Văn nghệ sĩ qua lời kể của người thân

Nghề văn là sự lựa chọn duy nhất của ba tôi

Thứ Tư, 27/04/2011, 10:59
Một đêm mùa đông giá buốt, tôi thức dậy lúc ba giờ sáng, thấy dưới ánh đèn tù mù, ba đang khoác một cái chăn bông ngồi im phăng phắc đọc một cuốn sách tiếng Pháp. Tôi tự hỏi, vì lẽ gì ba có niềm đam mê với chữ nghĩa như vậy. Cả nhà không ai theo nghề văn, ông bà nội làm nghề buôn bán, các o và các chú cũng làm những nghề chẳng dính líu gì đến chữ nghĩa. Sau này đọc các bài viết của ba tôi và bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, tôi mới vỡ lẽ...

Khi còn bé sống ở quê mẹ (xã Đức Phúc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), tôi không hề biết ba tôi làm nghề gì. Do đầu óc non nớt, cũng do ba tôi cứ đi công tác biền biệt, lúc ở Sở Thông tin - Tuyên truyền Liên khu Tư đóng ở Nghệ An, khi đi chiến trường Bình Trị Thiên, rồi về Hội Văn nghệ Liên khu Tư, sau đó lên Việt Bắc. Năm 1955, bốn mẹ con ra Hà Nội, tôi mới biết ba làm nghề văn, nghề báo (lúc mới ra Hà Nội, gia đình ở thuê trong một cái chái bếp của một ông viên chức lưu dung, số nhà 126, phố Bà Triệu). Ba mang về đủ loại sách báo, nhà không có tủ đựng sách, ba để ngổn ngang trên giường, trên bàn. Nhiều bạn bè của ba như Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Quang Dũng, Lê Minh… đến chơi. Tôi đi học buổi sáng, buổi chiều không biết làm gì, đành vớ lấy sách báo đọc. Ngay lập tức chữ nghĩa đã cuốn hút lấy tôi. Tôi để ý đến từng thái độ, cử chỉ, câu chuyện của ba và bạn bè đồng nghiệp…

Nhà văn Bùi Hiển (bên trái) và nhà thơ Tế Hanh.

Một đêm mùa đông giá buốt, tôi thức dậy lúc ba giờ sáng, thấy dưới ánh đèn tù mù, ba đang khoác một cái chăn bông ngồi im phăng phắc đọc một cuốn sách tiếng Pháp. Tôi tự hỏi, vì lẽ gì ba có niềm đam mê với chữ nghĩa như vậy. Cả nhà không ai theo nghề văn, ông bà nội làm nghề buôn bán, các o và các chú cũng làm những nghề chẳng dính líu gì đến chữ nghĩa. Sau này đọc các bài viết của ba tôi và bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, tôi mới vỡ lẽ. Quê ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, khi ra học ở Quốc học Vinh, ba trọ học ở nhà ông Cử nhân Hồ Phi Thống (bố vợ nhà văn Đặng Thái Mai). Ở đó có một kho sách từ văn học Pháp đến văn học Việt Nam với các tác giả Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… Ba tôi cùng một số người bạn hăm hở đọc, càng đọc càng ngạc nhiên, sung sướng phát hiện ra sự kỳ diệu của tiếng Việt trong việc phản ánh cuộc sống phong phú, đa dạng xung quanh. Cùng với văn học Việt Nam thì văn học Pháp (qua các bản dịch) giúp ba tôi mở mang hiểu biết thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, còn có một tác động nữa, đó là nhà trường Việt - Pháp lúc bấy giờ. Hồi đó ở nhà trường có một ông thầy cực kỳ nguyên tắc. Nghĩa là giờ giảng bài bằng tiếng Pháp thì thầy nói bằng tiếng Pháp đã đành mà còn bắt tất cả học trò cũng phải nói với nhau bằng tiếng Pháp. Ba có lần mót tiểu nhưng vốn tiếng Pháp ít ỏi quá không biết nói sao, đành đứng dậy và chỉ xuống… đũng quần. Chắc là thầy hiểu nhưng do trò nói chưa chuẩn nên thầy bắt cả lớp nghe giảng giải là xin đi tiểu tiện, đại tiện nói tiếng Pháp ra sao. Và thầy bắt nhắc lại. Cái sự "tận tình" kéo dài ấy của thầy khiến ba không hãm nổi nên tiểu… ra quần. Từ đó ba đặt ra quyết tâm là phải học cho giỏi tiếng Pháp để có thể đọc trực tiếp tác phẩm bằng tiếng Pháp. Việc đọc này giúp nâng cao trình độ lên rất nhiều.

Lòng ham mê viết văn có mầm mống từ đó. Khi làm công chức ở Vinh, ba bắt đầu tập dượt viết văn. Được một người bạn thân khích lệ: "Văn anh có một vẻ đặc biệt, đó là đặc tính tôi thích nhất trong văn chương", ba tôi mạnh dạn gởi truyện "Nằm vạ" cho Báo Ngày nay ngoài Hà Nội. Truyện được in vào tháng 9-1940 với lời đề tựa trang trọng của Thạch Lam. Mắt như hoa lên, không đọc nổi gì được nữa, ba nhảy phóc lên xe đạp phóng bạt mạng qua hàng chục đường phố, may mà không lao vào ôtô. Tháng 7-1941, tập truyện ngắn mang tựa đề "Nằm vạ" ra mắt bạn đọc. Con đường văn chương của ba tôi được khai thông từ đó.

Những năm tháng sống ở phố Bà Triệu, đi làm về ba thường hay vui đùa với tôi vì là con trai út. Ba kể chuyện tiếu lâm, chuyện vui vui mà ba gặp dọc đường. Sau trận cười sảng khoái, ba thường tự thưởng bằng cách sai đi mua thuốc lá. Tôi cầm tiền ra ngã tư Trần Nhân Tông - Bà Triệu mua vài điếu Tam Đảo, Trường Sơn. Thuở ấy tôi hay lang thang dọc đường Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du đổ dế, bắt ve. Có lần bắt được chú ve, tôi cho bám vào cây chanh, đến đêm chú ve lột vỏ, ba ra xem cùng vẻ thích thú.

Những năm chiến tranh, gia đình tôi mỗi người một ngả. Bà, mẹ và em gái đi sơ tán ở Bến Đục, Chùa Hương. Anh trai đầu đi Đức, anh trai thứ hai đi bộ đội, tôi dạy học ở Quốc Oai. Mình ba bám trụ ở Hà Nội. Mẹ tôi làm ở thư viện Hội Nhà văn luôn luôn chu đáo, lo lắng cho chồng con. Mẹ đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho ba. Ba thường thích ăn món mì sợi đập thêm một quả trứng, bỏ ít hành tỏi, hạt tiêu. Ba vừa ăn vừa ngẫm nghĩ. Ba đã viết trong căn nhà vắng lặng, vắng lặng đến nỗi một tiếng thạch sùng cũng làm vang động cả khu nhà. Có những đợt mọi người trở về Hà Nội thì không khí bỗng trở nên rộn rịp và căn nhà bỗng chật chội. Có lúc ba viết ở nhà, có khi phải lên Hội Nhà văn hoặc trại sáng tác ở Quảng Bá. "Một lần vào ngày Chủ nhật - Ba tôi kể - gặp ông Thi ngồi viết, hai anh hai cái bàn ngồi quay lưng vào nhau cho dễ viết". Ba vẫn có thói quen thức khuya suy nghĩ, nghiền ngẫm cho chín rồi mới viết. Để không ảnh hưởng đến giấc ngủ vợ con, ba thường đóng cửa đi lại dọc hành lang, thỉnh thoảng ngồi bệt xuống bậc cầu thang, điếu thuốc lá đỏ lập lòe.

Năm 1972, ba từ Hội Nhà văn chuyển công tác về Nhà xuất bản Văn học. Mười hai ngày đêm bom B52, ba bám trụ ở Hà Nội để viết bài cho các báo, phản ánh kịp thời khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân và dân Hà Nội. Có một chuyện vui: Ba tôi được giải thưởng truyện ngắn hay của Báo Văn nghệ. Truyện ngắn này không phải tưởng tượng nhiều, chất liệu lấy từ cuộc sống gia đình tôi. Nhận giải thưởng ba cũng hứng khởi đạp xe như thời được in truyện ngắn "Nằm vạ" nhưng không dám đạp nhanh vì trong phần thưởng có cái… phích.

Nghề văn chính là sự lựa chọn duy nhất của ba để cống hiến cho xã hội. Nghề văn cũng là nghề tạo thêm thu nhập - tuy ít ỏi nhưng rất sạch sẽ để phụ thêm vào đồng lương hưu khiêm tốn. Từ năm 1981, ba tôi chuyển về sống tại căn hộ 401 nhà G2 khu tập thể Trung Tự (các nhà văn, nhà thơ Vũ Ngọc Phan, Hoàng Minh Châu, Phan Quang, Phạm Tiến Duật cũng ở cùng khu nhà này). Nhà chật, bàn làm việc của ba áp sát tường, ngay lối cửa ra vào. Đêm ba cặm cụi đọc, mở từ điển tìm từ để dịch, giở tài liệu để tra cứu và cặm cụi viết, dịch. Những lúc không làm việc ở bàn, ba đi lại trong căn hộ chật hẹp ngẫm nghĩ. Những đêm hè oi nồng ba vừa đi lại vừa thỉnh thoảng phẩy quạt cho cả nhà thêm làn gió mát. Những năm tám mươi, đến khuya nước mới được bơm lên các tầng trên, ba kết hợp vừa làm việc vừa hứng nước. Thường thức khuya như vậy ba ngủ đến bảy giờ sáng mới dậy, pha cà phê uống và ăn sáng rồi ngồi vào bàn. Buổi trưa thức dậy lúc khoảng hai giờ, uống thêm một cữ cà phê nữa rồi làm việc. Bữa ăn trưa và chiều có món ăn tươi, ba uống một ly rượu thuốc. Tôi thấy ba sống và làm việc như vậy mà ngạc nhiên, khâm phục vô cùng. Những biến động phức tạp của giá cả, của xã hội, của đời sống văn nghệ, là người nhạy bén, thức thời, ba đều nhận biết. Nhưng ba vẫn kiên trì điềm tĩnh làm cái công việc văn chương của mình. Dịch những cuốn sách dày cộp "ngồi cọm cả lưng suốt ba tháng trời mới xong" - Ba nói. Ba viết ký tương đối nhanh nhưng viết truyện thì kỹ lưỡng, cẩn thận vô cùng. "Phải nghiền ngẫm" - như ba tâm sự - hàng vài năm, nhanh nhất là vài tháng mới ra được truyện ngắn. Ba trăn trở từ nhân vật, cốt truyện, câu chữ để làm sao mỗi truyện tạo được ấn tượng trong bạn đọc. Kể cả khi đọc tác phẩm ba cũng đọc kỹ rồi mới phát biểu ý kiến. Tôi nhớ lần hội thảo về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, ba đọc đi đọc lại truyện "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" và cứ trăn trở về cách xây dựng nhân vật người đàn bà có thuyết phục không.

Thường trong bữa cơm hoặc lúc ngồi uống nước, ba hay kể chuyện các bạn bè văn nghệ của mình. Chuyện ông Lưu Trọng Lư hồi ở Văn nghệ Liên khu Tư nói nhịu: "Chúng ta phải phát triển ca ve hò dào". Ông đãng trí đến mức mặc áo sơ mi quên xỏ ống tay lại khoác cái áo bông ở ngoài, thành thử dưới cái áo bông có cái… đuôi. Nhà thơ Hoàng Trung Thông uống rượu say đạp xe dọc đường không phân biệt được ôtô và xe đạp nữa nên mới có câu thơ: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Ôtô, xe đạp cũng là như nhau". Nhà thơ Xuân Diệu thì nói: "Bị báo này, đài nọ hối thúc nhiều khi cũng bực mình, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng vui vì còn cái duyên già. Không có duyên thì xã hội họ com-măng mình làm gì". Chế Lan Viên là bạn thân của ba tôi, ba hay kể về những kỷ niệm cùng hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên. Mỗi khi nhắc đến việc Chế Lan Viên qua đời sớm ở tuổi sáu chín, ba bồi hồi xúc động: "Tội nghiệp". Kể về bác Nguyễn Tuân, ba nhắc tới những bức thư trao đổi văn chương của bác từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước, bức thư nào cũng có họa tiết cánh buồm căng trong gió, lướt trên biển với tựa đề "Gió đã lên".

Nhiều năm làm trong Ban Chấp hành, Ban thường vụ Hội Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, ba luôn luôn là trung tâm đoàn kết. Nhiều bạn văn nhận xét: Bùi Hiển sống hiền lành, đôn hậu, hóm hỉnh, được nhiều người quý mến. Tôi xin nói thêm điều này: Ba tôi sống rất khiêm nhường. Hồi làm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, ba đã ngoài bảy mươi tuổi, ba nói với tôi: "Ba thường nói với anh em, lúc nào thấy tôi nêu vấn đề mà không kết được nữa thì bấm để tôi xin rút lui khỏi chức chủ tịch".

Nhớ về ba tôi, tôi nghĩ về một thế hệ nhà văn cùng thời với ba. Họ giàu tâm huyết, dấn thân, gắn bó thiết tha với vận mệnh dân tộc, đất nước, người tài ít tài nhiều nhưng đều có đóng góp cho văn học nước nhà

Bùi Quang Tú (Con trai nhà văn Bùi Hiển)
.
.