Người Sài Gòn năng động với báo Xuân

Thứ Bảy, 30/01/2016, 08:06
Đến năm Bính Thân 2016, tôi đã có 25 năm trong nghề cầm bút. Như mọi năm, khi Tết đến, Xuân về, tôi cùng các đồng nghiệp lại vật vã viết báo xuân. Nhà báo viết báo đã đành, các nhà văn nhà thơ cũng đua nhau sáng tác. Có người viết quên ăn mất ngủ, quên bồ quên vợ, chỉ một bóng với cà phê, thuốc lá để kịp gửi bài đến các toà soạn. Bài "cất cánh" rồi thì phấp phỏng đợi chờ và hy vọng ngày báo ra, bởi chẳng dễ gì được đăng nếu bài không thực sự hay hoặc chưa phải là cây bút có "số má". Đó cũng là hình ảnh năng động đáng yêu của người Sài Gòn đối với chuyện chữ nghĩa!


Đề cập chuyện làng văn, làng báo Việt Nam đương đại, tôi hay nghe câu: Văn Bắc, thơ Trung, báo Nam. Điều này bao hàm yếu tố môi trường lẫn con người. Dù câu nói cửa miệng ấy có cái lý của nó, nhưng rõ ràng theo thời gian tôi nhận thấy mọi thứ đã dần thay đổi, nhất là với vùng đất mới phương Nam năng động, phóng khoáng và không ngừng đổi mới, trong đó Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh là trung tâm thu hút nhân tài và vật lực.

Lịch sử cho biết miền Nam là nơi báo chí xuất hiện sớm nhất, khởi đầu bằng tờ Gia Định báo năm 1865, tiếp theo là các tờ Thông loại khoá trình, Phan Yên báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn,… Ra đời muộn hơn một chút là các tờ Công luận báo, Đông Pháp thời báo, Nam Kỳ kinh tế báo, Đuốc nhà Nam, Tân thế kỷ, Nữ giới chung, Phụ nữ tân văn, Thần chung… Đặc biệt, tuần báo Nữ giới chung (Fémina Annamite) bắt đầu ấn hành vào tháng 2-1918 do nữ sĩ Sương Nguyệt Anh sáng lập và làm chủ bút là diễn đàn báo chí đầu tiên của phụ nữ Việt Nam.

Bên cạnh những tờ báo quốc ngữ thì từ năm 1917 còn xuất hiện báo tiếng Pháp ở Sài Gòn, trước hết là tờ La Tribune Indigenedo Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai sáng lập và điều hành, kế tiếp là L' Echo Annamite, La Cloche Felee, L'Annam,La Tribune Indochinoise… Nếu như trước đó, ngoài tờ công báo Gia Định báo do chính quyền thuộc địa ấn hành, báo quốc ngữ chỉ dành thông tin đời sống xã hội đơn thuần hoặc bàn chuyện làm ăn buôn bán, đăng tải sáng tác văn chương thì sự ra đời của tờ La Tribune Indigene đã đặt dấu ấn cho việc báo chí tham gia đời sống chính trị, mà bấy giờ chủ yếu là cuộc đấu tranh giữa giới trí thức người Việt với chính quyền thuộc địa.

Bìa Báo Xuân 1962.
Bìa Báo Phụ nữ Diễn đàn năm 1964.
Trang bìa báo xuân thập niên 1950 ở Sài Gòn.

So với Bắc kỳ và Trung kỳ, thì môi trường chính trị ở Nam kỳ lúc đó thuận lợi hơn do được hưởng quy chế tự do báo chí của Chính phủ Pháp ban hành năm 1881 đối với xứ thuộc địa, cùng chính sách "Pháp - Việt đề huề" mà Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut tiến hành, nới rộng một số quyền lợi chính trị nhất định cho người dân bản xứ.

Nhờ sự phát triển và đi đầu của báo chí mà đời sống chính trị, xã hội ở Sài Gòn và Nam kỳ trong hai thập niên đầu thế kỷ XX chuyển biến mạnh mẽ, kích thích lòng yêu nước, tự tôn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt là sự xuất hiện của tờ La Cloche Felee (Chuông rè) rồi L'Annam của hai nhà trí thức lớn Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường, diễn đàn truyền bá tư tưởng cấp tiến, lên án tội ác, chống áp bức bóc lột, đối đầu trực diện mạnh mẽ với chính quyền thuộc địa...

Ngược dòng thời gian một chút để thấy sự năng động của người Sài Gòn và miền Nam đối với nghề báo. Mà không chỉ thời kỳ đầu, nhìn lại quá trình phát triển của lịch sử báo chí Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đến nay, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh luôn là nơi tiên phong từ nội dung đến hình thức và phương cách ấn hành. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, trong hoàn cảnh còn khó khăn về mọi mặt thì chính TP Hồ Chí Minh có những bứt phá ngoạn mục về truyền thông với hàng loạt sản phẩm báo chí lần lượt ra đời.

Một trong những dấu ấn không thể phủ nhận là sự xuất hiện của tạp chí khổ nhỏ Kiến thức ngày nay do nhà báo Hàn Tấn Quang sáng lập và thực hiện, tạo nên hiện tượng và hiệu ứng lan toả mạnh mẽ thú vị trong đời sống thông tin học thuật cả nước. Lúc đầu là phụ san, về sau trở thành tạp chí, Kiến thức ngày nay đã mở đầu cho sự xuất hiện hàng loạt tờ tạp chí khổ nhỏ một thời "tung hoành" khắp làng báo Việt Nam.

Khởi nghiệp nghề báo của tôi cũng chính từ Kiến thức ngày nay, bên cạnh việc cộng tác thường xuyên với nhiều tờ báo khác. Chính thời gian này tôi may mắn ra Bắc về Nam phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các vị chiến tướng dạn dày trận mạc, để sau khi đăng tải trên các báo đã tập hợp và xuất bản thành các bộ sách: “Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam”, “Phỏng vấn Người Sài Gòn”, “Phỏng vấn Người Hà Nội”, “Dạ thưa thầy!”.

Hội báo xuân Bính Thân 2016.

Trang bìa Báo Thanh Niên xuân Bính Thân.

Kể từ khi báo chí xuất hiện ở miền Nam thì dường như người Sài Gòn cũng bắt đầu thực hiện ấn phẩm xuân bằng cách gộp mấy số báo liền lại với nhau hoặc xin phép cơ quan chức năng cho ra số báo xuân đặc biệt riêng. Mỗi toà soạn còn cử một ê kíp riêng để làm báo xuân. Nhà văn Sơn Nam kể với tôi rằng, sau Hiệp định Geneva, ông từ miền Tây lên Sài Gòn vào dịp Tết Nguyên đán năm 1955, tức cái Tết đầu tiên khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam, đất nước bị chia cắt làm hai miền và ông ngạc nhiên thấy sự phong phú của báo xuân Sài Gòn.

Lúc ấy các báo chủ yếu in ở Chợ Lớn, chỉ có hai màu, còn lem nhem nhưng rất đa dạng. Ngoài đội ngũ làm báo tại nội thành thì nhiều cây bút từ chiến khu trở về hoạt động và viết lách như Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc, Thẩm Thệ Hà, Kiên Giang, Trang Thế Hy, Viễn Phương… trở thành lực lượng quan trọng bổ sung vào làng báo, làng văn Sài Gòn.

Cũng nhân chuyện báo xuân, tôi nhớ nhà văn Sơn Nam còn có cách nhìn nhận trải nghiệm chí lý: "Nghề báo cũng như mọi nghề khác. Có cái hay, có cái dở. Nhiều người nói, nó là thứ "quyền lực thứ tư", không sai. Đồng thời, người viết báo hay chưa chắc làm báo giỏi. Đừng tưởng. Người làm báo giỏi phải là người quản lý giỏi, quản lý nhân sự, quản lý tài chánh". Sự nghiệp làm báo của nhà báo Trần Tấn Quốc - người sáng lập giải cải lương Thanh Tâm trước đây, cũng như nhà báo Hàn Tấn Quang với tạp chí Kiến thức ngày nay sau này minh chứng cho điều ấy.

Đi qua chiến tranh, bước vào thời kỳ hoà bình, không khí làm báo xuân của người Sài Gòn càng sôi động hơn. Nhờ thừa hưởng khoa học kỹ thuật tiên tiến ngành in, cùng tư duy sáng tạo thẩm mỹ, càng về sau này báo xuân in càng đẹp, càng sang trọng. Nhờ bùng nổ thông tin, tư duy đổi mới thông thoáng, bài vở báo xuân cũng ngày càng phong phú, hấp dẫn và chất lượng hơn.

Ngoài những tờ báo và tạp chí có bề dày ở TP Hồ Chí Minh như Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Thanh niên, Người lao động, Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Kiến thức ngày nay, Khoa học phổ thông… thì nhiều ấn phẩm từ Hà Nội cũng hiện diện ở phương Nam như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, An ninh thế giới, Pháp luật & Cuộc sống, Tuổi trẻ & Đời sống… làm cho thị trường báo xuân càng phong phú, sôi động.

Có thể nói, nội lực mỗi toà soạn báo thể hiện qua ấn phẩm xuân. Đối với người cầm bút, bài viết được đăng báo xuân cũng phần nào thể hiện "thương hiệu" của mình. Không chỉ được nhuận bút cao gấp đôi gấp ba bình thường, mà điều quan trọng hơn khi có bài được đăng báo xuân là niềm vui chia sẻ vào dịp đầu năm mới, là vinh dự khi tên mình xuất hiện trên những tờ báo xuân uy tín. Nhìn vào thị trường báo xuân hiện nay, chúng ta cũng cảm nhận được sự năng động sáng tạo và tiên phong của con người và môi trường Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh trong làng báo cả nước. Và phần nào đó sự đánh giá "báo Nam" vẫn còn nguyên giá trị của nó!

Phan Hoàng
.
.