Người “phân thân” thành 2 nhà văn lớn

Thứ Tư, 27/07/2005, 07:48

100 tác phẩm gồm tiểu thuyết trinh thám, truyện ngắn, sách viết cho trẻ em, kịch bản phim truyện và kịch truyền hình... của nhà văn được coi là “người quảng bá và hành nghề viết tiểu thuyết trinh thám lớn nhất thời đại” được ký bằng 2 bút danh: Ed McBain và Evan Hunter.

Sinh ngày 15/10/1926 tại Salvatore Lambino, New York (Hoa Kỳ), trong một gia đình nghèo, nên Ed McBain cũng đã làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi gia đình: dạy học, bán tôm hùm, nhân viên một tổ chức văn học ở New York., lính hải quân... Ông có ba đời vợ: Hai bà trước, cưới các năm ông 23 và 47 tuổi để lại cho ông ba trai và một gái. Bà thứ ba, gốc Slave, ông cưới năm 71 tuổi (1997).

Giờ đây, khi đã trở thành một người hết sức nổi tiếng và đang tọa lạc ở tầng 72 trong một cao ốc cực kỳ sang trọng ở khu East River, New York, ông mới thực sự ngạc nhiên thấy mình đã chuyển nhà 50 lần trong 50 năm viết văn.. Ở tuổi 79, ông vẫn làm việc đều đặn mỗi ngày tám tiếng, từ 10h sáng - 6h chiều. Ông viết 8 trang một ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi tuần.

Tác phẩm đầu tay của ông, “Rừng rậm của bảng đen”, viết về một vụ bạo loạn học đường, được ký dưới cái tên Evan Hunter, ra đời năm 1954. Lấy bối cảnh từ một trường dạy nghề bậc trung cao nơi ông từng giảng dạy, đã trở thành một kỳ tích mà rất ít tác giả có thể đạt được.

Bản thân tiêu đề tác phẩm, nói như một nhà phê bình, đã trở thành “thổ ngữ, phương ngữ” của thời đại chúng ta. Sau này, khi đã được dựng thành phim, nó đã trở thành kinh điển cả về hai phương diện, tiểu thuyết và điện ảnh. Ba năm sau, với truyện ngắn, “Cuộc dạo chơi cuối cùng”, ông đã được trao ngay giải E.A.Poe của Hội Văn bút Trinh thám Mỹ.

Sự nghiệp hơn 55 năm cầm bút của Ed McBain rất đa dạng, có thể tạm chia thành những mảng lớn như sau: Dưới bút danh Ed McBain, ông là tác giả của 55 tiểu thuyết trường thiên, dài nhất, đa dạng nhất, và có thể coi là xê-ri tiểu thuyết hình sự phổ biến nhất trên thế giới, viết trong vòng 50 năm (1955-2005), có cái tên chung, rất giản dị là “Đồn 87”.

Mảng lớn thứ hai (ký tên Evan Hunter, 1954-2002) bao gồm 23 cuốn. Mảng thứ ba bao gồm các tiểu thuyết (13 cuốn) viết trong 20 năm (1978-1998), có tên chung là “Hy vọng của Matthiew”. Mảng thứ tư ký tên dưới bút danh Richard Massten (5 cuốn). Sau đó là 4 tuyển tập truyện ngắn, 4 tập sách viết cho trẻ em, 7 kịch bản phim truyện và kịch truyền hình...

Trong cuộc phỏng vấn ngày 3/8/2004, khi được hỏi về tầm quan trọng cũng như thời lượng của việc nghiên cứu “tiền khả thi” để dựng một cuốn tiểu thuyết tiêu biểu, ông nói rằng, đối với từng vụ, phải để tâm nghiên cứu rất kỹ. Còn bất kỳ chuyện gì có liên quan đến pháp luật, đều phải dành nhiều thời gian tra cứu trên mạng.

Về phương pháp dựng truyện, ông thường có thói quen bắt đầu bằng một tiêu đề, giống như một “tia chớp sáng tạo”. Nếu cảm thấy nó “hay, có âm hưởng” là ông bắt tay vào viết và thường mở đầu bằng một xác chết. Sau đó, thì như ông diễn đạt một cách dí dỏm, rằng “tôi cũng chẳng biết gì hơn một tay cảnh sát khi câu chuyện bắt đầu xảy ra”.

Thế nhưng cũng có ngoại lệ, ví dụ như khi viết cuốn “Tiền,tiền, tiền” (2001, giống hệt tiêu đề một tác phẩm nổi tiếng của nhóm ABBA), vì cốt truyện rất phức tạp, nên “Tôi phải biết rằng mình sắp đi tới đâu trước khi viết thêm một từ”.

Nghĩa là, tùy từng tình huống, quy mô, tính chất của câu chuyện mà “dựng cốt, dựng hình” trước hoặc cứ thế viết liền mạch cho đến hết. Về đối tượng cảnh sát, nhân vật quan trọng nhất trong xêri tiểu thuyết “Đồn 87”, ông cho rằng họ là những người chỉ cố gắng làm những việc tốt trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn chứ không phải như quan niệm rất sai lầm rằng họ là những kẻ vô tình hoặc độc ác một cách có tính toán.

Liên quan đến sự nghiệp đồ sộ của ông có rất nhiều điều thú vị về cách sống, tập quán và thói quen viết và lao động của một nhà văn lớn. Nhưng, rắc rối nhất, gây hiểu lầm nhất trong đông đảo bạn đọc và thậm chí cả giới nghiên cứu vẫn là hai cái tên “thật” và “giả” của ông, mà mãi đến gần một năm trước (2004), ông mới giải thích một cách rõ ràng.

Ông bảo rằng đến giờ, mình sẽ không viết dưới nhiều bút danh nữa, mà chỉ dưới tên thật và bút danh là Ed McBain. Ông thú nhận rằng tên thật của mình là Evan Hunter, và cái tên đó có từ năm 1952 (năm ông 26 tuổi), khi ông đổi tên một cách hợp pháp theo một quyết định của tòa án. Ông phật ý về chuyện người ta cứ coi Evan Hunter là bí danh, vì đó là tên ông trong hộ chiếu và cũng là tên mà ông ký trong những tấm séc.--PageBreak--

Thế nhưng, mặc dù phàn nàn như thế, nhà văn lại làm cho độc giả ngạc nhiên hơn về một tác phẩm có tựa đề “Đất ngọt” (2001). Trong tiểu thuyết này, ông đã vận dụng hai phong cách khác nhau để thể hiện hai phần của cuốn sách. Từ nhân vật chính là đàn ông (một kẻ điên tình) ở phần đầu, sang nhân vật chính là đàn bà ở phần sau. Không được cảnh báo trước, cuốn sách đột ngột chuyển từ dạng tiểu thuyết cổ điển sang thể trinh thám. Điều này rất quan trọng, nó hàm ngụ khả năng “phân thân” rất mạnh, rất uyển chuyển của tác giả cũng như ông dám một mình đội cả hai tên, như thể có hai văn nghiệp riêng rẽ trong một cuộc đời, là ông.

Thú vị hơn, khi được hỏi rằng ông có mang một cái mặt nạ khác, hay một cách nhìn thế giới khác khi dùng tên Hunter hoặc Ed McBain không, nhà văn đã trả lời một cách hóm hỉnh rằng, điều đó giống như một kịch sĩ mang một trang phục khác trước khi ra sàn diễn vậy.

Ở cảnh này, anh ta có thể vào vai Hamlet, nhưng ở cảnh kế tiếp anh ta lại trở thành Nữ hoàng Gertrude. Và đó chỉ là vấn đề phong cách. Ông nhấn mạnh rằng phong cách của Evan Hunter và Ed McBain là “rất, rất khác nhau”. Ông nói rằng chỉ có Ed McBain mới biết viết tiểu thuyết trinh thám, còn Evan Hunter thì không!

Điểm khác biệt lớn, cũng có thể coi là sáng tạo riêng của Ed McBain, là ở chỗ lần đầu tiên, ông đã dựng ra một mẫu hình cảnh sát - thanh tra hành động theo trình tự của luật pháp. Những cảnh sát như thế giải quyết các vụ án hình sự bằng những phương pháp thông thường ở một đồn cảnh sát địa phương, chẳng hạn như sử dụng thông tin do cơ sở là một thầy thuốc cung cấp, hay là một chứng cứ pháp y do một phòng thí nghiệm khoa học hình sự tiết lộ, hoặc qua hoạt động giám sát liên tục địa chỉ đối tượng hoạt động, qua băng ghi âm, hoặc đơn giản là bám đuôi đối tượng, và quan trọng nhất là qua hệ thống điệp ngầm.

Khác hẳn với những anh hùng trinh thám cổ điển như Sherlock Holmes hoặc Nero Wolfe vẫn tận dụng năng lực quan sát và suy đoán (kiểu diễn dịch) để giải quyết vụ án, hoặc thám tử tư dùng thủ thuật và sự cứng rắn để lần theo dấu vết tội phạm, chân dung các thám tử của Ed McBain đều làm việc tập thể, cùng thu thập chứng cứ để quyết định giải pháp, cùng chia xẻ hiểm nguy và trách nhiệm, cùng chung một niềm xác tín khi đã đi đến một kết luận, một giải pháp. Đây chính là mẫu hình cảnh sát hiện đại trong thời đại thông tin, mà mọi độc giả đều có thể tìm thấy trong “Đồn 87”.

Trong cuốn tiểu thuyết thứ 51 “Tiền, tiền, tiền” trong bộ tiểu thuyết trường thiên đồ sộ này, xuất bản năm 2001, trước khi xảy ra vụ 11-9 ở Trung tâm Thương mại New York, nhà văn đã dự báo vụ khủng bố đẫm máu nhất thế giới này, với những hoạt động của Osama bin Laden, hoạt động hai mặt và kém hiệu quả của CIA, dẫn đến những thất bại nhỡn tiền trong vụ 11-9.

Ông đã tố cáo chủ nghĩa khủng bố và những hoạt động ghê tởm, đẫm máu của bọn Hồi giáo cực đoan. Ông cũng phê phán CIA từ việc dung túng nhóm Contra ở Nicaragua, cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan, đường dây ma túy ở vùng Tam giác Vàng được tạo ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam...

Năm 1986, ông nhận giải thưởng lớn và danh hiệu “Bậc thầy của tiểu thuyết trinh thám” về những hoạt động văn học suốt đời. Năm 2002, ở tuổi 76, ông là nhà văn Mỹ đầu tiên nhận giải thưởng lớn “Chữ thập Kim cương” cho toàn bộ sự nghiệp văn chương của Hội Văn bút Hình sự Vương quốc Anh.

Ông thích Hemingway, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Anh và đặc biệt, đã chung lưng đấu cật làm phim với một trong những bộ óc vĩ đại nhất thể kỷ XX: Alfred Hitchcock. Thế nhưng ông cũng mê hội họa, từng mơ ước trở thành một danh họa. Ông thích làm việc ở văn phòng của mình. Và cũng thích cả món... tôm hùm, trộn khoai tây nướng và bơ, thứ mà thuở hàn vi đi bán lẻ kiếm sống, ông chưa được thưởng thức bao giờ. Và ông cũng mong mỏi tất cả mọi người đọc sách của ông.

Và cả thế giới đã đọc ông. Vì tác phẩm của ông lúc nào cũng mới. Còn bí quyết về cái mới, chỉ có một điều giản dị, theo ông là: nếu nhà văn viết khoảng hai ba mươi trang đầu mà cảm thấy chán, thì tốt nhất hãy dẹp đi, vì “mình mà biết là mình chán thì người đọc cũng thế!”

Tấn Phong
.
.