Chuyện làng văn nghệ

Ngắn nhất và nhanh nhất

Thứ Hai, 19/03/2012, 08:00

Câu trả lời hóm và đưa ra được hình ảnh minh họa sinh động nhất về đề tài "chung thủy" có lẽ là câu trả lời của nhà văn Pháp Andre Maurois (1885-1967). Khi được hỏi: "Trong số những người đàn bà tóc bạch kim, tóc hung, tóc đen… thì loại nào ăn ở chung tình nhất", nhà văn hóm hỉnh trả lời: "Chỉ có đàn bà tóc đã… bạc là ăn ở chung tình nhất".

Kỷ lục diễn văn khai mạc hội nghị… ngắn nhất nhất thế giới có lẽ thuộc về nhà thơ, nhà soạn kịch người Đức Bertholt Brecht (1898 - 1956). Lần ấy, ông được mời tới dự một hội nghị văn học và bất ngờ bị Ban tổ chức đề nghị thay mặt Chủ tịch đoàn lên phát biểu khai mạc hội nghị. Là người thừa khả năng hùng biện, song vì nhận thấy lời giới thiệu của người dẫn chương trình quá vòng vèo, dài dòng nên trước các ống kính máy quay phim, chụp ảnh hướng về mình dày đặc, Brecht đã dõng dạc nói to: "Tôi xin khai mạc cuộc hội nghị ngày hôm nay". Đúng một câu. Nói xong, nhà thơ vụt ngồi xuống. Trước thái độ nghiêm trang của Brecht, hội nghị cũng theo đó chuyển ngay vào phần nội dung chính. Mọi sự lại hóa ra thiết thực, hiệu quả.

Kỷ lục về một bức thư ít chữ nhất (nhưng vẫn đủ nội dung) hẳn thuộc về bức thư của nhà văn Anh Rudyard Kipling (1865-1936). Lần ấy, Kipling nhận được một bức thư kèm 3,75 quan tiền. Chủ nhân của bức thư cho biết, ông ta rất hâm mộ văn tài của Kipling, song vì hoàn cảnh túng bấn nên muốn nhà văn… bán cho ông ta một bài văn với chỉ một chữ thôi, nhưng một chữ ấy làm sao phải khiến ông ta hài lòng. Đọc xong bức thư, Kipling điềm nhiên bỏ tiền vào túi và viết thư phúc đáp. Nội dung chỉ vẻn vẹn một chữ "Merci" (cám ơn).

Bức thư có "tên người nhận" và "địa chỉ" ngắn nhất có lẽ là bức thư của một độc giả Pháp sống ở thế kỷ XIX. Người này, ngoài bì thư chỉ đề vẻn vẹn dòng chữ "Gửi nhà thơ vĩ đại nhất của nước Pháp". Vì nội dung quá "súc tích" mà các nhân viên bưu chính đã bị mấy phen "bé cài nhầm". Họ mang lá thư tới cho Victor Hugo (1802-1885), chắc mẩm thư được gửi cho ông. Nhận được lá thư, Hugo vội đánh xe ngựa tới nhà Alphonse Lamartine, đinh ninh chỉ có Lamartine mới xứng với lời xưng tụng "nhà thơ vĩ đại nhất nước Pháp". Hai nhà thơ đùn đẩy nhau hồi lâu, cuối cùng họ bóc phong bì và bắt gặp dòng chữ: "Alfred De Mussel thân mến!". Thì ra đó là bức thư gửi cho Mussel (1810-1857), cũng là một nhà thơ lớn của nước Pháp thời ấy.

Khả năng phán đoán người vào loại nhanh nhất có lẽ thuộc về một lái xe tắc xi người Pháp khi anh này chở nhà văn trinh thám nổi tiếng của nước Anh là Arthur Conan Doyle (1859-1930) về khách sạn. Khi Doyle trả tiền, anh ta cất tiếng: "Xin cảm ơn ngài Arthur Conan Doyle!". Cha đẻ của thám tử Sherlock Holmes ngạc nhiên: "Sao anh biết tên tôi". "Thưa ngài, tên ngài chẳng ghi rành rành trên vali đó thôi" -  Anh tài xế nọ hồn nhiên đáp. 

Nói lên nguyện vọng của mình một cách ngắn nhất, hóm nhất và có ý nghĩa nhất có lẽ là trường hợp của nhà văn Pháp Marcel Proust (1871-1922). Một lần, có người hỏi nhà văn rằng nếu được ban một điều ước duy nhất thì ông sẽ chọn điều gì, Proust đáp: "Chết trẻ càng muộn càng tốt"

Đào Thanh
.
.