Nghệ sĩ Vương Cảnh và những ngày tháng long đong

Thứ Năm, 08/12/2011, 08:00
Vương Cảnh đến với nghệ thuật cải lương bằng một sự say mê thiên bẩm. Một lần, trong lúc đi chơi ở ấp Phước Định, gặp ông thầy bảy đàn cò, anh ngẫu hứng hát, bị ông bảy đàn cò mắng: "Mày về ăn tám giạ lúa cũng không ca được!". Từ lời nói "khích" của ông bảy, Vương Cảnh đã dày công học trong thiên hạ, phấn đấu nên nghề nên nghiệp...

Nghệ sĩ Vương Cảnh tên thật là Nguyễn Sơn Hùng. Anh từng đoạt Huy chương Vàng toàn quốc năm 1990 với vở "Tình không biên giới" của Đoàn Cải lương Trung Hiếu (Bộ Công an); Bằng khen của Bộ Công an năm 1990. Anh là một trong 15 giọng ca được chọn trao Giải thưởng Trần Hữu Trang năm 1991. Ngoài là một nghệ sĩ cải lương, Vương Cảnh còn tham gia đóng phim. Hiện anh đang tham gia một vai diễn trong bộ phim màn ảnh rộng "Chuyện tình của anh" (đạo diễn Võ Hữu Phước) sẽ được khởi chiếu vào tháng 12 tới.

Thuở nhỏ, mẹ con Vương Cảnh được cậu hai Lù bên Phước Định cho miếng đất cất căn chòi để ở. Chỉ có hai mẹ con sớm tối quây quần, cha thì không nhận, mẹ phải đi phụ bán quán cho dì ba để kiếm tiền nuôi con. Hoàn cảnh đưa đẩy khiến anh đi tu từ nhỏ. Cho đến năm 13 tuổi anh xin sư thầy thôi tu về đi làm mướn nuôi mẹ. Anh đã trải qua tuổi thơ ấu cơ cực, làm mướn đủ nghề từ hái cóc, hái xoài cho đến cắt lúa mướn.

27 Tết năm ấy, anh làm được 18 giạ lúa. Anh ghé Sa Đéc bán tám giạ, còn 10 giạ đem về nhà để hai mẹ con có cái Tết vui. 28, 29 Tết bạn bè rủ đi cắt được thêm hai giạ. Tối 30 về nhà thấy mẹ khóc cho biết nhà bị trộm vơ vét sạch. Cũng may anh vừa có hai giạ lúa. Đêm 30 Tết, chợ không còn bán quần áo, Vương Cảnh đành ở nhà nằm co ro đón giao thừa. Sáng mồng một, bạn bè cắt lúa sang rủ đi chơi, anh mặc cảm không đi. Bạn bè năn nỉ quá, chiều bạn, anh chụp vội lên người bộ quần áo vá chằng vá chụp. Ra đường mọi người nhìn, lắc đầu: "Chắc không có ai nghèo như thằng này, đúng là Hùng sầu đời". Đến rạp xem phim "Bạch Tuyết và bảy chú lùn", người bảo vệ đuổi anh ra vì nghĩ anh đi trộm đồ.

Vương Cảnh đến với nghệ thuật cải lương bằng một sự say mê thiên bẩm.  Một lần, trong lúc đi chơi ở ấp Phước Định, gặp ông thầy bảy đàn cò, anh ngẫu hứng hát, bị ông bảy đàn cò mắng: "Mày về ăn tám giạ lúa cũng không ca được!". Từ lời nói "khích" của ông bảy, Vương Cảnh đã dày công học trong thiên hạ, phấn đấu nên nghề nên nghiệp. 

Khi hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long sáp nhập lại thành Vĩnh Trà, Vương Cảnh xin về Đoàn Cải lương Cửu Long. Anh vừa làm tiền đài, hậu đài vừa làm quân sĩ. Bị sai vặt từ dọn nhà vệ sinh, đến giặt áo quần cho kép chánh, nhưng vì đam mê được lên sân khấu anh nhẫn nhục chịu đựng. Dịp may, vợ của hề Thanh Hồng sanh con, Thanh Hồng phải nghỉ hai tháng. Không có ai hát hài, trưởng đoàn hỏi, anh nhận hát. Sau đó kép độc bị bệnh phải nghỉ, anh thay làm kép độc với vở tuồng đầu tiên là "Mai An Tiêm". Khi đó Vương Cảnh mới 20 tuổi phải hóa trang thành ông già 70 tuổi. Từ quân sĩ, hát hài lên kép chánh, chẳng may trong một đêm diễn vở "Tình yêu và đại nghĩa", Vương Cảnh bị người bạn diễn chém, phải khâu ba mũi ở mũi.

Úi xùi mãi trong nghiệp diễn, có lần Vương Cảnh (bấy giờ còn lấy nghệ danh là Châu Sơn Hùng - ba anh họ Châu) lơ vơ nghĩ: Có khi tại cái nghệ danh? Anh lần lượt đổi nghệ danh sang Sơn Hùng, rồi Giang Hùng, Vương Hùng. Sau này, khi sang Đoàn Cải lương Tiền Giang, anh mới đổi thành Vương Cảnh.

Anh kể: "Một buổi sáng tôi đang đi lang thang thì gặp một cụ bà. Cụ bảo cho gặp trưởng đoàn, tôi hỏi cụ gặp có chuyện gì. Cụ bảo: "Nghệ sĩ Vương Cảnh trẻ, đẹp trai nhưng hát dở quá, phải bảo ông bầu đổi chứ không tụi tui quyết không xem nữa". Tôi đâm buồn nhưng vì hết tiền mua gà cúng đổi tên nên đành…để vậy. Nhiều người lầm tưởng cho rằng, vì tôi "dựa tiếng" hai giọng ca Minh Cảnh và Minh Vương đang lên nên ghép tên của họ thành nghệ danh của mình. Nghĩ cũng buồn!".

Giờ đây, khi đã thành danh, khán giả thường thấy Vương Cảnh xuất hiện trong các chương trình từ thiện. Trong một lần bốc thăm may mắn, anh trúng một hạt kim cương 4,2 ly. Vương Cảnh đã đem đấu giá tặng Quỹ Hỗ trợ nghệ sĩ nghèo của Báo Sân Khấu Tp HCM. "Tôi nghĩ mà thương cuộc đời của những người nghèo cùng cảnh ngộ như tôi ngày xưa: Tết không có quần áo mới mặc".

Vương Cảnh sinh năm 1960 - tuổi Canh Tý - mạng Bích thượng thổ. Rất tiếc anh sinh nhằm mùa đông nên đời có hơi vất vả, lao đao. Bạn bè có thơ vui rằng: "Còn gì đâu nữa để hơn thua/ Xuống tóc hai phen trước cổng chùa/ Nằm ngủ nhớ hoài đời hát xướng/ Khi thì làm tướng, lúc làm vua"

Nguyễn Tý - Thoại Khanh
.
.