Người “múa cọ” truyền thần

Thứ Bảy, 27/01/2018, 08:02
Mỗi độ xuân về, công việc của ông lại nhiều hơn. Những bức vẽ hoài niệm xưa cũ và cả hình hài không rõ nét của tiền nhân cứ đổ về, người họa sĩ già luôn miệt mài với cây cọ.


Thấu cảm bằng trái tim

Họa sĩ Từ Hoa Lợi quê ở Quảng Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1955, Từ Hoa Lợi thi vào Đại học Y dược, trở thành sinh viên ngành Y, nhưng niềm đam mê hội họa lại ngấm vào ông đến mức chỉ một năm sau, Từ Hoa Lợi quyết tâm thi vào Trường Đại học Mỹ thuật.

Ra trường, ông được phân công làm việc cho Đoàn Xiếc Trung ương với công việc vẽ quảng cáo trên các băng rôn, áp phích. Khi đó, công nghệ quảng cáo còn lệ thuộc hoàn toàn vào đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ nên công việc của ông rất quan trọng.

Tuy nhiên, nơi đây không phải là “thiên đường” cho nghề vẽ nên năm 1992, ông rời Đoàn Xiếc, dẫn theo vợ vào TP Hồ Chí Minh để thỏa chí tang bồng. Ông nhanh chóng nhận thấy đây là mảnh đất màu mỡ cho nghề vẽ truyền thần vốn đang rất thịnh hành khi thời đại công nghệ kĩ thuật số chưa phổ biến. Sẵn máu nghệ thuật, Từ Hoa Lợi vác giá vẽ ra góc đường Điện Biên Phủ, quận 3 “múa cọ”.

Đã 25 năm, ông cứ ngồi như thế, không kể nắng mưa, ồn ào hay lặng lẽ. Ông không bao giờ mời gọi nhưng khách hàng tìm đến nườm nượp. Bộ đồ nghề của ông đơn giản như chính cuộc đời ông, chỉ một chiếc cọ bằng tre và một giá vẽ do ông tự làm.

Căn phòng nhỏ nơi lưu giữ những bức tranh truyền thần nhiều năm của họa sĩ Từ Hoa Lợi.

Ông cho biết, vẽ truyền thần không nhất thiết phải cầu kỳ, bóng bẩy mà cái chính là trái tim của người họa sĩ. Mỗi lần cầm cọ là một lần ông “hóa thân” thành người “muôn năm cũ”. Ông gắn hình ảnh của nhân vật ở trong bộ nhớ, rồi cứ thế vẽ bằng sự thấu cảm. Có những đường nét người thân không tả được thì ông tự hình dung phác thảo sao cho hài hòa.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi tâm sự: “Mình là người họa sĩ chuyên vẽ chân dung thì mình tự hiểu và cảm nhận từng bức vẽ. Khi đặt bút xuống, mình luôn nghĩ đó là người thân, là anh em của chính mình”. Một bức ảnh vẽ giống thôi chưa đủ, mà phải có thần thái dù đó là tranh người, phong cảnh hay tĩnh vật. Cái thần ấy thể hiện qua khóe mắt, nếp nhăn hay vài sợi tóc vương trên trán, chiếc mũi hếch, chiếc răng khểnh… Điều này, người vẽ phải nhận ra, tự tìm thấy chứ không ai làm thay được.

Đặc biệt, thần sắc trong tranh vẽ thể hiện ở đôi mắt. Nhìn vào mắt có thể biết được họ vui hay buồn, dễ tính hay khó tính. Đôi mắt chính là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của bức tranh. Vì vậy, cái khó nhất trong nghề vẽ truyền thần chính là truyền tải làm sao đúng và rõ nét nhất cái hồn của đôi mắt.

Với kinh nghiệm gần nửa thế kỷ làm nghề, họa sĩ Từ Hoa Lợi có thể nhìn vào đôi mắt của bất cứ chân dung nào để đoán tính cách. Để vẽ được một bức tranh truyền thần, ông phải mất từ 5 đến 7 tiếng đồng hồ, tức là mỗi ngày họa sĩ chỉ vẽ được một bức tranh và kiếm được vài trăm ngàn.

Khách hàng của họa sĩ Từ Hoa Lợi ở khắp mọi miền đất nước. Toàn là những “ca khó” họ mới tìm đến ông. Nhưng điều đó càng làm ông vui và hãnh diện. Không những vẽ tranh thờ tự, lưu giữ làm kỷ niệm, họa sĩ Từ Hoa Lợi còn vẽ hình ảnh của Bác Hồ. Ông cho biết, những ngày lễ lớn của đất nước, các đoàn thể hay đến đặt hàng vẽ chân dung Bác Hồ và các nhà lãnh đạo cao cấp của dân tộc. Những lúc như thế, ông đem hết tâm lực ra đầu ngọn chì để vẽ. Ông mong muốn truyền cái thần thái của những vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đến với nhân dân.

Nét vẽ bất chấp thời gian

Gần 10 năm trước, vợ ông qua đời sau thời gian chịu đựng di chứng vụ tai nạn lao động khi bà đang hoạt động trong ngành nghệ thuật. Kể từ đó, căn gác trọ trở nên đơn lẻ những buổi đi và về của người nghệ sĩ gần chạm mốc 80 tuổi.

Và ông lấy công việc làm niềm vui, coi đó như hình bóng của vợ để tiếp tục sống.

Ông làm việc từ 8 giờ sáng đến chiều tối các ngày trong tuần. Thời gian cận Tết, công việc rất nhiều, họa sĩ Từ Hoa Lợi làm cả ngày lẫn đêm phục vụ khách hàng. Ông cho rằng mình khác với mọi người ở chỗ càng làm càng vui, càng khỏe. Ông có thể “nhập tâm” liên tục vài tiếng đồng hồ mà không thấy mệt mỏi. Có những ngày ông không ra đường mà lặng lẽ trên căn gác trống với cây cọ, giá vẽ và những hoài niệm về thời dĩ vãng mà vẫn thấy vui. Ông chỉ tìm thấy niềm vui ở cây cọ, còn lại cuộc sống với ông nó bình thường lắm. Ngày ăn ba chén cơm, uống hai lít nước là xong.

Trong cuộc đời vẽ tranh truyền thần của mình, họa sĩ Từ Hoa Lợi gặp nhiều chuyện cảm động ứa nước mắt. Ông vẫn xúc động khi nhớ đến tấm hình vẽ người yêu của một cụ ông đã “gần đất xa trời” từ Bình Dương lên. Hôm ấy, ông đang mê mải với bức vẽ thì cụ ông lụ khụ tìm đến. Cụ run run nhìn những tấm hình cũ kỹ trên giá vẽ của người họa sĩ rồi ngập ngừng hồi lâu mới dám ngỏ lời.

Những bức vẽ đen trắng của người xưa được họa sĩ Từ Hoa Lợi thổi hồn vào.

Cụ cho biết, muốn vẽ lại chân dung người yêu đầu tiên của mình, là một cô gái xinh đẹp con người tá điền nghèo. Năm xưa, do ngăn cách về địa vị, giai tầng mà ông không thể cưới cô gái nên nhớ thương và day dứt đến bây giờ. Cụ ông miêu tả vài nét đặc biệt của cô gái, chỉ có thế thôi. Họa sĩ Từ Hoa Lợi vừa chăm chú lắng nghe vừa “múa cọ”. Trong vòng một tiếng, ông đã phác thảo được bộ khung khuôn mặt của cô gái. Nhìn vào đó, cụ ông thốt lên: “Đúng rồi, đẹp nhất là đôi mắt”.

Lấy đôi mắt làm chuẩn, họa sĩ Từ Hoa Lợi tiếp tục hoàn thiện bức vẽ sau vài giờ. Cuối cùng, hình ảnh cô thôn nữ ngày xửa ngày xưa đã hiện lên trong niềm vui và nước mắt hạnh phúc của ông cụ.

Một chuyện đáng nhớ nữa là gia đình ở Củ Chi có người thân qua đời đã lâu, dù tìm kiếm khắp nơi vẫn không thể có một tấm hình chân dung để thờ. Họ trăn trở rất nhiều, cho đến ngày nghe danh họa sĩ Từ Hoa Lợi. Họ đánh xe ôtô lên rước ông về nhà gặp gỡ tất cả con cháu, sau đó qua lời kể của một người nhớ mặt cụ ông quá cố nhất, họa sĩ sẽ nhìn và hình dung ra bức vẽ. Ông yên lặng ngắm nhìn thật lâu “dàn” con cháu, tổng hợp các đặc điểm, ông phác thảo sơ qua rồi đưa cho gia đình xem.

Sau vài lần chỉnh sửa theo góp ý của gia đình, cuối cùng bức vẽ đã hoàn thành khiến họ tâm phục khẩu phục. Người thân của cụ ông quá cố ôm ghì lấy bức ảnh, khóc rấm rứt. Nhìn họ khóc, người họa sĩ cũng không thể cầm lòng.

Có nhiều bức vẽ, chỉ còn lại tấm hình trắng đen ố vàng, nhàu nhĩ, rách nát, không thấy mặt người nhưng qua cách cảm của mình, họa sĩ Từ Hoa Lợi đã phục dựng lại, được người nhà nhận xét giống đến 90%. Gần 50 năm đam mê với nghề vẽ tranh truyền thần, ông chưa một lời ta thán, chưa một phút bỏ cuộc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Dành tình yêu trọn vẹn cho truyền thần nên họa sĩ Từ Hoa Lợi luôn trăn trở với nghề. Ông sợ rằng, mai này mình không còn nữa thì cái nghề cũng “đi theo”. Ông đã từng ra sức truyền kinh nghiệm, tài hoa của mình cho các bạn trẻ có sở thích hội họa, nhưng không được như mong muốn.

Thời công nghệ kĩ thuật số, phục hồi ảnh cũ hiện nay được hỗ trợ bởi máy móc hiện đại nên rất nhanh chóng và tiện lợi, nghề vẽ truyền thần trở nên lẻ bóng, ảm đạm. Những học trò của ông lần lượt rời bỏ nghề cổ truyền để chạy theo công nghệ máy móc. Chỉ còn mình ông trụ lại với nghề giữa một thành phố náo nhiệt, sầm uất bậc nhất cả nước.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi quyết tâm sẽ không bao giờ từ bỏ nghề cho đến lúc chết. Và ông cũng tự tin khẳng định, nghề vẽ truyền thần không bao giờ mất, bởi ông có khả năng phác thảo bằng trí nhớ mà không cần nhìn hình vẽ mẫu. Điều này máy móc bó tay, mà cuộc sống thì còn nhiều người cần lắm. Dù tuổi đời đã gần bát tuần, nhưng họa sĩ Từ Hoa Lợi vẫn đủ sức khỏe và sự minh mẫn để vẽ truyền thần. Ông tâm sự, có lẽ nghề đã tìm ông và chinh phục trái tim ôn g nên cả cuộc đời này, ông chỉ dành để vẽ truyền thần mà thôi.

Hải Thành
.
.