Người giải mã cồng chiêng

Thứ Sáu, 17/07/2009, 09:00
Tôi gặp Bùi Trọng Hiền vào một buổi chiều trở gió. Căn nhà của anh nằm yên tĩnh cạnh cổng Đình Cống Vị, gần Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long. Lẫn trong tiếng gió là chuông, mõ lách cách và réo rắt tiếng hát của một nghệ nhân ca trù trẻ tuổi đang tập luyện...

Căn phòng rộng chừng mười mét vuông của anh ngổn ngang những nhạc cụ cổ truyền, những sách vở nghiên cứu và thấp cao chồng đĩa thu âm cồng chiêng Tây Nguyên đợt Hiền đi đo thang âm và ghi tổng phổ để làm hồ sơ về di sản văn hóa Phi vật thể nhân loại cho Cồng chiêng Tây Nguyên...

Từ thuở còn thiếu niên, Bùi Trọng Hiền đã theo học sơ cấp và trung cấp đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội. Lên đại học, theo lời khuyên của "sư phụ"- GS Vũ Nhật Thăng - anh đã chuyển sang học về lý luận âm nhạc rồi ở lại nhạc viện làm giảng viên từ năm 1990 đến 1996. Từ đó đến nay, anh chuyển về Ban Nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể Viện Văn hóa - Thông tin để có thời gian làm chuyên sâu về âm nhạc dân tộc, một thứ âm nhạc đã ăn sâu vào máu của người nhạc sĩ trẻ. Hiền nghĩ rằng, ở môi trường nghiên cứu, anh được thả sức với âm nhạc tài tử, ca trù, hát xẩm mà không bị bó buộc về thời gian. Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu từng nhận anh làm con nuôi như là cách "truyền nghề" cho một gã trai thị thành mê âm nhạc dân tộc.

Hình ảnh thường thấy khi ta gặp Bùi Trọng Hiền- đó là một chàng trai đi xe gắn máy, hút thuốc Vinataba, tóc búi tó củ hành, cài trâm bằng chiếc lông nhím mà anh xin được của người dân tộc. Hiền bảo rằng, tuổi làm quen với nhạc dân tộc của anh gần bằng với tuổi đời của anh, nó song hành cùng thời gian và chắc chắn không có nhạc dân tộc sẽ không ai biết đến một Bùi Trọng Hiền hôm nay.

Bùi Trọng Hiền là người đã có nhiều đóng góp cho hồ sơ nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên khi anh tham gia cùng ban soạn thảo dự án Văn hóa phi vật thể nhân loại để trình UNESCO. Đối với Hiền, ngày 7/5/2004 ấy là một ngày có nhiều duyên nợ, khi anh rời mảnh đất Hà thành phồn hoa với cuộc sống đủ đầy ấm áp bên gia đình để vào Tây Nguyên để nghiên cứu cồng chiêng mà trước mắt là làm tổng phổ cho nhạc cồng chiêng. Kể từ khi bước chân đến mảnh đất ấy, Hiền biết rằng, anh đã bị con người và thiên nhiên của miền cao nguyên hùng vĩ ấy quyến rũ. Mặc dù không lâu trước đó, khi được phân công cùng phái đoàn vào Tây Nguyên điền dã, nghiên cứu để lập hồ sơ cho cồng chiêng, Hiền đã từ chối. Bởi vì lúc đó vợ anh sắp sinh, mẹ già lại đang ốm, anh đi không đành. Nhưng rồi công việc vẫn phải tiến hành để kịp với tiến độ trình duyệt.

Tây Nguyên vào mùa mưa đầy cơ cực, với những chặng đường đất đỏ Bazan, có những ngày mưa xe của đoàn ngập trong nước và bánh xe quay vòng giữa đường lầy lội, phải chờ xe tải vào kéo mới ra được, rồi những đêm mưa rừng rét mướt... Đôi lúc Hiền vẫn đùa với bạn bè, đấy là chuyến đi đầy "kinh hoàng" nhưng đã để lại trong anh những kỷ niệm, những ấn tượng mà chắc chắn anh không bao giờ anh quên được trong cuộc đời làm khoa học của mình.

Dàn cồng chiêng Tây Nguyên.

Bùi Trọng Hiền cho biết, một tháng ở Tây Nguyên, anh được đi đến các buôn  làng ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông... khảo sát trên diện rộng cũng như thu thanh để nghiên cứu, đối sánh, đo đạc, ghi chép âm thanh của những nghệ nhân lão làng, tiếng cồng chiêng đã hút hồn anh lúc nào không hay. Càng thu âm, càng nghiên cứu càng vỡ ra nhiều điều về âm nhạc cồng chiêng. Tiếp xúc với nhiều dàn chiêng cổ từ giản đơn đến phức tạp, sống trong môi trường diễn xướng và hồn nhiên của đồng bào các dân tộc M'nông, Êđê, Bana, Mạ, C'ho, Churu, Sêđăng, S'tiêng... anh phát hiện ra rằng, các dàn cồng chiêng của từng tộc người Tây Nguyên đều thuộc loại hàng 5 âm hay 6 âm cơ bản.

Nói là cơ bản bởi lẽ trên thực tế, ngoài âm cơ bản, mỗi chiếc cồng chiêng thường có nhiều các âm phụ khác. Không phải lúc nào người ta cũng nghe thấy chúng rõ ràng. Khoảng cách nghe xa hay gần, người nghe đứng ở "khúc giữa", phía đầu hay cuối... đều nhận được hiệu ứng âm thanh khác nhau. Dàn chiêng đi theo đường thẳng, đi vòng tròn hay hình rắn bò... hiệu ứng đến tai người nghe cũng khác nhau. Đó chính là hiệu ứng âm thanh nổi rất thú vị.

Hiền còn giải thích, đại đa số các bài bản đều kết cấu theo mô hình cố định, gọi là những cấu trúc môđun hay cấu kiện đúc sẵn, vì thế mỗi dàn chiêng là một cây đàn lớn mà mỗi người chỉ đảm nhận một nốt, khi biểu diễn, cây đàn cứ trở đi trở lại những nốt đó theo một thứ tự đều đặn mà không ai quên vị trí của mình. Và Hiền phải cực nhọc phân loại vì mỗi tộc hay nhóm tộc người lại thể hiện những thang âm khác nhau, các dàn chiêng cũng có số lượng nhiều ít khác nhau, có khi chỉ vài chiếc, có lúc lên tới 16, 17 chiếc...

Mặc dù có máy đo thang âm "xịn" được tặng từ tay con trai của GS Trần Văn Khê, nhưng để "chính xác" hơn, anh phải căn cứ trên dây rung và chủ yếu nghe bằng tai. Gần nửa năm trời mở máy, nghe, ghi chép, đêm, ngày tổng cộng gần 100 cái cồng, chiêng, Hiền đã bị thông tai, loét dạ dày, đi ngoài ra máu, từ 70 kg to khỏe, xong việc, anh chỉ còn có 61 kg. Và, "hậu quả" của chuyến đi khảo sát ấy còn nặng nề hơn những gì Hiền tưởng tượng. Sau khi sinh con, vợ anh đã về nhà ngoại và sau một thời gian thì anh chị chính thức chia tay nhau.

Nói về những kỷ niệm của mình đối với đồng bào Tây Nguyên, Hiền kể: "Một lần tôi vào một buôn của người Mạ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng để thu thanh. Tôi ngạc nhiên vì điều khiển dàn chiêng nữ cho tôi thu thanh lại là một phụ nữ. Chị là K'Hang, chị vừa hút thuốc, vừa bế con, vừa "chỉ huy" trông rất "có nghề". Đến cuối buổi, khi tôi đang chuẩn bị nghỉ trưa, chị chạy đến bên tôi và hỏi: "Cho chị hát mấy bài vào cái máy này được không?".

Tôi mừng quýnh vì sự hồn nhiên đến... tự nhiên của chị. Hát xong, chị chào tôi rồi về. Sau này, trước khi đưa dự án đi nước ngoài, có một buổi biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) tôi đã mời các nghệ nhân trong đó ra biểu diễn, không quên đề nghị với Sở Văn hóa mời chị K'Hang ra Hà Nội nhưng chồng chị đã không đồng ý. Tôi có nghe các bạn trong đó kể lại: Chồng chị K'Hang muốn "giữ" vợ nên ra tối hậu thư: Nếu vợ đi sẽ đốt nhà. Và rồi anh... đốt nhà thật!"

"Lần khác - Bùi Trọng Hiền kể tiếp - làng M'Nông làm lễ đâm trâu, tôi "rình" mãi mới kéo được các nghệ nhân đánh chiêng và lôi họ ra một góc để yêu cầu họ đánh từng cái để tôi thu, lúc đó họ cũng đã khá say. Khi tôi yêu cầu họ đánh tách riêng ra từng nốt và nói tên cái chiêng đấy là gì thì họ nhìn nhau và cười ngặt nghẽo. Sau này tôi mới hiểu, việc mình tãi âm thanh của từng chiếc chiêng là điều đồng bào không bao giờ làm cả. Họ chơi và ghép tiết tấu luôn mà không tách riêng theo yêu cầu kỹ thuật của mình".

Niềm vui thì nhiều mà chuyện nực cười cũng không ít, có hôm, đến Sêđăng, cả đoàn được thết đãi một bữa cơm, nhưng không hiểu ăn uống kiểu gì mà ai cũng bị đau bụng. Riêng Bùi Trọng Hiền thì cả ngày trời chỉ ăn mật ong lót dạ. Những lúc như thế, anh lại nhớ gia đình đến thắt lòng. Anh sống lang thang như một gã lãng tử trên núi rừng cao nguyên xanh, ngày ngày chỉ tiếp xúc với cồng chiêng, với các nghệ nhân, vậy mà cũng đã gần một tháng trời xa người vợ sắp đến ngày chuyển dạ mà không được chồng chăm sóc…

Nói đến chuyện gia đình, Bùi Trọng Hiền ngậm ngùi. Ngoại tứ tuần, anh vẫn là một kẻ độc thân mê mải với tiếng đàn dân tộc. Cho đến nay, cũng đã 5 năm trôi qua, Cồng chiêng Tây Nguyên cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và tháng 11 năm nay sẽ tổ chức Đại lễ hội ở Tây Nguyên, nhưng có lẽ, không ai khác mà chính Bùi Trọng Hiền mới là người thấm tháp được những dư vị đắng đót của chặng đường đi gấp rút ấy. Báo giới vẫn thường gọi anh là người giải mã cồng chiêng, nhưng với Bùi Trọng Hiền, anh chỉ đơn giải được làm công việc mình trót yêu và đam mê

Song Kim
.
.