“Người đẹp váy trắng”: Từ chối Napoléon để mê văn nhân

Thứ Hai, 07/11/2005, 09:35

Bằng quyền uy của mình, Napoléon đệ nhất cũng không thể chinh phục được Juliette Récamier.

Ngày 10/12/1797, lễ tôn vinh Napoléon Bonaparte, người vừa hoàn thành sứ mệnh chinh phục Italia, được tổ chức tại cung điện Luxemburg. Tử tước Paul Barras, thành viên Hội đồng đốc chính, khi thấy ông tướng đang sung mãn bước vào, đã thốt lên: "Liệu có ai chăng sánh được với Ngài?!". Napoléon chưa kịp đáp lời thì ở phía hàng ghế khách mời bỗng có một thiếu phụ trẻ măng trong bộ váy trắng tuyệt đẹp đứng lên. Tất cả quay sang nhìn nàng và tiếng trầm trồ lan nhanh khắp phòng. Đẹp, đẹp đến thế là cùng!

Trong khoảnh khắc dường như mọi người quên bẵng Napoléon và chỉ chăm chú nhìn thiếu phụ váy trắng, Tướng quân quay ngoắt sang lườm nàng và nàng luýnh quýnh ngồi lại xuống ghế ngay. Cố kiềm chế cơn giận dữ đang dâng lên trong lòng, Bonaparte lại gần Barras và kiêu hãnh đáp: "Không thể có một ai!".

Sau buổi lễ ấy, Napoléon hỏi: "Thiếu phụ váy trắng là ai vậy?". "Thưa, đó là nữ công dân Récamier!"- Barras nhanh nhảu. Tướng quân mỉm cười: "Nàng không phải là loại nhát gan đâu. Thu hút sự chú ý dành cho một vĩ nhân - đó là sự quả cảm đích thực"...

Chập tối, Juliette mới về tới ngôi biệt thự ở cổng thành Paris. Chồng nàng, ông chủ nhà băng Jacques- Roz Récamier, đã thuê nó cho nàng ở. Gia đình ông dẫu không thuộc loại quyền thế nhưng cũng có phương châm hành động riêng "Rectus Amicus Eris" (Sẽ là người bạn tin cậy), tạo thành họ Récamier. Ngôi biệt thự từng là nơi chứng kiến nhiều tình yêu nồng nàn. Tuy nhiên, với Juliette và chồng nàng, đó chỉ là nơi họ gặp nhau trong những bữa tối.

Việc nàng lấy chồng cũng thật bất ngờ. Buổi tối hôm đó, khi gia đình nàng cùng hai người bạn tâm giao là cha đỡ đầu và ông chủ nhà băng Récamier ngồi lại cùng nhau.

Người cha lên tiếng: "Con gái biết không, thời thế đổi thay rồi, cha có thể bị bắt bất cứ phút nào!". "Còn tôi vì là quý tộc nên còn có thể bị xử tử nữa cơ"- người cha đỡ đầu nói. Ông chủ nhà băng Récamier cũng buồn rầu than: "Tôi cũng chẳng biết trông cậy vào đâu, bọn họ giờ đâu thích những người giàu". Juliette cảm thấy kinh hãi: Từ khi biết nghĩ tới giờ, cô luôn thấy cha mình và hai người bạn kia gắn bó như hình với bóng.

Bà mẹ ôm lấy cô bé: "Con ạ, cha mẹ muốn bảo vệ con. Nếu có chuyện gì xảy ra với cha mẹ thì con cũng không thể bị bần hàn. Nhưng muốn thế thì con phải trở thành người đàn bà có chồng. Vì thế, cha mẹ muốn con lấy ông Récamier làm chồng! Ông ấy luôn coi con như con gái. Hai người làm lễ đính hôn xong là mọi thứ sẽ được chuyển cho con!".

Ngày 24/4/1793, lễ kết hôn đã diễn ra lặng lẽ. Rồi Juliette lại trở về nhà cha mẹ mình sống ba năm tiếp theo. Và mới chỉ từ một năm trước nàng mới trở thành thiếu phụ, nhưng vẫn như trước đây, ông chồng lớn tuổi luôn nhắc đi nhắc lại với vợ rằng, ông hơn nàng những 26 tuổi nên không thể làm gì hơn để thực hiện nghĩa vụ phu quân...

Người hầu mang tới một lá thư. Trên mảnh giấy có thếp vàng, nàng đọc: "Xin phép được viếng thăm nàng vào sáng mai, người đẹp nhất trong số các mỹ nhân! Romeo đang mê đắm". Và ở phía dưới là dòng chữ: "Bonaparte".

Sáng ra, thiếu phụ ngồi trong phòng khách, giật mình thon thót. Cuối cùng, người hầu vào bẩm: "Có ông nghị viên 500 - ngài Bonaparte!". Juliette sững sờ: Sao lại nghị viên? Nhưng vừa nhìn thấy Licien Bonaparte, em trai của Napoléon, nàng thở hắt ra nhẹ nhõm. Cúi xuống hôn tay mỹ nhân, vị khách hổn hển: "Vậy có nghĩa là nàng đã nhận được thư ta, ôi Juliette huyền diệu! Ta hạnh phúc quá. Ta say rồi bởi men rượu tình yêu đối với nàng!". Juliette mỉm cười đáp lễ: Thật may, lá thư không phải là của vị tướng quân khó tính mà là của em trai ông ta.

Những săn đón quà cáp cùng những lời thổ lộ nồng nàn của chàng Romeo quyền quý đã khiến Juliette vui lòng nhưng không đến mức mê mệt. Hơn nữa, Lucien lại không đòi hỏi điều gì hơn là một tình bạn dịu dàng. Juliette đã mời cả chồng mình cùng tiếp vị khách si tình. Ông Récamier hành xử khá lạ lùng: Ông không hề có biểu hiện gì ghen tuông mà còn thích thú trò chuyện với Lucien. Ông mời khách tới thăm vợ chồng ông thêm nhiều lần nữa.

Một bận, vào cuối năm 1799,  Juliette tới thăm Lucien. Trong bóng tối nhập nhoạng của cung điện, thấy bóng một người đàn ông, nàng reo lên: "Ôi, người bạn thân mến!" rồi kinh hãi bặt tiếng khi biết mình đã lầm người. Đó không phải là Lucien mà chính là Napoléon, lúc đấy vừa lên chức Tổng tài thứ nhất. "Ta rất mừng vì lời chào như thế. Hy vọng là ta sẽ được tiễn nàng về tận nhà?".

Juliette nhớn nhác nhìn quanh như thể muốn tìm nơi trú ẩn. Thật may, ngay lúc đó thì Lucien xuất hiện. "Tất cả đều đang muốn tiễn cô ấy về tận nhà". Napoléon làu bàu: "Thế thì nhiều người đưa tiễn quá nhỉ!".--PageBreak--

Sau bữa tối hôm ấy có biểu diễn âm nhạc. Juliette hầu như không nghe thấy âm thanh gì vì cảm thấy vô cùng khó ở trước ánh mắt đeo bám riết róng của Napoléon. Cuối cùng, Napoléon lại gần nàng và hỏi: "Nàng có yêu âm nhạc không?". Và cũng đúng lúc ấy, Lucien lại xuất hiện: "Juliette, chúng ta đi chơi bài đi!". Napoléon lại làu bàu: "Ta không thích những trò vô ích". Tổng tài thứ nhất cáu kỉnh: Bao mỹ nữ sẵn sàng quỳ dưới chân ông, vậy mà vợ một chủ nhà băng lại không mảy may rung động!

Nạn nhân đầu tiên là cha của Juliette. Ông bị buộc tội thân với lực lượng bảo hoàng và bị tống giam. Juliette chạy chọt bao nhiêu chỗ nhưng vô ích. May nhờ một người bạn xả thân thì bố nàng mới thoát khỏi vòng lao lý. Tưởng như sóng đã yên biển đã lặng, nhưng sau khi trở thành hoàng đế, Napoléon lại quyết tâm chinh phục pháo đài mang tên "Bà Récamier".

Thông qua Bộ trưởng Fouché, Napoléon muốn Juliette trở thành cung nữ. Nàng vẫn cương quyết  từ chối, thậm chí còn nhờ chồng mình nói hộ một tiếng, chẳng gì thì ông chủ nhà băng Récamier cũng đã từng đầu tư vào gia tộc Napoléon không ít. Juliette đã không lường được bụng dạ của vị hoàng đế. Ông Récamier cũng bị thanh trừng và bị đẩy đến cạnh vực phá sản. Để thoát hiểm, ông Récamier phải bán gần hết của nả để trang trải nợ nần, nhưng riêng những nữ trang quý giá của vợ thì ông không hề đụng tới: "Đó là của riêng nàng, phòng khi hoạn nạn!".

Đã 6 năm trôi qua, kể từ khi Napoléon muốn tiễn nàng về nhà nhưng dục vọng của ông vua này vẫn sôi lên sùng sục. Juliette cảm thấy rối trí nhưng trái tim nàng không muốn đầu hàng quyền lực. Rồi mẹ nàng qua đời. Để khuây khỏa, Juliette đi thăm người bạn gái hơn tuổi, nữ văn sĩ Germaine de Stael, vì mâu thuẫn với Napoléon nên chuyển sang sống lưu vong ở Thụy Sĩ.

Thương bạn theo kiểu riêng, De Stael tìm cho bạn một nhân tình. Đó là cháu nội của vua Phổ Fridrich II Đại đế, hoàng tử Auguste de Prusse. Vừa thấy Juliette, hoàng tử đã mê liền và xin cưới. Juliette cũng cảm động nên hứa sẽ về Pháp li dị chồng và khuyên hoàng tử vững tâm đợi chờ cưới xong mới chung chăn gối. Về Paris, Juliette chân thực kể chuyện cho chồng nghe.

Ông chủ nhà băng bình thản hỏi kỹ mọi điều. Rồi ông run rẩy mở ngăn kéo bí mật lấy ra một lá thư. Ông đưa cho nàng đọc. Đó là di chúc của mẹ nàng, trong đó tiết lộ một bí mật khủng khiếp: Ông chủ nhà băng Récamier mới chính là cha đẻ của nàng! Mọi sự trong quá khứ bỗng trở nên rõ ràng hơn đối với Juliette. "Thế chồng của mẹ con có biết không?" - nàng hỏi.

Ông chủ nhà băng lắc đầu. Rồi ông hứa là sáng mai ông sẽ tiến hành thủ tục li hôn. Juliette bỗng cảm thấy tim mình thắt lại. Từ bé cô đã thân thuộc với người đàn ông vui tính, tốt bụng, thương nàng hết mực này. Nay ông ấy, người cha của nàng, đang trong cảnh bần hàn. Vậy nỡ lòng nào nàng bỏ ông đi? Juliette không bàn gì tới chuyện li hôn. Nàng cự tuyệt hoàng tử Auguste de Prusse.

Rồi thời đại của Napoléon cũng kết thúc. Juliette lại về Paris mở lại salon của mình. Và nơi đó lại trở thành tụ điểm của các bậc quyền quý không chỉ của nước Pháp mà cả châu Âu. Không thiếu những bậc vương giả bày tỏ niềm yêu đối với Juliette. Thế nhưng, nàng vẫn dửng dưng. Nàng chỉ vui mỗi khi salon có sự hiện diện của nhà văn Chateaubriand.

Nàng từng biết Chateaubriand từ lâu, vì ông đã là nhân tình của bà de Stael. Nhưng tại Thụy Sĩ, nàng không mấy quan tâm tới ông. Chỉ khi về Paris, nàng cảm thấy ông mới thực sự là niềm ngưỡng vọng. Tuy nhiên, phải qua không ít thời gian, tới chiều 20/3/1819, họ mới được lần đầu hạnh phúc. Hôm đó Chateaubriand mới được hưởng diễm phúc mà không một công hầu khanh tướng nào, kể cả Napoléon, được hưởng: vào khuê phòng của Juliette!

Sáng ra, Juliette lên xe tới ngay chỗ “chồng”, nàng muốn ông cho phép nàng được li dị. Trên đường đi, nàng nghe thấy lũ trẻ bán báo rao tin về việc nhà băng Récamier sắp phá sản. Chao ôi, định mệnh trớ trêu sao, mỗi khi Juliette tới gần được hạnh phúc thì chồng nàng - cha nàng lại gặp tai họa. Và thế là nàng lại thôi bàn tới chuyện xin li dị...

Chateaubriand thất vọng và lao vào những cuộc chinh phục mới để cố quên đi Juliette. Thỉnh thoảng Juliette lại nghe thấy tin tức về một người tình mới nào đó của Chateaubriand. Nàng cố làm ra vẻ bình thản dù trong lòng nàng chỉ có một mình hình bóng của ông thôi.

Cho tới ngày 4/7/1848, bị sốt nặng, Chateaubriand trăng trối những lời như để dành riêng cho nàng: "Không phút nào là ta không nghĩ tới em". Rồi ông tắt thở. 8 tháng sau, Juliette cũng đi về thế giới bên kia cùng người tình vĩnh cửu. Nàng được mai táng tại nghĩa trang Montmartre. Đám tang có hàng trăm bè bạn. Những người phụ nữ tới đó đều mặc những bộ đồ màu trắng

Nguyên Trang
.
.