Năm 2016- năm Henryk Sienkiewicz

Thứ Ba, 22/11/2016, 08:04
Henryk Sienkiewicz sinh ra trong một gia đình quý tộc giàu lòng yêu nước. Đến tuổi đi học, do ảnh hưởng của các biến động trong nền kinh tế, gia đình chuyển về Warszawa. Học xong trung học, năm 1870 ông vào học Đại học Warszawa, lúc đầu học luật và y khoa, sau chuyển sang văn và sử...

H. Sienkiewicz là cộng tác viên thường xuyên của các báo Przeglad Tygodniowy, Gazeta Polska, Niwa, Slowo và bắt đầu gây được sự chú ý với tiểu thuyết Namarne  (Phí hoài, 1871), các truyện ngắn Stary sluga (Người đầy tớ già, 1875), Hania (1876), đồng thời ông cũng trở thành một nhà báo được thừa nhận tài năng.

Năm 1876, tờ Gazeta Polska cấp tiền cho Sienkiewicz đi Mỹ với điều kiện đổi lại là ông phải viết một loạt bài về Hoa Kỳ. Các truyện Người gác đèn biển (Latarnik), Ở xứ vàng (W krainie zlota), Những nhầm lẫn khôi hài (Komedia z pomylek)… ông viết trong thời kỳ này.

Từ 1878 ông trở về châu Âu, đi nhiều nước, viết báo, viết văn và diễn thuyết. Năm 1888 ông in tiểu thuyết Ta trzecia (Nàng thứ ba). Năm 1879, Sienkiewicz trở thành chủ bút một tờ nhật báo mới ở Ba Lan. Ba lần lấy vợ; vợ đầu có hai con nhưng chết sớm. 

Sau khi về Ba Lan, Sienkiewicz bắt đầu sáng tác những tác phẩm dài hơi và nổi tiếng với bộ ba tiểu thuyết Potop (Trận hồng thủy - 1884 - 1886), Pan Wolodyjowski (Ngài Wolodyjowski - 1887 - 1888), Ogniem i mieczem (Bằng lửa và gươm - 1883 - 1884) - viết về các sự kiện diễn ra hồi thế kỉ 17, trong thời gian chiến tranh giữa người Ba Lan với người Kozak, người Thụy Điển và người Thổ Nhĩ Kỳ.

Dịch giả Lê Bá Thự bên tượng đài Henryk Sienkiewicz.

Trong các năm 1897 - 1899 ông viết tiểu thuyết Krzyzacy (Hiệp sĩ Thập tự)…  Sau đó Sienkiewicz viết hai tiểu thuyết về cuộc sống hiện đại là Bez dogmatu (Không có giáo điều) và Rodzina Polanieckich (Gia đình Polanieckich), còn vào những năm 1895-1896  ông viết tiểu thuyết Quo vadis kể về các cuộc khủng bố tàn bạo tín đồ thiên chúa giáo thời Nêrô bạo chúa cổ La Mã, và với thiên tiểu thuyết nổi tiếng này năm 1905 ông đã được tặng Giải thưởng Nobel văn học.

H. Sienkiewicz cũng rất thành công trong lĩnh vực viết truyện cho thanh thiếu niên mà cuốn "Trên sa mạc và trong rừng thẳm" là đỉnh cao của thành công này. Trong sự nghiệp văn chương của H. Sienkiewicz, thành công lớn nhất và cũng là đóng góp lớn nhất đối với nền văn học Ba Lan và thế giới là các tiểu thuyết lịch sử, trong đó ông đề cao lòng nghĩa hiệp, tinh thần hy sinh vì độc lập tự do, giữ gìn giá trị và bản sắc dân tộc. 

Thông qua các tác phẩm văn học, báo chí và hoạt động xã hội của mình, H. Sienkiewicz đã thức tỉnh ý thức và lòng tự hào dân tộc, giáo dục tình yêu Tổ quốc.

Cùng với nhà văn dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, người đã dịch nhiều tác phẩm lớn của Henryk Sienkiewicz sang tiếng Việt, tôi cũng đã chuyển ngữ một số truyện vừa, truyện ngắn và tiểu thuyết của ông. Đó là những truyện đã được in trong tập  Nàng Thứ Ba: "Nhạc công đại phong cầm ở làng Ponikla", "Hai nữ tác giả", "Ánh sáng chốn u minh", "Chiêm bao", "Người gác đèn biển", "Những nhầm lẫn khôi hài", "Ở xứ vàng và Nàng Thư Ba".

Các truyện "Ánh sáng chốn u minh" và "Nhạc công đại phong cầm ở làng Ponikla" đưa ta vào lãnh địa của giới văn nghệ sĩ Ba Lan những năm cực kỳ cam go, sống nghèo khổ, thiếu thốn, nhưng vẫn say mê, vẫn đam mê, vẫn lao động hết mình vì nghệ thuật. Truyện "Ở xứ vàng" phản ánh cuộc sống lắm gian truân, nhiều mạo hiểm, rủi ro, liên miên chém giết lẫn nhau giữa những người đào vàng hòng tìm vận may ở vùng Sacramento hoang vu.

Dẫu vậy ở đó vẫn không thiếu tình yêu cao thượng mà mối tình giữa Raux, chàng trai thợ đào vàng, với tiểu thư Meri là một một thí dụ. Còn truyện "Những nhầm lẫn khôi hài" lại phản ánh cuộc sống cực kỳ phức tạp tại một thị trấn mới hình thành ở miền hoang sơ nước Mỹ, toàn dân tứ chiếng, tuy họ có nhiều sự hiểu nhầm đến độ khôi hài, nhưng rốt cuộc mọi chuyện đều suôn sẻ, ấm áp tình người và câu chuyện kết thúc có hậu.

Năm 1967 điện ảnh Ba Lan đã cho trình làng bộ phim hài  "Những nhầm lẫn khôi hài", chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của H. Sienkiewicz, do Jerzy Zarzycki đạo diễn, nữ diễn viên Iga Cembrzynska đóng vai cô Lora Neuman, nam diễn viên Zdzislaw Maklakiewicz đóng vai người đàn ông Đức Hans Kasche.

Truyện ngắn "Hai nữ tác giả", một truyện ngắn viết về trẻ em, cho ta hiểu thấu đáo hơn thế giới nội tâm của những đứa trẻ nhiều kỳ vọng, thích làm người lớn. Lòng yêu Tổ quốc, yêu quê hương của những người Ba Lan xa xứ, đi kiếm ăn nơi đất khách quê người, được phản ánh thật cảm dộng trong kiệt tác "Người gác đèn biển" mà ông già Skawinski, người gác đèn biển trên một đảo nhỏ, nhân vật chính trong truyện, là một điển hình.

Truyện ngắn "Chiêm bao" khiến ta giật mình, rởn tóc gáy về những chuyện tâm linh. "Nàng Thứ Ba", tiểu thuyết mỏng, dày trăm trang, nhưng là một truyện hay, nhiều humor, viết về cuộc sống lên bổng xuống chìm song cũng đầy lãng mạn và thơ mộng của giới hoạ sĩ Ba Lan ngày trước.

Cho tới nay Henryk Sienkiewicz là nhà văn vô địch Ba Lan về số lần cũng như số lượng sách được tái bản ở trong và ngoài nước. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Chỉ riêng trong thời gian từ năm 1945 đến 1961 các tác phẩm của H. Sienkiewicz đã 313 lần được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, nhiều tác phẩm được đưa lên sân khấu và màn ảnh, đưa vào giảng dạy trong nhà trường, là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu.

Năm 1913 lần đầu tiên "Quo vadis" được dựng thành phim ở Italia và từ đó đến nay đã trên chục lần bộ tiểu thuyết này được chuyển thể, đưa lên màn ảnh. Đầu năm 1999 ngành điện ảnh Ba Lan đã hoàn thành bộ phim "Bằng lửa và gươm", dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên của ông. Đây là bộ phim hoành tráng, công phu và tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh Ba Lan cho đến thời điểm đó. Như vậy, tiểu thuyết lịch sử bộ ba của H. Sienkiewicz, gồm: Bằng lửa và gươm, "Trận hồng thủy", và "Ngài Wolodyjowski", đã được đưa lên màn ảnh, trọn bộ cả ba quyển.

Khi chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra, H. Sienkiewicz rời quê sang sống ở nước Thụy Sĩ trung lập, làm việc trong tổ chức Hồng thập tự Ba Lan. Henryk Sienkiewicz qua đời ngày 15 tháng 11 năm 1916 tại Vevey, Thụy Sĩ. Năm 1924 thi hài ông đã được đưa về lưu giữ tại nhà thờ Thánh Jan ở thủ đô Warszawa.

Ngày 18 tháng 12 năm 2015, Thượng viện Ba Lan đã thông qua nghị quyết lấy năm 2016, năm kỉ niệm 100 năm ngày mất của ông, làm Năm Henryk Sienkiewicz. Thông qua nghị quyết này, Thượng viện Ba Lan muốn tôn vinh và tưởng niệm trọng thể một Người Ba Lan vĩ đại, góp phần truyền bá các tác phẩm và những tư tưởng lớn của ông thể hiện trong các tác phẩm của mình, đó là, lòng yêu nước, giữ gìn bản sắc và các giá trị Ba Lan truyền thống.

Trong những năm vừa qua, chúng tôi, những dịch giả văn học Ba Lan, những người tôn vinh và đam mê nền văn học của đất nước đại bàng trắng, đã làm việc hết mình để chuyển ngữ thành công gần 100 đầu sách văn học Ba Lan, cả cổ điển lẫn đương đại, sang tiếng Việt, trong đó có nhiều tác phẩm của nhà văn Henryk Sienkiewicz.

Riêng cá nhân tôi đã in 26 đầu sách văn học Ba Lan.  Hôm nay chúng tôi có thể vui mừng tuyên bố rằng, trên kệ sách của bạn đọc Việt Nam hiện nay có sự hiện diện các tác phẩm của tất cả bốn nhà văn và nhà thơ Ba Lan được giải Nobel: Henryk Sienkiewicz (1905), Wladyslaw Reymont (1924), Czeslaw Milosz (1980) và Wislawa Szymborska (1996). Chúng tôi sẽ còn tiếp tục nỗ lực làm việc để càng ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Ba Lan đến với người đọc Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Lê Bá Thự
.
.