Nhà thơ-Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng:

Người canh ngọn đèn đợi sáng

Chủ Nhật, 31/01/2016, 08:00
"Canh ngọn đèn đợi sáng" là tên một bài thơ được nhà thơ - Tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng chọn làm tên cho tập thơ xuất bản năm 2013 của mình. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - một người con đất Việt vì một nỗi đau khổ riêng mà phải lưu lạc ở đất nước Nga lạnh giá. Hơn 20 năm qua, ông chưa có một giấc ngủ ngon, lúc nào cũng như đang "canh ngọn đèn đợi sáng" và đợi có tin lành về đứa con gái bị mất tích vào mùa hè năm 1993.. . 


Từ bỏ tất cả để ở lại đất nước Nga mong một ngày sẽ được gặp lại con gái, từ trong nỗi đau tột cùng Nguyễn Huy Hoàng đã "vịn vào thơ mà đứng dậy". Ông đã xuất bản trên 10 tập thơ, truyện, ký. Không những thế, nhà thơ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng còn là người có công lớn trong quá trình đưa "Truyện Kiều" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đến với độc giả Nga.

Sau khi ra mắt cuốn "Truyện Kiều" bằng tiếng Nga ở Hà Nội hồi đầu tháng 11-2015, nhà thơ - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng ở lại Việt Nam chừng hơn một tháng rồi lại trở về Nga - mảnh đất ông đã sống trong dằn vặt, khắc khoải suốt hơn hai mươi năm qua. Đã 7 lần tổ chức lễ ra mắt sách ở Hà Nội, nhưng "Truyện Kiều" bằng tiếng Nga với ông là một sự kiện trọng đại.

Suốt hơn hai năm, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cùng với nhóm biên soạn phải làm việc hết công suất để có tác phẩm ra mắt kịp dịp lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du. Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng tâm sự rằng, bởi "Truyện Kiều" là tác phẩm "vô tiền khoáng hậu", là quốc hồn quốc túy và là tác phẩm vĩ đại của dân tộc Việt, có thể so sánh ngang hàng với "Epgheni Oneghin" của Puskin. Nếu như "Epgheni Oneghin" từng được một nhà phê bình nổi tiếng của Nga  gọi là "Bách khoa toàn thư về nước Nga" thì "Truyện Kiều" cũng chính là cuốn "Bách khoa toàn thư về dân tộc Việt Nam".

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nhận định: "Trong "Truyện Kiều có bóng dáng của mọi cuộc đời, mọi số phận, mọi biến thiên của lịch sử, những đặc trưng về mặt tâm linh, xã hội của người Việt và không ai có thể nói hết về "Truyện Kiều". Tác phẩm "Truyện Kiều" đã đến với nhiều nước, đầu tiên là Pháp và các nước châu Âu, đến nay đã được dịch ra 20 thứ tiếng và có tới  35 bản dịch nên sức lan tỏa của "Truyện Kiều" khá lớn. Thế nhưng có một cường quốc về văn hóa là Nga thì "Truyện Kiều" lại chưa được dịch một cách trọn vẹn.

Trước đây, độc giả, học sinh - sinh viên Nga mới chỉ được biết đến "Truyện Kiều" qua hai bản dịch "tóm tắt" của hai dịch giả là Larin và Xterberg nhưng lại là dịch qua bản tiếng Pháp, tiếng Anh có tham khảo tiếng Trung Quốc chứ không phải dịch từ nguyên bản tiếng Việt. Vì thế, đây là niềm mong ước, nỗi trăn trở không chỉ của riêng tôi mà là của mọi văn nghệ sĩ, du học sinh từng sống và học tập tại Nga".

Và cơ duyên đã đến khi ông Phạm Xuân Sơn (cũng là người quê ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh) trở thành Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga cũng là người rất yêu văn chương và có chung nỗi ấp ủ được đưa "Truyện Kiều" đến với nước Nga và nhân dân Nga. Trong chuyến về cứu trợ bà con 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt năm 2013, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cùng Đại sứ Phạm Xuân Sơn và ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hội Người Việt tại Nga - đã cùng nhau ký bản ghi nhớ về việc dịch "Truyện Kiều" ra tiếng Nga, trong đó ông Hoàng Văn Vinh sẽ chịu trách nhiệm kêu gọi các nguồn tài trợ cho việc xuất bản.

Vì thời gian còn lại trước lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du còn lại không nhiều, với tư cách là chủ biên, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng phải chạy đôn chạy đáo để thành lập nhóm biên soạn gồm các dịch giả - chuyên gia hàng đầu về tiếng Nga ở Việt Nam như dịch giả Nguyễn Thế Khôi, Đoàn Tử Huyến, Anatoly Xocolov (tác giả cuốn từ điển Việt - Nga, rất hiểu và đã viết hàng trăm bài báo về Việt Nam). Sau khi đã "giải mã Truyện Kiều" thành văn xuôi và hiệu đính qua lại nhiều lần, công đoạn tiếp đó là phải tìm được một người dịch ra thơ Nga.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã chọn nhà thơ tài năng nhưng còn khá trẻ Vaxili Popov để đảm nhiệm việc này. Rất may mắn, nhà thơ Vaxili Popov đã làm việc hết sức, hết lòng và khi "Truyện Kiều" phiên bản tiếng Nga ra mắt ở Việt Nam anh đã đến dự và có những phát biết rất cảm động.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã mượn một câu trong "Truyện Kiều": "Công trình kể xiết mấy mươi" để nói về những khó khăn, vất vả khi nhóm biên soạn bắt tay vào dịch tác phẩm này, nhất là  khi phải vượt qua các tầng tầng lớp lớp điển tích, điển cố. Khi "Truyện Kiều" phiên bản tiếng Nga được in với 5.000 cuốn để gửi sang Nga và lễ ra mắt được tổ chức trang trọng ở Hà Nội thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và độc giả tham dự, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng vô cùng xúc động. Đồng thời cũng như trút được một gánh nặng trên vai, như trả được một món nợ với quê hương xứ sở dù chẳng có ai ép uổng hay tạo áp lực gì cho ông cả.

Nói về "Truyện Kiều", gương mặt nhà thơ - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng như sáng bừng lên trong phút chốc. Nhưng rồi gương mặt ông lại đượm buồn khi nhắc tới con gái đầu lòng Quỳnh Nga trong chuyến đi nghỉ cùng gia đình một người bạn đã mất tích ở bãi biển Sochi vào năm 1993. Năm đó, vì đã hứa với con gái nếu cháu có kết quả học tập là học sinh xuất sắc sẽ thưởng cho cháu một chuyến đi biển, nhưng do thời gian đó cả hai vợ chồng ông đang gấp rút hoàn thành luận án Tiến sĩ nên khi biết tin gia đình một người bạn sắp đi nghỉ ở Sochi thì đã gửi con gái đi cùng họ.

Không ngờ, đó là chuyến đi định mệnh, từ đó họ chẳng được thấy mặt con nữa. Quỳnh Nga đã biến mất khi vợ chồng người bạn xuống biển tắm, để cháu ngồi lại trên bờ nói chuyện với một phụ nữ lạ mặt và từ đó đến nay không tìm được tung tích gì...

Từ bỏ tương lai ở quê nhà, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cùng gia đình đã chọn cách ở lại Nga, sống cuộc sống khó khăn, vất vả, túng thiếu cho đến tận bây giờ để tìm kiếm, chờ đợi một phép mầu sẽ đến. Không chịu nổi cú sốc và nỗi đau quá lớn, vợ ông (cũng là đồng nghiệp, hai vợ chồng cùng đi nghiên cứu sinh một đợt) đã ốm liệt giường suốt 3 năm trời. Nhờ một người bạn người Nga giúp đỡ, hai vợ chồng ông đã suýt nữa thì đã gặp được nhà tiên tri mù nổi tiếng thế giới Vanga. Nhưng do gặp phải sự cố về visa, đến giờ lên máy bay rồi mà họ lại phải nuốt nước mắt ở lại.

Bìa tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng” của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng.

Cảm động trước câu chuyện của gia đình nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, nhà tiên tri Vanga đã yêu cầu ông gửi tới bà 3 viên đường đã được truyền năng lượng từ người cha và một kỷ vật của Quỳnh Nga. Qua đó, trước khi qua đời ít lâu, bà từng gửi lời tiên đoán rằng con gái ông vẫn còn sống và họ sẽ gặp lại nhau trên đất nước Nga. Nhưng đã bao năm, bao tháng, bao ngày mòn mỏi, rong ruổi dặm trường đi tìm, trông đợi tin con chưa thấy, nước mắt của cặp vợ chồng này như cũng đã đông đặc nơi đáy tim. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã tìm đến thơ để khỏa lấp nỗi nhớ thương xa xót trong những đêm dài dằng dặc vì mất ngủ. Ông tự bạch trong cuốn "Canh ngọn đèn đợi sáng": "Khi mọi thứ đã không ở trong bàn tay mình, tôi chỉ biết phó thác cho mệnh số và treo mảnh lòng xót thương của mình vào chiếc đinh hi vọng.

Và những đêm dài canh ngọn đèn đợi sáng, tôi thấp thỏm đợi một dòng tin, một lời nhắn gửi tốt lành mà tôi đã chờ đợi suốt hơn hai chục năm dài đằng đẵng: "Ba không tị với người ta/ Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này/ Ai mơ viên mãn, đủ đầy/ Ba cam phận bạc mong ngày gặp con/ Mẹ thì gầy guộc héo hon/ Cầu xin, vái mỏi, vái mòn tứ phương...".

Trong vòng 10 năm kể từ mùa hè định mệnh năm 1993 khi con gái mất tích đến năm 2005, Nguyễn Huy Hoàng đã làm không biết bao nhiêu bài thơ về con, về nỗi đau mất mát chia lìa quá lớn của mình và về những bạn bè đang vất vả bôn ba trên đất nước Nga mênh mông lạnh giá. Chỉ riêng trong khoảng thời gian này ông đã in tới 5 tập thơ là: "Ngoảnh lại", "Dư âm", "Phía bên kia trời", "Miền yêu thương", "Đa mang". Thơ Nguyễn Huy Hoàng là thơ tự sự, lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn, nhớ thương và sự cảm thông, chia sẻ với những phận người nên được rất nhiều độc giả yêu thích. Ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là tác giả của nhiều tập truyện, ký như "Matxcơva thời mở cửa", "Mưu sinh", Giáo trình "Lịch sử Văn học Nga thế kỷ XIX", Chuyên luận "Thi pháp truyện ngắn Gogol"...

Ông cũng là người làm cầu nối và là một trong các dịch giả đưa "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đến với bạn đọc Nga. Nhà thơ - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng còn có thêm một mong ước rằng, càng nhiều người đọc thơ và biết câu chuyện về con gái mình, biết đâu một ngày nào đó sẽ có người biết được tin tức gì đó để con gái có thể trở về...

Chưa bao giờ nguôi thương nhớ, chưa bao giờ hết xót xa, chưa bao giờ ngừng hi vọng, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã viết: "Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng chín/ Gió thay chiều đổi hướng những rừng cây/ Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng/ Con ở đâu trong cõi nước Nga này?"... Tôi cũng là một người mẹ. Khi đọc những dòng thơ của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng viết cho con gái Quỳnh Nga trong một chiều đông mưa lạnh của Hà Nội, tôi không thể cầm lòng được. Tôi xin được góp thêm một lời nguyện, cầu cho số phận sẽ đưa Quỳnh Nga về với gia đình nhà thơ - Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng.

Nguyệt Hà
.
.