Người muốn "cù" độc giả bằng tiểu thuyết trinh thám

Thứ Hai, 04/09/2006, 09:15
Nhà văn Pháp Tonino Benacquista sinh năm 1961. Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: “Sự bất hòa trong phòng ngủ”, “Hài kịch của những kẻ thất bại”, “Những vết cắn của rạng đông”, “Saga”, “Một người khác nào đó”...  Năm 1998 ông được độc giả tạp chí “Elle” bình chọn là tác giả hay nhất năm với tiểu thuyết “Saga”. Sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của nhà văn. 

Xin ông cho biết đôi nét về bản thân?

- Tôi sinh ra ở ngoại ô Paris, trong gia đình những người ý nhập cư. Bố tôi là một công nhân bình thường, mẹ làm nội trợ. Thói quen “chơi chữ” của tôi xuất hiện rất sớm, năm 5 tuổi tôi đã thích sáng tác, tuy nhiên lúc bấy giờ tôi chưa đọc gì. Trong nhà không có sách, vả lại, chúng tôi không nói tiếng Pháp, mà là tiếng Ý. Năm 15 hay 16 tuổi gì đó tôi đã viết một vở kịch thơ, đơn giản là viết chơi. Sau đó tôi mê tiểu thuyết trinh thám và bắt đầu sáng tác thể loại này.

- Các nhân vật tiểu thuyết “Những vết cắn của rạng đông”, “Sự bất hòa trong phòng ngủ”, “Hài kịch của những kẻ thất bại” đều có tên là Antuan. Liệu điều đó có nghĩa là các nhân vật của ông giống tác giả?

- Trong bốn cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi mô tả bối cảnh mà tôi am hiểu, khắc họa lối sống một thời nào đó là của tôi, vì vậy tôi cảm thấy hoàn toàn tự nhiên khi đặt tên mình cho các nhân vật. Antuan, có thể nói, là hình bóng của tôi.

- Một cuốn tiểu thuyết của ông có nhân vật chính là người Ý. Trong một cuốn khác nhân vật là người Pháp. Bản thân ông là nhà văn Pháp gốc Ý. Ông nghĩ gì về các dân tộc này?

- Bố mẹ, các anh chị tôi đều ra đời ở Ý, còn tôi lại sinh ở Pháp và được giáo dục dưới ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp. Trong “Hài kịch của những kẻ thất bại” tôi muốn kể lại câu chuyện về đứa con của một người nhập cư ý thức về nguồn cội của mình.

Lúc đầu anh ta từ chối thừa nhận trong mình có một cái gì đấy thuộc về người Ý, nhưng dần dần anh ta dung hòa với cái chất Ý này trong tính cách của mình. Tôi nghĩ rằng Pháp và ý là hai dân tộc rất gần gũi nhau. Người Paris mơ ước về Toscana, người La Mã hướng về Paris. Nhà văn Pháp J. Cocteau nói rất hay về điều này: “Người Pháp là người Ý lúc tâm trạng buồn bã”.

- “Những vết cắn của rạng đông” là câu chuyện về cuộc sống thượng lưu. Thái độ của ông đối với nó?

- Tôi đã có một lối sống đêm không chỉ vì tôi quá thích cuộc sống đó, mà là vì cần thiết phải làm như vậy. Nhưng tôi không tiếc điều đó. Ban đêm diễn ra nhiều điều thú vị, nhiều cuộc gặp gỡ bất ngờ, kỳ quặc. Hơn nữa lúc bấy giờ tôi còn trẻ. Cuộc sống ồn ào đó làm tôi chóng mệt mỏi, rồi tôi đã tìm được công việc, chỗ ở, và hiện nay tôi không có ý thích lẫn sự cần thiết đi lang thang trong đêm Paris từ câu lạc bộ này tới câu lạc bộ khác.

- Các cuốn tiểu thuyết của ông thường làm cho độc giả bối rối, gây cho  họ nhiều bất ngờ. Ngay từ đầu ông có biết mọi chuyện kết thúc như thế nào không, hay cốt truyện tự nó diễn ra?

- Trước đây nhiều ý tưởng đến với tôi trong quá trình sáng tác, nhưng hiện nay tôi viết theo cách khác. Tôi chưa bắt đầu tiểu thuyết, nếu chưa có một kế hoạch rõ ràng trong đầu, một hình dung về câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào.

- Ông phát hiện ra cốt truyện cho các cuốn tiểu thuyết trinh thám như thế nào?

- Tôi thai nghén một tác phẩm rất lâu. Để cho nó chín muồi, tôi thu thập tư liệu, suy nghĩ, cân nhắc, chuẩn bị. Và chỉ khi nào thấy tư liệu của tôi đã đầy đủ để bắt tay vào một câu chuyện mới, lúc bấy giờ tôi rút vào bí mật khoảng một hay hai năm. Toàn bộ cuộc sống bên ngoài dường như dừng lại, tôi dành hết cho công việc sáng tác. Và tôi thực hiện một số phương án bản thảo, từ đó về sau lựa chọn phương án mà tôi cho là tốt nhất.

- “Những vết cắn của rạng đông” được bắt đầu như một tiểu thuyết trào phúng xã hội, cuối cùng lại là một tiểu thuyết trinh thám. Phải chăng điều đó có nghĩa tiểu thuyết trinh thám là một thể loại mà bất cứ nhà văn nào cũng phải trải qua vì thiếu nó không thể được?

- Khi mới bắt đầu viết văn tôi chọn tiểu thuyết trinh thám, vì tôi cảm thấy trong thể loại này có thể kể những câu chuyện vui vẻ, hài hước để “cù” độc giả. Đối với tôi điều quan trọng là tiết tấu của tiểu thuyết trinh thám. Anh hiểu không, tôi là người kể chuyện, mà không thể có câu chuyện nếu thiếu một tiết tấu dồn dập. Cần phải liên tục tạo ra những bước ngoặt mới trong cốt truyện, liên tục làm cho tình huống trở nên gay cấn, nếu không độc giả sẽ không quan tâm điều gì xảy ra tiếp theo.

- Trong số các cuốn tiểu thuyết của mình ông thích cuốn nào nhất?

- Thật khó nói, có lẽ là “Saga”. Nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

- Ông cũng làm việc cho truyền hình. Tình huống mô tả trong “Saga” có thực không?

- Tôi đã viết hai kịch bản cho truyền hình, nhưng tôi thích điện ảnh hơn, ở đấy có nhiều tự do. Còn về cốt truyện của “Saga” thì tôi có cảm giác rằng hiện nay điều đó khó có thể xảy ra. Song hai mươi năm trước trong chừng mực nào đó một bộ phim tương tự quả thật có tồn tại - nó được chiếu vào ban đêm, không có người biên tập, và các nhà biên kịch muốn làm gì cũng được, giống như những gì tôi đã mô tả trong “Saga”.

- Ngoài ra, ông còn viết kịch bản và đóng vai trong một số bộ phim...

- Ồ không, tôi không phải là diễn viên. Tôi đã đóng hai vai nhỏ, nói “đóng” cho oai thôi, thực chất chỉ là tham gia một số cảnh quay để mua vui cho đoàn làm phim. Dù sao tôi là một nhà biên kịch và công việc của tôi là sáng tác những câu chuyện cho các bộ phim.

- Ông thích bộ phim nào nhất?

- Tôi rất thích bộ phim mà tôi cùng viết kịch bản với Jaque Odiar. Nó có tên là “Hãy đọc bằng môi”. Ở Pháp nó được nhận giải thưởng “Cezar” về kịch bản hay nhất. Tôi cũng cảm thấy rằng đấy là tác phẩm xuất sắc nhất của tôi với tư cách một nhà biên kịch. Đó là câu chuyện về hai con người bị xã hội coi là không hoàn thiện. Một cô gái gần như bị điếc và một chàng trai vừa mới ra tù. Hai dạng người không hoàn thiện và hoàn toàn khác nhau, điều thú vị là xem họ có thể vượt qua hoàn cảnh như thế nào.

Tôi còn sáng tác truyện tranh hài. Tôi thích làm việc với họa sĩ, anh ta có thể vẽ tất cả những gì tôi muốn. Khi sáng tác truyện tranh hài bạn có nhiều không gian hơn so với trong điện ảnh. Tôi thích chính cái tự do này.

- Hồi nhỏ ông đã đọc những cuốn sách nào?

- Tôi bắt đầu đọc khá muộn, lúc đầu đọc nhiều truyện trinh thám, trong đó có các tác giả cổ điển của Mỹ về thể loại này: Chandler, Hammett, Thompson. Có lẽ nhờ những tác giả này mà tôi đã chọn nghề viết văn, chính họ đã kích thích tôi sáng tác.

- Hiện nay ông đang đọc gì?

- Như tôi đã nói, tôi bắt đầu đọc khá muộn, trong thời thanh niên. Hiện nay tôi đọc bù lại những gì đã bỏ qua. Tôi đọc các nhà văn cổ điển, trước hết là những người nổi tiếng về sự hoàn thiện phong cách sáng tác. Ví dụ, ở Flaubert tôi đặc biệt thích thú cách sử dụng động từ ở ngôi thứ ba, câu chuyện, nơi nhân vật chính ở ngôi thứ ba. Flaubert kể chuyện với một độ chính xác tuyệt đối và rất lịch thiệp. Cũng có thể nói như vậy về Balzac.

Nhưng dù sao tôi vẫn thích Flaubert hơn. Flaubert để lại một khối lượng thư từ lớn, hơn 1.000 bức thư. Qua những bức thư này có thể quan sát các giai đoạn trong cuộc đời của ông, tìm hiểu các quan điểm sáng tác của ông thay đổi như thế nào. Đọc những bức thư này là một hứng thú không gì sánh nổi.

- Ông có theo dõi đời sống văn học Pháp hiện đại, có đọc những bài nhận xét tác phẩm của ông không?

- Tôi đọc phê bình văn học rất ít, hiếm hoi và có chọn lọc. Các cuốn tiểu thuyết được viết cho độc giả chứ không phải cho các nhà phê bình. Tôi chỉ quan tâm tới các nhận xét phê phán của độc giả, và tôi lắng nghe họ.

- Ông có tiếp xúc với độc giả không?

- Đối với tôi, tiếp xúc với độc giả là điều rất quan trọng, các cuộc gặp gỡ với độc giả quan trọng hơn các cuộc gặp gỡ với nhà báo. Nếu như được quyền trả lời phỏng vấn hay gặp gỡ với độc giả thì tôi sẽ chọn phương án thứ hai. Độc giả là những người trọng tài thực sự của tôi. Điều quan trọng nhất đối với tôi là biết được họ có thích cuốn sách mới của tôi không, hay tôi làm họ thất vọng.

Tôi thường gặp gỡ với độc giả trong các hội chợ sách hay trong các cửa hàng sách, khi tôi ký tặng sách cho họ. Tôi còn nhận được những bức thư của độc giả và luôn luôn cố gắng trả lời. Đôi khi độc giả của tôi viết cho tôi và nhờ tôi khuyên bảo về nghề nghiệp.

- Hiện nay nhiều người nói về sự khủng hoảng của tiểu thuyết vào thế kỷ XXI. Trong khi thế kỷ này đã đến và tiểu thuyết vẫn còn đó. Theo ông, những câu chuyện như vậy có ý nghĩa gì không?

- Tôi không để ý lắm những cuộc tranh luận đó, vì tôi ít am hiểu về lý luận văn học. Ở Pháp hiện nay tiểu thuyết không phải là thời thượng; hiện nay cái gọi là “văn học riêng tư” được ưa thích hơn, ví dụ như các loại nhật ký, những câu chuyện về đời sống tình dục cá nhân. Tôi không quan tâm điều đó. Vẫn như trước đây, tôi sáng tác những câu chuyện, không hề quan tâm tới các loại mốt.

- Gần  đây ông vừa xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới...

- Vâng, nó được gọi là “Malavita”. Đây là câu chuyện về một gia đình người Mỹ định cư ở một thành phố Pháp. Nhưng tôi sẽ không kể tiếp, hãy để độc giả tự mình đọc sách

.
.