Nghệ sĩ ưu tú Quang Phác và câu chuyện về hai người vợ

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:22
Hai bài hát nổi tiếng đó là "Hồ trên núi" của Phó Đức Phương và "Hò biển" của Nguyễn Cường. Và người ca sĩ hát hay nhất là NSƯT Quang Phác - nguyên giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Chẳng những nhiều người nói, mà bản thân hai nhạc sĩ trên cũng phải công nhận điều này. Và  Quang Phác đã như một cái bóng lớn trùm lấp để chưa ai vượt được qua - riêng ở việc thể hiện hai bài này. 

Tuy nhiên, cuộc đời người ca sĩ có cái tên có thể chưa quen biết với nhiều người nhưng lại thể hiện rất thành công hai bài hát vừa nhắc để trở nên nổi tiếng thì lại có nhiều điều thực sự thú vị mà chưa mấy ai biết.

Cuộc hôn nhân đẹp như mơ với người cháu họ

Năm 1964, Quang Phác 23 tuổi, là giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam, sau khi vừa tốt nghiệp trung cấp, ông được giữ lại giảng dạy. Trường này là tiền thân của Nhạc viện Quốc gia ngày nay. Ông có bà chị họ xa làm việc ở Bệnh viện C (Hà Nội). Bà này góa chồng, có hai con gái. Do ở tập thể chật chội nên phải gửi mỗi đứa con một nơi. Cô chị tên Lê Thị Kim Phúc gửi ở nhà Quang Phác tại phố Nhà Hỏa. Vậy là Phúc phải gọi Quang Phác là cậu.

Nhà nghèo, không có điều kiện học lên, Phúc phải sớm đi làm, trở thành thợ dệt tại Nhà máy Dệt 8-3. Cô kém Quang Phác 4 tuổi, phổng phao, xinh đẹp, ngoan hiền khiến ông "cậu" đem lòng thổn thức. Còn cô cháu thì cảm ông cậu hát hay, hiền hòa, rất mực chiều mình.

Nhiều người dị nghị việc đôi trai gái có họ hàng yêu nhau. Nhưng cha, mẹ của Quang Phác thì ra sức ủng hộ, đã tuyên bố: "Chúng nó yêu nhau là chính đáng. Luật pháp chỉ không cho phép có họ từ 3 đời trở xuống kết hôn. Đằng này trên 3 đời nên cứ yên tâm". Thế là từ đó, đôi trẻ được công khai yêu nhau.

Quang Phác nhỏ thó, khi ấy chỉ nặng 45kg và cao 1m52, trong khi Kim Phúc nặng trên 50kg và cao 1m62. Con gái ngày ấy mà cao, nặng như vậy là hiếm. Quang Phác thấy mình như nằm mơ khi chiếm được trái tim người đẹp. Tuy chàng thấp bé nhẹ cân hơn mình khá nhiều nhưng Phúc vẫn bất chấp. Vậy nên lúc nào Phúc cũng chỉ đi đôi dép Thái Lan, còn Phác thì phải đến hiệu đóng giày cao 5- 6cm để rút bớt độ chênh lệch về hình hài.

Ngày ấy, không có những quán ca-fé đèn mờ để thuận tiện cho các cặp tình nhân gặp gỡ như bây giờ. Vậy nên điểm hẹn chỉ có thể là công viên. Những buổi tối thứ bảy thường rất đông trai gái hò hẹn. Vậy nên các ghế đá hết từ rất sớm. Những lần như thế, Phúc và Phác phải đứng ở gốc cây. Bao giờ Phác cũng đứng ở trên, có thế đất cao hơn, có lẽ là… cho tiện việc hôn nhau. Bởi nếu đứng dưới thì Phác sẽ phải kiễng chân. Có khi kiễng rồi mà vẫn khó thực hiện.

Không thể kéo dài mãi thời gian yêu nhau, lại sống trong một nhà nên bố mẹ Quang Phác quyết định cho đôi trẻ cưới nhau. Thế là đám cưới diễn ra khi chú rể mới 23 và cô dâu 19 tuổi.

NSƯT Quang Phác và người vợ đầu Kim Phúc.

Có lẽ vì còn quá trẻ, rất ít hiểu biết về đời sống hôn nhân nên Phúc đã bị sảy thai liên tục 3 lần. Đến năm 1968, nghĩa là 4 năm sau, đến lần mang thai thứ 4, Phúc mới sinh con thành công. Quá mừng vui, lại thấy vợ xinh đẹp, Quang Phác bàn với vợ đẻ liên tiếp cho "bõ". Và 3 đứa nữa đã liên tục ra đời.

Mọi người đã từng truy vấn ông, hỏi đẻ nhiều như vậy, "là nghệ sĩ không ngượng sao" thì Quang Phác trả lời: "Chẳng việc gì phải ngượng, nhiều con sẽ có nhiều phúc. Vợ mình xinh đẹp nên mình muốn có nhiều con cho giống mẹ". Có người hỏi: "Chỉ bà xã cao, đẹp, còn mình thì lùn, bé nhỏ, nhỡ chúng nó mang nhiều gen cha thì sao?". Quang Phác trả lời: "Cộng hai người lại thì chúng cũng vẫn không đến nỗi gì". Mọi người lại cật vấn ông: "Vượt quy định 2 đứa, không bị cơ quan kỷ luật sao?". Quang Phác trả lời: "Hồi đó chưa có quy định cán bộ, công nhân viên chỉ được sinh 2 con nên không bị sao".

Hai vợ chồng hưởng lương Nhà nước 3 cọc, 3 đồng. Ngày ấy, ca sĩ biểu diễn không có cátxê khủng như ngày nay, chỉ được bồi dưỡng khoản tiền rất "tượng trưng", có khi chỉ đủ ăn mấy bát phở hoặc chỉ là cân đường, hộp sữa. Vậy mà vợ chồng Quang Phác vẫn nuôi được 4 con ăn học đàng hoàng. Đứa út học đàn bầu ở Nhạc viện Hà Nội. Ngôi nhà đơn sơ nhưng rất hạnh phúc, luôn đầy ắp tiếng cười. Quang Phác bảo rằng, đó là những năm tháng ông hạnh phúc nhất, không mong gì hơn với người vợ cực kỳ mãn nguyện, với những đứa con ngoan, thảo hiền.

Nhưng thiên đường hạnh phúc ấy chỉ tồn tại đúng 1/4 thế kỷ.

Định mệnh nghiệt ngã

25 năm sau, định mệnh nghiệt ngã ập đến với Quang Phác. Năm 1989, người vợ rất đỗi yêu quý của ông qua đời bởi căn bệnh ung thư trực tràng. Ông bị cú sốc quá lớn, phải hơn một năm sau mới trở lại bình thường. Lúc này ông 48 tuổi. Phúc đón nhận cái chết thật kỳ lạ.

Biết rõ mình sắp vĩnh biệt chồng con, chị vận bộ trang phục đẹp nhất mà chồng vẫn ưa thích mỗi khi hai người đi chơi rồi lấy mỹ phẩm ra trang điểm. Chị tô son, thoa phấn cầu kỳ hơn mọi lần. Vốn xinh đẹp, chị lại càng rực rỡ hơn lúc nào. Chị nói: "Em đi đây. Anh chăm lo cho các con chu đáo giúp em nhé", cứ như một cuộc đi đâu mọi ngày vậy. Không có gì là bi lụy, càng không khóc. Rồi chị nhận ra cái lạnh toát cứ lan dần từ chân lên đến cổ rồi tới mặt. Và mấy phút sau, chị ngừng thở, vĩnh viễn ra đi. Giờ đây, đã qua gần 30 năm nhưng mỗi lần nhớ lại phút lâm chung của Phúc, Quang Phác vẫn không cầm được nước mắt.

Số phận tưởng đã an bài. Ngỡ rằng người nghệ sĩ có giọng hát hay, rất ngọt ngào, truyền cảm sớm góa vợ sẽ yên phận với công việc, với đàn cháu nội ngoại đông đúc và tìm nguồn vui trong cả trăm học trò đang thụ giáo mình. Nào ngờ, định mệnh lại gõ cửa Quang Phác một lần nữa. Nhưng không biết lần này nói ông là gặp được hạnh phúc hay ngược lại đây?

Số là đang dạy ở Nhạc viện Hà Nội, ông được Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc, họa Trung ương mời về làm Phó rồi Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc ở trường này. Tại đây, khi đó có một cô giáo dạy họa tên Lê Hồng Hạnh đã gần 40 tuổi nhưng vẫn còn lẻ bóng. Cô cũng mới chuyển về trường này từ Yên Bái, đã cảm thông người ca sĩ cô đơn. Hạnh đã vượt qua lệ thường là "Trâu phải tìm cọc" mà ngỏ lời muốn nâng khăn sửa túi cho Quang Phác. Nhưng Quang Phác rất chân thành nói với Hạnh: "Anh rất cảm ơn tình cảm của em dành cho anh. Vợ anh mới mất được 2 năm. Song, điều quan trọng là anh suốt đời chỉ yêu chị ấy, không thể yêu ai được nữa".

NSƯT Quang Phác và người vợ sau Hồng Hạnh. 

Thấy Hồng Hạnh quá tha thiết, ông đành phải nói với cô: "Nhưng em có chịu được tình trạng sống với em mà lúc nào anh cũng nghĩ đến chị Phúc không?". Hạnh nói: "Em chấp nhận tất cả, chỉ cần được sống với anh, chăm sóc anh". "Vậy là anh đã nói trước đấy nhé, vì anh không muốn giấu giếm điều ắt là sẽ xảy đến với anh khi sống cùng bất cứ ai sau chị Phúc".

Và sau khi đã "thông" và hứa sẽ không ghen ngược, Quang Phác đã cưới Hạnh. Đám cưới được cơ quan thông cảm, ủng hộ, thậm chí còn vun vào, nhưng các con của Quang Phác thì không đồng tình. Không phải vì họ ích kỷ, mà vì thấy Hạnh còn nhiều khiếm khuyết, khó có thể đem được hạnh phúc đến cho cha mình. Nhưng lâu dần, do thương cha, do thấy dì Hạnh cũng tốt mà dần trở nên thông cảm, chấp nhận.

Cuộc hôn nhân lần thứ hai cho Quang Phác thêm cậu con trai tên Dũng. Tuy không được viên mãn như cuộc sống với Kim Phúc, nhưng Hồng Hạnh cũng là một người vợ tốt, tận tụy với chồng con nên đã khiến Quang Phác băng rịt được vết thương tâm hồn tưởng như sẽ suốt đời rỉ máu từ sự ra đi của người vợ trước.

Cuộc sống đang yên ổn thì một tai họa lại ập đến với ông. Cách đây 8 năm, một lần, Hạnh ngã cầu thang, bị chấn thương sọ não. Quang Phác phải ở liền trong bệnh viện cả tháng để chăm sóc vợ, chỉ thi thoảng mới tạt về nhà. Cậu con trai Dũng do lơi lỏng sự quản lý của bố mẹ nên đã suốt ngày bỏ bê học tập, lao vào trò chơi điện tử, dẫn đến bị tâm thần phân liệt, phải vào Bệnh viện Thường Tín điều trị.

Trong một thời gian dài, Quang Phác cứ như con thoi đi lại giữa hai bệnh viện lo cho vợ, con. Đến nay, chị Hạnh bị liệt nửa người, phải nằm tại chỗ, lại bị hỏng dây thần kinh nói nên muốn thể hiện điều gì chỉ ra ám hiệu bằng tay và phát âm ú ớ. Còn cậu con trai thì đã 23 tuổi, suốt ngày chỉ ăn, ngủ, không làm được gì. Cậu nặng tới 80kg, bụng to đùng, có chu vi tới 1m.

Đã 8 năm nay, Quang Phác phải chăm lo vợ, con như thế, trong khi ông đã bước sang tuổi 75, một chân cũng bị tật sau một tai nạn giao thông, đi lại rất khó khăn. Mọi việc trong nhà, từ quét, dọn nhà cửa đến lo cơm nước, giặt giũ và phục dịch vợ con ốm yếu, tật nguyền, tất tật đều trông vào một tay ông. Các con riêng cũng đến giúp đỡ nhưng do họ đều bận cuộc mưu sinh mà không thể qua lại thường xuyên.

Cam go, hoàn cảnh là vậy nhưng Quang Phác luôn vui vẻ, lạc quan, vẫn đi giảng dạy ở nhiều nơi, thỉnh thoảng vẫn về quê ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hát phục vụ bà con mỗi dịp hội hè, lễ Tết miễn phí. Nhiều người ái ngại hoàn cảnh Quang Phác, cho rằng ông quá bất hạnh, điêu linh. Nhưng ông lại không thấy như vậy mà luôn nghĩ mình may mắn, vì xuất thân nông dân, nhà rất nghèo, lại được học hành âm nhạc đến nơi đến chốn, được Nhà nước phong Nghệ sĩ ưu tú. Ông biết ơn chế độ, biết ơn công chúng đã hâm mộ ông ít nhất qua hai bài hát đã nói. Một nghệ sĩ có suy nghĩ lạc quan, tích cực, một tấm gương về đạo lý, sự tử tế, trách nhiệm cao với vợ con quả là đáng kính trọng.

Kiều Thẩm
.
.