Người giỏi ứng đối

Thứ Năm, 10/02/2011, 08:03

Ở Nam Định, nhà văn Chu Văn được coi là người hay chữ. Thời ông còn làm Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh, người viết bài này cũng từng có hơn một năm làm Thư ký tòa soạn, trực tiếp trao đổi công việc cũng như chuyện đời vui buồn với ông hàng ngày, từ đó mà biết được một số chuyện xung quanh cuộc đời ông. Ngày xuân, xin hầu bạn đọc mấy câu chuyện liên quan đến việc ứng đối của Chu Văn...

Vào những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, nhà thơ Nguyễn Bính từ Hà Nội trở về quê Nam Định trong một tâm trạng không vui. Mấy năm liền lăn lóc mưu sinh, xem ra cái chuyện làm ra tiền ra gạo Nguyễn Bính không có năng lực cho lắm, cuối cùng ông tìm đến Ty Văn hóa xin việc. Tuy anh em cơ quan đón ông khá niềm nở, nhưng dường như ông vẫn có chút mặc cảm, điệu cười chừng như cũng có vẻ gượng gạo. Nhà văn Chu Văn khi ấy - với cương vị Trưởng ty Văn hóa (sau này mới chuyển sang Hội Văn nghệ), chừng như đã đọc được tâm trạng của nhà thơ. Ông nói:

- Anh Bính ạ. Thế là "Dần dà rồi cũng quay về cố hương" thôi.

Đây là một cách chơi chữ của Chu Văn nhưng Nguyễn Bính cũng nhận ra ngay. Gương mặt thi sĩ đang gượng gạo, ủ dột bỗng tươi tắn hẳn lên. Nguyễn Bính reo to:

 - Hay, hay quá! Huyện Vụ Bản quê tôi có cái chợ Dần lại có cái chợ Dà nữa. Câu tập Kiều vận vào đúng hoàn cảnh tôi bây giờ...

Nhà  văn Chu Văn (thứ hai từ phải qua) cùng các nhà văn Nguyễn Thế Vinh, Lý Biên Cương, Lê Hoài Nam, Hoàng Thuận và Lê Huệ (ảnh chụp năm 1992).

Kể từ giờ khắc ấy, câu chuyện giữa họ tự nhiên hẳn lên. Ngày đầu tiên đến Ty gõ cửa vậy là hanh thông. Hẳn vì thế mà những ngày tháng sau này đến Ty làm việc, Nguyễn Bính bao giờ cũng hăng hái, mẫn cán.

Năm 1976, hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình sát nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ty Văn hóa được bổ sung một cấp phó là ông Mạc Kính Dương. Nhiều anh em quê Ninh Bình những năm tháng đầu ra Nam Định làm việc mà lòng vẫn lưu luyến với cố hương. Ông Mạc Kính Dương cũng vậy. Một lần, vào dịp áp Tết, ông Dương đến nói với Chu Văn là ông vừa làm xong một vế câu đối Tết, ngầm thách Chu Văn đối vế còn lại. Ông Mạc Kính Dương đọc:

"Tỉnh Ninh Bình có chùa Non Nước, non non nước nước, nhất vui thay là phố Vân Sàng".

Chu Văn gật gù khen hay. Biết Mạc Kính Dương vẫn nặng lòng với chốn cũ, chừng như chưa yên tâm lắm với cương vị mới, Chu Văn nghĩ ngay ra một vế đối khá "độc", rồi đọc:

"Làng Nấu Loạn không định Già Cơm, già già cơm cơm, ba buồn nhẽ là phường Vũ Mẹt".

Mạc Kính Dương biết Chu Văn "sửa gáy" mình nhưng ông vẫn phải mỉm cười, tuy có hơi gượng, thầm cảm phục tài chơi chữ của ông nhà văn đang giữ cương vị cấp trưởng của mình.

Chu Văn là thế, rất nhạy bén trước những tình huống. Nhiều người không thích cái sự khảng khái kẻ sĩ ở ông. Nhưng người yêu quý ông cũng không phải là ít.

Ở cơ quan, anh Kim Ngọc Diệu, một tác giả văn xuôi, quê gốc tỉnh Phú Thọ, một người cộng sự khá lâu năm với Chu Văn. Một lần, cụ Kim Ngọc Huy, phụ thân của anh Kim Ngọc Diệu từ Phú Thọ xuống Nam Định chơi. Cụ Huy có vốn nho học rất thâm hậu, từng được vua Bảo Đại phong Hàn lâm tu soạn. Cụ xuống thăm con trai nhưng còn có ý xem vị thủ trưởng của con là người thế nào. Tiếp xúc với Chu Văn, cụ nhận ngay ra đây là người tri ngộ. Cụ liền viết một cặp câu đối tặng nhà văn họ Chu:

Tâm khởi kinh luân vân xuất trục
Xuân hồi chiến đấu bút sinh hoa.

Ý nói: Chu Văn có cái tâm lớn của người kinh bang tế thế, tâm hồn muôn vẻ như mây bay, tuổi hồi xuân bút chiến mà văn vẫn đẹp như đơm hoa.

Rồi cũng bằng cây bút lông, nghiên mực nho, cụ viết luôn cặp câu đối tặng Kim Ngọc Diệu, như có ý "dặn dò" con trai:

Nhân ư đồng chí thành tri kỷ
Địa khả an cư tức cố hương

Nghĩa là con người cư xử với nhau bằng tình đồng chí (đúng nghĩa) thì thành tri kỷ. Ở nơi quê người mà đất tốt lành thì sẽ hóa quê hương…

Lê Hoài Nam - VNCA Xuân 2011
.
.