Người dệt những ước mơ cổ tích

Thứ Sáu, 29/06/2007, 11:00
Vậy là nhà thơ Phạm Hổ - người bạn thân thiết của nhiều thế hệ thiếu nhi đã ra đi ở tuổi 81. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những đồng nghiệp, những người bạn đã viết về ông bằng tình cảm hết sức quý trọng và trìu mến như những gì mà cả đời ông đã dành cho độc giả, đặc biệt là các độc giả nhỏ tuổi.

Sinh ra và lớn lên trên đất võ Bình Định, lại nhằm năm Dần (1926) nên được cha mẹ đặt cho cái tên nghe rất “chúa sơn lâm”. Nhưng gần như phần lớn sự nghiệp sáng tác của Phạm Hổ lại mang đến cho các em những áng văn chương nhẹ nhàng, hồn nhiên nhất.

Thêm nữa, mảnh đất  giàu văn hóa nơi ông sinh ra đã hun đúc nên tài năng của 3 anh em Phạm Hổ. Anh ruột ông là nhà văn Phạm Văn Ký, người đã từng đoạt giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp năm 1961, em ruột ông là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Ở lĩnh vực văn học thiếu nhi này, Phạm Hổ được đánh giá là một trong những cây đại thụ có nhiều sáng tác hay. Nhiều thế hệ thiếu nhi đã trưởng thành từ những giấc mơ cổ tích mà ông dệt tặng qua những bài thơ như: “Chú bò tìm bạn”, truyện ngắn: “Ngựa thần từ đâu đến”, tập truyện cổ tích mới: “Chuyện hoa, chuyện quả”… Thơ, văn ông gần gũi, thân thiết với thiếu nhi bởi ông luôn nhìn đời bằng cặp mắt tươi non của tuổi trẻ.

Những vật tưởng như vô tri, vô giác, đi vào trong thơ của ông cũng trở nên hết sức sinh động, thú vị, mang những tình cảm như con người. Một chú bò chiều chiều ra sông uống nước, ngắm bóng mình lại cứ tưởng có người bạn tới chơi để rồi ngơ ngác khi không thấy bạn đâu.

Những chú gà con mới nở đáng yêu, quả dứa như một chiến binh, chiếc xe cứu hỏa đầy hữu ích… tất cả đều trở nên đáng yêu qua những câu thơ dí dỏm, ngộ nghĩnh. Ông đã mở ra trước mắt các em một thế giới đầy màu sắc thần tiên, tràn đầy sự thân thiện và lòng bao dung.

Ông đã nhìn vạn vật bằng cái nhìn trẻ thơ, tư duy theo cách trẻ thơ và quan trọng hơn, ông đã sáng tác từ một tâm hồn yêu trẻ thơ tới vô hạn. Như có lần ông tâm sự: “Đối với tôi, được sống và viết cho các em là một hạnh phúc. Tôi đem lòng yêu các em để thể hiện lòng tôi yêu Đảng, yêu nhân dân, đất nước…”. Và, suốt đời, ông đã sáng tác vì tâm niệm nghệ thuật đó.

Có thể nói rằng, Phạm Hổ là một nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, viết văn, viết kịch rồi vẽ tranh. Bao năm, trong căn phòng tập thể đơn sơ ở khu Bách Khoa, ông vẫn cần mẫn sáng tác và giúp các em khám phá thế giới vạn vật ngay trước mắt mình. Cũng giống như trong lĩnh vực văn học, phần lớn những bức tranh phấn màu của ông đều lấy đề tài là hoa lá và trẻ em.

Đó là một đóa quỳnh đang tỏa hương trong đêm, một chiếc lá ngóng chờ những giọt sương, một em bé đang say sưa ngủ… Đó là một thế giới trong trẻo và yên bình, không có sự tồn tại của cái xấu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói về ông: “Ông không có khả năng làm điều ác, ngay cả việc đơn giản là nghĩ xấu về người khác. Ở ông, dường như không có chỗ cho cái xấu trú ngụ”.

Người thân và bạn bè ông cho biết ông là một người dễ xúc động. Với ông, mọi chuyện lúc nào cũng như thuở ban đầu. Dù được in rất nhiều đầu sách nhưng lần nào in sách ông cũng hào hứng và hồi hộp như lần đầu tiên.

Gần đây nhất, khi sức khỏe có nhiều dấu hiệu xấu, biết tin NXB Kim Đồng tái bản trọn bộ “Chuyện hoa, chuyện quả”, ông vẫn phấp phỏng mong chờ được cầm trên tay bộ truyện mới này.

Ít ai biết rằng, khi còn sống, món quà nhà thơ Phạm Hổ thích được nhận nhất từ những người thân yêu của mình là giấy và bút. Một món quà giản đơn nhưng lại gắn liền với nghiệp sáng tác của ông.

Yêu trẻ thơ nên ông cũng rất quan tâm tới việc dìu dắt những tài năng văn chương từ khi còn rất nhỏ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn nhớ và cảm ơn  câu thơ được ông biên tập từ “Sao không về hả chó?” thành “Sao không về, Vàng ơi?” (bài “Sao không về Vàng ơi?”) khiến câu thơ trở nên tình cảm và “thơ” hơn rất nhiều.

Ba người con gái của nhà thơ Phạm Hổ đều là những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật: nhà biên kịch Phạm Sông Đông, nhà văn Phạm Sông Hồng và chị Phạm Sông Hương, cán bộ Trường đại học Văn hóa. Họ học được rất nhiều từ người cha của mình, đó là sự miệt mài trong lao động sáng tạo, đặc biệt là điều ông từng dặn dò: “Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là yêu thương, lấy lòng yêu thương để cảm hóa cái xấu”.

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I được trao cho ông là sự ghi nhận những đóng góp lớn lao của ông với nền văn học nước nhà. Giờ đây, khi ông đã ở một nơi nào đó rất xa thì những câu thơ, những câu chuyện của ông vẫn hiện hữu trong từng giấc mơ của trẻ nhỏ như một câu thơ ông từng viết: “Phải tâm hồn ấy thơm hoài trần gian”. Đó là một hạnh phúc lớn của người cầm bút!

.
.