Người quay những thước phim quý về Bác Hồ

Thứ Tư, 28/05/2008, 09:15
Đại hội Đảng bế mạc, Nguyễn Thế Đoàn được gặp Bác. Nén nỗi xúc động, anh trình bày nỗi khao khát của người dân Nam Bộ và xin phép được quay hình Bác. Với tình cảm "Miền Nam trong trái tim tôi", Bác Hồ đã đồng ý. Vậy là Nguyễn Thế Đoàn đã có 2 tháng ở bên cạnh Bác, ghi lại những hình ảnh chân thực, đời thường của Bác.

Khi những bộ phim tài liệu "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh", "Hồ Chí Minh - chân dung một con người"... được công chiếu, hàng triệu trái tim Việt Nam và bạn bè trên khắp năm châu đều nghẹn ngào xúc động trước ánh sáng kỳ diệu tỏa ra từ nhân cách, đạo đức của con người vĩ đại mà vô cùng khiêm nhường, giản dị Hồ Chí Minh.

Ở đâu trên trái đất này có vị lãnh tụ áo nâu quần vải trèo đèo lội suối đi chiến dịch; tự giặt quần áo, vừa đi vừa cầm cây gậy để phơi; vị lãnh tụ tự đánh máy tài liệu, cưỡi ngựa đi chiến dịch, tập thể dục trên rừng Việt Bắc, dạy cán bộ tập võ... Có lẽ mãi mãi về sau, sẽ khó có những thước phim nào có thể làm rung động trái tim con người đến vậy.

Chính vì thế, những bộ phim tài liệu trên đã giành được những giải thưởng cao quý. Đã có hơn 90 hãng thông tấn quốc tế thường xuyên sử dụng những hình ảnh vô giá này. Nhưng ít người biết tác giả của nhiều thước phim chân thực và vô giá ấy là ai...

TP Hồ Chí Minh những ngày tháng tư náo nhiệt hơn chính sự náo nhiệt vốn có thường ngày. Người ta từng nói vui, thành phố mênh mông, chộn rộn tới độ một người mới tới, chỉ cần ra khỏi sân bay, xuống tàu khoảng 5 phút là đã như... mất hút.

Số nhà 100 Tôn Thất Tùng là Công ty Ăn uống Minh Đức nổi tiếng, khi chúng tôi tới giữa trưa ngập mùi thức ăn, khói, lửa từ những bếp ga công nghiệp phun hết cỡ. Len qua đám thực khách đang chen chân xếp hàng, leo lên những bậc cầu thang hẹp và tối, nồng mùi thức ăn từ dưới đưa lên, chúng tôi tới tìm ông, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn. Ông chính là người đã cầm máy theo chân Bác Hồ kính yêu những ngày ở Việt Bắc, thu lại những thước phim lay động lòng người, để hôm nay và muôn đời các thế hệ Việt Nam thêm hiểu đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thế Đoàn tên thật là Nguyễn Văn Nghiệp, sinh năm 1911 tại Chợ Mới - An Giang. Ngay từ lúc đi học, ông đã ham mê chụp ảnh. Được gia đình khuyến khích, ông đã sang Phnôm Pênh học nghề, và tại đây ông đã gặp ánh sáng của Đảng, trở thành đảng viên cộng sản chỉ 4 tháng sau khi Đảng ta ra đời.

Treo cờ búa liềm, bị giặc bắt đưa về khám Lớn Sài Gòn, ra tù ông tiếp tục hoạt động, tham gia khởi nghĩa ở Nam Bộ và trở thành Huyện ủy viên Lâm thời, Công an huyện Tịnh Biên, An Giang. Sau khi học lớp chính trị cùng đồng chí Võ Văn Kiệt, năm 1947, Nguyễn Thế Đoàn được phân công mở lớp nhiếp ảnh cho bộ đội và trở thành người cầm máy đầu tiên của điện ảnh khu 9. Nhiều phim tài liệu do ông làm - dù còn có nét thô sơ của buổi đầu tiên nhưng mang nhiều ý nghĩa đối với lịch sử kháng chiến Nam Bộ  (như "Trận Mộc Hóa", "Xưởng dệt Ngan Trâu", "Chiến dịch Sóc Trăng")…

Cuối năm 1950, Đảng ta chuẩn bị mở Đại hội lần thứ 2, Nguyễn Thế Đoàn và họa sĩ Lê Minh Hiền được điều ra Việt Bắc để quay phim về Đại hội. Ngoài nhiệm vụ được giao, Nguyễn Thế Đoàn còn mang theo niềm nhắn gửi tha thiết của rất nhiều người dân Nam Bộ: cố gắng ghi lại những hình ảnh về Bác Hồ, đem về cho đồng bào xem cho thoả nỗi nhớ mong vị lãnh tụ kính yêu mà đa phần mọi người mới chỉ hình dung qua sự tưởng tượng.

Qua Campuchia, qua Thái Lan, vòng sang Trung Quốc, Nguyễn Thế Đoàn cùng các đồng chí của mình đã tới Việt Bắc sau muôn vàn khó khăn. Những thước phim về Đại hội đã được ghi lại trong không khí náo nức của thủ đô kháng chiến.

Đại hội Đảng bế mạc, Nguyễn Thế Đoàn được gặp Bác. Nén nỗi xúc động, anh trình bày nỗi khao khát của người dân Nam Bộ và xin phép được quay hình Bác. Với tình cảm "Miền Nam trong trái tim tôi", Bác Hồ đã đồng ý.

Vậy là Nguyễn Thế Đoàn đã có 2 tháng ở bên cạnh Bác, ghi lại những hình ảnh chân thực, đời thường của Bác: Những cảnh Bác Hồ đi thăm dân công, thăm bà con nông dân, cưỡi ngựa đi công tác, tắm suối, dạy võ, lội suối, băng rừng… đều được Nguyễn Thế Đoàn ghi lại một cách cẩn thận. --PageBreak--

Được cử đi Trung Quốc tráng phim, tại đây Nguyễn Thế Đoàn đã từ chối sự giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp vì anh biết ánh sáng trong rừng Việt Bắc lúc quay không được tốt, nếu tráng theo cách của bạn, phim sẽ hỏng hết. Vậy là ròng rã hàng tháng trời Nguyễn Thế Đoàn đã tự tay pha thuốc, tráng phim theo phương pháp thủ công để bảo toàn toàn bộ 50 cuộn phim về Đại hội và Bác Hồ.

Tráng xong, có một số đồng nghiệp nước bạn xem phim, nói với Nguyễn Thế Đoàn: "Sao hình ảnh lãnh tụ trong phim của anh gầy gò, quần áo giản dị quá…". Về nước, Nguyễn Thế Đoàn băn khoăn thưa với Bác, liệu có phải bỏ những hình ảnh ấy đi không, và anh đã vô cùng sung sướng khi nghe Bác nói: "Bác thích những hình ảnh đó!".

Gặp nhà quay phim đã gần trăm tuổi ấy, tôi hỏi ông về những kỷ niệm của ông đối với Bác Hồ kính yêu, ông rưng rưng: "Khi chuẩn bị về Nam, ngại ngùng mãi tôi mới dám thưa: Thưa Bác, Bác cho con được hôn Bác! Bác trìu mến nói: Bác đồng ý, nhưng cái hôn này dành cả cho đồng bào miền Nam nữa đấy! Lúc đó tôi bừng tỉnh, sao mình ích kỷ thế? Và suốt đời, tôi không thể nào quên tình nhân ái bao la của Bác, tấm lòng đau đáu của Bác với đồng bào miền Nam…". 

Tháng 5 năm 1952, Nguyễn Thế Đoàn cùng Họa sĩ Lê Minh Hiền đi bộ ròng rã 16 tháng trời trở về Nam Bộ. Những thước phim và hình ảnh về Bác được công chiếu rộng rãi cho đồng bào Nam Bộ xem, gây xúc động mạnh…

Trọn đời say mê với nghề, Nguyễn Thế Đoàn không quan tâm tới bất cứ danh vọng nào (trước khi nghỉ hưu, ông là Trưởng phòng Kỹ thuật - Xưởng phim Tài liệu trung ương). Những bộ phim được công chiếu gây tiếng vang lớn, những người dùng tư liệu của ông dựng lên bộ phim đó lần lượt giành những giải thưởng lớn, còn ông thì vẫn bình thản trong căn hộ không có đồ vật gì đáng giá, hàng ngày tập thể dục và sống với những ký ức xa xưa. Thứ mà ông nâng niu nhất có lẽ là tấm huy hiệu 70 năm tuổi Đảng được trao năm 2000 và chiếc bàn thờ đặt ở vị trí trang trọng nhất có ảnh Bác Hồ.

Gặp một số đạo diễn, quay phim nổi tiếng, chúng tôi nhận thấy họ dành cho nhà quay phim lão thành Nguyễn Thế Đoàn một tình cảm đặc biệt, một sự kính trọng đặc biệt. Đạo diễn, NSND Trương Qua cho biết, năm 2005 Hội Điện ảnh Việt Nam đã  làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn.

Thật đáng buồn, trong danh sách những người được trao tặng không có tên ông, và tin này làm lớp nghệ sĩ điện ảnh cao tuổi sững sờ. Đạo diễn, NSƯT Phan Việt Tùng đã bật khóc khi nghe tin ông Nguyễn Thế Đoàn không có giải.

Người nghệ sĩ chất phác "ăn to, nói lớn" này bức xúc: Tại sao những người sử dụng phim của cụ (Nguyễn Thế Đoàn) để dựng phim thì được giải cao nhất, mà cụ thì lại không có giải gì, dù nhỏ? Nhà báo lão thành Đinh Phong đã có những bài báo gay gắt, đồng thời có thư kiến nghị về vấn đề này.

Điềm đạm hơn, đạo diễn An Sơn (người quay phim Bác Hồ trong chuyến đi thăm 11 nước XHCN năm 1957) cho rằng, những thước phim của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn là vô giá. Nếu ông chưa có giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật thì cũng cần phải có hình thức ghi công nào thật xứng đáng.

Với nhà quay phim lão thành Nguyễn Thế Đoàn, hình như tất cả sự ồn ào về giải thưởng đều do những người quanh ông kính trọng ông, thương ông mà lên tiếng, còn với chính ông, dường như ông không biết và không chút quan tâm về điều đó. Ông tâm sự: "Với tôi, giải thưởng lớn nhất, cao quý nhất là những ngày tháng được sống bên cạnh Bác Hồ".

Phải chăng đúng như những người quen biết ông đã nhận xét: Trong những ngày bên cạnh Bác, Nguyễn Thế Đoàn đã ảnh hưởng từ Người đức hy sinh, nét giản dị, nói ít làm nhiều, khiêm tốn, không màng danh lợi?

Đỗ Thu Hiên
.
.