Ngày ấy họ cưới nhau như thế

Thứ Sáu, 15/02/2013, 08:00

Đám cưới mà tác giả nêu trong bài viết này diễn ra cách đây 40 năm trong bối cảnh như vậy. Cô dâu và chú rể cùng công tác ở đơn vị Quân y huyện Châu Thành, Bến Tre, là đơn vị hàng xóm với cụm chúng tôi. Chú rể tên là Đông (Sáu Đông), quê ở xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày. Cô dâu quê ở huyện Giồng Trôm. Hai miền quê cách nhau con sông Hàm Luông. Dòng sông máu và nước mắt một thời.

Những tháng cuối năm, ấy là mùa uyên ương xây tổ ấm. Từ nông thôn tới thành thị tưng bừng bước vào mùa cưới. Thiệp hồng bay phơi phới. Ở thôn quê, các gia đình làm dịch vụ cho thuê bàn ghế, đĩa bát, phông màn phục vụ đám cưới cứ gọi là chạy luân phiên mệt nghỉ giữa mùa hốt bạc. Ở thành thị, hiện tượng "cháy" phòng cưới là chuyện bình thường. Đăng ký trước cả năm mới hòng chiếm được nơi đắc địa ưng ý cả hai bên dâu, rể. Ấy là chưa kể những khách sạn nhiều sao, được gắn cái mác sang trọng, nơi không phải ai cũng dám vào đăng ký mà vẫn cứ xếp hàng dài thườn thượt.

Sinh ra ở xứ quê. Lớn lên đi lính rồi vào chiến trường. Kết thúc chiến tranh trở thành cư dân thành phố. Trời run rủi cho làm cái nghề được đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với mọi giai tầng xã hội và cố nhiên quen biết cũng lắm. Bởi thế, trong những cuộc đại hỷ của người quen, đều được tưng bừng cụng ly, chạm cốc. Từ cao sang, phung phí, khoe khoang đến kệch cỡm bởi đám cưới của một số đại gia, của hàng "trâm anh thế phiệt", tới những đám cưới tiệc trà dung dị giữa phố thị phồn hoa mà vẫn chan hòa tình nghĩa. Những lúc như thế, lại chạnh lòng nhớ chiến trường xưa, nhớ đồng đội cũ, nhớ những đám cưới của một thời xa lơ xa lắc nơi chiến trường máu lửa.

Đám cưới ở vùng ven

Đó là vùng giáp ranh giữa ta với địch. Ở chiến trường miền Nam, nơi nào cũng có những vùng đặc thù như thế: ngày địch quản lý; đêm ta hoạt động. Cố nhiên, lòng dân thuộc về ta. Quân với dân như cá với nước. Dân bám trụ để làm ăn sinh sống cũng là vì Cách mạng. Kiên quyết không vào ấp chiến lược, phá khu gom dân trở về nhà xưa, vườn cũ cũng là để chống âm mưu thâm độc của địch: "Tách cá khỏi nước".

Thời ấy, căn cứ bám trụ của đơn vị chúng tôi ở xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre cách ven đồng nơi dân sinh sống chừng 300 mét. Chừng ấy thôi, nhưng là một thế giới riêng biệt. Cuộc sống vẫn tưng bừng rộn rã, nhất là mỗi mùa Tết đến. Giặc càn quét, phối hợp với du kích địa phương bám trụ chống càn. Giặc đi rồi lại tưng bừng rộn rã. Mỗi năm vào mùa Tết, trong khu vực căn cứ cũng có vài ba đám cưới. Nhiều đám, nàng dâu lại là cô gái quê dừa An Phước chính hiệu.

Thời đó, cơ quan, đơn vị nào có đám cưới là xôn xao cả vùng, trở thành niềm vui chung của "liên cơ" (các cơ quan sống cùng một địa bàn), tất cả đều có trách nhiệm góp người, góp sức với tinh thần: "Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em".

Đám cưới thời đó giản đơn lắm, chỉ có tiệc trà và ca hát chúc mừng. Không có thủ tục đám hỏi, không xem tuổi xem ngày, không váy cưới nhiều tầng, không phù dâu phù rể, không cha mẹ đôi bên…, chỉ có anh em đồng đội tứ phương họp lại. Vậy mà, đám cưới nào cũng vui như hội.

Đám cưới mà tác giả nêu trong bài viết này diễn ra cách đây 40 năm trong bối cảnh như vậy. Cô dâu và chú rể cùng công tác ở đơn vị Quân y huyện Châu Thành, Bến Tre, là đơn vị hàng xóm với cụm chúng tôi. Chú rể tên là Đông (Sáu Đông), quê ở xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày. Cô dâu quê ở huyện Giồng Trôm. Hai miền quê cách nhau con sông Hàm Luông. Dòng sông máu và nước mắt một thời.

Công tác chuẩn bị cho lễ vu quy

Một góc “phòng cưới’’ tại căn cứ vùng ven.

Chừng 3 ngày trước khi tổ chức đám cưới, Mười Nguyện (Đỗ Văn Nguyện) - cán bộ đơn vị Quân y, với trách nhiệm Trưởng ban tổ chức, sang mời đơn vị chúng tôi và bàn công tác phối hợp chuẩn bị. Cố nhiên việc này giao cho Chi đoàn Thanh niên. Song, với cương vị cấp ủy phụ trách đoàn thể nên tôi cũng vào cuộc luôn.

Việc đầu tiên là xây dựng và trang trí "hội trường". Bàn đi tính lại rồi đi tới thống nhất: Sửa sang cái lán lợp bằng lá dừa nước dựng trên nền nhà cũ của dân bị địch đốt trước đó mấy năm; ghép mấy mảnh dù pháo sáng làm phông. Tôi cố trổ tài "họa sĩ cấp xóm" của mình, dùng phấn trắng vẽ một đôi chim câu châu mỏ vào với nhau, trên nền một tờ giấy xanh, đính vào giữa phông. Viết hai khẩu hiệu đính hai bên, nội dung y trang một đám cưới đời sống mới ở quê tôi ngày nào: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Vế bên kia là 2 câu lục bát ghép tên cô dâu chú rể: "Đông - Hoa xây dựng gia đình/ Vui trong duyên mới thắm tình quê hương". Thôi thì "cây nhà lá vườn", được anh em vỗ tay cổ vũ là oách rồi. Còn cái khoản chỗ ngồi cho khách có phần nhiêu khê và tốn công hơn. Hai bờ mương dừa phía trước "hội trường" được dọn sạch, san phẳng. Huy động lực lượng thanh niên toàn "liên cơ" thực hiện hai việc: nữ chẻ tre bện bàn; nam cưa dừa và cau khô làm ghế. Mỗi bàn đều được trải lên một tấm áo mưa. Chả kiếm đâu ra đĩa, nên bánh kẹo cứ bày trực tiếp xuống bàn. Toàn đặc sản quê dừa: kẹo dừa, mứt dừa, kẹo chuối dừa… Nước chè (trà) pha trực tiếp vào nồi nấu cơm, múc ra các bát ăn cơm mời quan khách. Bộ phận lễ tân chọn toàn nam thanh nữ tú của "liên cơ". Cô cậu nào cũng tươi như hoa. Bà con ngoài ven đồng vào xem đám cưới, ai cũng hết lời khen: "Đám cưới của quân giải phóng vui ơi là vui, đẹp ơi là đẹp, thật hết ý!".

Văn nghệ và quà mừng

Đám cưới thời đó, dẫu ở vùng tranh chấp hay ở chiến khu, "thực đơn" chủ yếu là văn nghệ. Văn nghệ chiếm tới ba phần tư thời gian. Chia làm hai phần: Phần nghi lễ và phần văn nghệ. Về nghi lễ, Trưởng ban tổ chức giới thiệu cô dâu, chú rể, thành phần tham dự. Tiếp đó là lời phát biểu của lãnh đạo đơn vị. Nội dung chủ yếu là căn dặn đôi vợ chồng mới với tinh thần "vui gia đình không quên nhiệm vụ". Tiếp đó là lời hứa hẹn của cô dâu, chú rể. Phần cuối là lời phát biểu chúc mừng của anh em đồng đội.

Nội dung thứ hai là chương trình văn nghệ. Chủ yếu là tự phát. Tuy nhiên, Ban tổ chức vẫn phải chuẩn bị một số tiết mục làm nền và lấp chỗ trống.

Hôm ấy, chú rể diện quần Tẹc Rông, áo NinFrăng màu xanh nhạt. Cô dâu diện áo cánh màu thiên thanh. Chẳng phấn son gì mà hai má cứ hồng lên.

Quà mừng hồi đó, bây giờ kể ra buồn cười lắm. Chủ yếu là khăn mặt, xà phòng thơm, bút bi, vở viết, kem và bàn chải đánh răng… Ai cũng bớt tiền phụ cấp tiêu vặt để mua.

Anh em đơn vị chúng tôi hôm đó cũng có quà mừng. Họ "chơi trội" hơn mọi người. Có mấy chiếc khăn mặt với đôi vỏ gối mà đựng vào chiếc hộp giấy to tướng, vuông vức, mỗi chiều dễ đến 40cm, được bọc bằng giấy hồng điều, còn ghi dòng chữ thật giật gân: "Đề nghị cô dâu, chú rể mở quà này tại hội trường". Điều giật gân hơn khiến mọi người ngỡ ngàng khi thấy hai thanh niên khiêng thùng quà mừng vào. Có tiếng xì xầm đây đó: "Này! Họ tặng cái gì mà bí mật thế nhỉ?". "Lạ thiệt, quà mừng gì mà nặng thế? Đề nghị cô dâu, chú rể mở thử coi"…

Theo "kịch bản" của anh em đơn vị là sau lời phát biểu và tham gia văn nghệ của tôi, sẽ mời cô dâu, chú rể ra cùng mở quà và cùng giơ lên cho toàn mọi người biết.

Ở đơn vị hồi đó, tôi tự phong cho mình là "ca sĩ vườn". Hát chả ra gì nhưng được cái thuộc nhiều bài. Trước khi bước vào hôn lễ, Mười Nguyện "đặt cọc" với tôi: "Đề nghị anh Ba Dương phải tham gia ít nhất hai bài hát và phải có một bài thơ tặng cô dâu, chú rể". Vì nhiều tiết mục góp vui nên tôi chỉ hát một bài. Định chọn người hát đôi bài "Trước ngày hội bắn", nhưng chẳng ai thuộc nên đành phải độc diễn. Sau tràng pháo tay nổi lên cổ vũ, tôi rút trong túi ra bài thơ sáng tác vội trên vỏ bao thuốc lá ARA, đọc trước hôn lễ. Bài thơ có tựa đề "Duyên quê" với nội dung: "Em ở Giồng Trôm/ Quê anh Đa Phước Hội/ Từ em sang anh con sông Hàm ngăn lối/ Mà ta vẫn hẹn hò dệt nghĩa yêu thương/ Anh đón em về qua sóng bạc Hàm Luông/ Thuở xưa Chức Nữ - Ngưu Lang/ Muốn gặp nhau phải mượn cầu Ô Thước/ Ngày nay ta về xây tổ uyên ương/ Nhờ con thuyền Cách mạng/ Bên anh cam vàng trĩu ngọt/ Bên em bát ngát dừa xanh/ Đạn bom cày xới tan tành/ Mà ta vẫn dệt nghĩa tình trăm năm/ Một thời sống giữa đạn bom/ Vẫn chung thủy với quê hương đảo dừa/ Hàm Luông ơi hãy đợi chờ/ Ngày tan chinh chiến rợp cờ vàng sao/ Phà qua Vàm lớn rước dâu/ Em về Đa Phước có tàu đón đưa/ Lại xanh, xanh mướt rừng dừa/ Lại vàng trĩu ngọt cam mùa quê anh/ Bao thương nhớ bấy nhiêu tình/ Tình xưa hai đứa chúng mình duyên quê". Tiếng pháo tay lại nổi lên. Bài thơ này, sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đã đưa in báo và năm 2010, đưa vào tập "Thơ tình một thuở" của tôi gồm 99 bài thơ tình, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.

Trở lại với đêm lễ thành hôn. Đọc xong bài thơ, tôi mời cô dâu và chú rể ra chỗ bàn để quà mừng, với đôi lời phi lộ: "Thưa quý vị! Nhân ngày vui của đôi bạn trẻ, cán bộ, chiến sĩ, Đoàn thanh niên đơn vị chúng tôi có chút quà nhỏ (tôi chỉ tay vào chiếc hộp giấy, khiến tiếng cười rộ lên). Xin mời cô dâu và chú rể cùng mở hộp quà và công bố cho mọi người được biết". Tất cả lặng im như nín thở, chờ xem điều bí mật trong chiếc hộp quà. Rồi, bỗng pháo tay nổi lên cùng tiếng reo hò làm vang động cả rừng dừa: "Trời ơi! Bầu… Trái bầu to đùng"; "Giỏi, giỏi… Anh nào nghĩ ra chuyện này hay thiệt, ý nghĩa lắm!... Kiểu này chắc năm tới có tiếng o oe của con nít rồi".

Vâng! Đó là trái bầu be to nhất trong vườn tăng gia của đơn vị chúng tôi, anh em đã bí mật mang tới hội hôn. Chuyện đã 40 năm trôi qua, dịp 30 tháng Tư vừa rồi gặp lại Mười Nguyện ở thành phố Bến Tre, anh còn nhắc lại với tôi về trái bầu năm ấy. Nhắc tới những kỷ niệm của một thời không thể nào quên.

Bến Tre năm 1972. Hà Nội cuối năm Thìn 2012 

Khổng Minh Dụ
.
.