“Người thợ cày” trên cánh đồng chữ

Thứ Năm, 29/03/2018, 09:08
hoảng 10 năm chơi với anh, khi thì mời anh cộng tác bài vở trên Văn nghệ Quân đội, lúc lại mời anh viết tham luận khoa học cho các danh thần danh nhân dòng họ Phùng, tôi quả thấy anh không hổ danh thợ cày trên cánh đồng chữ. Vũ Bình Lục thường mau chóng tìm ra những ý hướng chính khi thực hành một công việc gì đó...


Đời người có có không không
Cỏ xuân tươi tốt khi đông héo tàn
Sương treo ngọn cỏ mang mang
Vận đời suy thịnh vô vàn, sợ chi

(Thị đệ tử - Vạn Hạnh thiền sư)

Đây là bài thơ của thiền sư Vạn Hạnh - một kiệt tác thơ văn Lý - Trần được Vũ Bình Lục chuyển từ thất ngôn chữ Hán sang lục bát tiếng Việt một cách khá tài hoa, khoáng đạt và thanh thoát. Bản gốc đương nhiên chặt chẽ hơn nhưng cái sự thanh thoát trong thơ cũng là rất đáng quý. Sinh thời, thiền sư Vạn Hạnh vốn ưa thích sự hồn nhiên khoáng đạt nên hoàn toàn có thể dịch thơ ông theo cách của Vũ Bình Lục.

Khoảng 10 năm chơi với anh, khi thì mời anh cộng tác bài vở trên Văn nghệ Quân đội, lúc lại mời anh viết tham luận khoa học cho các danh thần danh nhân dòng họ Phùng, tôi quả thấy anh không hổ danh thợ cày trên cánh đồng chữ. Vũ Bình Lục thường mau chóng tìm ra những ý hướng chính khi thực hành một công việc gì đó.

Viết tham luận hội thảo khoa học, thường là tôi gợi ý đồng thời gửi các bài viết của các bậc cây đa cây đề cho anh. Chỉ tuần sau, đã thấy bài của anh xuất hiện trên mặt báo, vừa làm phong phú hội thảo bằng một độc đáo riêng, vừa kịp thời bổ sung những thiếu khuyết mà các bậc đa đề chưa động bút tới. Kể cũng thần tình, lấy đâu ra sức lực ở con người thương binh chống Mỹ năm nay đã tròn 70 xuân như vậy. Lấy đâu ra sự tinh tế, sắc sảo, nắm bắt và thể hiện khá nhuần nhuyễn những vấn đề đặt ra cách đây đã mấy trăm năm?

Nhà thơ Vũ Bình Lục (thứ 2 từ phải sang) và các bạn văn.

Trong các tham luận của anh về Đức vua Phùng Hưng, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Thái phó Phùng Tá Chu... đều hàm chứa lượng tri thức và thái độ lao động nghiêm túc. Anh nghiêm túc với mình, nghiêm túc với nghề văn vốn luôn chuốc vào những giông gió thị phi mà bình an với nó.

Vũ Bình Lục trong địa hạt nghiên cứu và phê bình văn học đã cho xuất bản hàng ngàn trang sách. Trong "Giai phẩm với lời bình"; "Hồn nhiên trong thơ Lý - Trần"; "Thánh thơ Cao Bá Quát"; "Hồng hạc cõi trời nam" anh đã tỏ ra không chỉ nhiệt thành với những tinh hoa chữ nghĩa của tiền nhân để lại mà còn mang tâm thế đớn đau của một nhà văn trước những tác phẩm còn lại của cha ông.

Không phải vô cớ, trong một bài trả lời phỏng vấn, Vũ Bình Lục đã nổi giận khi chỉ thẳng tội ác của Minh triều - đứng đầu là Minh Thành Tổ - đã tàn sát văn hóa Đại Việt hết sức dã man. Bởi vì thế, anh luôn trân trọng những hạt vàng còn sót lại từ thơ văn của tổ tông nguồn cội. Bước vào địa hạt ấy, chọn con đường đi ấy quả dũng khí lắm thay.

Trong các cuộc hội thảo chúng tôi mời anh, đã thấy hiện lên ở đó một con người không chỉ đắm say với chữ nghĩa mà còn vô cùng biết yêu thương và căm giận những thứ phi văn hóa đã và đang công kích trực diện vào những gì tốt đẹp của chúng ta. Anh say sưa chỉ ra những đóng góp toàn diện của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan để nói lên sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng, thừa thớ lợ và viển vông ngay trong đời sống văn học hôm nay. Anh chỉ ra sự quả đoán, mưu lược tài tình, sự mềm mại tuyệt luân của Thái phó Phùng Tá Chu khi gây dựng vương triều Trần để nói thẳng rằng, dù thời nào, việc trọng dụng hiền tài, nhất là các sĩ phu hàng đầu của đất nước cần phải có con mắt xanh soi rọi và mời gọi.

Cứ thế, ngòi bút của Vũ Bình Lục không chỉ phong phú đa dạng mà luôn đặt ra những vấn đề lớn ngay trong ngày hôm nay, ngay trong cuộc sống bề bộn của chúng ta. Từng vào sinh ra tử, anh hiểu rất rõ vẻ đẹp đích thực của cuộc sống là sáng tạo và sẵn sàng hi sinh vì sáng tạo.

Đúng với bản chất của anh, sau chiến tranh, trong khi người ta tìm đường trở về thành phố thì anh lại đi vào với bà con các dân tộc Tây Nguyên và ở đó một phần tư thế kỷ. Chính vì vậy, trong mảng thơ của mình, những tâm sự của anh dẫu rằng luôn tươi trẻ nhưng cũng biết mấy tâm tư và chiêm nghiệm:

…Mấy trăm năm tắm gió gội mưa
Những huyền tích trộn vào sa thạch
Đá cũng già đi
Nắng cũng già đi
Vũ nữ Chàm với nụ cười vẫn trẻ

(Với phù điêu phụ nữ Chàm)

Thơ của anh đúng nghĩa một thợ cày trên cánh đồng chữ, dẫu chắt chiu màu mỡ thì ẩn sâu ở đó vẫn là đầm đẫm mồ hôi. Mà từ đó thảo thơm. Mà từ đó ngân lên tình người bền chặt:

Mẹ nghèo cày cấy nuôi con
Một đời muôn nỗi héo hon một đời
Quanh năm đánh vật với trời
Vắt ra từ đất những lời dẻo thơm
Giọt mồ hôi lọc thành cơm
No lòng phải biết nhớ ơn người cày

(Lời mẹ)

Nhà thơ Vũ Bình Lục.

Thơ Vũ Bình Lục cơ bản mộc mạc nhưng đã có lần anh khiến Văn nghệ Quân đội phải choáng váng, bạn đọc phải sửng sốt, rưng rưng. Trong cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội 2003-2004, bài thơ "Đám cưới một linh hồn" lập tức gây xôn xao và không ít thắc mắc, tranh luận, thậm chí có người còn phủ nhận bài thơ. Nhưng các nhà văn ở Văn nghệ Quân đội vốn tinh tường đã ngay lập tức nhận ra sự đặc sắc của "Đám cưới một linh hồn" và trao giải cao nhất trong cuộc thi. Bài thơ ngắn và giản dị đã cho thấy người thợ cày Vũ Bình Lục không chỉ thuần thục và điêu luyện mà còn rất biết làm mới chính mình:

Người chiến binh
Để lại một chân trên cánh đồng Chó Ngáp
Nửa đời bôn ba chắp nối một lời nguyền
Gửi lại người yêu giữa Trường Sơn ngàn bia mộ
Lỗi hẹn ba mươi năm
Giờ hóa cỏ xanh rờn
Anh đã ngoại ngũ tuần
Người yêu anh vẫn trẻ
Anh cưới em
Anh cưới một linh hồn
Bông huệ trắng thơm tím chiều hoang vắng
Ly rượu buồn anh tưới đẫm hoàng hôn.

Đến nay, "Đám cưới một linh hồn" vẫn là một trong những bài thơ được yêu thích nhất của anh.

Vũ Bình Lục tuổi Mậu Tý (1948) quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Anh nhập ngũ năm 1967 khi chưa học hết cấp 3. Nhiều năm chiến đấu ở chiến trường ác liệt khu V. Sau này giải ngũ về quê rồi đùng đùng vào Tây Nguyên lập nghiệp, đã có người cho rằng thần kinh anh có vấn đề.

Con người ta vốn vậy. Khi thực hành được theo ý mình không thể nào chiều theo miệng lưỡi thế gian. Hàng chục năm sau anh trở về Hà Nội sống và viết ồ ạt. Dường như năm nào anh cũng ra những tập sách bìa cứng dày ngót nghìn trang cần mẫn đi tặng bạn bè.

Anh từng tâm niệm: "Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sáng tác rất nhiều, nói như các cụ ta xưa thì sách vở có thể chất thành gò đống, xe kéo voi thồ cũng không thể hết. Nhưng trải qua những thăng trầm lịch sử, không ít lần quân giặc dã tâm tiêu diệt tận gốc nền văn hóa của ta… số sách vở còn lại chẳng còn được bao nhiêu, nhưng cũng là vô cùng quý giá.

Các cụ ta xưa đã nối tiếp nhau sưu tầm, nghiên cứu. Nhưng những sáng tác ấy đều bằng chữ Hán chữ Nôm cả. Sưu tầm nghiên cứu thì cũng đã nhiều người, nhiều thế hệ làm rồi, nhưng chủ yếu là ở mức độ văn bản học… Mình tài hèn sức mỏng, nhưng cũng cố gắng làm được đến đâu hay đến đó…".

Xác định rõ đường đi nước bước, trên cánh đồng chữ, Vũ Bình Lục hăm hở và kiên gan ngày này tháng khác, năm này năm khác cho ra những tập nghiên cứu phê bình văn học, tập thơ văn. Tôi khâm phục sức làm việc của anh.

Tôi khâm phục sự lặng lẽ của anh. Không ít người cho rằng Vũ Bình Lục cần phải viết chậm lại, viết thế này thế khác, nhưng họ giống như khán giả trên khán đài, đâu hiểu nỗi lòng của cầu thủ ở trong sân. Dù là mưa tuyết bão lốc hay đứng trước đối thủ Bắc Á, Tây Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Iraq, Qatar… thì người cầu thủ đâu được chọn cho riêng mình con đường lui hoặc nhanh hoặc chậm theo sự hò hét của khán giả được.

Văn chương rất gần bóng đá. Thành bại chỉ là đường tơ kẽ tóc, nhưng dũng khí tiến công phải tuyệt nhiên không được suy suyển, dù đối phương có là ai. Những trang giấy thơm mùi mực của Vũ Bình Lục đã nói nên điều đó. Còn những vị hàn lâm, ưa thích phê bình văn học theo lối sâu xa bác học hãy cứ tự nhiên đi theo con đường của mình, đâu ai cản trở, mà sao đã quá lâu rồi không nhìn thấy thành quả tấm món của các vị ưa phán xét để trình độc giả.

Tôi vẫn cho rằng cái sự khác nhau về nghiên cứu phê bình văn học của người sáng tác và người chuyên phê bình khác nhau lắm. Một bên thì thành tâm đồng cảm, nhất mực sẻ chia, dẫu còn vụng về giản phát nhưng cái thật, chất đời sống luôn tươi ròng trên trang viết. Một bên giắt lưng đủ mọi đao kiếm lý thuyết, mở miệng là ốp, ép, trích dẫn Đông Tây, thực chất như chiếc lá lìa cành khô xác rời rông rổng. Nói thế để thấy, những người viết như Vũ Bình Lục quý lắm thay.

Viết về anh, làm việc cùng anh, tôi nhận thấy vẻ đẹp của một người ưa lao động, chăm chỉ, siêng năng trên cánh đồng không mấy màu mỡ của chính mình. Những chặng đường anh đã đi qua. Những vùng đất anh để lại dấu ấn. Những nhân vật lịch sử trên trang sách của anh. Những dòng tâm tư với tiền nhân mà anh hằng ấp ủ đang góp nên những thanh âm trong trẻo trong cuộc sống bề bộn, không ít phần phức tạp hôm nay.

Phùng Văn Khai
.
.