Nghịch lý của tình yêu

Thứ Tư, 27/07/2011, 08:10
Nhiều khán giả yêu âm nhạc Việt Nam hẳn còn chưa quên những lời ca nồng nàn từng lay động trái tim hàng triệu con người ở nhiều quốc gia: "Đào vừa ra hoa, cành theo lá đưa vờn trăng tà/ Ngoài dòng sông, màn sương trắng buông lững lờ/ Từ bến sông thoáng bóng ai in trên màn sương mờ/ Cất cao lời ca, làm rung cỏ cây ven bờ…". Đó là những câu mở đầu của bài hát "Kachiusa" nổi tiếng, mà phần lời được sáng tác bởi một cây bút rất đỗi tài năng của nước Nga: Nhà thơ Mikail Isakovsky (1900-1973).

Mặc dù được biết đến với nhiều bài thơ có nội dung phục vụ các chiến sĩ Hồng quân trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, song Isakovsky cũng rất nổi tiếng với những bài thơ ngọt ngào, nêu lên những nghịch lý trong tình cảm của con người. Bài thơ dưới đây, do dịch giả Thái Bá Tân chuyển ngữ, là một ví dụ:

Qua đồng ướt sương rơi
Theo đường mòn len lỏi
Một anh bạn tiễn tôi
Về nhà sau dạ hội. 

Tới cửa, anh lại gần
Cẩn thận nhìn sau trước
"Tôi muốn, dù một lần
Xin hôn cô, nếu được…" 

Tôi vội vàng bảo ngay
Rằng tôi không thích thế
Rằng tất nhiên điều này
Không bao giờ có thể! 

Anh chàng liền ỉu xìu
Định về ngay lúc đó
Nghĩ mình không được yêu
Ở làm gì thêm khổ 

Tôi ghé lại gần hơn:
"Mà thôi - rồi nói tiếp -
Thế anh không thể hôn
Mà không cần xin phép?"

Bất giác bài thơ làm tôi nhớ tới một mẩu chuyện vui mà tôi đọc được trên tờ báo nọ. Đại thể, có hai bạn trẻ ngồi tâm sự. Một anh thở than: "Tối hôm qua khi mình đang gượng gạo định hôn cô ấy thì nhận được một cái tát. Mình rối rít xin lỗi và hứa sẽ không bao giờ làm như thế nữa, tức thì lại bị ăn cái tát nữa đau hơn". Và chuyện kết thúc bằng một câu thắc mắc của anh ta: "Thật không hiểu ra làm sao?".

Người ta vẫn nói: Tình yêu là cả một lĩnh vực hết sức tinh vi và phức tạp. Phức tạp chính bởi những điều ta ngỡ là đơn giản, thực tế lại không hề đơn giản. Thì đó, thông qua bài thơ của Isakovsky, chúng ta thấy đường đến với tình yêu có muôn vàn lối, ngoắt ngoéo làm sao (nhiều khi mạnh bạo quá cũng chẳng hay, mà rụt rè quá cũng không tốt). Và trường hợp của chàng trai (xin phép cô gái được hôn cô) chẳng hóa ra "khách sáo" lắm sao? Nó thừa "lịch sự" nhưng lại thiếu "tế nhị"… Tuy nhiên, tình yêu vốn không phải là kinh nghiệm, cô gái trong bài thơ hiểu điều ấy và sự chấp nhận yêu cầu chàng trai ở cuối bài chính là cách cô bày tỏ quan điểm và sự "cảm thông" của mình.

Đây là một bài thơ tươi tắn, mang nhiều nét vui vẻ, trẻ trung, hợp với tâm trạng rạo rực của lứa tuổi đang yêu.

Isakovsky vốn dĩ được coi là nhà thơ am hiểu sâu sắc nông thôn Nga. Ông nổi tiếng với nhiều sáng tác viết vào giữa những năm ba mươi (của thế kỷ trước) và những năm chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Thơ ông đậm chất lãng mạn và giàu nhạc điệu. Nhiều bài được phổ nhạc và trở thành những bài hát mà thanh niên Nga rất ưa thích - trong đó có bài "Kachiusa" đã nhắc tới ở đầu bài viết này

Phan Trọng Miên
.
.