Người về từ Trường Sa…

Thứ Sáu, 06/03/2015, 08:00
Họ là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh... được lính hải quân gọi là "Người của Trường Sa". Với họ, những người từng đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió thời còn lắm gian nan của 30 năm trước, Trường Sa là hơi thở,  là tình cảm thiêng liêng, thủy chung son sắt...

Nhiều người đi Trường Sa về, gặp ca sĩ Anh Đào lại trầm trồ: "Đi đâu chiến sĩ cũng hỏi có ca sĩ Anh Đào trong đoàn không?" Thắc mắc thì các anh cười: "Vì Anh Đào là ca sĩ của Trường Sa mà!". Nếu không vì bệnh ung thư hành hạ mấy năm gần đây, có lẽ chị đã không bỏ lỡ nhiều chuyến ra Trường Sa như thế. Tên tuổi nữ ca sĩ của Đoàn Ca nhạc Hải Đăng (Nha Trang) ngày nào gắn liền với "Gần lắm Trường Sa" - bài hát đầu tiên và để đời về Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long (sáng tác năm 1982).

Hôm nhạc sĩ Hình Phước Long đưa ca khúc, Anh Đào thắc mắc hỏi: "Anh đi Trường Sa chưa ạ?". Ông lắc đầu. Anh Đào tròn mắt: "Em cũng không biết gì về nơi đó, lỡ mình viết sai, hát sai thì sao?". Nhạc sĩ gãi đầu: "Cách đây hai năm (bấy giờ ông đang là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh, (nay là thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - PV), anh được xem phim tài liệu rồi nghe lính từ Trường Sa về kể chuyện. Mấy hôm trước đi dạo trên đường, gặp một thiếu nữ đang dõi mắt nhìn về phía biển, anh tự hỏi nếu cô ấy có người yêu ở đảo xa thì tâm trạng cô ấy thế nào. Vậy là anh viết nên bài này". Không ngờ "Gần lắm Trường Sa" với giọng ca Anh Đào thành công ngoài sức tưởng tượng. Bài hát được đưa đi biểu diễn ở nhiều nơi, được thu băng, phát trên đài phát thanh và nhanh chóng được lính hải quân chép chuyền tay nhau.

Ngày ấy, đi Trường Sa rất khó khăn vì phương tiện còn thô sơ, hạn chế, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ không chịu nổi sóng gió và cuộc sống khắc nghiệt ở đảo. Thế nhưng, khi nghe có đoàn đi, Anh Đào liền đăng ký tham gia, chị muốn biết Trường Sa có như trong lời mình hát. Đoàn đi ngày 14/4/1983 trên tàu chở nước ngọt. Mất hai ngày, một đêm mới đến nơi.

Ca sĩ Anh Đào (ảnh: Hoàng Chí Hùng).

Bước xuống tàu khi chiều tà, cơn say sóng còn váng vất, Anh Đào nhìn thấy lính đảo chạy ra đón mình. "Trước mắt tôi, chỉ toàn cát là cát. Cây xanh thưa thớt. Nắng gắt lên. Còn bộ đội thì anh nào anh nấy trông giống nhau, đen nhẻm và gầy, chỉ nụ cười và đôi mắt rất sáng. Tự dưng nước mắt tôi trào ra, tôi không biết mình khóc vì thương các anh hay khóc vì Trường Sa quá khác với hình dung của mình?" - chị kể.

"Sân khấu" là tấm bạt trải xuống cát, trên đó là chiếc ghế đặt cái loa móp méo và bộ âm ly nối với micro. Các chiến sĩ ngồi bệt xuống cát. Chẳng điểm trang, chỉ tà áo dài bay rối trong gió đêm, chị nhìn xuống những ánh mắt đang chăm chú nhìn mình, hồi hộp hát theo tiếng đàn. Tiếng gió rít làm âm thanh của chiếc loa lúc chói gắt, lúc tiếng được tiếng mất. Cuối cùng, đoàn văn công quyết định hát chay. Các anh lính đồng loạt hô vang: "Anh Đào ơi, hát bài "Gần lắm Trường Sa" đi!". Nhưng mới được hai câu đầu: "Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng…", giọng Anh Đào đã lạc đi. Chị òa khóc nức nở. Chưa bao giờ chị thương các anh như bây giờ.

Lần đầu tiên hát bài viết về Trường Sa ngay tại Trường Sa, chị mới hiểu hết thế nào là thiêng liêng, thế nào là linh hồn bài hát. Phía dưới, những đôi mắt lấp lánh ứa nước. Anh Đào xin lỗi rồi chạy vội ra sau. Được một lúc, chị lại bước ra, nói: "Anh Đào xin lỗi, giờ Anh Đào không hát "Gần lắm Trường Sa" được nữa mà Anh Đào chỉ đọc được thôi". Mọi người vỗ tay đồng ý. Đọc chưa hết câu đầu, nước mắt chị lại đầm đìa. Phải một hồi lâu chị mới lấy lại bình tĩnh, xin khất bài này đến ngày mai để hát những bài khác.

Ngày hôm sau, chị đi thăm đảo, tự nhủ, không thể bỏ phí một giây nào, vì biết bao giờ mới có dịp trở lại. Các anh chiến sĩ gọi vang: "Anh Đào ơi, vào đây ăn cơm đi. Tụi anh có rau xanh nè!". Rót nước ra một chén nhôm, anh em uống chuyền nhau một vòng rồi đến chị là người uống cuối cùng.

"Tôi rất tự hào khi mình được cùng các anh uống chén nước ấy. Biết bao nhiêu là ân tình. Tôi hỏi thăm quê hương từng anh. Anh ở quê nào thì tôi hát tặng anh bài hát quê đó. Một mình tôi đón nhận tình cảm nồng hậu của các anh nên nó cứ dâng tràn, nước mắt không kìm lại được. Bây giờ tôi cứ tiếc hoài là sao mình không xin cái chén ấy làm kỉ niệm".

Anh Đào lặng người khi thấy một chiến sĩ đang bị ốm thều thào năn nỉ Anh Đào hát bài "Gần lắm Trường Sa". Dù chỉ có duy nhất một khán giả nhưng chị vẫn hát say sưa như dốc cả tấm lòng của mình, mong anh chiến sĩ mau khỏe. 15 ngày không ngơi hát, đến khi rời đảo thì Anh Đào không nói nổi nữa. Bác sĩ chẩn đoán chị bị nổi hột ở thanh quản, buộc phải phẫu thuật. Rủi ro là điều có thể xảy ra, nhất là khi phẫu thuật không gây mê. Nhưng chị tự nhủ: Nếu mình không chịu đựng được thì không còn cơ hội nào đứng hát ở Trường Sa nữa.

Một năm sau đó, nhạc sĩ Hình Phước Long cũng được ra thăm Trường Sa. Đặt chân lên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn... ông vui mừng khi được cảm nhận thực sự những gì trong bài hát mình diễn tả. Sau chuyến đi, ông sáng tác nhiều ca khúc như: "Gặp anh trên đảo Sinh Tồn,'' ''Tiếng hát đảo Sơn ca,'' ''Vầng trăng nơi đảo xa,''...  "Với tôi, gần 20 ca khúc về Trường Sa vẫn chưa thể trải hết tấm lòng của mình với nơi đầu sóng ngọn gió có hình ảnh người lính hiên ngang như cây phong ba" - ông tâm sự.

Các nhà báo, nhà nhiếp ảnh và ca sĩ đến Trường Sa năm 1988 (nhà nhiếp ảnh Nguyễn Viết Thái đứng thứ ba từ phải qua).

Chuyến đi tháng 4/1988 có nhà nhiếp ảnh Nguyễn Viết Thái, lúc bấy đang là phóng viên Báo Phú Khánh. Ông kể: "Đảo Phan Vinh hồi đó không có cây xanh, nên lính đảo gọi đùa là Lò vôi Phan Vinh. Trước hôm đoàn đến, anh em ở Phan Vinh làm vệ sinh doanh trại, diệt được gần 50kg gián. Tủ sách của các đơn vị thì hầu như cuốn nào cũng rách bươm vì chuyền tay nhiều người đọc. Tuy đời sống của anh em rất khó khăn, thiếu thốn nhưng điều dễ nhận thấy là tinh thần của họ rất lạc quan. Khi có đoàn ra thăm, đặc biệt là có các cô văn công, anh em rất vui. Những đêm ở đảo Phan Vinh, tôi được chứng kiến anh em vui thích thế nào dưới mưa".

Hơn 300 tấm ảnh của ông ghi lại sức sống của bộ đội Trường Sa là những khoảnh khắc đáng nhớ. Chiều buông, Viết Thái lặng lẽ ngồi bên một anh lính đang dõi mắt về phía hoàng hôn. Người lính trẻ tâm sự chiều nào các anh em cũng thinh lặng dõi mắt về phía mặt trời lặn, vì đó là phía của đất liền. Còn anh lính khác tâm sự rằng anh rất thích trời hoàng hôn màu vàng chanh. Hỏi vì sao, anh đáp: "Màu vàng chanh là biển êm, mà biển êm thì sẽ có tàu ra, tàu ra thì hy vọng có ... thư nhà!".

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Viết Thái nghe lính đảo kể, ngày Tết, đồ đón xuân chủ yếu là … đồ giả. Bánh chưng giả, hoa giả… vì thời tiết cuối năm không cho phép tàu ra Trường Sa. Ngày Tết anh em vẫn ăn uống như ngày thường, toàn đồ hộp. Lính đảo lượm vỏ ốc, sò, sơn màu làm hoa. Cành hoa được làm bằng bao nilông quấn quanh thanh thép hoặc gỗ. Bánh chưng, nước ngọt rất ít. Giao thừa, anh em sum vầy, nghe Chủ tịch nước đọc lời chúc Tết. Họ nâng ly chúc mừng, chơi "hái hoa dân chủ"  về chủ quyền biển đảo, rồi lại tiếp tục làm nhiệm vụ.

 Dù đã ra Trường Sa phục vụ năm lần (năm 1983, 1988, 2000, 2002, 2012) nhưng lần đón Tết ở Trường Sa năm 2002 vẫn ghi lại ấn tượng sâu đậm với Anh Đào. Chị phải gửi con nhỏ cho cháu gái để xung phong lên đường. Gia đình ái ngại, chị bảo: "Con là người của Trường Sa rồi, con nguyện thủy chung với nơi ấy trọn đời". Chị lên tàu mà ruột gan nôn nao như tâm trạng của người con trở về quê mẹ. Đêm giao thừa có cầu truyền hình trực tiếp. Những chiến sĩ trong đêm linh thiêng đón trời đất giao mùa giữa trùng khơi này không phải đón chị như cô ca sĩ chuyên nghiệp mà họ đón chị đầy mến thương như một người thân.

Bây giờ, cái Tết ở Trường Sa ngày càng sung túc hơn khi cả nước đang chung tay hướng về...

Quỳnh Nga - Xuân 2015
.
.