Người lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử

Thứ Ba, 01/09/2009, 15:00
Hiệu ảnh Quốc tế nổi tiếng của Hà Nội ở 11 Hàng Khay nhìn sang Hồ Gươm rợp bóng liễu rủ, xanh biếc trời, xanh lục hồ... Không mấy ai biết hiệu ảnh có trước ngày giải phóng Thủ đô. Và chủ nhân của nó, cụ Phan Xuân Thúy đã ngoại 90, hiện đang giữ một "bảo tàng ảnh" vô giá về Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám...

Cụ Phan Xuân Thúy vừa giở album, vừa thuyết minh cho tôi lai lịch một số bức ảnh mà cụ đã chụp. Và hoài niệm chảy về những tháng ngày tươi xanh...

Từ bức ảnh Bác Hồ với cái tết đầu tiên trong vườn Bắc Bộ phủ

Tuổi thanh niên sôi nổi, Phan Xuân Thúy được chứng kiến đoàn người như thác cuốn từ Quảng trường Nhà hát Lớn tỏa đi chiếm Bắc Bộ phủ, Trại bảo an binh… sáng 19/8/1945. Hiệu ảnh của gia đình cụ Thúy ở 18 Hàng Bài, gần Trại vệ quốc đoàn nên cán bộ chiến sĩ rảnh rỗi lại ra chụp ảnh. Và rồi ông Lâm Kính, phụ trách Vệ quốc đoàn đã bén duyên với em gái cụ Thúy - bà Phan Thị Huỳnh, trở thành rể trong nhà. Người em trai của Phan Xuân Thúy là Phan Đức Sử  theo ông Lâm Kính vào Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc bộ phủ. Tết Bính Tuất sắp đến, Hồ Chủ tịch bảo với ông Sử và anh em bảo vệ: "Các chú có gia đình ở Hà Nội thì mời các cụ đến ăn tết với Bác".

- Thật không còn hạnh phúc nào hơn - Cụ Thúy nhớ lại - Sáng mồng một tết, cha tôi khăn xếp áo the, cho các con đi cùng lên Bắc Bộ phủ chúc thọ Bác. Tôi cũng được đi theo cha vào Bắc Bộ phủ và không quên xách máy ảnh Retina theo. Bác Hồ tươi cười ra thềm nhà khách đón gia đình tôi, sau đó các chiến sĩ đưa hai bố con tôi sang khuôn viên (nay là Bộ Nội vụ). Ở đó đã tề tựu một số gia đình lên chúc thọ Bác. Trên thảm hoa tóc tiên, những mâm cỗ tết đã được bày. Trong khi các cụ sung sướng được Bác tiếp thì cha tôi bảo tôi chụp tấm ảnh kỷ niệm. Tôi cố nén xúc động hồi hộp sợ làm rung tay máy. Những bí quyết cha tôi dạy phải chụp như thế nào thì đẹp, bỗng chốc tôi như quên sạch. Tôi chỉ cố gắng làm sao bắt được thần thái của Bác vào khuôn hình.

Nói tới đây, cụ Thúy cho tôi xem tấm ảnh lịch sử ấy. Trong ảnh, Hồ Chủ tịch đang ngồi  thoải mái bên mâm cỗ ngoài trời tiếp các gia đình ăn tết...

Người khăn xếp áo the, người complê cà vạt, ai nấy đều vui tươi trong tết độc lập đầu tiên.

Ngày ấy, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản đã là tay máy cự phách của làng ảnh, đã chụp rất nhiều ảnh về Cách mạng Tháng Tám và Bác Hồ trong ngày lễ Độc lập. Nhưng đối với cụ Thúy, người mới cầm máy ảnh, lại được vinh hạnh bất ngờ chụp Bác trong tết Bính Tuất, thực sự là kỷ niệm thiêng liêng đầu đời. "Chín năm kháng chiến gian khổ cho đến những năm đánh Mỹ, tôi vẫn giữ tấm ảnh này như giữ gia bảo. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 2004, tôi đã trao tặng bức ảnh quý giá này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh"- Cụ Thúy cho biết thêm.

Đến những tấm ảnh Thủ đô Hà Nội trong ngày vui giải phóng.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phan Xuân Thúy cùng gia đình đi tản cư. Đồ đạc, sập gụ tủ chè để lại, nhưng máy ảnh, phim, giấy ảnh thì nhất định phải mang đi. Lên Đại Từ, Phan Xuân Thúy mở hiệu ảnh vừa phục vụ kháng chiến vừa để có nguồn thu nhập nuôi cả đại gia đình. Ngày khai mạc khóa 4 Trường Sĩ quan Lục quân, ban nhạc của ông Quản Liên (nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên) thổi kèn đồng hùng tráng; rồi lễ thành lập Sư đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Sư đoàn trưởng, Phan Xuân Thúy đều chớp được "những khoảng khắc vàng" và những bức ảnh ngày đó hiện đã trở thành những bằng chứng lịch sử quý báu.

Năm 1951, người cha thân yêu mất đi, để lại khoảng trống lớn cho gia đình. Phan Xuân Thúy trở về thành phố kiếm sống, phụng dưỡng mẹ già, nuôi đàn con thơ mà lòng vẫn hướng về Việt Bắc, nơi hai em trai đang là bộ đội Cụ Hồ. Phan Xuân Thúy mở hiệu Universal photo ở phố Gia Long (nay là Bà Triệu). Kỹ thuật ánh sáng giỏi là bí quyết nghề nghiệp khi chụp ảnh chân dung nên hiệu ảnh của Phan Xuân Thúy thu hút được nhiều khách đến chụp, mặc dù lúc đó Hà Nội có khá nhiều hiệu ảnh như Kim Lai, Hương Ký, Khánh Ký, Tam Anh, Hoàng Hải…

Đồng chí Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính trong buổi lễ chào cờ tại sân Cột cờ Hà Nội.

Khi đã có điều kiện kinh tế, Phan Xuân Thúy mạnh dạn gửi tiền sang Pháp nhờ người mua máy và bộ đèn mới, hiện đại nhất so với các hiệu ảnh thời đó. Ảnh càng đẹp, khách đến càng tấp nập. Đầu năm 1954, Phan Xuân Thúy chuyển hiệu ảnh lên vị trí rất đẹp: 11 Hàng Khay, bên Hồ Gươm và lấy tên mới - hiệu ảnh Quốc tế.  Đó cũng là một trong những thương hiệu ảnh nổi tiếng ở đất Hà thành.

Mùa hè năm 1954, tin chiến thắng Điện Biên Phủ rồi Hiệp định Geneve được ký kết dội về Hà Nội, nhân dân chộn rộn chuẩn bị cho ngày giải phóng. Qua đài Hồng Đăng (Trung Quốc), Phan Xuân Thúy bí mật nghe tin tức kháng chiến, chuẩn bị đón đại quân về tiếp quản.

Sáng 9/10/1954, thành phố như tươi trẻ lại. Đại quân đã vào tiếp quản các cơ quan công sở, vị trí quân sự của địch. Chúng rút đi đến đâu, cờ hoa đỏ rực mọc lên đến đó. Phan Xuân Thúy phấn chấn lao ra khỏi hiệu ảnh, đeo hai máy ảnh Leica và Rolleflex, phóng con xe Seotter khắp các phố. Huy hoàng và mới mẻ, phố phường như thay da đổi thịt. Mỗi cổng chào là một công trình nghệ thuật. Cổng chào Hàng Bông làm bằng hai cột bông; cổng chào Hàng Thiếc làm bằng các cây tôn thiếc; cổng chào Hàng Nón làm bằng những chiếc nón úp lại, đẹp kỳ lạ. Phan Xuân Thúy bấm máy liên tục trong niềm hưng phấn của người nghệ sĩ. Ở Ty cảnh sát của địch (nay là trụ sở Công an Quận Hoàn Kiếm), Phan Xuân Thúy dừng lại ghi hình lá cờ của địch vùa hạ xuống và cờ đỏ sao vàng kéo lên trên nóc trụ sở.

Cụ Thúy nhớ lại: "Mấy năm trước, tôi thấy các anh công an loay hoay sửa mãi không xong nóc ngôi nhà ngày xưa. Tôi vào gặp lãnh đạo, cung cấp cho các anh ấy bức ảnh tôi chụp ngày 9/10/1954. Họ mừng quá. Cổng trụ sở Công an quận đã được tu sửa đúng theo mẫu kiến trúc lịch sử, đã góp phần vào việc giữ gìn nét đẹp của Hà Nội xưa như vậy đấy".

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô, cụ Thúy đã cung cấp hàng chục bức ảnh quý hiếm cho Hội Sử học Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức triển lãm ảnh tại nhà Văn hóa thông tin Tràng Tiền, sau đó, các bức ảnh ấy đã được in trong sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản".

Quê gốc ở xứ Sơn Nam hạ (Phù ủng, Ân Thi, Hưng Yên), nhưng nhà nhiếp ảnh Phan Xuân Thúy đã gắn bó máu thịt với Hà Nội từ những ngày "Tháng Tám cờ bay" và phục vụ kháng chiến bằng chính con mắt nghệ thuật và đôi tay tài hoa của mình. Ông Bạch Ngọc Liễn, người đã từng chiến đấu trong Liên khu I "60 ngày khói lửa", và là người đi đầu một trong những hàng quân tiến vào thành phố ngày 10-10-1954 thổ lộ: "Có con mắt của nghệ sĩ, yêu nghề thôi chưa đủ; phải có tình yêu thành phố quê hương mình, cái chất của người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, anh hùng đã ngấm vào huyết quản mình, nên thế hệ chúng tôi như Nguyễn Bá Khoản, Đỗ Huân, dù có khổ đến mấy vẫn khư khư giữ bằng được bảo tàng ảnh của mình. Những mong bằng ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh cống hiến cho người xem chân dung, hình ảnh về một thời hào hùng của dân tộc".

Vĩ thanh

Sau ngày Hà Nội giải phóng, hiệu ảnh Quốc tế là một trong những hiệu ảnh nòng cốt của HTX Nhiếp ảnh cao cấp khu Hoàn Kiếm, sau này là Công ty nhiếp ảnh. Khách trong và ngoài nước vẫn tin cậy đến hiệu Quốc tế chụp ảnh chân dung, ảnh nghệ thuật. ảnh một số diễn viên như Kim Ngọc, Lan Hương (trong phim "Em bé Hà Nội") do Phan Xuân Thúy chụp đã được treo trang trọng ở hiệu ảnh Quốc tế. Sau này, dẫu đã được giao việc phụ trách khâu thẩm định kỹ thuật của HTX rồi Công ty nhiếp ảnh, nhưng cụ Thúy vẫn không bỏ được nghiệp cầm máy ảnh. Bức ảnh "Múa sạp" của Phan Xuân Thúy dự triển lãm ảnh quốc tế ở Vácsava (Ba Lan) năm 1958 đoạt giải Ba; ảnh "Vui mừng được mùa" chụp một lão nông ôm bó lúa, nụ cười toả rạng trên khuôn mặt cũng đoạt giải ba của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 1959. 

Yêu nghề và say nghề, tâm hồn nghệ sĩ của cụ Phan Xuân Thúy đã góp phần gìn giữ nét đẹp của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đã bước qua tuổi 90, nhưng cụ vẫn giữ phong thái lịch lãm, tinh tế của người Hà Nội. Và chỉ vài bước chân, người nghệ sĩ đã có thể dạo bước bên Hồ Gươm, lắng nghe hơi thở của mạch nguồn "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm" trong dòng thời gian đang chảy...

Phạm Kim Thanh
.
.