Người giữ hồn tượng nhà mồ Tây Nguyên

Thứ Hai, 14/08/2017, 08:03
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tượng nhà mồ có vai trò như vị thần canh giấc ngủ ngàn thu cho người quá cố. Mỗi bước tượng mang hình thù, kiểu dáng khác nhau. Theo thời gian, thế hệ nghệ nhân lớn tuổi tạc tượng nhà mồ dần khuất núi. Để gìn giữ bản sắc văn hóa cha ông, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Ksor Hnao (61 tuổi, người Ja Rai) - ở tỉnh Gia Lai đang ngày đêm miệt mài dạy con cháu tạc tượng nhà mồ.

1. Nhà NNƯT Ksor Hnao nằm lọt thỏm ở cuối làng Kép (phường Đống Đa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Trong khu vườn rộng chừng 300m2 là một thế giới của tượng gỗ dân gian với đủ chủng loại khác nhau như tượng chim thú, người giã gạo, đánh chiêng, múa trống, bà bầu, mẹ ôm con… Đó là những bức tượng nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên.

Theo NNƯT Ksor Hnao, tượng nhà mồ được người còn sống tạc nên dùng cho lễ bỏ mả, thể hiện tình cảm quyến luyến, tưởng nhớ thân nhân xấu số. Tượng đóng vai trò như vị thần bảo vệ, che chở cho linh hồn chủ nhân không bị ma quỷ quấy phá. Khắp các nhà mồ ở Tây Nguyên, nơi đâu cũng có những bức tượng muôn ngàn kiểu dáng của các tộc người Ja Rai, Ba Na, Ê Đê… Mỗi dân tộc dù có nét văn hóa khác biệt, quan niệm về việc tạc tượng nhà mồ không hoàn toàn đồng nhất nhưng gần như cùng ý nghĩa.

Từ nhỏ, Ksor Hnao đã có niềm đam mê với nghề này. Khi mới lên 10, Hnao xin cha cho đi học tạc tượng với một nghệ nhân ở gần nhà nhưng cha kiên quyết không cho vì nghĩ con mình ốm yếu, không đủ sức cầm rìu. Tuy vậy, mỗi ngày sau khi cha lên rẫy, Hnao lại chạy đến nhà nghệ nhân trong làng học lén, rồi về đem rìu ra tự đẽo gọt các khúc gỗ phỏng theo các bức tượng. Nhiều lần, Hnao bị cha đánh đòn vì tội không nghe lời.

Lên 15 tuổi, Hnao trở thành một chàng trai rắn rỏi, nhanh nhẹn, đã nhiều lần theo những nghệ nhân trong làng lang thang khắp rừng già tìm gỗ về tạc tượng. Không thể cấm cản niềm đam mê của Hnao, người cha rồi cũng chấp nhận cho con trai theo nghề. Những bức tượng gỗ của Hnao ngày càng có sức sống. Rồi, chàng thanh niên trở thành nghệ nhân lành nghề từ lúc nào không hay. Những lần làm lễ bỏ mả, nhiều gia đình lại đón Hnao về tạc tượng giúp.

NNƯT Ksor Hnao bên những bức tượng nhà mồ do mình tạc.

Theo NNƯT Ksor Hnao, để tạc được một bức tượng nhà mồ đẹp, nghệ nhân phải biết thổi hồn mình vào bức tượng để những vật vô tri vô giác đó trở nên sống động. Đối với những nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua vân và thớ gỗ, chú ý độ đậm nhạt thì có thể chọn gỗ phù hợp với ý tưởng định khắc họa. Nghệ nhân nào tinh tế, trau chuốt hơn nữa thì dùng sắc độ của cây gỗ để tạo mảng miếng đậm miếng nhạt trên tác phẩm. Được biết, hầu hết những bức tượng điêu khắc gỗ Tây Nguyên được trưng bày ở Làng Văn hoá Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) đều do một tay ông làm ra.

Theo đúng với phong tục ngày xưa, muốn làm một bức tượng cho nhà mồ, phải lên rừng cúng một ghè rượu và một con gà rồi mới được chặt cây về tạc. Nghệ nhân giỏi phải làm ra bức tượng khiến vui lòng linh hồn người chết. "Nếu người đàn bà chết thì mình làm tượng đàn ông, như thế thì linh hồn người chết mới vui được", NNƯT Ksor Hnao chia sẻ.

Bây giờ, nhiều người tạc tượng nhà mồ bằng bào, cưa, giấy nhám, đó là họ có đổi mới. Nhưng xưa thì làm bằng rìu, rựa, dao nhọn. Làm bằng vật dụng như xưa thì không bóng bẩy, nhưng có giá trị. Và tượng nhà mồ chỉ làm khi có người chết, với mong muốn những bức tượng được bầu bạn với người chết khi về thế giới bên kia. Còn bây giờ, đa phần tượng được làm bằng bào và không chỉ để ở những nhà mồ mà còn để làm cảnh trong nhà, để trưng bày ở các lễ hội…

Ksor Hnao cho rằng cái hay và độc đáo nhất khi theo nghề này là thông qua tượng nhà mồ có thể hình dung được cuộc sống mà người nghệ nhân muốn truyền đạt. Qua tác phẩm, cũng hiểu được một phần nào nội tâm của người nghệ nhân gửi gắm trong đó. Bởi, tượng nhà mồ ngoài yếu tố là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nó còn chứa đựng khát vọng nhân sinh của con người: buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau... Những biểu cảm ấy không chỉ có ở người sống mà vẫn lưu lạc, tiếp diễn ở thế giới bên kia.

2. Rít một điếu thuốc rê, nhả ra một làn khói đặc quánh, NNƯT Ksor Hnao chậm rãi kể, trước đây ở vùng này có cả trăm người biết đẽo tượng nhà mồ. Mỗi lần có gia đình làm lễ bỏ mả thì người ta đẽo hàng chục tượng. Bây giờ những người biết đẽo tượng đã già, mắt mờ tay run không cầm nổi cái rìu để đục đẽo, lớp trẻ cũng không ai mặn mà với nghề tạc tượng này.

Thấy dân làng ngày càng xa rời với tượng nhà mồ, Hnao ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào trong người cũng bồn chồn, lo lắng. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết tâm vận động dân làng học tạc tượng nhà mồ. Trong các cuộc họp, ông luôn dành thời gian nói về ý nghĩa của tượng nhà mồ và khuyên dân làng nên duy trì việc chôn tượng nhà mồ trong lễ bỏ mả.

Ông trầm ngâm: "Cuộc sống bây giờ đã khác, người biết tạc tượng nhà mồ đang thưa thớt dần. Tôi buồn và lo sợ khi những người già như tôi về với Yàng (trời) thì sẽ không còn ai biết tạc tượng nhà mồ nữa. Thế hệ chúng tôi, dù phải sinh hoạt vật chất, ăn uống khổ cực hơn bây giờ nhưng về lĩnh vực văn hóa tinh thần hết sức phong phú. Tôi tự nghĩ phải làm tất cả để đánh thức lòng tự hào nguồn cội nơi con cháu".

Một góc không gian tượng nhà mồ trong khuôn viên nhà NNƯT Ksor Hnao.

Ngày đầu mới mở lớp, NNƯT Ksor Hnao đến từng hộ tư vấn, vận động con cháu đến lớp học. Đến nay, số thanh niên theo học Hnao lên đến hàng trăm người nhưng ông không có ý định giới hạn. Việc tạc tượng tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất khó khăn, nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và hết sức kiên trì. Ban đầu học trò chưa quen nên những đường tạc cứng nhắc và các bộ phận trên khuôn mặt cũng không đều. Làm mãi không được, nhiều người nản chí, định bỏ không học nữa nhưng ông động viên nên họ trụ lại và giờ đã thành thợ.

Học trò của ông có cả người nước ngoài. Francois Bourgineau, người Pháp rất mê tượng nhà mồ.  Hễ ở đâu có tượng nhà mồ đẹp, ông đều chụp lại rồi nhờ người tạc theo. Nhà ông tận nước Pháp cũng có một khu bảo tàng nhà mồ thu nhỏ do ông sưu tầm. Khi đến Gia Lai du lịch, ông muốn được học và tự tạc tượng theo ý thích.

Kể về cậu học trò ngoại quốc, NNƯT Ksor Hnao cười hiền: "Hồi tháng 3 năm trước, Francois Bourgineau đến chỗ tôi để nhờ dạy cách tạc tượng nhà mồ. Tôi lo bất đồng ngôn ngữ không dám nhận. Tuy nhiên, thông qua hướng dẫn viên, Francois Bourgineau nài nỉ xin cho ở lại để được học. Tôi nhận rằng ra dạy tạc tượng nhà mồ cho người nước ngoài là cách để quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc. Francois Bourgineau quả là người có năng khiếu, rất sáng tạo. Sau 10 tháng miệt mài học tập, Francois Bourgineau đã thành một thợ giỏi về tạc tượng nhà mồ. Đó là một trong những người học trò tôi yêu quý". Ông mở lại clip quay về người học trò này cho tôi xem như một niềm tự hào.

3. NNƯT Ksor Hnao còn biết làm các loại đàn bằng tre, nứa như: ting ning (goong), kơni hay t'rưng và chơi thành thạo các nhạc cụ này. Với năng khiếu sẵn có và đôi tai thẩm âm khá tốt, năm 1999, ông được Viện Âm nhạc Việt Nam mời biểu diễn đàn ting ning để ghi băng làm tư liệu giảng dạy, nghiên cứu. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT ở loại hình Tri thức dân gian.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết: "Tượng nhà mồ Tây Nguyên là những tác phẩm điêu khắc độc đáo, chứa đựng một nền nghệ thuật dân gian mà không phải nơi đâu cũng có được. Chính sự tài hoa, sáng tạo và cái tâm của những nghệ nhân tạc tượng đã thổi hồn cho khúc gỗ vô tri trở nên muôn hình vạn trạng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai số lượng nghệ nhân tạc tượng nhà mồ rất ít, những nghệ nhân giỏi thì càng hiếm hoi hơn. NNƯT Ksor Hnao là một trong số ít nghệ nhân xuất sắc còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống này".

Giữa không gian tượng gỗ mộc mạc ở cuối làng Kép, NNƯT Ksor Hnao vẫn ngày ngày cần mẫn truyền lửa nhiệt huyết với tượng gỗ nhà mồ cho nhiều thanh niên trẻ. Thầm lặng, ông đã góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn một nét văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên trước nguy cơ bị mai một.

Phan Nhuận Phin
.
.