hai anh trai. Hai người anh trai ấy đã lần lượt hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cha bà - ông Gia Lạc vốn gốc người xứ Nghệ, dòng dõi con nhà quan, thấm nhuần chữ thánh hiền. Vì chán ngán cảnh quan lại phong kiến, mà cụ thể là thái độ bạc nhược của vua Khải Định nên đã bỏ cố hương, đi tìm ánh sáng cách mạng. Năm 1925 ông chính thức gia nhập Tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Bà Gia Lạc vốn là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, cả đời lo lắng, chắt chiu cho chồng con.

Khi sanh ra đứa con gái, ông Gia Lạc đắn đo mãi, cuối cùng đặt tên là Lục Hà, tức bông sen xanh, một loài hoa mọc trong bùn lầy mà sắc hương vẫn luôn thanh khiết. Khi bà Gia Lạc nhắc chồng chọn ngày xỏ lỗ tai cho con gái thì ông Gia Lạc nói chuyện nàng Mạnh Lệ Quân bên Tàu để thể hiện ý định: con gái thời loạn thì cũng phải nuôi chí như trai. Ông không thích ba cái chuyện xỏ lỗ tai. Vậy là cô bé Lục Hà trở thành đứa bé gái không xỏ lỗ tai duy nhất của xóm…

Từ nhỏ Lục Hà đã nổi tiếng thông minh, nghịch ngợm. ông Gia Lạc dạy Lục Hà chữ Nho, nhưng cô bé thích chữ quốc ngữ hơn. Đặc biệt Lục Hà thích nghe chuyện nghĩa hiệp. Mà, đâu xa, cha cô là một thầy thuốc, có lòng thương người hiếm thấy. Lần đó, có tên ăn trộm đến nấp đầu hè, nhưng trời mưa lạnh, hắn chịu không nổi nên ho khan. Biết nhà có trộm rình, nhưng ông Gia Lạc không sợ, không ghét, trái lại đi ra… mời tên trộm vào nhà. Rồi chuyện mẹ cô đi chợ, gặp một người ăn xin nằm co lạnh giữa trời mưa, thương tình cởi cái áo dài cho bà cụ mà mặc cái áo cánh cũn cỡn về nhà, khiến ông Gia Lạc hiểu nhầm “sạc” cho một trận…

Khi vua Khải Định chết, vì cho rằng Khải Định chỉ là ông vua bù nhìn chẳng có công lao gì với nước nhà nên ông Gia Lạc kiên quyết cự tuyệt việc để tang Khải Định. Nhiều người dân ở Trà Vinh cũng làm theo ông. Ngược lại, khi cụ Phan Châu Trinh mất, ông Gia Lạc buồn rầu, coi như nhà đang có tang. Khí tiết cách mạng ở ông Gia Lạc thể hiện rất rõ. Nhưng, hoạt động cách mạng của ông chưa được thành tựu gì thì đã bị mật thám bắt.

Chúng đánh đập ông dã man, hòng lung lạc ý chí, bắt ông khai ra những người cùng chí hướng. Không khai thác được gì, chúng thả ông về. Nhưng do bị đòn dã man, ông thổ huyết nhiều lần và chết vào ngày mồng 8 tết năm Tân Mùi (1931).

Cha mất, nhà chỉ còn hai mẹ con. Lục Hà ráng làm việc đỡ đần mẹ và chí thú học hành. Cô cũng thi đậu vào Trường Nữ học Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, Tp.HCM) nhưng không được học bổng nên lên Sa Đéc học Trường tư thục Montaigne. Hiệu trưởng trường là thầy Đặng Văn Bá (sau này tập kết ra Bắc dạy môn triết ở Trường Nguyễn Ái Quốc). Chính trong ngôi trường ấy, Hà đã gặp được nhiều người thầy đáng kính, có tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Những người thầy ấy là tấm gương, là “kim chỉ nam” để cho Hà giác ngộ và đi theo cách mạng.

Cũng trong giai đoạn này, Lục Hà tham gia sáng tác thơ dưới bút danh Hồng Cẩm. Những bài thơ đầy khí phách như “Thanh niên mau thức tỉnh” của Lục Hà bị mật thám ghi vào “sổ đen”. Ngược lại các anh chị trong tổ chức khen Hà lập trường tư tưởng tốt, trình độ cách mạng vững vàng. Thật ra, Lục Hà cũng có làm thơ tình nhưng sợ “bị rầy” nên không gửi đăng báo. Hà tiếp tục học Trường tư thục Phan Thanh Giản, vì đây là trường gần nhà, có lợi cho hoạt động cách mạng. Tháng 9/1938 Hà được tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản.--PageBreak--

Lục Hà thích viết báo, nhưng rồi trở thành cô giáo sau khi học khóa đào tạo trợ giảng giáo viên (Cours normal auxiliaire). Là cô giáo, nhưng lại chưa đi dạy ngay mà làm thư ký cho Văn phòng Tỉnh ủy.

Trong thời gian công tác ở đây, Lục Hà gặp Năm Giáo - một người biết làm thơ, đặc biệt giỏi thơ Đường. Thật ra Năm Giáo tên chính là Võ Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh. Dưới vỏ bọc một thầy giáo - Năm Giáo phụ trách huấn luyện chính trị và vận động kháng chiến. Giữa Lục Hà và Năm Giáo dần dần nảy nở những tình cảm êm đẹp, khó bày tỏ bằng lời. Họ yêu nhau. Tình yêu và tình đồng chí không tạo ra những hố ngăn, trái lại họ biết tạo ra những chất men cho tình yêu và công việc.

Nhưng rồi Năm Giáo bị bắt. Lục Hà chới với. Nhưng vượt qua đau khổ, Lục Hà chợt có quyết định sáng suốt: thoát ly. Đó là một buổi chiều mùa đông năm 1940, Lục Hà rời khỏi Trà Vinh. Sau lưng Lục Hà là ánh mắt chứa chan của người mẹ già. Từ đó, Lục Hà bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Để tránh bị lộ và bị bắt, Lục Hà tạo nhiều vỏ bọc, khi ở Vĩnh Long, lúc Sài Gòn.

Thương con gái, một thân một mình ở xứ lạ, bà Gia Lạc lặn lội tìm Lục Hà. Nhưng tình thương của người mẹ đã vô tình dẫn tới một hậu quả khôn lường. Vừa về nhà hôm trước thì hôm sau ngày 8/5/1941, Lục Hà đã bị bắt và bị chúng tra tấn dã man. Câu hỏi đầu tiên chúng nêu ra là: “Năm Giáo có phải là Võ Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh?”. Lục Hà một mực: “Tôi không biết”. Và, thế là cô bị chúng tra tấn đến chết đi sống lại nhiều lần. Để quên đi đòn thù và để giữ vững khí tiết cách mạng, Lục Hà tiếp tục làm thơ. Những bài thơ trong tù của cô là vũ khí chống lại kẻ thù. Cuối năm 1943, Lục Hà được đưa về quản thúc ở Trà Vinh.

Trước khi đến với Nguyễn Bính, Lục Hà đã lấy chồng là thầy giáo Tâm, sinh một đứa con gái tên Quốc Thoa. Sống với nhau chỉ vài năm, họ chia tay, vì thầy giáo Tâm không chịu được cảnh vợ cứ mãi đi lo “việc thiên hạ”. Bé Quốc Thoa sau đó cũng qua đời vì bệnh. Khi Nguyễn Bính vào Nam là lúc Lục Hà công tác tại báo “Tiếng súng kháng địch” của Quân khu IX. Đấy là một tờ báo có uy tín lúc bấy giờ với nhiều tên tuổi nhà văn, nhà báo như Rum Bảo Việt, Phạm Anh Tài (Sơn Nam), Hà Huy Hà, Lưu Quý Kỳ v.v…

Có một chi tiết đặc biệt thú vị là cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Bính và Nguyễn Lục Hà được chính đồng chí Lê Duẩn làm “ông tơ”. Thực ra khi đồng chí Lê Duẩn giới thiệu “nhà thơ vô sản” Nguyễn Bính cho Lục Hà, thì cô đã “hồn xiêu phách tán” trước chàng thi sĩ chân quê này rồi.

Ngày 2/9/1951, Lục Hà khai trương tiệm sách Hồng Châu cũng là ngày Nguyễn Bính cậy nhờ má Ba - một bà mẹ chiến sĩ chính thức đem trầu cau đến nói chuyện cưới xin với bà Gia Lạc. Rằm tháng mười năm 1951 họ chính thức làm lễ thành hôn.

Khi Lục Hà có mang, Nguyễn Bính nói nếu sanh con gái sẽ đặt tên là Anh Thơ, còn là con trai thì lập một dòng họ Nguyễn Bính Hồng… Nguyễn Bính nói chưa dứt câu thì bị Lục Hà “cự” liền: “Tại sao con tôi mang nặng đẻ đau mà anh lấy tên người khác đặt cho nó?”. Lục Hà nói, cô không ghen với những cuộc tình của Nguyễn Bính. Nhưng Nguyễn Bính nên để cô thể hiện quyền làm mẹ. Nguyễn Bính đuối lý. Dù vậy, khi vợ đặt tên con là Nguyễn Hồng Cầu thì Nguyễn Bính giận, thấy mình bị “mất phần” nên cố nói người làm hộ tịch ghi thêm vào đó chữ “Bính”, thành ra tên Nguyễn Bính Hồng Cầu…

Việt Trần
.
.