Người bỏ nghề vì… thơ

Thứ Ba, 17/07/2007, 15:15

Chuyện nghe ra có vẻ bịa, nhưng thưa các bạn đó là sự thật. Ông là nhà văn, nhà dịch giả tiếng Tầu cự phách. Mấy năm gần đây ông phát tài vì dịch nhiều. Ông là người dịch Khổng Tử, Hàn Phi Tử… những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc.

 

Có người "tiu" ông rằng, ông tổ chức cho đám sinh viên dịch thuê cho ông, ông liếc qua và đóng cái  thương hiệu Ông Văn Tùng vào là tiền về túi ông. Nói thế thì oan cho ông quá. Chả đến nỗi thế, ông chỉ cho mấy cô chú sinh viên luyện nghề thử việc chả phải thuê mướn gì. Nhưng thôi, đó là chuyện bếp núc của việc "dịch giả dịch thật". Chuyện tôi kể là chuyện Ông Văn Tùng đùng đùng bỏ nghề dạy học vì… thơ kia.

Năm 1981, Ông Văn Tùng quyết định từ bỏ nghề dạy học. Hồi ấy ông là giáo viên văn tại một trường cấp ba thuộc Hà Tây. Ông là một giáo viên có thâm niên kha khá lại được đào tạo cơ bản. Ông học đại học từ những năm 60 thế kỷ trước, lại được đi Trung Quốc tu nghiệp thêm. Bởi thế ông mới giỏi tiếng Tầu. Với ông thì chỉ có "nỉ hảo" (tốt) chứ không có điều gì "pú hảo" (không tốt).

Vào một ngày ông viết lá đơn gửi hiệu trưởng nhà trường xin thôi nghề. Ông kể rằng cả trường ngớ người vì không hiểu sao ông Tùng lại ra về, bỏ đứt cái công việc kỹ sư tâm hồn. Ông nộp đơn cho giám hiệu xong là đạp cái xe cọc cạch đi thẳng. Trong đơn ông ghi rõ "Không đòi hỏi chế độ gì". Câu hỏi vì sao ông bỏ nghề dạy học mãi sau này không khí thoáng đãng hơn ông mới tiết lộ.

Ông kể rằng, hàng ngày lên lớp giảng những bài thơ khô khốc, có bài rất sáo rỗng, ông  thấy khó chịu. Nhưng là người thừa hành không thể cãi lại, không thể gắn ý kiến chủ quan của mình vào được. Ông Văn Tùng nhớ tới nhà thơ Đào Tiềm, thế kỷ 4 sau Công nguyên của Trung Quốc.

Ông Đào Tiềm làm quan chắc cũng không to, một hôm lính hầu thưa rằng mời quan đóng mũ áo tề chỉnh để nghênh tiếp quan trên. Đào Tiềm nghĩ làm quan chỉ có 5 đấu gạo một tháng mà khổ sở thưa gửi, khăn mũ lằng nhằng thì khổ lắm! Ông buộc dây vào mũ cánh chuồn treo lên công đường và từ quan…

Ông Văn Tùng liên tưởng đến ông Đào Tiềm mà có ý coi mình ngang ngửa Đào Tiềm chứ kém cạnh gì. Ta đây dạy học có tới 13 cân gạo mậu dịch, chứ có xoàng đâu. Thôi ta bỏ nghề vì ta không thể là con vẹt với học trò được. Thế là Ông Văn Tùng ra về và lăn lộn sống qua thời bao cấp.

Tôi nhớ hồi ấy ông đã mở quán sách đâu như phía đường xuống Cầu Biêu, Thanh Trì gì đó. Ông hay đến nhà xuất bản Quân đội nhân dân để kiếm sách hay mua về bán và cho thuê. Ngày ấy sách in ra hàng vạn cuốn mà bán hết veo. Khi ấy tôi đang là Trưởng phòng Biên tập sách Văn nghệ. Thỉnh thoảng chúng tôi vớ được những cuốn được độc giả yêu mến.

Tôi nhớ nhà văn Triệu Huấn có cuốn "Sao đen", "Đêm màu tím", nhà văn Hữu Mai có "Ông cố vấn". Ông Văn Tùng nhỏ thó, đen đúa, cóc cáy đạp cái xe cà tàng đến nhà xuất bản mua sách. Tôi gặp ông hỏi mới biết ông tên là Ông Văn Tùng. Tôi ngạc nhiên hết sức.

Ông Văn Tùng mà tôi đã đọc truyện ngắn đấy ư? Cái ông nhọn nhạy này mà viết được văn, mà sao lại phải đi buôn sách. Thế rồi tôi cố gắng giúp ông phần nào khi mua sách ở nhà xuất bản tôi đang công tác. Thi thoảng tôi ra ga Hà Nội nhìn thấy ông bán sách tại đó và bên ông một chú chó con cũng đen đúa và cóc cáy như chủ.

Ông cứ sống khốn khó nhưng thú vị vì ông được bên sách suốt 24 trên 24 giờ. Ông đam mê sách hơn cả người tình. Ông vượt qua khó khăn thời bao cấp không tem không phiếu, không cơ quan tổ chức gì cả. Ông viết văn như trời hành, mỗi bữa một cái bánh mỳ và mấy lít nước sôi để nguội.

Đùng một cái, năm 1999 người ta gọi ông đi lĩnh tiền. Ông ngạc nhiên không biết ai cho mình tiền đây. Khi đến Sở Lao động - Thương binh và xã hội ông mới ngã ngửa vì đây là tiền ông được truy lĩnh lương hưu từ năm 1981. Ồ thế ra những người thầy giáo và ngành Giáo dục Hà Tây vẫn ăn ở vẹn tình, chu đáo với ông. Mặc dù trong đơn khi ông xin nghỉ ông không nhận quyền lợi gì. Có lẽ cũng vì ông là nhà văn nổi tiếng dịch thuật nên có tác động phần nào. Ông có món tiền lớn coi như bắt được, ông làm được cái nhà.

Bây giờ ông đã có nhà cửa khang trang tại ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội. Ông ở một mình với người giúp việc. Đường tình duyên của ông cũng rất gập ghềnh như cuộc đời ông. Cô vợ xinh đẹp ngày ấy bỏ ông ra đi hình như có một lý do vì ông coi cô không bằng những cuốn sách xếp ngổn ngang trong nhà…

.
.