Nghe thấy một tiếng vọng

Thứ Bảy, 15/06/2019, 16:42
Nhà thơ Trần Lê Văn tên thật là Trần Văn Lễ. Ông sinh ra ở làng Vị Xuyên (Nam Định), cái làng quê có con sông Vị Hoàng mà "Sông kia rày đã lên đồng" như trong thơ Tú Xương. 


Tâm hồn nhà thơ vốn mong manh, chới với.

Có ai nghe thấy một tiếng vọng
Thì thả con thuyền sang với tôi

Mỗi lần đọc câu thơ trên của nhà thơ Trần Lê Văn, tôi lại một lần bần thần xúc động. Với ai, chứ như con người ông đủ bản lĩnh, đã từng chịu bao thăng trầm, bao phiền muộn; ấy vậy cũng phải kêu lên một tiếng kêu chới với. Hai câu thơ trên trong bài thơ "Tiếng vọng" viết năm 1986, khi ông đã  sáu mươi ba tuổi. Xem ra, đủ thấy nỗi buồn không dành cho riêng ai và nó cũng chả kiềng tuổi tác nào.

"Có ai nghe thấy một tiếng vọng", người đọc đủ biết, không phải đơn thuần tiếng gọi đò, mà đây là tiếng gọi tìm bạn tri âm tri kỷ. Sự đời, tiếng gọi đò, đò sang, đã là khó. Ở đây, tiếng gọi lòng, tiếng tri âm tri kỷ, thì càng khó biết bao nhiêu. Ai sẽ là đồng vọng tiếng gọi kia, để thả con thuyền tri âm sang? Xem ra, con người, nhất là  thi nhân, thì sự mong manh, chới với, cô liêu thăm thẳm biết nhường nào.

 Nhà thơ Trần Lê Văn tên thật là Trần Văn Lễ. Ông sinh ra ở làng Vị Xuyên (Nam Định), cái làng quê có con sông Vị Hoàng mà "Sông kia rày đã lên đồng" như trong thơ Tú Xương.

Lớn lên trong gia đình nhà nho, ông sớm được học và tiếp thu, ảnh hưởng của nho giáo do người cha truyền lại. Đến bậc trung học, lại được học tiếng Pháp. Vì thế văn hoá Đông Tây sớm ảnh hưởng tới nhận thức của ông. Trong tâm sự, ông có nói về kiến thức của mình thuộc "tầm tầm bậc trung". Ông tự nhận có ảnh hưởng của trào lưu Thơ Mới và các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Chất trữ tình trào lộng thấm sâu trong nếp nghĩ, lối sống của ông.

Nhà thơ Trần Lê Văn.

Ông là người hoạt động văn học sớm. Năm 1948, bài thơ "Qua sườn Tam Đảo" của ông đã được giải nhì của Hội Văn nghệ Liên khu III. Năm 1951, bài thơ "Rang thóc" của ông được giải nhì của Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Trước khi làm công tác văn nghệ, ông từng công tác trong ngành giáo dục ở Sơn La. Vì vậy, miền đất này có nhiều ảnh hưởng đến sáng tác và đời tư của ông. Ông cũng từng là cán bộ biên tập ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Tuần báo Văn nghệ.

Tôi được biết ông khi ông về công tác ở Sở Văn hóa Hà Tây, sau thời gian dài làm việc ở Hà Nội mà ông có gặp nhiều trắc trở. Đấy là năm 1977, ông biên tập tập sách khảo cứu "Nghề đẹp quê hương", tập sách viết về các nghề thủ công truyền thống, tôi có được tham dự bài vở.

Theo tôi, thời điểm ấy, đấy là tập sách đầu tiên nghiên cứu công phu về nghề thủ công truyền thống của một địa phương. Trong tập, nhà thơ Trần Lê Văn có hai bài viết nghiên cứu, giới thiệu về nghề dệt gấm và nghề chạm gỗ khá kỹ lưỡng, nhiều tư liệu quý.

Tập thơ đầu tiên của nhà thơ Trần Lê Văn là tập "Rừng biển quê hương", in chung với nhà thơ Quang Dũng, năm 1957. Ông là người viết cẩn thận. Sau hơn hai mươi năm, năm 1979, ông mới cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ hai, tập "Giàn mướp hương". Năm 1987, in tập thơ thứ ba, có bài thơ "Tiếng vọng" (đồng thời là tên tập sách) mà nhiều bạn văn tâm đắc.

Không làm được thơ ngắn
Đành phải làm thơ dài
Khó nói bằng im lặng
Đành phải nói bằng lời...

Mối tình tri âm tri kỷ trong văn đàn có nhiều. Nhưng tình thâm giao bộ ba Quang Dũng - Trần Lê Văn - Ngô Quân Miện thì nhiều người trong giới văn chương phải ghi nhận. Hình như cả ba nhà thơ này cùng lắm nỗi lận đận trong phận đời và phận đạo. Ba nhà thơ, ba dáng vóc bề ngoài khác nhau. Người cao người thấp, người béo người gầy, ấy vậy, tâm tình ba người như một. Điều tôi nghĩ đáng noi theo, là cả bộ ba này rất ít khi các ông nói về nỗi truân chuyên, lận đận của đời mình.

Sinh thời, nhà thơ Quang Dũng nói, đời sống vốn tự nó đã vất vả, nói lại vất vả làm gì cho nó nặng lòng. Bộ ba nhà thơ này, qua các trang viết hình như chỉ nói nhiều đến niềm vui và sự tin yêu. Phải chăng, các ông thấy nên làm như thế, phải làm như thế, để cuộc sống đáng yêu hơn. Bộ ba nhà thơ này chơi thân nhau từ năm đầu hoà bình lập lại trên miền Bắc. Họ như hình với bóng của nhau. Năm 1988, thương nhà thơ Quang Dũng lâm bệnh mất, hai nhà thơ còn lại càng gắn bó với nhau hơn.

Nhà thơ Trần Lê Văn luôn có ý thức với cường độ lao động nghệ thuật của mình. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết bút ký, khảo cứu. Các tập "Thung mơ Hương Tích" (1974); "Sông núi Điện Biên" (1979); "Hoa Hà Nội" (1981); "Gương mặt Hồ Tây" (1984)... là những tập bút ký giàu tư liệu và giàu chất văn. Ngoài ra, ông còn tham gia dịch thơ chữ Hán, đi nói chuyện thơ ở nhiều địa phương.

Tự xác định mình là nhà hoạt động văn hoá, ông không màng chức tước, tiền bạc, ông dồn tất cả tâm sức cho lao động nghệ thuật. Tám mươi tuổi, ông vẫn ham đi thực tế. Qua mỗi miền đất, ông đều muốn ghi chép lại cảm xúc, suy tư, trải nghiệm của mình. Trong một bài thơ viết cuối xuân 1986, ông tâm sự:

Những tháng ngày qua không nghỉ ngơi
Đường đi mải miết chẳng rong chơi...

Thời chống Mỹ cứu nước, đời sống các nhà văn, nhà thơ đều vất vả. Ấy vậy, niềm tin yêu cuộc sống thì thật cao. Năm đầu chống Mỹ, nhà thơ đã vững bước tiễn con ra trận, để rồi người con trai của nhà thơ mãi mãi không về. Anh đã hy sinh cho Tổ quốc. Trong một chuyến đi thực tế đường Trường Sơn, ông bàng hoàng thương con trai mình:

Ngã xuống nơi nào? Đau lắm không con?
Cha chẳng thể đỡ con ngồi dậy được!

Qua thơ, ông giãi bày nỗi lòng riêng của ông:

Trưa hè ấy, cha tiễn con lên đường
Chia tay mà vĩnh biệt!
Chỉ biết nhìn trời muôn vạn vì sao
Thôi đành cậy nhờ thăm thẳm tầng cao
Muôn vạn vì sao làm muôn vàn nến thắp
Những ngọn nến không bao giờ tắt
Cho ấm nơi đất lạnh, con nằm

Gặp gỡ ông, bề ngoài, luôn thấy sự nồng nhiệt, da diết, như để lấp đậy tâm tư chất chứa bên trong. "Quơ lấy vui buồn ôm trĩu tay". Sau phút giây băn khoăn, là nỗi niềm nhỏ nhẹ, khiêm nhường.

Trong báo trong thơ thường thấy tên
Cốt là họp mặt với anh em


Rồi con người thi sỹ lại thôi thúc ông:

Nhiều quyển sách hay, bao giờ đọc?
Nhiều vùng đất đẹp, bao giờ thăm?
Bài thơ hay nhất, bao giờ viết?

Đọc những dòng thơ này, tôi hoàn toàn tin đó là tâm sự thật của ông, tâm tư một nhà thơ hết lòng với cuộc sống.

*            

Nhà thơ, như luôn chấp nhận sự trớ trêu của số phận.

Buổi chiều mưa phùn lây rây, nhà thơ Lữ Giang lọc cọc  đạp xe đến nhà tôi, báo tin: "Ông Văn bị cưa mất một chân rồi!". Tôi vội đến thăm ông. Ngôi nhà tĩnh lặng lùi sau dãy phố buôn bán ồn ã. Nhà thơ  vật vã đau đớn, gầy guộc, già nua, nằm trên chiếc giường ở căn phòng nhỏ có giá sách xếp ngay ngắn. Trong cơn đau nhức nhạt nhoà, nom ông mà vô cùng ái ngại.

Tôi nhìn bốn bài thơ xuân ông chép trên giấy điều, dán cạnh giường nằm, như để tự nhủ mình. Tôi thêm thấy niềm tin và nghị lực sống ở ông. Phải lúc lâu, qua cơn đau, ông mới gượng nói được, là tiếc quá bàn chân vừa bị cắt bỏ. Bệnh hoại thư trước kia đã cướp cả tứ chi nhà thơ tài hoa bạc mệnh Trần Huyền Trân, nay lại cướp đi bàn chân nhà thơ Trần Lê Văn.

Ông lại nhớ nhà thơ đi nạng Hoàng Tố Nguyên, bạn ông. Rồi ông mong sớm phục hồi sức khoẻ, để sớm được lắp chân giả, để lại đi tiếp con đường gập ghềnh, đầy vất vả và cũng lắm mộng mơ của nghiệp chữ nghĩa mình đã chọn.

Bà Văn kể rằng, dứt cơn đau, ông Văn lại nói thèm đi đây đi đó. Bà biết tính của ông, người viết phải nằm một chỗ là buồn bực vì bó chân bó cẳng. Bà thèm bạn của ông đến chơi, chuyện trò, để ông khuây khỏa. Mà những người bạn thân của ông Văn ngày cũng đi vợi dần. Những người còn lại cũng ốm đau, già yếu cả. Tuổi già, buồn bã nó cứ đến sầm sập. Bà kể, một hôm trên đường Trần Quốc Toản, nhìn thấy bóng dáng người đàn ông cao cao, đi xiêu xiêu, mệt mỏi. Bà nhận ra đấy là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, bạn của chồng mình. Bà càng chạnh lòng thương chồng, thương các nhà thơ, nhà văn trang lứa chồng mình khi tuổi quá chiều.

Nhà thơ Trần Lê Văn mất năm 2005, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ Ngô Quân Miện, người bạn chí cốt nói về sự ra đi của nhà thơ Trần Lê Văn, ấy là "Trái tim tất bật" đã chấp nhận nghỉ yên. Nhà thơ Trần Lê Văn miệt mài lao động sáng tạo cho đến giây phút cuối cùng.

Mỗi lần nhớ về nhà thơ Trần Lê Văn, tôi lại nhớ câu thơ gan ruột của ông gửi mọi người "Có ai nghe thấy một tiếng vọng...". Tôi nhận thấy, đấy là nỗi cô đơn, chới với, mong manh của thân phận thi sỹ nhỏ bé trong cõi nhân gian rộng lớn, mênh mang.

Vũ Từ Trang
.
.